Họ nghiêng bên nọ, ngả bên kia để lấy được những góc đẹp cho những tấm ảnh họ chụp trong khi họ rất hồn nhiên che mất sân khấu làm tầm nhìn của những khán giả trở ngại không ít.
James Bond 007, nhân vật trong các phim dựa trên tiểu thuyết của Ian Flemming (được tin là) có trong tay một thứ giấy phép đặc biệt trong trường hợp nếu cần, có thể hạ độc thủ để tiêu diệt ngay một hay nhiều mạng người mà không bị bất cứ một biện pháp chế tài nào nếu việc (giết người) đó là để bảo vệ quyền lợi và an ninh của nước Anh cũng như của Nữ Hoàng Anh. Có hay không có cái phép (license to kill) ấy thì không biết nhưng chính phủ Anh trong truyện của Ian Flemming luôn luôn sẵn sàng bảo vệ James Bond và đứng sau điệp viên này. Riêng tôi, tôi tin là có. James Bond gây ra cái chết của bao nhiêu người nhưng vẫn xuất hiện đều đều hết phim này tới phim khác.
Cái thứ phép này hình như không chỉ dành cho chuyện giết người mà còn được cấp cho nhiều người khác. Nhiều khi cũng chẳng phải là cái giấy có triện và chữ ký của nữ hoàng hay của thủ tướng Anh bao giờ. Nhưng những cái phép đặc biệt đó lại thường gây khó chịu cho rất nhiều người khác. Mới đây, tại hai buổi sinh hoạt (mà trong nước gọi một cách ngu dốt là “sự kiện,” chắc là dịch từ danh từ “event” của tiếng Anh).
Trong cả hai lần này, tôi đều có chỗ ngồi khá tốt: Gần sân khấu. Tưởng như thế là yên thân và có một buổi nghe nhạc thú vị. Nhưng tôi đã bị cái quyền đặc biệt đó làm phiền không ít. Sân khấu trong tầm mắt của tôi chỉ sau vài phút đã bị che lấp không phải một hai ba lần, mà liên tiếp nhiều lần, gần như suốt gần hết buổi nhạc bởi mấy người có cái phép đặc biệt đó.
Cái (giấy) phép tự ban đó hình như còn to hơn cả quyền đặc miễn tài phán (diplomatic immunity) của các nhà ngoại giao trong khi thi hành nhiệm vụ ngoại giao của họ. Những người này ngang nhiên từ đâu không biết, đã tự động di chuyển lên gần sân khấu để đứng giữa hàng ghế đầu và sân khấu, che lấp tầm nhìn của tôi và nhiều người khác, những người đã phải chi thêm tiền mua vé để có được những chỗ ngồi tốt để nghe chương trình nhạc.
Thử hỏi những khán giả bình thường khác có ai dám làm công việc ngang ngược đó không? Tất cả đều phải ngồi ở chỗ của mình như vé ghi rõ số ghế, số hàng. Và các khán giả có vé đều tôn trọng những sắp xếp đó. Nhưng những người có cái quyền mà họ tự ban cho họ thì không. Họ cầm trong tay những chiếc máy chụp ảnh và tự nhiên có trong tay cái quyền làm phiền những người khác bằng những cái máy chụp ảnh đó. Họ nghiêng bên nọ, ngả bên kia để lấy được những góc đẹp cho những tấm ảnh họ chụp trong khi họ rất hồn nhiên che mất sân khấu làm tầm nhìn của những khán giả trở ngại không ít.
Các nhiếp ảnh viên này ngang nhiên không coi những người khác ra cái gì hết trơn chỉ vì cái quyền họ tự trao cho họ trong khi chẳng nhân danh cái quái gì như nữ hoàng hay chính phủ Anh.
Thôi thì phải chi họ là những thứ như Richard Avedon hay Joseph Kash... những nhiếp ảnh gia hàng đầu của thế kỷ XX thì cũng được đi. Hay những cái máy họ cầm trong tay là những cái Leica, Hassemblad, Nikon... thì cũng không sao. Chúng tôi sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho việc làm gây phiền nhiễu cho chúng tôi. Nhưng cái đồ vật mà họ cầm tay làm phiền chúng tôi lại chỉ là những cái điện thoại smart phone hay cả những cái iPad mà cũng đứng uốn éo trước mặt chúng tôi, che mất sân khấu, gây trở ngại cho buổi tối nghe nhạc của chúng tôi thì rất không nên. Nhất là những người cầm những cái iPad để thu video clip nguyên cả bài hát. Bài ru em có câu “có sáo thì sáo nước trong/chớ sáo nước đục đau lòng cò con” bỗng trở về làm đau lòng cò con quá đi thôi!
Máy ảnh như thế mà cũng đem ra làm phiền chúng tôi thì đau quá.
Cầm những cái máy ấm ớ như vậy mà cũng cho mình cái quyền làm phiền người khác thì không nên chút nào!