“Sau cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, ai cũng thấy tầm ảnh hưởng thật quan trọng của lá phiếu mà tập thể Latino đang có”
Từ khuya Thứ Hai, chuyện đã gây ồn ào ở thủ đô Washington D.C.
Lý do: Thượng Nghị Sĩ Rand Paul, người được dự đoán sẽ tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2016, sẽ chính thức thông báo ủng hộ sửa đồi luật di trú, chấp thuận cả điều khoản cho người đang cư ngụ bất hợp pháp ở Hoa Kỳ trở thành công dân Mỹ trong tương lai. Một tuần trước đó khi gặp gỡ với các Dân Biểu Cộng Hòa, Tổng Thống Barack Obama còn nói kỹ hơn, cho hay “chỉ ký ban hành luật di trú” với điều kiện đạo luật phải có điều khoản cho người đang cư ngụ bất hợp pháp trở thành công dân Hoa Kỳ.
Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Cộng Hoà-Kentucky). (Hình: Alex Wong/Getty Images)
Cả quyết định của ông Ron Paul lẫn lời tuyên bố của Tổng Thống Barack Obama đều khiến giới lãnh đạo chính trị Cộng Hòa bực mình. Ngay sau cuộc họp với ông Obama, một viên chức thuộc Văn Phòng Chủ Tịch Hạ Viện nói với báo chí rằng “không thể chấp nhận cho những người cố tình phạm pháp khi trốn vào Mỹ lại trở thành công dân Mỹ”. Mặc dù Tòa Bạch Ốc sau đó nói rõ “tiến trình cho 11 triệu người cư trú bất hợp pháp trở thành công dân sẽ phải đi qua nhiều giai đoạn khác nhau” nhưng vẫn chưa làm an tâm phe đối lập. Dân biểu Cộng Hòa kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện Bob Goodlatte còn nói “phải từ từ, đừng vội vã quá” trước áp lực đến từ hành pháp. Một nhân viên của Ủy Ban dự đoán từ bây giờ cho đến đầu mùa hè “sẽ có ít nhất 4 hoặc 5 buổi điều trần để nghe dư luận ủng hộ, chống đối ra sao” trước khi bàn đến chuyện bao giờ sẽ đưa dự luật cải tổ di trú ra thảo luận trước diễn đàn.
Hành pháp Dân Chủ và lập pháp Cộng Hòa dằng co về chuyện này, nhưng ở cấp tiểu bang hầu mọi người chỉ nghĩ đến chuyện thực tế hơn: có nên áp dụng luật phạt thật nặng những người bị bắt vì không có giấy tờ cư trú hợp pháp như tiểu bang Arizona đã thông qua hồi 2011, hoặc cho phép người cư trú bất hợp pháp được quyền có bằng lái xe như tiểu bang Illinois đang làm, hay cho sinh viên cứ trú bất hợp pháp được hưởng quy chế đóng học phí với giá dành cho sinh viên “in state” như tiểu bang Colorado đang áp dụng.
“Sau cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, ai cũng thấy tầm ảnh hưởng thật quan trọng của lá phiếu mà tập thể Latino đang có”, ông Arturo Vargas hiện đang điều hành Hiệp Hội Dân Cử Latino Và Các Viên Chức Được Chính Quyền Bổ Nhiệm (National Association of Latino Elected and Appointed Officials) vừa cười vừa bảo, “vấn đề là họ không biết phải thế nào để vừa làm hài lòng những khối cử tri khác mà không mất sự ủng hộ của tập thể cử tri Latino ngày càng trở nên quan trọng này”. Ông tin mọi dự luật liên quan đến cộng đồng Hispanic “các vị dân cử Cộng Hòa đều tán thành” nhưng “đương nhiên họ phải suy nghĩ thật chín chắn xem nên làm thế nào để có lợi cho đảng từ cấp liên bang cho tới cấp tiểu bang, chờ xem đó có phải là lập trường chung của đảng hay không”.
Nhận xét của ông Vargas “hoàn toàn đúng”, theo nhà bình luận Pete Hernandez ở tiểu bang Arizona. “Chỉ 2 năm trước đây, đảng Cộng Hòa ngầm ngầm ủng hộ những tiểu bang bảo thủ thông qua các đạo luật thật cứng rắn đối với thành phần cư trú bất hợp pháp, nhiều ứng viên khi ra tranh cử các cấp cùng dùng chiêu bài đó để vận động kiếm phiếu. Các ứng viên Cộng Hòa từng bảo những người di dân bất hợp pháp gây cả trăm triệu bạc thiệt hại kinh tế cho tiểu bang, lấy mất việc làm của người dân bản xứ v.v…, bây giờ thì họ đã bắt đầu nghĩ khác rồi”.
Lấy tiểu bang Arizona làm thí dụ. Năm 2007 tiểu bang này ban hành luật buộc tất cả các cơ sở thương mại chỉ được thuê mướn những người có giấy tờ cư trú hợp lệ, đến năm 2009 lại ban hành luật phạt tù những ai cư ngụ bất hợp pháp và cho cảnh sát được quyền xét giấy tờ cư trú những người tình nghi. Tức khắc 4 tiểu bang gồm South Carolina, Alabama, Georgia và Indiana cũng thông qua những đạo luật tương tự, đẩy cả triệu người không có giấy tờ cư trú hợp lệ phải dọn nhà sang những tiểu bang khác vì sợ bị bắt trả về nguyên quán. Những đạo luật này bị kiện lên Tối Cao Pháp Viện nhưng cũng chẳng có lợi gì cho tập thể không có giấy tờ hợp lệ đang sinh sống ở Mỹ: hồi 2011 tòa tối cao công nhận luật buộc các công ty phải xét giấy tờ cư trú của công nhân, hồi 2012 cũng cho phép cảnh sát được quyền hỏi giấy tờ cư trú những người bị tình nghi trốn lậu vào Mỹ.
Bây giờ các tiểu bang không muốn bàn tính gì thêm về những chuyện đó nữa, cùng nhau chờ xem liên bang sẽ giải quyết ra sao về số phận của 11 triệu người cư trú bất hợp pháp, cũng như chờ xem luật cải tồ di trú nếu được ban hành có bị kiện cáo lên tối cao pháp viện hay không, và nếu có, các vị thẩm phán tòa tối cao sẽ quyết định thế nào về luật đó.
Theo bà Ann Moore, một trong những người tích cực vận động cải tổ di trú, “tiểu bang đang ngồi yên chờ tình hình trước khi có quyết định kế tiếp”, vì thế, “mọi quyết định của tiểu bang ngay lúc này đều mang tính dễ dãi hơn” đối với tập thể cư trú bất hợp pháp, không còn mang tính cứng rắn, bảo thủ như vài năm trước đây. Dẫn chứng được bà đưa ra cho thấy “mới tháng trước Quốc Hội Tiểu Bang Colorado thông qua luật cho những người không có giấy tờ cư trú hợp lệ được đóng tiền học đại học như cư dân trong tiểu bang, một số dân cử đang soạn thảo thêm dự luật không bắt buộc cảnh sát địa phương phải hợp tác với cơ quan di trú liên bang”. Luật này được ban hành hồi 2006, quy định nhân viên công lực tiểu bang phải thông báo cho Sở Di Trú Liên Bang mỗi khi bắt giữ được một người không giấy tờ cư trú hợp lệ, bất kể người bị bắt phạm tội gì.
“Chúng tôi đang trông đợi chính phủ liên bang giải quyết những vấn đề liên quan đến di trú”, ông Chưởng Lý John Suthers của Colorado nói với báo chí hồi tháng trước khi cùng vị Thống Đốc về Washington D.C. dự cuộc họp hàng năm. Ông Suthers nói thêm “những gì các tiểu bang như Arizona đã làm cho thấy tiểu bang sẽ lo phần việc của mình, nhưng quan trọng nhất vẫn là quyết định của chính phủ liên bang”, giải thích “liên bang phải có một kế hoạch giải quyết cho những người đang cư trú bất hợp pháp, đồng thời phải có cả một kế hoạch để ngăn chận đừng để tệ trạng đó xảy ra nữa”.
Nhưng theo ông Kris Kobach, người đặc trách nội vụ của tiểu bang Kansas, “chưa chắc các tiểu bang sẽ đồng ý với những gì được thông qua ở cấp liên bang”, cho rằng “chính quyền Obama biết họ không có quyền cho những người nhập cảnh lậu được phép ở lại Mỹ, nhưng họ khéo léo đẩy vấn đề này xuống tiểu bang bằng cách hô hào ủng hộ các tiểu bang cấp bằng lái xe, giảm học phí cho người cư trú bất hợp pháp”. Rốt cuộc, theo ông Kobach, “mọi gánh nặng vẫn dồn về tiểu bang, chính phủ các tiểu bang sẽ phải gánh chịu hết”.
Điều ông Kobach trình bày khiến mọi người nhớ lại phát biểu của một vị thống đốc miền Trung Tây bên lề cuộc họp thống đốc hàng năm. Ông Thống Đốc này bảo nếu luật di trú được liên bang cải tổ, số người chính thức được ở lại nước Mỹ sẽ tăng “và số người xin trợ cấp y tế và xã hội cũng sẽ tăng”. Lúc đó, “tôi không biết các tiểu bang đang gặp khó khăn về ngân sách sẽ giải quyết như thế nào? Liệu có thể ngửa tay xin tiền của chính phủ liên bang hay không? Nếu họ xin, liệu ông Obama và Quốc Hội Liên Bang có gật đầu chi tiền hay không?”