Công tác chữa chạy này theo đúng mô hình quen thuộc, đúng đường lối của Ðảng Ta. Thứ nhất, là chối tội. Thứ hai là gian trá.
Nhờ các phóng viên báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn mọi người mới biết trẻ em Việt Nam đã được tập thói quen nhìn cờ Trung Quốc treo trên mái trường học. Bài báo đăng cả hình ảnh trong tập sách “Bé Tập Kể Chuyện” do nhà xuất bản Dân Trí ấn hành.
Ngay trang bìa là hình hai em gái đi học, trên nóc ngôi trường phấp phới lá cờ đỏ năm sao. Một bìa khác viết trên đầu trang, quảng cáo mục đích của sách học: Nắm bắt hệ thống các kiến thức trước tuổi đi học.
Nếu trước khi lên 5 hay 6 tuổi, trước khi đến trường học, mà trẻ em biết hình lá quốc kỳ các nước trên thế giới thì cũng không hại gì. Nhưng cuốn sách “Bé Tập Kể Chuyện” lại không giới thiệu đó là cờ của Trung Quốc; mà chỉ giới thiệu nó là cờ mà thôi. Ðể một lá cờ nước khác trên ngôi trường, cho trẻ em nước mình tập đọc, thì thật không hiểu nổi! Các em sẽ tập một thói quen, là coi cờ Trung Quốc là cờ, lá cờ duy nhất, và lầm tưởng đó là cờ của chính các em.
Nếu họ in lá cờ một quốc gia khác như cờ Mexico, cờ Campuchia, thì chỉ chứng tỏ là nhà xuất bản ngu dốt, không hiểu tâm lý trẻ em mà thôi. Nhưng để lá cờ Trung Quốc thì đáng bị kết tội phản quốc. Bởi vì chính phủ Cộng sản Trung Quốc đang chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của nước ta, sau khi đem quân tấn công đổ máu năm 1974. Cộng sản Trung Quốc cũng đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa của chúng ta vào năm 1988. Cả hai lần, các chiến sĩ Việt Nam đã bỏ mình vì nước. Trung Cộng còn ngang ngược đặt ra một đơn vị hành chánh Tam Sa để chính thức hóa việc cướp nước của họ. Sau vụ Hoàng Sa năm 1974, vụ Trường Sa năm 1988, sau cả vụ tấn công biên giới năm 1979, chính quyền hai nước chưa hề chính thức ký một hiệp ước ngưng chiến nào cả. Có thể coi như hai quốc gia vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Trong hoàn cảnh đó, đem lá cờ của Trung Quốc dậy cho trẻ biết đó là “cờ,” mà không nói rõ, có thể đưa ra tòa về tội phản nghịch.
Sau khi hành động phản nghịch đó được phô bày trên bài báo, người ta kinh ngạc về phản ứng của các cơ quan nhà nước phụ trách về giáo dục. Trước hết, Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo không hề hay biết gì về cuốn sách dạy trẻ này, cho tới khi nhà báo vạch ra. Họ mở mắt hay nhắm mắt? Sau khi báo chí phanh phui, các quan giáo dục chỉ cho biết họ sẽ “rà soát!” Sẽ, chứ chưa làm gì ngay cả! Hình ảnh những lá cờ bay phấp phới trên trang sách, mở mắt ra thì phải nhìn thấy và hành động ngay lập tức chứ? Nó đâu phải mấy trái mìn chôn dưới đất mà cần phải rà soát mới thấy? Hay họ mở mắt nhưng mắt vẫn mờ vì những lý do mờ ám? Cái nhà nước này ngồi đó ăn cơm của dân để làm cái gì? Tại sao khi một bác sĩ chỉ dịch bản tài liệu “Dân chủ là gì” thì bị bắt bỏ tù ngay; còn khi một nhà xuất bản nhồi sọ trẻ em bằng lá cờ ngoại quốc thì còn phải đi rà soát ?
Càng ngạc nhiên hơn nữa khi chúng ta nghe những lời chạy chữa của bà Bùi Thị Hương, người chịu trách nhiệm xuất bản của nhà xuất bản Dân Trí. Bà giải thích: “Ðây là sách dịch, mua bản quyền của đối tác nước ngoài... Chúng tôi đã kiểm tra hợp đồng bản quyền thì thấy các điều khoản trong đó rất chặt chẽ, đơn vị phát hành sách phải giữ nguyên xi nội dung gồm phần chữ và hình ảnh như bản gốc, không được phép thay đổi.” Bà còn bào chữa: “Hình ảnh trong sách là hình ảnh trường của Trung Quốc thì phải treo cờ Trung Quốc chứ không thể treo cờ Việt Nam được. Tôi thấy nội dung và hình ảnh rất bình thường, không có gì nặng nề.”
Công tác chữa chạy này theo đúng mô hình quen thuộc, đúng đường lối của Ðảng Ta. Thứ nhất, là chối tội. Thứ hai là gian trá.
Chối tội rằng “nội dung và hình ảnh cuốn sách rất bình thường.” Nhưng đem dạy trẻ em ba, bốn tuổi về lá cờ, cho trẻ em thấy hình ảnh đầu tiên trong sách của lá cờ, mà lại dùng cờ một quốc gia đang xâm chiếm nước mình, thì đó là hành động rất “nặng nề,” không thể coi là bình thường được! Gieo rắc những hạt giống đầu tiên vào trí óc trẻ em, trắng tinh như những trang giấy mới, thì phải thận trọng! Làm sai rồi sẽ không thể dễ dàng xóa đi được. Lối chối tội này giống hệt như sau cuộc cải cách ruộng đất tàn sát hàng trăm ngàn đồng bào. Như nhà văn Lưu Quang Vũ viết: “Có những cái sai không thể sửa được!”
Gian trá, cho nên mới nói đây là sách dịch, cho nên họ vẽ cờ gì mình phải giữ, không thể sửa chữa được; như bà Bùi Thị Hương nói “phải giữ nguyên xi nội dung gồm phần chữ và hình ảnh như bản gốc, không được phép thay đổi.” Người đọc chỉ cần coi một trang trong cuốn sách cũng thấy đây không phải là sách dịch.
Trang 14 trong một cuốn sách cho trẻ em tập đọc chữ C. Phần trên có các hình ảnh như Cây, con Cua, con Cá, lá Cờ, trái Cam, vân vân. Dưới là những chữ viết để tập đọc.
Nếu đây là một cuốn sách tập đọc của trẻ em Trung Hoa thì chắc chắn không thể có từng trang cho mỗi chữ A, B, C được. Chữ Tàu không dùng mẫu tự ABC. Trẻ em bên Tàu sẽ tập đọc từ những chữ ít nét, dần dần đọc đến chữ nhiều nét. Như vậy thì không thể nào có vấn đề “giữ nguyên xi nội dung gồm phần chữ và hình ảnh như bản gốc” như bà Hương nói. Cam đoan trong bản gốc, nếu có, không có trang nào dạy trẻ em Trung Hoa tập đọc mà lại vẽ hình quả cam cùng với con cua và lá cờ được. Ðó là những chữ rất nhiều nét, khó nhớ, chắc học hết bậc tiểu học các em mới tập nhớ được.
Khi bà Bùi Thị Hương quả quyết, “...chắc sẽ không thể sửa nội dung sách,” và “không thể thay cờ Trung Quốc thành cờ Việt Nam bởi như thế là vi phạm hợp đồng” thì chính mắt bà có biết nội dung bản chữ Hán thế nào không? Có trang nào dạy trẻ em Trung Hoa học các chữ A, B, C hay không? Họ có thay đổi nội dung khi chuyển sách của họ thành sách dạy trẻ em nói tiếng Việt hay không?
Cho nên phải nghi ngờ: Không biết thật sự có một bản gốc nào hay không; hay là đây là một sáng tác của các đồng chí Trung Quốc giúp dạy trẻ em nói tiếng Việt? Nếu có bản gốc, nó đã được dịch “nguyên xi” hay là được phóng tác? Nếu khi phóng tác, người ta đã phải đã sửa tất cả thứ tự trong nội dung, biến đổi lối dậy chữ Hán sang dạy chữ Việt được, thì tại sao không thay đổi được một cái hình lá cờ? Ai làm công việc dịch hoặc phóng tác mấy cuốn sách dạy trẻ em 3, 4 tuổi này? Với mục đích nào? Tại sao một nhà xuất bản của Hội Khuyến Học Việt Nam mà lại khuyến khích cho trẻ em tập nhìn lá cờ Trung Quốc, tập gọi đó là cờ, ngay từ khi các em chưa vào lớp Một? Họ có nằm trong một âm mưu nhồi sọ để đồng hóa trẻ em Việt Nam hay không?
Ngày xưa có ông thi sĩ của đảng cộng sản hân hoan khi được nghe: “Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin.” Nếu sau này có thể sẽ thấy những em bé Việt Nam khi nhìn thấy lá cờ Trung Cộng treo trên trụ sở huyện Tam Sa bèn reo lên: Cờ! Cờ! Yêu biết mấy mấy khi nghe con tập nói!
Công việc nhồi sọ trẻ em Việt Nam này đã có dụng ý man trá ngay từ đầu, khi nhà xuất bản tự giới thiệu, “Cuốn sách được biên tập dựa trên chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo Dục Ðào Tạo,” nhưng không nói đó là Bộ Giáo Dục Ðào Tạo đóng tại Bắc Kinh. Nguồn gốc Bắc Kinh của cuốn sách chỉ là một minh chứng cho câu nói nổi tiếng của ông Lê Duẩn: “Ta Ðánh Miền Nam là Ðánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc...”
Nhờ các nhà báo lanh mắt và có lương tâm, một âm mưu nhồi sọ và đồng hóa đã bị vạch ra. Như nhà thơ Bùi Chí Vinh đã viết:
Nhân dân ngửi ra mùi bá quyền qua Luật biển năm 1982...
Thi sĩ đánh hơi mùi bành trướng qua Tuyên bố ứng xử biển Ðông... đã hóa trò hề
Tất cả đã ngửi, đã đánh hơi, đã báo động nhiều lần nhưng chẳng ai nghe
Ðã không nghe lại còn bịt miệng Tú Xương, khóa mồm Cao Bá Quát
Hèn chi đến hôm nay mở mắt vẫn bị... mờ!