Một chị thu gom rác kể có lần chị thấy trong thùng rác vẫn còn nguyên hai ba hộp bánh nhưng chúng đã được bẻ đôi và nhưn bánh đã bị lấy đi hết chỉ còn vỏ, chị ngạc nhiên đến mức không hiểu vì sao họ sang trọng đến mức chỉ ăn ruột mà không ăn vỏ [??].
Kinh Đô, một “ông lớn” chuyên sản xuất bánh trong mùa trung Thu ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
SÀI GÒN (NV) – Đúng ra phải nói là “xuất xưởng” nhưng nhìn thì không khác gì một cuộc “xuất trận,” những cửa hàng dã chiến bắt đầu chiếm lĩnh hè đường, đầy màu sắc, đầy mùi vị, đầy hình ảnh bắt mắt của những chiếc bánh trung thu của các nhãn hiệu danh tiếng.
Cuộc chiến của những “ông lớn” lại bắt đầu khi mùa trung thu đang đến, mặc cho những cơn bão đang hình thành ngoài Biển Đông, mặc cho thiên tai gió lốc, năm nào cũng vậy đến hẹn lại lên, phố phường lại rộn lên bởi những tiếng trống lân, trống ếch thúc giục, báo hiệu cho thiên hạ biết rằng, một mùa làm ăn lại bắt đầu.
Được chuẩn bị từ lâu khi con trăng năm cũ vừa tàn và xuất hiện trở lại một tháng, và cũng trước khi cây đổ lá xuống đường, những vỉa hè đang yên vắng xanh um bỗng nhiên biến mất, thay vào đó là những gian hàng bánh trung thu sặc sỡ, khách bộ hành phải rón rén nhường chỗ cho những ông chủ Kinh Đô, Đồng Khánh, Bibico, Như Lan… xuống đường.
Đó là những “đại gia” của các loại bánh trung thu, một nghề hái ra tiền vì trong những hộp bánh trung thu vàng rộm kia có thể là – những ngân lượng quý hiếm được ẩn trong lòng nhân của nó, có thể đó là những ổ bánh được được làm ra không phải để ăn mà để “biếu tặng.”
Một gian hàng bán bánh trung thu. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Hàng chục ngàn tấn bánh Trung Thu được xuất xưởng mỗi năm và nó được tiêu thụ một cách huyền bí như ánh trăng rằm khi mờ khi tỏ, những cái bánh lấp lánh màu vàng, thơm lừng mùi bột nướng, được son phết bởi những chiếc hộp màu sắc, nó xuất hiện như một niềm vui thèm muốn của những đứa trẻ nhà nghèo. Bọn con ông cháu cha cán bộ nhà giàu thì không, chúng chả màng ngó tới vì trong biệt thự tư gia đã đầy nhóc những bánh là bánh, nhìn thấy là đã phát ớn vì không biết từ bao giờ cái trò “hiếu hỷ bánh” tặng quà qua lại đã biến thành thông lệ, nên chúng mới nhấm nháp đã phun phèo phèo vì ngán đến tận cổ.
Bánh biếu của các quan lại Việt bây giờ không phải là những nhãn hiệu việt bình thường như kể trên nữa mà phải là những “hàng hiệu” của Hồng Kông, của Bắc Kinh, Đài Loan, Singapore được dát bạc nhũ vàng, được ếm ngọc được nêm châu để người được tặng hiểu rằng nó không phải để ăn là vậy.
Một chị thu gom rác kể có lần chị thấy trong thùng rác vẫn còn nguyên hai ba hộp bánh nhưng chúng đã được bẻ đôi và nhưn bánh đã bị lấy đi hết chỉ còn vỏ, chị ngạc nhiên đến mức không hiểu vì sao họ sang trọng đến mức chỉ ăn ruột mà không ăn vỏ [??].
Và vì sao những hộp bánh đó – càng gần đến đêm trung thu lại xuống giá thê thảm, ban đầu thì mua một tặng một, sau đó là mua một tặng hai… rồi sau đó nữa là “xả hàng” mua một tặng ba. Không biết sau đó những tấn bánh thừa sẽ đi về đâu. Một người trong nghề tiết lộ “bánh ế sẽ quay lại với nơi đã sản xuất ra” nó sẽ được bảo quản “xay ra thành bột-tái sản xuất” cho mùa trung thu năm sau.
Những nhãn hiệu bánh trung thu quen thuộc ở Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Nghề “nầy một vốn bốn lời” và có thể hơn, chỉ cần một mùa trung thu thôi là đã hốt bạc. Một ông bạn đang ti toe viết văn thấy khó ăn quá bèn chuyển qua làm nghề bánh và chỉ qua vài ba mùa trung thu anh đã có thể xây nhà mua xe, bánh của anh chỉ là một nhãn hiệu bé của một thành phố nhỏ nhưng Trời cho bây giờ anh ta sống khỏe.
Cuộc chiến bánh trung thu của cái đất nước nhược tiểu khốn khổ này là vậy. Một khi ý thức “no dồn đói dập” vẫn còn – thì bánh trung thu vẫn là một cái gì đó xa vời với người lao khổ, nó muôn đời vẫn là món ngon ăn trước bỏ mứa sau lưng của giới nhà giàu, là sự “xa xỉ thòm thèm” chảy nước miếng của nhà nghèo vì cả đời họ sẽ không thể với tới, khi giá cả của nó vời vợi như con trăng kia vẫn ngự tít ở trên trời…