Thái độ “ngoan ngoãn” của Anh, Úc và Nhật có thể làm ông Trump nghĩ rằng việc đôi khi làm nhục các đồng minh thân cận này là một chuyện không gây hại gì. Thế nhưng nếu ông nghĩ vậy thì rất là sai lầm.
Rất nhiều nước trên thế giới trông cậy vào sự bảo vệ và lãnh đạo của Hoa Kỳ. Nhưng “chú Sam” mà mọi nguời đều tin tưởng có vẻ đã làm một chuyến đi nghỉ lâu dài và người anh em đối nghịch, “cậu Donald” nay đã đến ở trong Tòa Bạch Ốc.
Hậu quả là một tình trạng bối rối và đặt lại vấn đề tại một số những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Ba quốc gia Anh, Úc, và Nhật là những bằng chứng vế vấn đề này.
Cả ba đều tự hào về quan hệ chặt chẽ của họ đối với Hoa Kỳ. Cả ba đều được lãnh đạo vào lúc này bởi những chính đảng trung hữu, một điều bình thường sẽ dẫn đến những quan hệ tốt với một vị tổng thống Cộng Hòa tại Mỹ.
Thế nhưng cả ba đều thấy thủ tướng của họ bị làm nhục hay đặt vào một tình trạng cực kỳ khó xử bởi Tổng Thống Trump. Thí dụ mới nhất là với Anh khi ông Trump “tweet” lại một loạt ba video chống Hồi Giáo của một tổ chức cực hữu tại Anh.
Hậu quả là một cuộc cãi vã bẩn thỉu, chưa từng có và hoàn toàn không cần thiết giữa ông tổng thống Mỹ và bà thủ tướng Anh. Chuyến công du bị hoãn nhiều lần của ông Trump đến nước Anh nay bắt đầu mờ dần vào trong một tương lai xa không biết đến bao giờ.
Thế nhưng bà Theresa May còn chưa đi đến mức cãi nhau tay đôi như là ông Malcolm Turnbull, thủ tướng Úc. Cú điện thoại đầu tiên mà ông Turnbull gọi ông Trump trở thành môt cuộc cãi vã khi ông Turnbull yêu cầu ông Trump thực hiện một thỏa thuận giữa Mỹ và Úc về việc định cư những người tị nạn.
Còn ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật thì đã khéo léo tránh được những cuộc đụng độ làm mất mặt cả hai bên, nhưng có một sự thân mật đánh golf nào có thể che giấu được sự kiện rằng việc ông Trump lên làm tổng thống là một tai họa cho chính phủ Abe.
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông tổng thống mới của Mỹ đã xé bỏ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, một thỏa hiệp mậu dịch đa quốc mà ông Abe đặt làm trung tâm của chính sách kinh tế và an ninh của Nhật.
Bất chấp những hạ nhục mà họ phải chịu, các chính phủ Anh, Úc và Nhật đều phải cố gắng cắn răng và tìm cách làm chiều lòng “cậu Donald.” Cả ba đều phải đối phó với những thách thức khiến họ cần phải trông cậy vào Hoa Kỳ, ít nhất là trong lúc này.
Sự nổi lên của Trung Quốc đã khiến cho cả Úc lẫn Nhật đều muốn củng cố thêm sự hiện diện của Mỹ tại vùng Tây Thái Bình Dương, còn Anh thì đang phải vật lộn với vấn đề Brexit và hy vọng ký được một hiệp định thương mại với Mỹ.
Thành ra họ đều đặt hy vọng rằng các cố vấn của “cậu Donald” sẽ làm sao giữ cho nước Mỹ tiếp tục đi theo quỹ đạo cho đến khi “chú Sam” đáng tin cậy trở lại.
Thái độ “ngoan ngoãn” của Anh, Úc và Nhật có thể làm ông Trump nghĩ rằng việc đôi khi làm nhục các đồng minh thân cận này là một chuyện không gây hại gì. Thế nhưng nếu ông nghĩ vậy thì rất là sai lầm.
Tuy rằng các chính sách chính thức của chính phủ không có thay đổi, nhưng tại cả Anh, Úc và Nhật đều đang có những cuộc tranh luận công khai về quan hệ của họ với Mỹ báo hiệu khả năng có những thay đổi lớn trong tương lai. Một số những nhân vật có uy tín tại Úc đã biện luận rằng việc dựa chính sách đối ngoại của Úc hoàn toàn vào một liên minh với Hoa Kỳ không phải là một lựa chọn ổn định trong tương lai dài.
Hugh White, một nhà ngọai giao cao cấp, nay trở về dạy học, cho rằng việc ông Trump lên làm tổng thống đã là một đòn khổng lồ đánh vào liên minh truyền thống giữa Úc và Mỹ.
Ông Turnbull, thủ tuớng Úc, đã tuyên bố Úc sẽ tham gia vào một cuộc chiến tại bán đảo Triều Tiên “nếu có một cuộc tấn công vào Hoa Kỳ.” Nhưng các quan chức Úc cũng cảnh cáo rằng tình hình có thể khác đi nếu cuộc chiến này được phát động bởi một cú phủ đầu của Hoa Kỳ. Trong trường hợp này, Úc có thể không tham chiến, cắt đứt một truyền thống có từ hai cuộc thế chiến, chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam và Iraq.
Cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên cùng tính chất không thống nhất của chính quyền Trump cũng làm cho người Nhật đặt lại vấn đề liên minh với Mỹ. Ông Abe thì nhất quyết đi sát với Mỹ, nhưng chỉ có 24% người Nhật nói rằng họ tin tuởng là ông Trump sẽ “làm những gì cần phải làm” trong các cuộc khủng hoảng quốc tế trái với 78% tin tưởng như vậy vào ông Obama.
Sự sụp đổ như vậy trong niềm tin vào sự lãnh đạo của Mỹ có nghĩa là những điều mà trước kia bị coi là “taboo – cấm kỵ” nay đã xuất hiện trở lại trong các cuộc tranh luận công khai tại Nhật, với cánh tả thúc đẩy cho việc sáp lại gần với Trung Quốc trong lúc cánh hữu thúc đẩy tái vũ trang nhanh hơn.
Còn tại Anh, tuy rằng những quan hệ với Mỹ lâu đời và bao quát tất cả các vấn đề an ninh, tình báo và cả hạch nhân, nhưng Brexit đã cho thấy dân chúng Anh có thể sẵn sàng xét đến những thay đổi trong chính sách mà trước đó người ta không thể nghĩ đến. Ông Jeremy Corbin, lãnh tụ đối lập tại Anh, có một thành tích chống Mỹ lâu dài và nay có thể thấy dân chúng Anh bắt đầu chia sẻ những nghi ngờ của ông về Washington.
Với sự khinh thị cố hữu đối với những nước đồng minh của mình, ông Trump có thể không coi những quan điểm của Anh, Úc và Nhật vào đâu cả. Nhưng hệ thống liên minh của Mỹ – thỏa hiệp hợp tác an ninh Mỹ, Nhật, NATO và thỏa hiệp Anzus là những nền móng của sức mạnh toàn cầu của Hoa Kỳ. Nếu các liên minh này để cho tan biến đi, thì sức mạnh toàn cầu của Mỹ cũng sụp đổ theo. (Lê Mạnh Hùng)