Tôi thường ngồi hồi tưởng lại tuổi thơ của mình chơi. Cả đời tôi chỉ có những năm thơ ấu là coi được được…
Nhiệt độ thời tiết thay đổi đột ngột như thân nhiệt của một người mang bệnh sốt rét. Mới sáng bữa trước trời còn lành lạnh và nhạt nắng; qua sớm bữa sau nắng đã chuyển màu vàng sậm và trời thì hâm hấp nóng. Tới trưa thì nóng như hun. Tôi mở cửa bước vào xe mà tưởng như mình bước chân vô cái lò bánh mì.
Người dân bản xứ bỏ giầy, bỏ vớ, bỏ luôn quần trong, áo ngoài; họ chỉ còn đeo lại vài mảnh vải nhỏ xíu trên người, đi lơn tơn ở ngoài phố, gặp nhau họ chào hỏi hớn hở và gật gù nhận xét thú vị “’The summer’s coming !” Mùa hè thiệt sao? Hè ở đâu mà tới một cái rào vậy kìa? Có cái gì đột ngột, mới mẻ quá khiến cho một thằng dân ti nạn khó tránh được đôi chút ngỡ ngàng.
Tự nhiên tôi nghĩ đến cảnh một anh chồng, sống vào Thời Thượng Cổ, có sáng thức dậy – trước khi cầm giáo mác đi vào rừng – đứng tần ngần nhìn quanh quất đất trời một lát rồi quay vào nhà lay vai vợ: “Nè em, bắt đầu từ sáng nay là bước qua Thời Trung Cổ rồi đó nha, dậy sớm một bữa đi để đón chào một thời đại mới!” Nghĩ chơi và nói cho vui vậy chứ chưa chắc bất cứ cái gì mới đều được đón chào. Đôi khi căn nguyên của sự khó chịu nằm ngay ở chỗ mới mẻ đó.
Tôi sinh trưởng trong một xã hội nông nghiệp. Tôi quen và ưa thích một nhịp sống chậm. Khi khổng khi không đời đẩy tôi vào đất lạ xứ người. Tôi trôi dạt đến những thành phố kỹ nghệ và đô thị hóa ở mức cao độ. Nơi đây sự mới mẻ có hoài hoài, mọi thay đổi đều đột ngột và nhanh chóng khiến tôi thấy mệt.
Mùa Hè xứ lạ không tới đơn thuần, giản dị với cái nhận xét: “The summer’s coming!” Nó tới cùng thì đủ thứ chuyện lôi thôi phiền phức khác. “Hàng mùa Đông bán ‘sale’ hà rầm!” Những món hàng được chụp hình mầu cẩn-thận, ghi giá biểu rõ ràng trên những tờ báo quảng cáo – không biết từ đâu – cứ rớt vô nhà đều đều. Bên cạnh hàng mùa Đông “sale” thắm thiết là y phục, giầy vớ và những đồ trang bị cần thiết cho mua Hè. Hàng mới thì không “sale” nhưng cũng “discount” dữ lắm !
Cái quần tắm giá thường tới bốn mười đồng; tự nhiên bớt còn có ba mươi đồng bạc. Không mua thiệt uổng hết sức. Cái áo choàng lông con gì đó, hồi mùa Đông bán tới ba trăm; bây giờ đại hạ giá còn có hai trăm. Hai trăm mỹ kim, sao rẻ rề và ít xịt hà!
Tôi thiệt là đang sống ở một thời đại và một nơi mà ai ai cũng có quá nhiều cơ hội để tằn tiện và tiết giảm sự chi tiêu. Vậy mà, không hiểu tại sao, ai cũng mang công, mắc nợ. Có lẽ người ta không nên sống theo nhịp “sale” của thị trường. Kẹt nỗi cuộc đời nơi đây bị mấy thằng chó đẻ nào đó “set” như vậy rồi. Sức người có hạn. Khó ai “reset” được những gì đã “set”. Do vậy, thiên hạ cứ theo đó mà sống dở và chết dở. Tôi cũng đang dở sống, dở chết như hàng bao nhiêu thằng cha và con mẹ ngu ngốc khác ở quanh mình.
Lâu lâu tôi cũng chợt – nhận ra rằng mình đang chết dần, chết mòn, chết lắng, chết thắm, chết dấm dúi và chết chắc ở nơi xa lạ này. Tôi cũng muốn phản kháng lắm nhưng không nổi. Tôi chỉ có được những phản ứng tiêu cực mà thôi.
Thỉnh thoảng tôi vẫn thường bỏ cái cuộc đời mình đang sống, con đường mình đang đi, nhẩy lên bờ lề ngồi. Tôi ngồi nghỉ một lát chớ không mệt tắc thở. Tôi thường ngồi hồi tưởng lại tuổi thơ của mình chơi. Cả đời tôi chỉ có những năm thơ ấu là coi được được…
Khi mà mùa hè bắt đầu ở nơi đây thì ở quê tôi mùa mưa đang đến, mưa đầu mùa. Mùa mưa có dế. Chao ơi, là dế! Tôi nhắc đến tên loại dế và những kỷ niệm ấu thơ của mình mà thấy bâng khuâng buồn nhớ như nghe có ai nhắc đến tên một người tình lỡ, vào thuở đầu đời.
Sau một buổi chiều mưa thành phố tôi ở thường tươi mát như vừa được tưới, sạch sẽ như mới được lau. Tay cầm một cái hộp giấy, chân bước mải mê dọc theo những cột đèn, chăm chú cúi đầu tìm kiếm. Thoáng thấy một cái chấm đen nho nhỏ đang di động là tim lại đập hụt đi một nhịp, khấp khởi mừng thầm, hồi hộp, hớn hở chạy nhào người tới: một con dế mái ! Thiệt là thất vọng não nề và những cú thất vọng kiểu này có đều đều trong một đêm. Phải chịu khó đi hỏi, đi suốt đêm thì may ra mới tìm được một hai con dế trống.
Mà được đi như vậy là may đó nha. Đâu phải chiều nào trời cũng mưa. Chiều không mưa là tối không có dế bay. Có đi dọc theo một triệu cái cột đèn thì cũng chả tìm được một chú dế nào. Một buổi chiều không mưa, giữa những ngày mưa đầu mùa, là một đêm vất vả cho những mái đầu xanh vô tội. Thế nào rồi cũng phải kiếm chuyện để xin mẹ cho bằng được một đồng, mua nến. Sau đó, làm bộ xuống bếp đứng sớ rớ chơi; đợi đúng lúc không ai để ý là chớp cái hộp quẹt bỏ túi rồi len lén biến ra khỏi nhà giữa lúc đêm thâu.
Nơi đến thường là một cái vườn rau, nếu gần nhà không có cái vườn rau thì đành phiêu lưu vào bất cứ một cái cánh đồng cỏ nào. Tới nơi rồi là phải lắng tai nghe ngóng cho đúng hướng, bước lần dò thật êm, thật nhẹ. Chỉ cần hơi mạnh chân là con dế mất dạy im bặt tiếng liền.
Lại phải ngồi xuống, ngồi yên một nơi, nín thở đợi chờ, chờ cho đến khi con dế tiếp tục phùng cánh gáy. Ước lượng khoảng cách, thẩm định vị trí xong, nhè nhẹ thắp nến lên, một thằng câm nến, một thằng quì nhào người xuống bụi cỏ, hai tay vạch bắt tìm kiếm May lắm thì mới lật được ngay chóc, bắt một cái dính liền, nếu không thì lại công toi !
Lỡ mà nhằm khi “gia đình có việc”. Bố mẹ khó khăn nghiêm khắc thấy rõ, đi đêm về là chắc chắn ăn đòn chứ chả có dọa dẫm lôi thôi gì cả. Kẹt vậy thì tôi đành phải bắt dế ban ngày – vô vọng hơn nhiều. Ban ngày dế ít khi gáy lắm. Tha thẩn hết gò này sang đồi khác, gặp cục đá bự nào cũng ráng lật, thấy bất cứ cái gì có thể che được một con dế đều bới ra, và năm thì mười họa tôi mới thấy được một con dế thiệt. Không có gì vất vả bằng đào bắt dế hàng.
Đất mềm thì cuốc. Cuốc ấm ớ đụng đâu cuốc đó thì chỉ toàn thấy đất. Cuốc lạng quạng thì đứt đầu con dế như không. Đất cứng thì chỉ có mỗi một cách chơi, đổ nước xuống hang. Hai ba thằng mở nút quần, thi nhau đái, đái hết, đái hết nước cũng chưa chắc đã ăn thua. Thường thì thế nào cũng phải chạy đôn chạy đáo tìm cho được năm mười lon sữa bò nước nữa đổ cho ngập miệng hang mới được. Tới đây rồi thì rắn cũng phải bò ra chứ đừng nói chi là dế.
Và đây cũng là lúc phiền hà. Cũng như cái chuyện người lớn làm cách mạng, trẻ con đi bắt dể phải tuyệt đối thân và tin nhau. Mọi giao hẹn chia chác đều phải phân định trước một cách rõ ràng. Nếu không thì lại xẩy ra chuyện oa xịt thằng này, nghỉ chơi thằng nọ, thanh trừng hàng ngũ hoài hoài.
Nhiều thằng nhiều con thấy dế là tối cha nó mắt lại. Thế là dành giựt, mẻ đầu, u trán tùm lum. Một con dế bắt được tại hang quí lắm chớ chơi sao. Chụp giựt lạng quạng nó còn có một giò thì có mà tiếc ngẩn người. Khi đã chụp dính con dế về phần mình rồi, hé hé ra coi, chi cần thấy nó đứt mẹ một cái râu là tôi cũng cảm thấy muốn đứt ruột.
Để có một con dế thực sự ngon lành thì điều kiện tiên quyết là phải cồ, giò cẳng chửng chạc, râu mắt, râu mép còn nguyên. Mùa dế chắc chắn sẽ sinh động và đầy đủ hơn nhiều khi sở hữu một con dế có đủ những tiêu chuẩn vừa kể.
Có vô số việc phải chăm lo và chăm lo một cách say mê thích thú. Trước hết là hộp đựng. Cái hộp bánh LU thấy thì tuyệt đẹp nhưng mà sợ là dế không thích lạnh. Hộp “fromage con bò cười” thì được quá, nhưng nếu có cái hộp “calcium corbière” thì được hơn nhiều. Rộng rãi và thoáng mát, nơi ẩn trú lý tưởng cho loài dế. Bên trên đục chừng mươi, mười lắm lỗ cho dế thở. Ở dưới rải một lớp đất mỏng cho có hơi đất.
Tất nhiên là thằng nào ngu lắm mới quên cho vào đó một hai cọng giá hay một cuống xà lách thật non và thật tươi. Đừng có cho dế ăn cơm, bụng nó sẽ dài ra và mau biến thành sâu rọm!
Một mùa hè mà bắt được chừng hai ba trự dế nhứt xóm thì sách vở coi như là tôi vứt. Có ráng tới trường thì chỉ là để chờ giờ ra chơi. Đá dế. Đá cho nó đã. Đá dế phục thù. Thù hằn có đâu từ mùa dế trước khi mà mình không có cái may mắn bắt được một con dế ngon lành như hiện tại.
Mỗi đêm trước khi đi vào giấc ngủ, hồi tưởng lại những pha gay cấn nhất trong ngày mà còn thấy đã. Con dế mình càng rộng, đi sát đất, thúc mạnh, nghiến dai, quay mình lẹ như chớp. Bảnh cỡ đó lấy cái gì ra mà không ăn con nhà người ta. Sáng sớm thức dậy đã nghe tiếng gáy vang dưới chân giường. Lại một ngày hạnh phúc nữa.
Hạnh phúc ở đâu ra mà dễ dàng và lảng xẹt vậy trời. Mà có liền liền nữa chớ. Năm nào mà không có mùa dế. Năm nào mà thiếu mùa nuôi chim nuôi cá. Thiệt là quanh năm ăn chơi mệt nghỉ.
Phải chi người ta nhỏ hoài thì đâu có ai ngán cái kiếp người. Nhưng mà đâu có ai “nhỏ” hoài được. Tự nhiên là con người cứ lớn ào ào dù chắc thiệt tình là không ai thích. Và khi đã lớn là tuổi thơ giã từ cuộc đời. Tuổi thơ ra đi mang theo hết cả dế, chim, diều, cá và hàng ngàn thứ đồ chơi tuyệt vời khác.
Tôi đi một cái rột từ tuổi thơ đến tuổi già. Tôi không có tuổi trẻ nên không biết cái tuổi trẻ đầy đủ trọn vẹn an bình – thực tình – nó ra sao ? Tuổi trẻ của tôi và những thằng như tôi chỉ có những phản ứng hóa học trừu tượng; những công thức toán khô khan mà chúng tôi phải ráng nuốt sống để đi thi. Sau đó là những ngày quân trường đổ mồ hôi, chiến trường lai láng máu. Giữa những khoảng thời gian khó sống này là những khoảng trống nằm thoi thóp trong những căn phòng ngủ rẻ tiền với rượu, với cần sa, ma túy và gái điếm rồi cái thứ tuổi trẻ xa lạ này chấm dứt trong một trại tù binh!
Trại tù binh hay trại cải tạo thì thôi hết nói. Ở đây thì không có tuổi cũng không có tên. Tên tuổi làm gì ở một nơi mà người ta cố ép con người thành những con vật đói. Hú vía là tôi đã chạy thoát khỏi nơi đó. Rồi tưởng sao? Bây giờ thì tôi sa lầy nơi góc bể chân trời. Cái vũng lầy này coi bộ không dễ dẫy và không dễ thoát. Phần đời còn lại chắc cũng cầm bằng như nước chảy hoa trôi. Thôi, kệ mẹ nó muốn tới đâu thì tới. Thiệt uổng là đời người chỉ cuốn tới chứ không có cái vụ de lui; nếu không, tôi đã trở lại quãng đời thơ ấu của mình rồi.
Tuổi thơ – trời ơi – tôi biết tìm nó ở đâu bây giờ. Những con dế ấu thời thì lại càng biệt vô âm tín. Sống ở một thành phố kỹ nghệ nhìn đâu đâu cũng toàn thấy nhựa đường và ciment thì tìm đâu cho ra con dế. Ráng lắm thì cũng chỉ thấy được con dán mà thôi. Mà dán – nói thiệt – hồi nhỏ tới giờ tôi không hề giao du với cái con vật kỳ cục này. Nó làm phiền người ta chết mẹ.
Thôi cũng đành. Adieu con dế!
1984