“Mình bây giờ như cái bình nước cạn dốc ngược, chảy như tháo ống cống trời ạ!”
Từ khi biết mình đã bước vào tuổi 80, cụ thấy mình thỉnh thoảng lại loay hoay với mấy con số liên quan tới ngày sinh tháng đẻ của mình và ngày tháng năm trên cuốn lịch, còn nguyên vẹn từ tờ thứ nhất đến tờ cuối cùng năm ngoái.
Ảnh minh họa
Sở dĩ như thế là vì, không biết từ bao giờ, cụ thôi không xé lịch nữa, chỉ khi nào cần thì tìm đúng chỗ, xong lại để nó trở về nguyên trạng khi nhận nó từ tay cô em gái năm nào cũng nhớ làm quà cho bà chị già trong dịp Nguyên Ðán đến chúc thọ cụ. Ðối với cụ, thời gian ở bên Mỹ trôi nhanh một cách đáng sợ. Vừa sáng đã trưa rồi chiều ập tới. Vừa chập tối thoắt đã nửa đêm. Vừa sáng Thứ Hai con cháu lục tục đi làm, thấy nguyên một tuần lễ bẩy ngày thật dài trước mặt thế mà cập rập đã lại hết bay cả Thứ Bẩy, Chủ Nhật. Cụ lầm bầm một mình: “Mấy nỗi mà hết đời!” Bực dọc, cụ trách móc: “Ðã thế, tổ tiên, ông bà người Việt mình còn rắc rối, tuổi không tính theo khai sinh mà tính theo vòng hoa giáp Tí, Sửu, Dần, Mão... (gọi là tuổi ta) khiến cụ nào sinh vào Tháng Chạp âm lịch bị cõng thêm 2 tuổi so với năm Tây. 80 hay 82, biết đàng nào mà liệu cơm gắp mắm đây? Cụ chậc lưỡi, quyết định cứ tính tuổi theo lịch là đúng nhất thế nhưng lại thấy không ổn vì nếu xem tử vi phải tính can/chi, thì ông thầy hay bà thầy nhất định đòi biết tuổi ta, bắt đầu với Giáp, Ất, Bính, Ðinh... Tiếc của Trời không được, cãi với Trời không xong, muốn lấy kém, không lấy hơn, cũng không ai cho, cụ đành tự an ủi: “Ôi dào, hơn kém một hai tuổi nhằm nhò gì? Sớm muộn cũng đi vào hấp hối, hình như ông nhạc sĩ nổi tiếng Từ Công Phụng đã viết như thế trong bản nhạc Chiếc Que Diêm? Chỉ hiềm có ai tra hỏi, khai nhiều tuổi quá cũng hơi ngượng vì người hỏi dù bề ngoài ra vẻ tế nhị, làm như kính lão đắc thọ nhưng bề trong thế nào cũng nhẩm tính ngày đi phúng viếng cụ ở Peek Family. Một hôm nào đọc báo, thấy các khoa học gia đưa ra tuổi sinh học, căn cứ trên thể lực và tinh thần của một người, có khi trẻ hơn tuổi khai sinh cả 20 năm, cụ mừng quá! Trả lời xong mấy câu hỏi trắc nghiệm của các tác giả lý thuyết trên, cụ vui suốt một ngày, tâm hồn phơi phới, cụ nghe mình hát Xuân vừa về trên bãi cỏ non và chân đi như có gắn lò xo vì chao ôi, thần tiên quá, cụ mới chỉ 60! Sáu mươi, theo bà thân mẫu của cụ vốn con nhà nông, thuở sinh tiền hay nói: “Là chưa hề hấn gì!”
Trở lại hiện tại, con cháu trong nhà, vài người bạn thân thiết, thường nghe cụ chép miệng nói với vẻ bình thản cố hữu của cụ (tuy nghe kỹ, giờ đây đã thoáng chút ngậm ngùi):
“Mình bây giờ như cái bình nước cạn dốc ngược, chảy như tháo ống cống trời ạ!”
Sáng, chiều rửa mặt, soi gương, cụ thấy mình đà đận với cái hình ảnh phản chiếu trước mắt, săm soi mấy sợi tóc bạc hai bên thái dương xem chúng có nhiều hơn, trắng hơn hay chúng vẫn như hôm qua, tuần trước? Mấy nếp nhăn trên trán, ở đuôi mắt, có sâu hơn hay tí phấn vẫn che được, như cái bay của người thợ nề miết trên xi măng, làm cho nó mịn? Mí mắt bên trái hình như mọng hơn bên phải, sụp xuống khá rõ. Cụ thầm nghĩ hay tại mình ngủ nằm nghiêng bên trái nhiều quá, phải đổi thế nằm thôi. Có khi cụ dùng một đầu ngón tay, khẽ khàng nâng cái mí xếch lên, xem mình trông có trẻ ra tí nào không? Cả phần da chùng dưới cằm, nó làm khuôn mặt cụ hết thon thả, hết săn chắc như quả ô liu vì hai cái túi nhỏ đáng ghét không dấu vào đâu được, cũng không cách nào kéo chúng lên ngoại trừ nhờ ông bác sĩ thẩm mỹ giúp một tay, cho cụ cái facelift nghe nói đau đớn lắm? Mà cũng không chỉ “nghe” đâu, cụ đã thấy trên Internet rồi! Máu me khiếp quá! Sợ quá! Chả bõ!
Rồi lan man, cụ thầm nghĩ cái anh chàng Quả Ðất này thật tệ, cái gì cũng bị anh chàng kiên trì kéo rị xuống. Trách xong, cụ lại nghĩ nếu anh chàng không kéo mọi thứ xuống bằng sức hút khoa học gọi là trọng lực thì cụ sẽ lơ lửng giữa không trung, làm sao bám vào mặt đất mà sống tới 80 năm và còn hứa hẹn thêm nữa? Cứ cái đà lan man ấy, cụ lại buồn ông Tạo Hóa trớ trêu, sao không tạo ra con người như cái bóng đèn, sáng rực rỡ một số giờ rồi là tắt cái bụp mà bắt con người phải qua cầu đắng cay: sinh, lão, bệnh, tử, già đi (tiều tụy, xấu xí,) phát bệnh (đau đớn, khổ não) rồi mới được thở hơi cuối cùng rũ áo ra đi về nơi xa lắm? Buồn xong, cụ lại nghĩ nếu trời không bắt mình già thì rồi cậu thanh niên đến nhà ngấm nghé cô cháu nội hay cô cháu ngoại, biết chọn ai? Còn như chết giữa thanh xuân vì bất cứ nguyên nhân nào thì mọi người sướt mướt nhỏ lệ tiếc thương, như mưa dầm ở Huế, cho là chưa sống đủ. Hóa ra ông (hay bà) Trời khó mà chiều lòng hết thảy chúng sinh tuy mọi sự trên đời do ông (hay bà) ngự đâu đó, ngất ngưởng trên cao, đã sắp xếp sẵn, ghi hẳn hoi vào sổ Thiên tào, đều có cái lý của nó, con người cứ muốn” bẻ ghi” theo ý mình nên mới làm cho nó loạn xà ngầu để nó cuốn mình tơi tả.
Bây giờ, cụ thấy cơ thể mình là sự ngờ vực lớn nhất, nhìn đâu cũng thấy nguy cơ tiềm ẩn. Hôm nay rửa mặt soi gương, cụ thấy hình như ở phần cổ bên trái, ngay dưới dái tai, có chỗ u lên to hơn hột đậu phọng. Cụ lẩm nhẩm: Lạ nhỉ, hôm qua có thấy nó đâu? Hình ảnh bà Jackie Kennedy cùng với cái chữ “lymphoma” ghê gớm xẹt qua đầu cụ như một tia chớp: liệu mình có giống bà ấy không đây? Cụ thận trọng lấy tay sờ, nắn, ấn, đè lên nó xem có thật nó ở đấy không nhưng... cám ơn Trời, cụ chỉ tưởng tượng ra nó khi cụ đứng nghiêng dưới ánh đèn. Lúc khác, cụ thấy bên ngực trái, chỗ quả tim, hình như nó ran ran, nằng nặng. Cụ nhẹ nhàng xoa tay lên cái vùng da thịt khó hiểu ấy theo hướng ngược với kim đồng hồ, như thể vỗ về nó, dỗ dành nó, khích lệ nó, cảm ơn nó đã hoạt động quá tốt suốt 80 năm qua, bỏ xa bất cứ bộ máy nào do nền công nghệ kỹ thuật cao cấp của loài người trên mặt đất chế tạo ra, khế ước bảo trì miễn phí dài nhất chỉ vài năm. Cụ hăng hái bắt chước cô Kiều Hạnh của môn phái Khí Công Hoàng Hạc, chặt gỗ, chặt gạch như chặt bánh tráng nhưng ở động tác nhẹ nhàng nhất, dễ làm nhất: hít mấy hơi thật dài, nén hơi xuống vùng đan điền rồi từ từ thở ra. Cụ thấy dễ chịu hẳn rồi yên tâm tắt đèn, lên giường.
Nửa đêm, đang ngủ ngon, cụ thức giấc, cựa mình, bất thần chân phải cụ bị chuột rút, tiếng miền Nam gọi là vọp bẻ, đau quá! Cái đau khô, cứng, thắt cả ruột gan, như có hai gọng kềm siết vào bắp chuối, khiến cụ thốt kêu lên “Mẹ ơi!” nhớ lại thời trẻ sanh con cũng không đau đến thế. Nằm yên càng đau dữ. Ðã vậy, cụ ngồi dậy, thử bỏ chân xuống đất, gót trước ngón sau rồi gượng đứng lên, khập khễnh bước liều một bước và cụ ngạc nhiên, mừng rỡ, thấy hai gọng kềm lơi ra. Sáng hôm sau thức dậy, cụ lên Internet tìm hiểu. Tài liệu khuyên cụ nên ăn mỗi ngày một trái chuối để bổ sung potassium, là nguyên nhân gây ra vọp bẻ. Có bác sĩ cho là cần magnesium và cần uống nước nhiều để hai hoạt chất kia phát huy tác dụng. Chia sẻ kinh nghiệm, có bạn đồng lần cho biết họ hòa tan tí muối trong lòng bàn tay rồi nhấm nháp; cũng có người mách mẹo vặt dùng hai ngón tay kẹp chặt nhân trung ở môi trên. Muối thì cụ không muốn thử vì sợ làm áp huyết lên cao nhưng kẹp nhân trung bằng hai ngón tay thì đau mà chả ăn thua gì. Bây giờ, cụ biết cách trị vọp bẻ rồi: không thích cũng phải ăn chuối mỗi ngày và khi “nó” tới, cụ điềm tĩnh bỏ chân xuống đất, đi mấy bước là ổn thỏa. Nhờ chuối, mấy tháng nay cụ thoát nạn. Cụ ví mình như cái nhà cũ ọp ẹp, hỏng chỗ này, chữa xong, lại hỏng chỗ khác. Cụ tập ăn cơm chiều trước 6 giờ để đồ ăn có thời gian tiêu hóa, đường mỡ được “xử lý” đâu ra đó trước khi đi ngủ. Hôm nào có phim truyện hay, cụ xem đến khuya, bụng hơi đói, chỉ dám ăn vài thìa oatmeal với đường nâu hoặc dỗ mình nín nhịn đến sáng mai. Có người chê cụ lo xa vô ích vì nhân sinh từ khi nhờ cha mẹ vào đời ai cũng được tặng sẵn vé đi chuyến tàu suốt rồi, kiêng khem làm gì cho khổ thân nhưng cụ bảo tuy vé tàu không đổi được, cụ vẫn muốn lên tàu một cách đường hoàng, tươm tất với sự chuẩn bị tốt nhất.
Thời gian gần đây, cụ thấy hình như mình bắt đầu bị viêm khớp. Sáng mở mắt ra, mấy lóng tay cứng đơ, ráng cử động thì nghe nó khục khặc. Cụ lại phải nghĩ cách đối phó. Cụ để hai bàn tay dưới vòi nước nóng một lúc thì co vào, duỗi ra mềm mại, êm ru. Thế nhưng khuỷu tay, khuỷu gối, bả vai, cả cái lưng chỗ xương cụt, thì làm sao? Cụ sực nhớ đã lâu lắm, có nghe một ông thầy Tầu nói rằng, “Ðau đâu đánh đấy.” Ðánh hay đấm, chắc giống nhau. Không đánh cũng không đấm được, thì không để nó yên. Vậy, tập thể thao. Cứ nhằm những chỗ đau mà tập. Xoa bóp hai bàn tay, cử động mười ngón tay như những cái chân cua ngo ngoe, xòe ra, cụp vào. Hai tay chống mạng sườn, đứng lên, thụp xuống, 50 cái, 100 cái. Tập xong, người nhẹ tênh.
Cái thân đã vậy, cái đầu cũng làm cụ bận tâm không ít. Cái chìa khóa nhà kho cụ cầm trên tay nhưng cụ lại hỏi con gái cái chìa khóa mẹ vẫn để ở đây, con có lấy để chỗ khác không? Báo đăng tin ngôi nhà tráng lệ của vợ chồng tài tử George Clooney đặt solar panel để tiết kiệm điện năng (thì ít) mà để giúp Ðịa Cầu bớt ô nhiễm (nhiều hơn) làm cụ ngạc nhiên và thích thú, muốn đem câu chuyện kể cho con cháu nghe nhưng cụ bóp trán nhớ mãi không ra tên ông chủ nhà nổi tiếng kia. Cụ nhất định không chịu thua cái đầu bột mì của mình mà bắt nó phải làm việc và tìm cho bằng được cái tên cụ cần. Cụ kỳ hạn cho nó nửa tiếng để lục lọi ký ức và đưa ra kết quả, nếu không, cụ sẽ mò vào Internet. May quá, đám sương mù trong trí nhớ của cụ mỏng dần, mỏng dần, sau cùng, cái tên George Clooney hiện ra, chói lòa.
Cụ nhớ lại tuổi già của cha mẹ, sao ngày ấy cụ thấy nó êm đềm thế? Bây giờ hồi tưởng chặng đường xa xưa đó, cụ mới chợt nhớ những năm tháng cuối cùng, bố chỉ ăn ngày một bữa cơm, bữa kia là một bìa đậu hũ luộc chấm muối chanh. Chiều chiều ông chống gậy ra vườn hỏi thăm hoa cỏ, nhìn hàng xóm và người qua đường ân cần ngả mũ nón chào, bộ râu dài trắng như cước phơ phất trên ngực áo, vẻ an nhiên như không hề có gì làm ông bận tâm. 87 tuổi, ông ăn ổi ương, ăn mía đốt, hàm răng còn nguyên, mắt không đeo kính, nhà không có tủ thuốc. Bạn già bảo ông phải rụng bớt răng thì con cái mới ăn nên làm ra được và cụ nghe ông cười đáp: “Thế tôi phải lấy kìm vặn răng đi à?” Ông mất, nhẹ nhàng như một chiếc lá vàng rơi, không tiếng động. Nhiều chục năm sau, di tản sang Mỹ, mẹ vẫn lần bờ tường đi ra đi vào căn nhà 4 phòng chia chung với người bạn của cụ ở thành phố Santa Ana, vẫn cười cười âu yếm mấy đứa cháu ngoại nhưng bà không nói nhiều nữa. Không biết từ lúc nào, bà thôi không còn đọc thơ Huy Cận, cũng không ngâm ngợi Chinh Phụ Ngâm hay Kim Vân Kiều với làn hơi con gái Kinh Bắc cao vút. Có lẽ mẹ không còn bao nhiêu hơi sức nữa ở tuổi gần 90 và cụ thì thờ ơ, không nhìn thấu nỗi niềm của mẹ trong tuổi già. Một buổi tối, bà lần sang phòng cụ, nhẹ nhàng nói: “Bà đi ngủ nhé!” Hôm sau, bà không dậy nữa. Tang ma xong, cụ thu dọn đồ đạc của mẹ, chỉ thấy mấy cái khăn mùi xoa xếp gọn ghẽ và vỉ thuốc bổ uống dở trong cái hộp thiếc nhỏ, không có cả một chai dầu hay mấy lá salonpas. Cụ xót xa kêu thầm trong lòng: “Mẹ dấu những cơn đau và sự mỏi mệt ở đâu mà con không bao giờ nhìn thấy?”
Trong tâm trí những đứa con, cha mẹ là núi non hùng vĩ, không bao giờ chuyển dịch; là biển khơi bao la, không bao giờ cạn sóng. Chỉ có núi và biển tự biết trong từng sát na thầm lặng, núi cũng mòn và biển cũng vơi.