main billboard

Tuy “bắt quả tang” nhưng công an không thu được “ba cây tầm vông” được xác định là “hung khí nguy hiểm”


SÀI GÒN (NV) - Viện trưởng Viện Kiểm Sát huyện Bình Chánh vừa quyết định “thay đổi biện pháp ngăn chặn” đối với thanh niên Ong Văn Sệt, 25 tuổi. Theo đó, Sệt sẽ được tại ngoại sau 16 tháng bị tạm giam.

Sệt là bị can thứ ba trong vụ chỉ tiểu bậy nhưng bị công an biến thành cướp.

Cuối năm 2012, Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ bị công an xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Sài Gòn “bắt quả tang” vì cướp tài sản của ông Phan Thanh Quyền.

hovanset
Thanh niên Hồ Văn Sệt, một trong những người chỉ vì tiểu bậy ngoài đường rồi bị biến thành “cướp.” (Hình: Pháp Luật)

Cả công an lẫn Viện Kiểm Sát huyện Bình Chánh cùng xác định rằng, Uống và Sỹ đã cùng hai người khác đi nhậu. Nhậu xong, cả bốn bàn với nhau chặn xe để cướp, bán lấy tiền xài.

Uống, Ðen, Sệt dùng mỗi người một cây tầm vông dài khoảng 50 cm cùng Sỹ đi bộ ra đường Trần Ðại Nghĩa, chia làm hai nhóm đứng đợi hai bên đường. Sau đó thì một người đàn ông tên là Phan Thanh Quyền đi tới. Thấy cả bốn chờ sẵn như thế, ông Quyền quay xe bỏ chạy. Ðen cầm cây đánh ông Quyền nhưng không trúng. Cả nhóm đuổi theo và ném các cây tầm vông về phía ông Quyền nhằm làm ông Quyền ngã xe nhưng ông Quyền tránh được và chạy đến chốt dân phòng khu công nghiệp Lê Minh Xuân báo tin. Do Ðen và Sệt đã bỏ trốn nên công an Bình Chánh chỉ khởi tố Uống và Sĩ. Viện Kiểm Sát huyện Bình Chánh truy tố Uống và Sĩ “cướp tài sản”...

Tại tòa, Uống và Sỹ một mực kêu oan. Dù bị cách ly (không cho trao đổi hay nghe lời khai của nhau) nhưng cả Uống và Sỹ đều khai giống nhau. Theo đó, cả hai cùng là công nhân của một cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, tọa lạc tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Tối 5 tháng 12 năm 2012, cả hai đi nhậu cùng một số đồng nghiệp. Nhậu xong, trên đường về, cả nhóm dừng lại tiểu ở ven đường thì thấy một đám đông đổ đến đòi bắt. Cả nhóm bỏ chạy rồi Uống và Sỹ bị bắt, bị cáo buộc là cướp.

Tờ tường trình đầu tiên do “nạn nhân” của vụ cướp này viết ngay sau khi Uống và Sỹ bị bắt, kể rằng, khi còn cách nhóm thanh niên khoảng 30 mét thì ông thấy hai thanh niên cầm cây, đứng hai bên vệ đường nên ông “đoán là cướp” rồi quay đầu xe, báo cho dân phòng.

Ðến biên bản lấy lời khai được lập vào ngày hôm sau, “nạn nhân” khai thêm chi tiết, “hai thanh niên này xông về phía tôi, tôi quay đầu xe thì bị ném cây theo.”

Uống và Sỹ bị bắt từ đêm 5 tháng 12 năm 2012 nhưng trong hồ sơ của công an có một biên bản “bắt quả tang” được lập sau đó một ngày. Tuy “bắt quả tang” nhưng công an không thu được “ba cây tầm vông” được xác định là “hung khí nguy hiểm” - một tình tiết mà cả công an lẫn Viện Kiểm Sát đề nghị “tăng hình phạt” đối với Uống và Sỹ. Dù hồ sơ vụ án có nhiều điểm bất thường nhưng khi xử sơ thẩm lần thứ nhất, tòa án huyện Bình Chánh vẫn phạt Uống và Sỹ, mỗi người một năm bảy tháng và chín ngày tù, bằng với thời gian bị tạm giam để trả tự do cho cả hai ngay tại tòa.

Sau đó, bản án sơ thẩm này bị tòa án thành phố Sài Gòn hủy vì có nhiều uẩn khúc. Ðó là điều tra theo định hướng có tội. Lập biên bản phạm tội quả tang là để hợp thức hóa hành vi phạm tội theo lời khai của người bị hại. Ngoài lời khai có quá nhiều mâu thuẫn của người bị hại thì không có chứng cứ buộc tội khác. Cáo buộc hai bị cáo sử dụng gậy để cướp nhưng lại không thu giữ được cây nào. Ðặc biệt, chiếc xe của người bị hại không bị ai chiếm đoạt nhưng công an tự thu, tự định giá rồi tự trả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi bị cáo...

Sau khi bị buộc phải điều tra lại, tháng 2 năm 2015, công an huyện Bình Chánh về huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bắt Ong Văn Sệt. Sệt từng bị cáo buộc là đồng phạm của Uống và Sỹ nhưng không bị xem xét trách nhiệm hình sự vì đã “trốn.” Tuy nhiên lúc bắt, hệ thống tư pháp chỉ xác định Sệt phạm tội “không tố giác tội phạm.” Một tháng sau khi bị bắt, Sệt “tự thú” đã tham gia “cướp tài sản” cùng với Uống và Sĩ nên tội danh của Sệt mới bị đổi thành “cướp tài sản.”

Thế nhưng dù Sệt tự thú, hệ thống tư pháp huyện Bình Chánh vẫn không đáp ứng được các yêu cầu của tòa án thành phố Sài Gòn, thành ra tòa án từ năm 2015 đến nay, tòa án huyện Bình Chánh liên tục đưa vụ án này ra xử sơ thẩm lần hai rồi hoãn nửa chừng. Mới đây, Viện Kiểm Sát huyện Bình Chánh xin tòa án huyện Bình Chánh cho rút hồ sơ về để xem lại và ngay sau đó cho Sệt tại ngoại.

Người ta tin rằng, không phải tự nhiên mà Viện Kiểm Sát huyện Bình Chánh làm như thế sau bốn năm nỗ lực buộc tội những thanh niên chỉ tiểu bậy ngoài đường rồi bị biến thành cướp.

Tháng trước, viên đại tá trưởng công an huyện Bình Chánh và viện phó Viện Kiểm Sát Bình Chánh vừa bị đình chỉ công tác sau khi dân chúng cũng như báo giới Việt Nam chỉ trích kịch liệt vì “thống nhất” khởi tố một người làm chòi nuôi vịt “vi phạm nghiêm trọng các qui định về xây dựng” và một người thuê đất của người làm chuồng gà mở quán cà phê tội “kinh doanh trái phép” dù đã có “giấy phép kinh doanh.” Tội thật của người làm chòi nuôi vịt là từ chối bán đất cho viên đại tá, trưởng công an huyện Bình Chánh và người kia là dám thuê thửa đất đó để mở quán cà phê. (G.Ð)