Một trong nhiều thành kiến là trình độ thông minh rất thấp của các cô gái tóc vàng sợi nhỏ!
Người viết này quen một người - xin miễn nói tên vì phạm vào bí mật nghề nghiệp của người ta - có cái thuật sáng tác nhuốm màu kỳ thị.
Ðó là trong đối thoại của các nhân vật thì dùng tiếng Bắc để ám chỉ tính chất uyên bác mà nệ hình thức. Tiếng Nam thì phản ảnh sự bộc trực và chân thật. Còn nhân vật nói tiếng Trung thì là người mưu trí mà cũng đôi phần gian trá! Về sinh quán hay gia cảnh, tác giả ấy thuộc loại ba miền hòa hợp chứ không nặng tính địa phương. Cách diễn tả chỉ nói ra ấn tượng chung của nhiều người trong chúng ta về những đặc tính ba miền chứ không thể là sự thật.
Chuyện đó dẫn mình đến loại ấn tượng phổ biến với nhiều thành kiến sai lầm và oan uổng.
Như trong phim ảnh Hollywood về chiến tranh, thủ vai sĩ quan Ðức quốc xã thường là diễn viên tóc vàng, lạnh lùng và kỷ luật. Nhân vật Pháp thì đa tình, lịch thiệp và nịnh đầm. Còn chàng trai Ý thì rất hùng hồn nói chuyện bằng tay. Không hiểu rằng mình có thống kê nào về mấy điều ấy chăng, nhưng đó là những thành kiến cứ được coi như chân lý phổ thông.
Một trong nhiều thành kiến là trình độ thông minh rất thấp của các cô gái tóc vàng sợi nhỏ! Hình như là ai trong chúng ta cũng từng nghe chuyện tiếu lâm về sự ngây ngô cù lần của các nàng tóc vàng. Quỳnh Giao sẽ chẳng... “nối giáo cho giặc” mà kể thêm một chuyện nữa.
Phải chăng là từ nhiều thế kỷ trước, dân Âu Châu đã có lối suy luận như vậy?
Ðẹp ngồn ngộn mà hơi đần độn thì phải là một mệnh phụ tóc vàng. Hoàng hậu tóc đen thì nồng nàn mà hiểm ác. Ðời nay, loại thiếu phụ bị coi là “femme fatale” thường có tóc sậm, mắt đen mà rực lửa như than hồng. Gặp loại mỹ nhân ấy thì các ông đều cầm tinh con thiêu thân, lao vào lửa rồi bảo rằng chết cũng thỏa! Tại phương Ðông, nếu Lệnh Hồ Xung nói láo khi muốn cứu ni cô Nghi Lâm rằng gặp ni cô là xui tận mạng, thì nhiều tay đánh bạc ở phương Tây cũng nói là vào sòng mà gặp nàng tóc màu cà rốt là coi như cháy túi!
Những thành kiến về màu tóc như vậy thì kể ra không hết nên biết đâu chừng cũng ảnh hưởng đến kỹ nghệ pha chế màu nhuộm tóc!
Chuyện thành kiến rõ nhất có thể thấy từ một cuộc trắc nghiệm tâm lý thực hiện ở bên Mỹ này vào năm 1996. Những người thử nghiệm cả nam lẫn nữ được đưa ra tấm hình của cùng một phụ nữ xin làm chân kế toán viên dưới ba màu tóc nhuộm khéo như thật là nâu sậm, hung đỏ và vàng ánh. Kết quả là mái tóc vàng bị chấm điểm là ít khả năng hơn cả, và người tóc vàng đáng được lương thấp nhất.
Trong các thành kiến, thuộc loại phổ biến cổ kim là chuyện... tài sắc.
Từ cụ Nguyễn Du hay tác giả đời Minh bên Tầu cho đến hậu thế ngày nay, người ta thường tin rằng ông Trời đã có một bàn cân. Cứ cho ai chút tài thì lại rút mất phần sắc. Hoặc người có sắc chưa chắc là đã có tài! Nếu mà lại có cả hai thì chữ tài liền với chữ tai một vần, nhiều phần còn là tai họa cho người khác.
Trong một cõi nào đó, có ông Từ Hải đang giơ tay xác nhận điều ấy! Trên đất Hoa Kỳ này, John Hinkley cũng có thể nghĩ vậy khi nhớ đến nàng Jodie Foster. Hinkley là con nhà triệu phú và chỉ muốn lấy tiếng với một người đẹp mình không hề quen biết là diễn viên Foster mà đòi ám sát Tổng Thống Ronald Reagan. Một kẻ điên phạm tội rồi đổ lỗi cho người đẹp trên màn ảnh.
Mà Jodie Foster không chỉ có dáng vẻ xinh đẹp.
Nàng có thực tài và đã tốt nghiệp Ðại Học Yale nổi tiếng của nước Mỹ. Những trường hợp người mẫu, nghệ sĩ hay mỹ nhân của Hoa Kỳ đã tốt nghiệp các đại học cổ kính và uy tín thật ra không thiếu.
Jodie Foster
Cô bé Brooke Shields học Pháp ngữ trong trường Princeton trước khi là người mẫu rồi tài tử. Natalie Portman đã hoàn tất khoa tâm lý học ở trường Harvard, còn Laura Linney tốt nghiệp cử nhân về nghệ thuật tại trường Brown, y như Elizabeth Banks đã chiếm ưu hạng tại Ðại Học Pennsylvania....
Nhiều người cứ bảo rằng tóc vàng là ít suy nghĩ hoặc đã đẹp rồi thì khỏi cần đi học. Thật là sai lầm quá đỗi.
Nhưng nghĩ cho cùng, các cụ ta vẫn có lý hơn cả khi dạy con cháu rằng “cái nết đánh chết cái đẹp.” Dạy như vậy để ai nghĩ rằng mình đẹp thì nên chịu khó quên đi mà trau giồi cái khác ở bên trong. Ðấy mới là phương châm của tài sắc vẹn toàn, và sắc có thể phai chứ cái tài lại ít đổi màu.