main billboard

”Nắng mưa là chuyện của trời/ Dầm mưa giãi nắng là phận người dân đen.”


saigon hikich 1
Sài Gòn dù không mưa cũng ngập. (Hình Văn Lang/Người Việt)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nếu như truyền thông báo chí quốc doanh ở Việt Nam trước kia thường ca ngợi Sài Gòn, cũng như toàn xứ Việt Nam là một… “đại công trường” thì bấy lâu nay, người dân Sài Gòn lại thấy xứ mình đúng là nơi “diễn” vở bi hài kịch, mà lại diễn ra ngay trên đường phố giống như một sân khấu hí lộng cực lớn.

Đầu tiên, là đại công trình lọc nước thải sinh hoạt của thành phố, bên bờ kênh Thị Nghè. Nơi lúc đó, có hai con đường bên bờ kênh mới làm, khá đẹp, lại được đặt tên là Hoàng Sa và Trường Sa. Công trình này do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, gần 4 năm trời làm ì ạch, cuối cùng chẳng đâu vào với đâu. Ngoài việc tạo ra vô số chướng ngại vật, cũng như những cái hố chết người hai bên bờ kênh.

Báo chí eo xèo một thời, cho đến khi công trình “biến mất” không kèn, không trống. Cho tới nay, nhắc tới đại công trình này nhiều người dân ở Sài Gòn vẫn còn nhớ. Nhưng chẳng ai biết, phía nhà cầm quyền đã làm gì với phía nhà thầu Trung Quốc? Vụ “cứt trâu để lâu hóa bùn” này, chắc là một bí mật không nhỏ?

Sau vụ nhà máy lọc nước thải của thành phố không thành, thì vụ đại công trình thứ hai, được người dân Sài Gòn kỳ vọng nhiều, là vụ đặt cống hộp cho nhiều con đường lớn ở Sài Gòn. Hơn 5 năm trời, dân chúng chật vật đi lại trên những con đường bị đào đắp nham nhở. Nhưng ai cũng cắn răng chịu đựng, với hy vọng khi đại công trình cống hộp này mà xong, thì thành phố chẳng những đẹp về mỹ quan, mà còn không lo bị ngập nước nữa.

Cuối cùng thì công trình cống hộp cũng hoàn thành, dân chúng vừa thở phào thoát cảnh “lô-cốt” trên đường phố. Thì trận mưa đầu tiên ào xuống, dân ra đường coi, thì thấy thất vọng “toàn tập.” Vì cống hộp chẳng giúp thoát nước, mà thành phố còn ngập lênh láng hơn cả trước kia. Nhà cầm quyền giải thích, là do biến đổi khí hậu, triều cường đưa nước ngoài sông vô, nên cống hộp bị mất tác dụng.

saigon hikich 2
Công trình Metro ở Sài Gòn sẽ ngưng nếu như nhà cầm quyền không trả nợ nhà thầu Nhật 100 triệu Mỹ kim. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Người dân, cũng như giới chuyên môn không tin ở sự giải thích kiểu “chữa cháy” của nhà cầm quyền.

Họ cho rằng, do nhiều kênh rạch, cũng như hệ thống thoát nước thời trước, bị san lấp vô tội vạ để xây công trình “đè lấp” lên để mau kiếm tiền, là nguyên nhân toàn cảnh ngập thành phố.

Đi “tiên phong” cho sự san lấp này phải kể tới khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Mà một trong những “tội đồ”của nhà cầm quyền tiếp tay cho chủ đầu tư, từ lúc đó đã bị dư luận kêu tên là Nguyễn Hữu Tín, với chức danh phó chủ tịch thành phố. Hơn 20 năm sau, Tín mới bị “khóa tay,” đủ biết công lý ở Việt Nam như con rùa bị lật ngửa, ngoe nguẩy bốn cái chân mà biết đến bao giờ mới tiến gần tới sự thật?

Sau khi Sài Gòn đã bị “ngập toàn tập,” nhất là khi trời không mưa vẫn ngập. Thì lòng dân cũng cạn kiệt, họ không còn oán giận, cũng chẳng thiết tha hy vọng gì ở nhà cầm quyền. Đúng là:”Nắng mưa là chuyện của trời/ Dầm mưa giãi nắng là phận người dân đen.”

Khi cơn bão số 9 mới đây tràn qua thành phố. Mưa tầm tã hơn một ngày, một đêm cùng với triều cường, biến Sài Gòn thành một “đại hồ” mênh mông nước. Trong cơn mưa, một người bị cây đè chết trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, một thanh niên công nhân đi làm về, bị nước cuốn trôi xuống dòng kênh đen (thuộc quận Bình Tân) mất tích…

Chờ khi mưa tạnh, chúng tôi đi loanh quanh thành phố, tìm hiểu dư luận của dân chúng. Câu cửa miệng trả lời của người dân, chín người như một, là: “Thôi! Đừng có nhắc tới mấy ông nội này nữa!”

Ngoài chuyện bão lụt, phơi bày những nhếch nhác của một thành phố sau cơn mưa, đầy rác. Thì lòng dân càng thêm ngán ngẩm, khi báo chí trước đó đưa tin việc ông đại sứ Nhật Bản đã có văn bản gởi nhà cầm quyền Việt Nam, cũng như nhà cầm quyền ở Sài Gòn, là nếu không thanh toán khoản nợ 100 triệu Mỹ kim cho nhà thầu Nhật Bản, thì đầu Tháng Mười Hai này, nhà thầu sẽ ngưng làm (vô thời hạn) tuyến Metro Sài Gòn-Suối Tiên.

saigon hikich 3
Cảnh kẹt xe thường trực ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Điều đó đồng nghĩa khu “dowtown” đẹp nhất của Sài Gòn, kéo dài từ trước cổng chợ Bến Thành tới trước Nhà Hát Lớn Thành Phố, sẽ vẫn bị “lô-cốt” chiếm cứ. Dù công trình này đã kéo dài từ 2007 và năm ngoái (2017) phía Nhật đã cảnh báo sẽ ngừng thi công, nếu phía Việt Nam không chịu trả nợ.

Lúc đó, thủ tướng Cộng Sản Việt Nam, tuyên bố: “Việt Nam không thiếu tiền, chỉ thiếu cơ chế giải ngân.” Dân chúng nghe mà mừng “húm,” gì chứ có tiền là tốt rồi, cơ chế thì thay đổi hoặc sửa chữa, chậm thì vài ba tháng chắc cũng phải xong. Ai dè, hơn một năm rồi, bây giờ phía Nhật đã ra “tối hậu thư,” mà phía Việt Nam vẫn hát bài: “Tiền thì không thiếu, nhưng kẹt cái cơ chế.”

Dân Sài Gòn nghe trả lời mà như giỡn chơi, thì “điên cái đầu.”

Tương lai Metro Sài Gòn thì chắc là mù mịt rồi. Nhưng chưa hết!

Công trình chống ngập 10 ngàn tỷ đồng của Sài Gòn, thi công đã được mấy năm nay. Nhưng hơn nửa năm nay, nhà thầu Việt Nam tuyên bố ngưng thi công, vì nhà cầm quyền thành phố không có tiền trả nhà thầu, cũng không đưa ra được một giải pháp nào khả thi. Về phía trung ương thì tuyên bố, công trình 10 ngàn tỷ này Sài Gòn tự lo, vì trung ương đã ban cho Sài Gòn cơ chế “tự quyết” rồi.

Vậy mà trước đó, Hội Đồng Nhân Dân Sài Gòn thay vì tập trung vô việc dân oan ở Thủ Thiêm, lại họp ra nghị quyết về xây nhà hát giao hưởng trị giá 1,500 tỷ đồng trên ngay “bán đảo nước mắt” Thủ Thiêm.

Mấy “ông nghị” Cộng Sản, còn nói với báo chí rằng: “Đi nước ngoài, mới thấy thương dân Sài Gòn, thiệt thòi đến nỗi không có nổi… nhà hát giao hưởng.”

Dân oan Thủ Thiêm 20 năm sống cảnh màn trời chiếu đất. Vác đơn ra Hà Nội kiện, nức tiếng đến mức mà hình thành hẳn một xóm trọ của dân oan, mang tên “khu Thủ Thiêm.” Hay như, dân Sài Gòn bì bõm sau mỗi cơn mưa, ngập nước cống rãnh hôi thối thì không thấy mấy “ông nghị” thương, mà mấy ông nghị thương cho dân Sài Gòn, vì không có nhà hát giao hưởng. Mấy ông nghị Cộng Sản này, quả là biết giỡn chơi! (Văn Lang)