main billboard

Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.


kim un trump
Kim Jong Un và Donald Trump

Thứ Sáu tuần tới, tổng thống Nam Hàn sẽ gặp chủ tịch Bắc Hàn trong vùng phi quân sự. Cuộc gặp gỡ sẽ chỉ có tính cách tượng trưng kết thúc với những lời hứa hẹn; khó đưa tới kết quả nào cụ thể. Ông Moon Jae-in không thể ký kết với ông Kim Jong Un điều gì quan trọng, vì phải nhường quyền quyết định cho tổng thống Mỹ khi ông Donald Trump gặp Kim vào tháng tới.

Nhưng Tổng Thống Trump sẽ quyết định những gì khi gặp Kim Jong Un?

Không đoán trước được. Vì Kim và Trump đều khó đoán như nhau.

Điều mà người ta lo ngại là ông tổng thống Mỹ sẽ nhượng bộ nhà độc tài trẻ tuổi ở Bắc Hàn trước khi được đáp lại với hành động cụ thể.

Trước hết, Kim Jong Un muốn gì khi ngỏ ý muốn gặp Donald Trump?

Mục đích quan trọng nhất, là hai người gặp mặt. Được điều đó đã là quý rồi.

Hơn nửa thế kỷ, từ ông nội đến thân phụ của Kim Jong Un vẫn muốn được ngồi ngang hàng với người cầm đầu chính phủ Mỹ. Khi ông Trump đồng ý, Un đã đạt một thắng lợi. Có thể coi đó là một món quà Donald Trump tặng cho Kim Jong Un, mà không đòi đáp ứng.

Được lời như cởi tấm lòng, bây giờ Kim Jong Un có thể nói bất cứ điều gì để Donald Trump không rút lại, từ chối cuộc họp mặt. Cho nên Kim Jong Un đã tuyên bố sẽ ngưng các cuộc thí nghiệm bom và hỏa tiễn, để Trump có thể coi đó là một thắng lợi “chưa vị tổng thống Mỹ nào đạt được.”

Kim cũng biết dùng tổng thống Nam Hàn làm trung gian giới thiệu những “thiện chí” của mình. Ông Moon Jae-in nói cho cả thế giới biết rằng Kim Jong Un sẵn sàng “giải giới vũ khí hạch tâm” (denuclearization) mà không hề đặt điều kiện đòi quân Mỹ phải rút khỏi Nam Hàn.

Tổng Thống Trump càng hài lòng hơn. Ông Trump còn vui vẻ khoe với thủ tướng Nhật, và dân chúng Mỹ, rằng đặc sứ của mình là ông Mike Pompeo “nói chuyện rất thân thiện” (got along really well) với Kim Jong Un! Mike Pompeo đang là giám đốc Trung Ương Tình Báo (CIA) và sắp nhậm chức ngoại trưởng, được ông Trump cử bí mật đi gặp họ Kim, chắc tại thủ đô Bắc Hàn. Ông Pompeo có thể cũng báo cáo với vị tổng thống của mình đúng những điều mà tổng thống Nam Hàn tiết lộ.

Tóm lại, trong “hiệp đầu” cuộc thương thuyết Trump-Kim, Un sẽ đạt được một điều cụ thể: Ngồi nói chuyện với một tổng thống Mỹ. Đáp lại, Un đã tặng cho Trump những lời hứa hẹn ngọt ngào.

Kim Jong Un có thể làm một việc cụ thể, là “ngưng” thí nghiệm vũ khí hạch tâm hoặc hỏa tiễn tầm xa có thể bắn tới Mỹ. Ngưng, nghĩa là khi nào cần thì vẫn làm lại được. Trong khi “ngưng thí nghiệm” thì Bắc Hàn vẫn có thể tiếp tục sản xuất thêm đưa vào kho các vũ khí đã thử rồi, và vẫn tiếp tục nghiên cứu vũ khí mới, mạnh hơn, sau này sẽ đem thử! Ông bố của Un đã từng làm việc đó để trao đổi với các vị tổng thống Mỹ trước.

Kim Jung Un tuyên bố ngưng thí nghiệm bom với hỏa tiễn và, hơn nữa, ngưng sử dụng căn cứ ở núi Punggye-ri là nơi xưa nay vẫn sử dụng để thí nghiệm bom hạch tâm, nói cách khác, xóa bỏ một hạ tầng cơ sở bom hạch tâm. Khi mới nhìn, đây là một “nhượng bộ” rất lớn. Nhưng từ hơn một năm nay mọi người biết rằng rặng núi ở Punngye-ri đang bị đe dọa sẽ rạn nứt sau khi Bắc Hàn dùng quá nhiều lần để thử những thứ bom ngày càng mạnh hơn. Ngọn núi có thể sập đổ nếu tiếp tục thí nghiệm bom. Nếu chưa sập thì cũng có thể rò rỉ, báo động chất phóng xạ lan ra ngoài. Nếu Kim Jong Un lo lắng cho tình trạng sức khỏe của vợ con mình, thì chắc sẽ phải đóng cửa những căn hầm ở Punggie-ri!

Đến lúc chúng ta phải nhắc nhở ông Trump lời khuyên của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.

Bây giờ thử tưởng tượng hiệp thứ hai sẽ diễn ra thế nào.

Tổng Thống Trump đã nói rằng ông đồng ý trong tuần tới hai ông Kim Jong Un và Moon Jae-in khi gặp nhau có thể bàn về một hiệp ước hòa bình. Sau khi đó, ông Moon Jae-in có thể báo tin hai bên sẽ ký kết một thỏa ước hòa bình, chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Nam Bắc, thay thế hiệp định đình chiến năm 1953. Họ có thể cho tái lập ngay tức khắc công việc giao thương và các cuộc gặp gỡ của những gia đình phân ly từ khi đất nước chia cắt.

Ông Moon đang được dân chúng Nam Hàn hoan hô, vì đây là ước vọng lớn của họ. Trên các mạng xã hội, người ta khen ông Moon là vị “tổng thống giỏi nhất” từ xưa tới nay! Giá cổ phần các công ty xây dựng và đường xe lửa tăng lên ngay lập tức, trước viễn tượng hai miền sẽ giao thương! Hy vọng được tái cử của ông Moon sẽ lên cao. Kim Jong Un chắc chắn cũng muốn có một hiệp ước như vậy, để bảo đảm ngai vàng của họ Kim.

Năm 1953, Nam Hàn không dự phần ký kết thỏa hiệp ngưng bắn. Lúc đó chỉ có ba chữ ký, của Trung Cộng, Bắc Hàn và Liên Hiệp Quốc do Mỹ làm đại diện. Nếu bây giờ muốn ký một hiệp ước hòa bình chính thức, thì phải được cả hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump chấp thuận. Ông Tập chắc sẽ vui vẻ tái lập vai trò trọng tài của nước mình trên bán đảo Cao Ly, trước khi Kim Jong Un có thể qua mặt, chơi trực tiếp với Mỹ. Nhưng làm cách nào để có chữ ký của Donald Trump?

Kim Jong Un có thể “nhượng bộ tối đa” khi gặp tổng thống Mỹ. Như lời ông Moon thuật lại, Kim Jong Un không nói gì tới vụ đòi 28,000 quân Mỹ phải rút khỏi Nam Hàn. Kim chỉ yêu cầu được “bảo đảm an ninh” và “chấm dứt chính sách thù nghịch.”

Ký một hiệp ước hòa bình, chấm dứt một cuộc chiến đã “tạm ngưng” từ 65 năm trước, mà chỉ cần hai điều kiện là bảo đảm an ninh” và “chấm dứt chính sách thù nghịch” với đối phương; có ai nỡ lòng từ chối hay không? Nếu từ chối, có lo bị cả thế giới kết án là hiếu chiến hay không?

Để đổi lại, Kim Jong Un có thể cam kết sẽ “giải giới các vũ khí hạch tâm” (denuclearization) và phá bỏ những hỏa tiễn tầm xa có thể bay sang nước Mỹ, nếu Mỹ đáp ứng cụ thể.

Ông Donald Trump có thể chấp thuận một bản hiệp ước hòa bình với nội dung như vậy, mặc dù nghe còn rất mơ hồ.

Mơ hồ, vì Trump và Kim có thể hiểu những chữ “hostile policy” (chính sách thù nghịch) và “denuclearization” (giải giới bom hạch tâm) theo cách khác nhau.

Năm 2011, sau khi Kim Jong Un lên ngôi, Bắc Hàn đã công bố lời yêu cầu Mỹ “chấm dứt chính sách thù nghịch.” Và họ giải thích: chấm dứt phong tỏa kinh tế, công nhận chế độ Cộng Sản Bắc Hàn, ký hiệp ước hòa bình, và rút quân Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên. Họ còn đòi tất cả các điều kiện đó hay không?

Bộ tham mưu của Tòa Bạch Ốc sẽ yêu cầu phải xác định rõ những chữ “giải giới vũ khí hạch tâm” nghĩa là gì? Việc “bảo đảm an ninh” cho Bắc Hàn và “chấm dứt chính sách thù nghịch” với Bắc Hàn nghĩa là gì?

Riêng việc thảo luận cho rõ nghĩa những chữ trên đây cũng có thể kéo dài hằng năm, hoặc nhiều năm.

Điều Tổng Thống Trump phải quyết định là: Hai bên sẽ chỉ ký một hiệp ước hòa bình sau khi các khái niệm trên được giả thích cặn kẽ chi ly hay không? Hay là hãy cứ ký một hiệp ước mơ hồ như vậy, rồi tiếp tục cuộc đàm phán chi tiết sau, kéo dài bao lâu cũng được?

Giữa hai đường đó, các ông Donald Trump và Moon Jae-in sẽ chọn con đường nào? Ký trước, bàn sau? Hay là bàn xong mới ký?

Dù họ chọn đi đường nào chăng nữa, thì Kim Jong Un cũng thỏa mãn. Vì đây là lần đầu tiên chế độ chuyên chế của họ Kim được chính thức công nhận đứng ngang vai với Mỹ và Trung Cộng, ngồi bàn những chuyện đứng đắn, những đại sự ảnh hưởng tới cả loài người! Thử tưởng tượng, trước đây một năm, hay sáu tháng, cả thế giới vẫn coi Kim Jong Un như một tên hề nắm bom nguyên tử trong tay, chỉ là một tên hung đồ mặt bụ bẫm như con nít, chuyên phá làng phá xóm để ai cũng phải chú ý đến mình!

Kim Jong Un có thể chấp nhận nhượng bộ tối đa để cho ông Trump hài lòng, miễn là Mỹ tiếp tục ngồi xuống bàn chuyện “hòa bình” với Bắc Hàn. Nhưng các nhượng bộ này phần lớn sẽ chỉ bao gồm những lời hứa hẹn. Tất cả các chi tiết trong việc thi hành sẽ được thảo luận sau, không biết bao giờ mới xong.

Trong khi hai bên tiếp tục thương thuyết, Kim Jong Un sẽ yêu cầu bãi bỏ các lệnh cấm vận kinh tế của Liên Hiệp Quốc; để đổi lại Bắc Hàn sẽ ngưng thí nghiệm bom nguyên tử và hỏa tiễn.

Nếu Mỹ và Nam Hàn chấp nhận trao đổi như vậy, Kim Jong Un sẽ thắng một hiệp nữa. Vì họ Kim sẽ được hưởng những mối lợi kinh tế cụ thể, trong khi Mỹ và Nam Hàn sẽ chỉ nhận được các lời hứa! Muốn tỏ thêm thiện chí, Bắc Hàn có thể tháo gỡ một số hỏa tiễn tầm bắn xa. Ông Trump có thể tuýt cho dân Mỹ biết ông đã giúp nước Mỹ tránh mối đe dọa bị bom hạch tâm tấn công.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe, ông Trump mới nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục việc cấm vận Bắc Hàn cho tới khi nào họ Kim chịu giải giới bom hạch tâm.

Ông Shinzo Abe nhắc nhở: Dù Kim Jong Un đồng ý ngồi xuống nói chuyện, Mỹ cũng không nên “tưởng thưởng” ngay mà phải giữ các biện pháp trừng phạt “ở mức tối đa!”

Hai ông này chắc có nghe lời khuyên của ông Nguyễn Văn Thiệu! (Ngô Nhân Dụng)

    Facebook14