Và đã nói đến tâm lý thì cho dù bạn có hàng trăm, hàng ngàn dữ kiện chứng minh là cuộc sống ở nursing home sẽ tốt hơn, hơn hẳn ở nhà với con cháu thì nó cũng sẽ không thể nào làm vơi đi cảm giác tủi thân của các cụ.
Viện dưỡng lão. Nursing home. Có thể nói đây là hai từ mà chúng ta sau này rất thường nghe trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hay nói chính xác hơn là trong các mục tấu hài của Quang Minh/Hồng Ðào hoặc Lê Tín/Kiều Oanh mà phần lớn đều nhắc đến những khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống của những người lớn tuổi ở hải ngoại. Nursing home đã nghiễm nhiên trở thành một biểu tượng cho sự cô đơn, lạc lõng của các bậc cha mẹ nay đã già và không còn ai trong gia đình sẵn lòng chăm sóc. Ðể cuối cùng đành phải vào nursing home sống nốt cuộc đời còn lại trong buồn tủi.
Ảnh minh họa
Hôm tôi vào thăm khu viện dưỡng lão Mekong ở Melbourne, có thể nói phảng phất quanh tôi và trên một phương diện nào đó, nó cũng làm cho tôi có suy nghĩ này. Nhất là khi tôi phải chạm mặt với thực tế, thấy hàng chục cụ già, người ngồi ngủ gật trên xe lăn, ông đăm chiêu suy nghĩ, bà không còn biết tự ăn, tự uống cho mình. Nó thật sự là một bức tranh ảm đạm về sự sống và cái chết. Về tuổi già và những hệ lụy mà ai rồi cũng sẽ phải trải qua. Có khác chăng chỉ ở mức độ, hoặc sớm hay muộn. Chứ chẳng ai sẽ thoát khỏi cảnh “sinh, lão, bệnh, tử”.
Ít khi tôi vào nhà thương. Và cũng lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại thăm một khu viện dưỡng lão. Thế nhưng không lần nào nó không làm cho tôi suy nghĩ về sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời này. Và tự hỏi trong tương lai, chính tôi có sẵn sàng vui vẻ vào đây để sống nốt cuộc đời còn lại hay không?
Không như những khu viện dưỡng lão khác ở Mỹ mà tôi đã từng có dịp ghé qua, viện dưỡng lão Mekong là nursing home đầu tiên và duy nhất ở Úc (và nghe đâu cũng là duy nhất trên toàn thế giới) dành cho người Việt và được điều hành bởi chính người Việt. Hôm sáng tôi vào thăm, ngoài các nhân viên văn phòng, y tá đều là người Việt, tôi còn được cho thấy những menu ăn sáng, trưa, tối đều có các món ăn Việt Nam chính cống.
Chỉ riêng menu breakfast của ngày 4 Tháng Ba hôm tôi vào thăm đã có đến 5 món đó là: Bánh mì chả trứng, oats hoặc xôi, cháo, hủ tiếu và mì hoặc miến. Nước uống thì có thêm sữa, hoặc sữa đậu nành, hoặc cà phê sữa. Thú thật chưa chắc là ở nhà có con cháu đầy đàn mà các cụ sẽ được chăm sóc kỹ đến độ này. Ðấy là tôi chưa nói đến những kỹ năng chuyên môn cần thiết hay các phương tiện chăm sóc y tế hiện đại sẵn sàng 24 tiếng mỗi ngày dành cho các cụ hiện không còn thể tự chăm sóc cho mình mà ở nhà không bao giờ có được. Nhất là đối với những người nay đã bị tật nguyền, tàn phế, hoặc có thể dễ dàng bị té, bị thương.
Thế thì tại sao tôi lại có thể nghĩ vẩn nghĩ vơ, nghĩ một cách tiêu cực về nursing home và quãng đời còn lại của những người già mà không sớm thì muộn tôi cũng sẽ trở thành một thành viên bất đắc dĩ?
Tôi nghĩ thứ nhất đơn giản bởi vì nó liên quan đến tuổi già. Mà đã nói đến tuổi già là phải nhắc đến bệnh tật. Không chỉ ở nursing home, tôi nghĩ ít có ai vào nhà thương mà không cảm thấy chạnh lòng cho người thân của mình, cho những bệnh nhân đang nằm bên cạnh. Họ rên khi bị đau. Mỗi hơi thở đều nặng nhọc. Tất cả đem lại cho chúng ta một cảm giác không thoải mái và thể như chúng ta không còn một sự lựa chọn nào khác ngoại trừ phải chấp nhận thực tế trước mắt.
Thứ hai, tôi nghĩ đó là vì chúng ta thấy cùng một lúc nhiều cụ già khác nhau với biết bao bệnh tật, đau đớn của mỗi người. Khác với ở Việt Nam nơi phần lớn người già chung sống với con cháu nên ít khi chúng ta thấy được cảnh người nào cũng cần giúp đỡ, ai cũng có bệnh. Nếu có thống kê về tình trạng chăm sóc người già ở Việt Nam, tôi e rằng chưa chắc mức độ chịu đựng hay “suffering” của các cụ sẽ ít hơn ở Úc. Hay ở các nước Âu, Mỹ.
Nhưng thứ ba và tôi nghĩ đây cũng là điều quan trọng nhất đó là: Tâm lý. Và đã nói đến tâm lý thì cho dù bạn có hàng trăm, hàng ngàn dữ kiện chứng minh là cuộc sống ở nursing home sẽ tốt hơn, hơn hẳn ở nhà với con cháu thì nó cũng sẽ không thể nào làm vơi đi cảm giác tủi thân của các cụ. Không như văn hóa và tư tưởng tự lập, tự cường từ lúc còn nhỏ của những người lớn lên ở các nước Tây phương, tôi nhận thấy ít có người Việt lớn tuổi nào thích sống riêng biệt, tự lo cho mình và hoàn toàn cảm thấy thỏa mãn, hãnh diện là mình được sống tự do, thoải mái trong đơn độc.
Và đó cũng là lý do tại sao cho đến bây giờ tâm lý của chính tôi vẫn còn dùng dằng, lấn cấn. Chính tôi cũng chẳng biết nếu được hỏi, tôi sẽ vui lòng tự vào viện dưỡng lão, hay hoàn toàn thỏa mãn cho người thân của mình vào hay không.
Thế còn bạn thì sao?