“Trung Quốc liên tục hành động ngang ngược, nhưng phía ta cứ quỵ lụy, nín nhịn, không dám làm gì mất lòng họ, mỗi khi có cuộc gặp hai bên bất cứ ở cấp nào, phía ta còn nói những lời tốt đẹp để lấy lòng họ. Càng thế họ càng lấn tới.”
Nhân kỷ niệm 39 năm ngày “Hải chiến Hoàng Sa” 19 Tháng Giêng 1974, tờ Thanh Niên Online, đã cho đăng một bài hiếm hoi của nhà báo Ðỗ Hùng “Quyết liệt vì Hoàng Sa”.
Hiếm hoi bởi vì có thể nói đây dường như là bài duy nhất trên báo lề đảng, nói đến cuộc chiến ác liệt, trong đó 74 chiến sĩ của Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh chiến đấu đến phút cuối cùng để bảo vệ biển đảo của tổ quốc.
Lãnh thổ đất nước bị quân Trung Cộng xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp, nhưng không phải ai cũng biết! Chỉ sau đó ít ngày, với bài “Không giật mình”, tờ Thanh Niên viết:
“Sau một bài viết về Hoàng Sa mới đăng tải trên Thanh Niên gần đây, chúng tôi đã một phen giật mình khi trong các phản hồi gửi về tòa soạn, không ít độc giả thổ lộ rằng bây giờ họ mới biết Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ gần 40 năm trước. Có bạn sinh viên cho biết mãi đến khi vào đại học thì mới biết được điều này”.
“Ðây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nhận được những phản hồi như thế, nhưng vẫn giật mình trước thực tế là thông tin về biển đảo trong một thời gian dài đã không được phổ cập tới đông đảo nhân dân. Và như một hệ quả, hiểu biết của không ít người về các vùng biển đảo của nước ta nói chung là rất hạn chế”.
Trong một video clip do thế hệ F, NO-U Việt Nam thực hiện, tưởng niệm 25 năm Hải chiến Trường Sa (14 Tháng Ba 1988-14 Tháng Ba 2013), cũng cho thấy hầu hết giới trẻ sinh sau năm 1975 không có khái niệm gì về một ngày đáng ghi nhớ: Trung Cộng dùng vũ lực tấn công xâm chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sát hại 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam, trong một cuộc chiến không cân sức.
Bất luận “tình hữu nghị Việt-Trung” là “tài sản quý báu” được đảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) nỗ lực quảng bá, tuyên truyền bằng “16 chữ vàng”, bằng quan hệ láng giềng “4 tốt”, thì một thực tế phũ phàng, không thể chối cãi: Trung Cộng đã và đang là kẻ thù xâm lược, đang chiếm đóng biển đảo của chúng ta.
Sự sụp đổ của hệ thống cộng sản ở Châu Âu đã dẫn tới cái bắt tay kể từ hội nghị Thành Ðô 3-4 Tháng Chín 1990. Ðảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) chỉ còn hy vọng duy nhất bám vào Trung Cộng để tồn tại và giữ độc quyền cai trị. Từ đây, các chính sách của ÐCSVN ngày mỗi dấn sâu vào vị thế chư hầu, lệ thuộc Trung Cộng, vừa kinh tế, vừa chính trị, thường xuyên diễn ra những việc làm với chủ ý mờ ám, có hệ thống, để làm dân chúng lãng quên lịch sử, quên đi kẻ thù đang nằm ngay trong nhà mình.
Việc cho in tiểu thuyết “Ma Chiến Hữu” (“Chiến hữu trùng phùng”) của Mạc Ngôn, nhà xuất bản Văn Học phát hành năm 2004, kể về số phận những người lính Trung Quốc, đã làm dư luận phẫn nộ, vì có nội dung tôn vinh “những người lính anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc Trung Hoa vĩ đại trong chiến tranh phía Nam Trung Hoa Tháng Hai năm 1979”, tức là cuộc chiến tranh xâm lược biên giới của Trung Cộng, đã làm chết hàng ngàn dân và lính Việt Nam, phá hủy hoang tàn sáu tỉnh phía Bắc.
Tiếp theo, báo Hà Nội Mới đăng bài dịch ca ngợi Tướng Hứa Thế Hữu (tổng chỉ huy quân đội Trung Cộng đánh Việt Nam trong chiến tranh biên giới năm 1979), rồi in sách giáo khoa trong đó gọi giặc của Hai Bà Trưng là “ngoại xâm”, đến việc nhà xuất bản Dân Trí cho soạn bộ sách đố chữ cho các cháu nhỏ với những hình cờ Trung Quốc...
Tất cả báo chí lề đảng đều né tránh sử dụng ngôn ngữ phạm húy trong những lần Trung Cộng gây hấn, xua đuổi, bắt bớ, cắt cáp tàu của Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Từ tàu “lạ” mặc nhiên phổ biến trên báo lề đảng nhắm chỉ quân Trung Cộng, cáp bị cắt thì viết thành “làm đứt dây cáp”...
Những cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược sôi động trong Mùa Hè 2011 đã bị nhà cầm quyền Việt Nam trấn áp thô bạo, mà thực ra là đây là sự “định hướng dư luận” mà thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã cam kết trong một chuyến thăm Trung Quốc.
“Có thể người dân chưa thật hài lòng và yên tâm vì chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, nhưng tôi chỉ muốn nói với những người biểu tình nói riêng và tất cả người dân rằng những người có trách nhiệm của đảng, nhà nước, quân đội không một ai chịu để mất chủ quyền lãnh thổ cả”. “Có thể đất nước ta có tham nhũng, lãng phí, có tiêu cực, có thể một bộ phận cán bộ suy thoái về đạo đức, nhưng tuyệt đại đa số nhân dân ta không ai có thể quên đi lợi ích quốc gia dân tộc, quên đi chủ quyền lãnh thổ. Biểu tình bây giờ sẽ gây mất ổn định. Trong khi đó đất nước ta đang hơn bao giờ hết cần ổn định, cần sự đồng thuận để phát triển, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Mục đích của chúng ta là bảo vệ chủ quyền một cách chính đáng theo luật pháp quốc tế quy định mà không để xảy ra xung đột đáng tiếc”, Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói trong một cuộc phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ hôm 1 Tháng Giêng 2013.
Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một lão thành cách mạng đã phải thốt lên:
“Nếu cứ ép mình trong vòng tay khống chế của nhà cầm quyền Trung Quốc, không thoát ra được như Miến Ðiện, nếu cứ cõng mãi trên lưng ‘16 chữ vàng và 4 tốt’, chưa rét đã run, thì không những không giữ được chủ quyền biển đảo mà còn có thể không giữ được cả độc lập, trở thành thuộc địa kiểu mới của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Ðại Hán”.
“Nhân đây có vài ý kiến về lời phát biểu của thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trong chuyến đi Trung Quốc cuối Tháng Tám 2011 vừa qua. Không biết phía Trung Quốc khéo dỗ dành và hậu đãi thế nào mà thứ trưởng Vịnh làm quà cho Trung Quốc bằng việc báo với Trung Quốc rằng: ‘Sẽ kiến quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam’, ý tức là chúng tôi sẽ đàn áp thẳng tay những người biểu tình chống các ‘đồng chí’, các ‘đồng chí’ muốn làm gì ngoài biển, trên đất liền cũng được. Thật ‘trúng với cái bụng’ các quan Trung Quốc lâu nay: ‘Ăn cướp lại bịt miệng nạn nhân không được la làng.’”
Những điều này thật khớp với thực tế, vì nó đã được Tướng Nguyễn Chí Vịnh thừa nhận ít lâu sau:
“Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một đảng cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn XHCN rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.”
Rõ ràng, cộng hưởng ý thức hệ, ÐCSVN đã nhào vào ôm chân Trung Cộng. Tuy nhiên “ý thực hệ” này cũng nên xem xét lại, vì trong thức tế, “cộng sản” chỉ là chiếc mặt nạ, lý tưởng “cộng sản” đã bị Trung Cộng bỏ đi từ lâu, vào lúc mà Ðặng Tiểu Bình tuyên bố “mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”.
Trung Cộng không hề xây dựng XHCN, mà về thực chất chế độ hiện tại dựa trên hệ thống chính trị độc quyền lãnh đạo bởi đảng cộng sản, kinh tế chủ yếu theo mô hình tư bản rừng rú có tổ chức theo luật của kẻ mạnh, những vấn đề cơ bản đều phải giải quyết trong bóng tối bằng quyền lực, bạo lực, bằng bưng bít thông tin, dối trá nhau và dối trá với chính mình. Con đường mà Trung Cộng đang đi, giữa lý thuyết và thực tiễn có rất nhiều mâu thuẫn, không dựa trên các nguyên tắc nhân bản, dân chủ, văn minh phổ quát nào.
Trung Cộng không phải là người bạn XHCN của thời xưa, khi Liên Xô chưa sụp đổ, cái thời “vô sản các nước đoàn kết lại”. Mô hình hệ thống chính trị của Việt Nam là bản sao nhỏ của Trung Cộng, hai chế độ kết hợp và cùng lợi dụng lẫn nhau.
Vấn đề biển đảo Việt Nam bị xâm lược và chiếm đóng, hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế đã thực sự bị nhà chức trách cố ý lãng quên. Trong một bài giảng về biển Ðông của Trần Ðăng Thanh, đại tá, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên Học Viện Chính Trị thuộc Bộ Quốc Phòng, cho lãnh đạo các đảng ủy khối, lãnh đạo đảng, tuyên giáo, công tác chính trị, quản lý sinh viên, đoàn, hội thanh niên các trường đại học-cao đẳng Hà Nội, còn biện luận phải đền đáp ơn nghĩa với Trung Cộng.
Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đã chỉ ra rằng:
“Trung Quốc liên tục hành động ngang ngược, nhưng phía ta cứ quỵ lụy, nín nhịn, không dám làm gì mất lòng họ, mỗi khi có cuộc gặp hai bên bất cứ ở cấp nào, phía ta còn nói những lời tốt đẹp để lấy lòng họ. Càng thế họ càng lấn tới.”
“Tháng Hai 1979, Ðặng Tiểu Bình huy động 60 vạn quân giết hại đồng bào ta, tàn phá các tỉnh biên giới nước ta, còn ơn huệ nỗi gì? Trong kháng chiến họ có giúp ta khá nhiều thật. Họ chiếm của ta cao điểm 1509, ăn của ta một nửa thác Bản Giốc, đất bằng một tỉnh Thái Bình chưa đủ trả nợ sao?”
“Trước kia họ giúp, ta nợ họ về vật chất, tiền tài. Tháng Hai 1979, họ nợ máu đối với đồng bào ta, họ sẽ trả bằng gì? Bây giờ mà có quan chức nhà nước còn nói biết ơn là nịnh họ không phải lối và vô cảm với máu xương của đồng bào mình bị tàn sát Tháng Hai 1979.”
Nhà cầm quyền đã cố tình lãng quên Hải Chiến Hoàng Sa 19 Tháng Giêng 1974; hàng ngàn nấm mồ của những người đã bỏ xương máu vì tổ quốc bị ghẻ lạnh, không hương khói trong ngày 17 Tháng Hai; và ngày 14 Tháng Ba 1988, linh hồn của 64 chiến sĩ đã bị thảm sát trong cuộc tấn công xâm lược dã man, tàn bạo, cũng bất hạnh với nỗi đau và cay đắng trong yên lặng.
Nhưng đây là những ngày quan trọng đối với đất nước, là những khoảng khắc thời gian ghi tạc rằng lãnh thổ của đất nước bị Trung Cộng chiếm đóng, sẽ không bao giờ bị xóa trong bộ nhớ, dù có thế lực đang cầm quyền đã cố làm sai lệch lịch sử.