Nói cách khác, ông Nghiệp được “tha làm phước” chứ không phải vì oan. Hệ thống tư pháp không phải đối phó với chuyện đòi bồi thường của ông Nghiệp nữa. Đây cũng là “trò” mà hệ thống tư pháp ở nhiều nơi tại Việt Nam đang… chơi.
Sau mười năm bị bắt oan, bị giam oan, bị kết án oan, ông Nghiệp tiếp tục đi kêu oan. (Hình: PLO)
TRÀ VINH (NV) – Bắt oan, giam oan, kết án oan nên phải thả. Thả xong thản nhiên biến vô tội thành có tội để né tránh nghĩa vụ bồi thường hay “chạy tội” vẫn là chuyện… thường tình của hệ thống tư pháp Việt Nam.
Viện Kiểm Sát tỉnh Trà Vinh là nơi vừa lập “thành tích” mới nhất trong chuỗi “thành tích” bất nhân này.
Năm 2004, ông Lý Quốc Nghiệp, chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đồ điện gia dụng bị bắt với cáo buộc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của ông Lê Văn Tài, chủ một doanh nghiệp khác cũng chuyên kinh doanh đồ điện gia dụng.
Vụ án phát sinh từ việc ông Tài nhờ ông Nghiệp bán dùm một số đồ điện gia dụng theo phương thức ký gửi (bán giúp để nhận hoa hồng). Một năm sau, ông Tài tới nhận 18 cái TV không bán được về rồi chẳng hiểu vì sao, ông Tài mang 18 cái TV này quay lại cửa hàng của ông Nghiệp, đòi ông Nghiệp trả cho mình số tiền tương đương 18 cái TV đó. Ông Nghiệp không đồng ý. Ông Tài tố cáo và ông Nghiệp vướng vòng lao lý.
Ở cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm lần đầu, tòa án thành phố Trà Vinh và tòa án tỉnh Trà Vinh cùng xác định ông Nghiệp có tội. Ông Nghiệp bị phạt bốn năm tù và phải hoàn trả cho ông Tài 186 triệu.
Ông Nghiệp kêu oan. Xem lại hồ sơ, Viện Kiểm Sát Tối Cao kháng nghị hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Giữa năm 2009, Tòa Tối Cao đáp ứng kháng nghị và yêu cầu hệ thống tư pháp ở Trà Vinh điều tra lại.
Tiến trình điều tra lại kéo dài hai năm nhưng không tìm được chứng cứ buộc tội ông Nghiệp, tới giữa năm 2011, Viện Kiểm Sát thành phố Trà Vinh quyết định “đình chỉ vụ án,” “đình chỉ bị can.” Tuy nhiên Viện Kiểm Sát tỉnh Trà Vinh không đồng ý nên hủy cả hai quyết định và ra lệnh khởi tố ông Nghiệp một lần nữa.
Ông Nghiệp bị bắt lần thứ hai. Tòa án thành phố Trà Vinh lại đưa ông Nghiệp ra xử sơ thẩm lần thứ hai nhưng lần này chỉ phạt hai năm tù và chỉ buộc ông Nghiệp bồi thường cho ông Tài 31 triệu. Vì thấy không ổn nên tòa án tỉnh Trà Vinh “nghiên cứu vụ án” tới hai năm. Năm 2013, khi xử phúc thẩm lần thứ hai, cơ quan này quyết định hủy bản án sơ thẩm lần thứ hai và ra lệnh điều tra lại thêm một lần nữa.
Bởi công an không thể chứng minh ông Nghiệp có tội nên đầu năm 2014, Viện Kiểm Sát thành phố Trà Vinh đành quyết định “đình chỉ vụ án” và “đình chỉ bị can” vì “không đủ căn cứ để truy tố ông Nghiệp.” Nói cách khác là thừa nhận ông Nghiệp bị hàm oan.
Tính ra ông Nghiệp bị bắt hai lần, bị giam oan 600 ngày, hầu tòa bốn lần và thắc thỏm chờ đợi hệ thống tư pháp quyết định số phận của mình trong suốt mười năm. Đó cũng là lý do ông Nghiệp cương quyết đòi bồi thường. Số tiền bồi thường được ông Nghiệp tính toán rất chi tiết và lên tới 8.3 tỷ đồng.
Tháng 7 năm ngoái, viện trưởng Viện Kiểm Sát tỉnh Trà Vinh quyết định hủy hai quyết định “đình chỉ vụ án,” “đình chỉ bị can” mà ông Nghiệp dùng để đòi bồi thường. Ông viện trưởng xác định ông Nghiệp có tội.
Dựa theo quyết định này, hai ngày sau, Viện Kiểm Sát thành phố Trà Vinh ra hai quyết định “đình chỉ vụ án” và “đình chỉ bị can” mới. Việc “đình chỉ” không phải vì “không đủ căn cứ để truy tố” nữa mà vì… “vụ án xảy ra đã quá lâu, hậu quả không lớn, từ khi phạm tội đến nay, ông Nghiệp ‘thực hiện tốt nghĩa vụ công dân’ nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Nói cách khác, ông Nghiệp được “tha làm phước” chứ không phải vì oan. Hệ thống tư pháp không phải đối phó với chuyện đòi bồi thường của ông Nghiệp nữa. Đây cũng là “trò” mà hệ thống tư pháp ở nhiều nơi tại Việt Nam đang… chơi.
Trò chơi bất nhân
Danh sách nạn nhân của trò chơi bất nhân này càng ngày càng dài. Ví dụ ông Võ Thanh Dũng ở thành phố Đà Nẵng, bị bắt oan, bị giam oan với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chỉ được “miễn trách nghiệm hình sự” bởi “hành vi không còn nguy hiểm.” Hay ông Trần Hoàng Minh ngụ tại Sài Gòn, bị bắt, bị giam, bị kết án “trộm cắp tài sản” nhưng khi phải thả do gây hàm oan thì cũng chỉ được “miễn trách nghiệm hình sự” bởi “hành vi không còn nguy hiểm.”
Thậm chí có trường hợp như ông Huỳnh Văn Sang ở tỉnh Bình Thuận, bị bắt, bị giam, bị kết án “hiếp dâm” nhưng lúc đã đủ căn cứ để phải xác định ông Sang oan, hệ thống tư pháp tỉnh Bình Thuận quyết định “miễn trách nghiệm hình sự” cho ông Sang do “bị hại rút yêu cầu khởi tố.”
Đó cũng là lý do sau khi được trả tự do, nhiều người bị bắt, bị giam, bị kết án oan tiếp tục đi kêu oan! Tuy bị các luật gia và báo giới chỉ trích kịch liệt song hệ thống tư pháp Việt Nam vẫn thản nhiên hành xử trò bất nhân như thế bởi có bất nhân hơn thế thì cũng vô sự! (G.Đ)