Giờ giấc là thước đo thời gian của mọi việc.
Ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, chúng ta đều phải phân chia giờ giấc để công việc trôi chẩy đúng hẹn. Ngược lại, nếu hẹn hò nối tiếp nhau lỡ làng thì lòng tin sẽ mất và thất bại đương nhiên ở trước mặt! Con người trưởng thành có ý thức trách nhiệm thì không ai phủ nhận tầm quan trọng của giờ giấc... Mỗi sáng đến sở trễ dù một phút cũng là người đến trễ! Thói quen không đúng giờ bị coi như người không đúng đắn có thể bị mất việc dù ở bất cứ địa vị nào trong hãng xưởng.
Người Việt chúng ta ai có công ăn việc làm sinh sống trên đất Mỹ cũng đều cẩn trọng sự kiện giờ giấc. Buổi sáng trở dậy khi đồng hồ báo thức reo và chiều về nhà sau tiếng chuông sở làm. Những quy củ bắt buộc của đời sống Mỹ vô tình biến họ thành một loại người máy sống theo giờ giấc căn cơ. Sự kiện ấy đáng đề cao vì nói lên lòng tôn trọng lẽ phải và quyền lợi của kẻ khác, nhân cách họ từ đó được nhìn với nhiều thiện cảm.
Tuy nhiên, khi giao du với gia đình, anh em, bạn bè và đồng hương thì nhiều người Việt tức khắc trở về với bản tính cũ! Có nghĩa là hẹn nhau giờ giấc cao su, lúc nào cũng có kẻ chờ người đợi hoặc hẹn mà không đến! Điều đáng nói là họ tự coi chuyện chậm trễ hay thất hẹn ấy thật bình thường, gặp nhau cười giả lả, không cần tỏ ý hối tiếc nói chi đến một câu thanh minh xin lỗi.
Hiểu rõ thói quen tật xấu của đồng hương nên trong những tiệc cưới hay hội họp đình đám của cộng đồng người Việt, ban tổ chức tính toán giờ mời sao cho êm đẹp. Bữa tiệc 7 giờ tối thì mời 6 giờ. Người đến đúng giờ thì có rượu “cocktail” nhâm nhi chờ người cố tình đến trễ, “kẹt lắm thì cũng chỉ chậm 1 tiếng là cùng! Do đó họ có thể cùng khai mạc vào lúc 7 giờ như dự tính. Tuy nhiên, cũng có một số quan khách “tai to mặt lớn”, tự ý điều chỉnh khoảng cách biệt trồi sụt đó, cố tình đến trễ 2 hoặc 3 tiếng cho mọi người “nể nang”! Cốt cách “Very Important Person” oai phong ra vào tỉnh bơ làm rối loạn toán điều hành vì lại phải xếp chỗ ngồi, thức ăn nước uống từ đầu nên so le đứng ngồi không yên.
Những cuộc họp mặt gia đình, trọng tâm là sinh nhật, đỗ đạt, thăm viếng hay tết nhất, cúng bái cha mẹ hoặc người thân quá vãng. Những ngày giỗ đáng nói hơn cả vì tâm trạng đã buồn, anh em gặp nhau còn buồn hơn! Theo phong tục quê nhà thì việc cúng giỗ thường được tổ chức ở nhà người con trưởng nhưng sang Mỹ thì tục lệ ấy ít nhiều đã đổi khác nhất là khi người con cả tự ý cáo lui vai trò của mình. Giờ giấc eo hẹp, công ăn việc làm, cá nhân chủ nghĩa đi đến kết luận là nếu một trong các anh chị em đứng ra lo liệu ngày giỗ thì mọi người hoan hỉ nhưng đa số sẵn sàng hợp tác lại là chuyện khác! Gia đình nào nhận việc cúng giỗ thì sửa soạn bàn thờ và tự động làm cỗ có khi để việc bếp núc trôi chẩy thì chia ra mỗi người một món và họ thường mua sẵn ở tiệm mang đến.
Tiếc thay! Ngày giỗ dù mâm cỗ linh đình, nhang đèn nghi ngút khói hương nhưng lòng người bôn ba xuôi ngược, cố ý coi nhẹ giờ giấc và ý nghĩa việc cúng lễ vì thế suốt buổi chiều tối ngày giỗ diễn ra cảnh kẻ đến trước chờ người đến sau! Gia đình nào đến đúng giờ, cúng vái xong rồi nhìn quanh chẳng thấy ai, con cái đứng ngồi nheo nhóc nên bầy cỗ ra ăn trước trong lúc người trễ hẹn bình thản coi như chuyện chờ đợi không ăn thua gì đến họ... Có khi vừa đến là ngồi ngay vào bàn tiệc, chén bát dở dang quên cả đốt nén hương tưởng nhớ người đã khuất, cứ y như là đi nhà hàng ăn uống cuối tuần!
Cảnh tượng này quả là đáng tiếc cho ngày họp mặt bởi vì đời sống bên Mỹ, dù ở gần nhà cùng thành phố cũng khó gặp nhau thế mà anh em cố tình coi nhẹ giờ giấc để lỡ dịp hàn huyên mà năm thuở mười thì mới có một ngày cúng giỗ. Nhiều lần sẩy ra cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” dần dà sẽ dẫn đến tình thân anh em trong nhà lạnh nhạt. Người có tình cảm thấy chán nản vì bị tổn thương và tự làm quen với nỗi buồn của riêng mình, người vô tình thì mãi mãi sống vô tình không chút mặc cảm nào! Phải chăng đó là hành động khinh thường nên coi nhẹ giờ giấc? Chứ ai cũng đủ khôn ngoan và trình độ để hiểu những hậu quả của việc mình làm...
Ngày mới đến Cali, tôi làm ở hãng Pacific Volt và gặp một đồng hương trạc tuổi. Khi xưa, anh làm đến chức đại úy pháo binh trong quân đội; vào làm hãng này vì chăm chỉ, ngăn nắp nên “manager” điều động anh lên chức “supervisor”. Nhận thấy tính tình anh đàng hoàng, nghiêm chỉnh, không ba hoa nói nhiều do đó tôi mời anh về nhà chiều thứ bẩy ăn bữa cơm gia đình lúc 6 giờ tối với bố mẹ, anh em và vợ con. Bạn bè thuở ban đầu gặp nhau khi chân ướt chân ráo đến đất nước này thường lưu luyến và rất nể trọng nhau vì thế cũng là một dịp để gia đình họp mặt và giới thiệu làm quen.
Tôi đi chợ từ chiều thứ sáu, mẹ và vợ nấu nướng cả ngày, có những món lạ thỉnh thoảng gia đình mới dốc công làm cho lễ tiệc cũng được bầy ra. Anh em đến đông đủ từ lúc hoàng hôn, vợ con hết ra lại vào hỏi han bởi trời đã 8 giờ tối mà người bạn mới vẫn biệt tăm và điện thoại thì bặt vô âm tín! Mọi người thở ngắn than dài, lo lắng rồi tưởng tượng đến một tai nạn không may có thể sẩy ra cho ông khách đáng thương. Sau cùng, gia đình đành ngồi vào bàn ăn coi như người bạn đã quên hẹn. Đến 9 giờ tối, bữa tiệc gần xong thì mới thấy anh bạn thong dong đậu xe bước vào nhà, tỉnh bơ như giờ giấc không ai báo trước. Đói giờ này nên đến ăn giờ này, có thế thôi! Chẳng cần biết phải trái hay xin lỗi lăng nhăng... Tôi ngao ngán với tình bạn mới của đồng hương này nên chưa thân quen mà đã ngậm ngùi xa nhau...
Có những bữa tiệc chúng tôi được mời, đến nơi đúng giờ giấc nhưng ngạc nhiên thấy chủ nhà mới bắt đầu nấu cơm, rửa rau, cắt thịt và có khi lại còn lái xe đi chợ tiếp vì thiếu cái này cái nọ... Hai vợ chồng ngồi chờ, ra vào chán ngán chẳng một ai chuyện trò bởi ông bà chủ còn bận rộn chuyện bếp núc. Thế rồi chúng tôi đành lăn vào phụ giúp và cả mấy tiếng sau khách khứa mới từ từ kéo đến... Hóa ra đến đúng hẹn lại lỗ to vì trở thành phụ bếp cho kẻ mời. Do đó, bây giờ mỗi khi đi dự tiệc của người Việt, chẳng ai còn tin vào giờ giấc và luôn luôn ngán ngẩm về sự đợi chờ. Những gì tôi kể không phải là ngoại lệ trong cộng đồng chúng ta mà ngược lại rất phổ thông. Ngoại lệ ít gặp lại là trường hợp người đồng hương Việt cẩn trọng giờ giấc hò hẹn với nhau như họ đi làm sở Mỹ kiếm tiền.
- Câu hỏi đặt ra là bao lâu nữa người Việt chúng ta mới áp dụng nghiêm chỉnh những điều hay của xứ sở văn minh này đối với đồng hương của mình để đời sống gia đình và xã hội bớt những phiền toái căng thẳng đáng tiếc?
- Ngày đó trước tiên chúng ta phải biết tự trọng, biết nể vì người chung quanh để chịu trách nhiệm với những việc làm của mình dù to hay nhỏ. Không còn kẻ đi xe BMW về nhà ăn mì gói, sẽ bớt mẫu người mặc cảm tự tôn, nhân cách kiêu căng, tự ban chức “V.I.P” tưởng tượng và cuối cùng là những ông bà chủ buôn bán treo bảng mở cửa hàng 10 giờ sáng nhưng đến 11 giờ mới cười hề... tỉnh bơ mở khóa, bật đèn “Open”.