Họ tiến hành chiến lược “tiêu thổ kháng chiến,” nôm na là đốt sạch ruộng đồng để làm sáng tỏ chính nghĩa.
Tiêu thổ kháng chiến
Còn đúng một năm nữa, cử tri Hoa Kỳ sẽ đi bỏ phiếu để bầu lại tổng thống, toàn thể 435 dân biểu Hạ Viện, một phần ba trong 100 nghị sĩ thượng viện và nhiều chức vụ dân cử địa phương. Từ nay đến đó, dĩ nhiên là thời sự và cả thế giới chú ý nhất đến cuộc tranh cử tổng thống, xem quốc gia dân chủ và giàu mạnh nhất địa cầu sẽ bầu bán lãnh đạo ra sao, và ai sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20 Tháng Giêng năm 2017.
Nhìn từ bên ngoài thì chưa ai có thể đoán ra kết quả, kể cả các chuyên gia chính trị kỳ cựu nhất của nước Mỹ vì từ sáu tháng nay họ gặp quá nhiều bất ngờ. Vả, dù sao thì tình hình còn quá sớm.
Nhưng nhìn từ bên ngoài, chuyện bất ngờ nhất xuất phát từ đảng Cộng Hòa.
***
Trong cuộc tranh luận ở vòng sơ bộ vào tháng trước, ứng cử viên tổng thống bên đảng Dân Chủ là Hillary Clinton đã trả lời một câu hỏi, rằng kẻ thù của bà là đảng Cộng Hòa và Hiệp Hội Bảo Vệ Quyền Có SÚNG, National Rifle Associaton. Đây là một lần hiếm hoi mà chính khách này nói thật.
Và hy vọng đắc cử của bà có vẻ khả quan hơn vì dường như đa số ứng viên Cộng Hòa cũng nghĩ vậy: Họ ngó vào gương là thấy kẻ thù!
Theo một cuộc khảo sát gần đây nhất của Pew Research Center thì đến 60% dân Mỹ thất vọng về đảng Cộng Hòa - và một phần ba những người ghi danh Cộng Hòa cũng nghĩ vậy. So với đảng Dân Chủ thì đa số người dân cho là Cộng Hòa cực đoan hơn, và chẳng mấy quan tâm đến nhu cầu của những người dân như họ. Chỉ vài con số đó cũng đáng để phe Cộng Hòa giật mình, và nếu nhìn vào sự chuyển dịch dân số thì một năm trước bầu cử, đảng này chiếm một thiểu số đang co cụm...
***
(Ảnh minh họa)
Nhưng điều bất ngờ thứ nhất, đảng Cộng Hòa lại có vẻ như ít quan tâm về trào lưu đó. Họ tiến hành chiến lược “tiêu thổ kháng chiến,” nôm na là đốt sạch ruộng đồng để làm sáng tỏ chính nghĩa.
Sau cuộc bầu cử năm 2010, như một phản ứng chống trào lưu bao cấp của đảng Dân Chủ đã kiểm soát cả Hành Pháp và Lưỡng Viện Quốc Hội từ năm 2008, một số chính khách Cộng Hòa thuộc khuynh hướng bảo thủ hay tự do tuyệt đối libertarian đã tự trao nhiệm vụ thanh lọc hàng ngũ. Là tấn công và loại bỏ thành phần dân cử Cộng Hòa trong hai viện cứ muốn thỏa hiệp để chia quyền lãnh đạo với Tổng Thống Barack Obama và đảng Dân Chủ trong Quốc Hội. Việc thanh lọc ấy mới là ưu tiên và là nguồn gốc của chiến lược tiêu thổ kháng chiến.
Mục tiêu không phải là cầm quyền mà là làm sáng tỏ chính nghĩa: Xây dựng một chính quyền gọn nhẹ và không can thiệp quá nhiều vào đời sống của người dân. Phương tiện tranh thủ mục tiêu đó là loại bỏ các lãnh tụ Cộng Hòa có tinh thần ôn hòa hay thỏa hiệp, hoặc loại Cộng Hòa chỉ có danh nghĩa, gọi là RINO, Republicans in Name Only.
Vì vậy, dù Cộng Hòa có đa số 246 dân biểu tại Hạ Viện, một thiểu số chưa tới trăm người trong lực lượng này lại triệt để ra tay trừ khử các thành phần thỏa hiệp. Trong một thể chế dân chủ thì cầm quyền là phải dung hòa quan điểm với đối lập. Nhưng cầm quyền như vậy chẳng bằng cầm đuốc làm sáng tỏ chính nghĩa. Thiểu số cực đoan trong đảng bèn cầm đuốc đốt nhà, và đốt cả đảng.
Hai nạn nhân vừa bị đốt trong vụ nội chiến Cộng Hòa là chủ tịch Hạ Viện John Boehner và trưởng khối đa số Cộng Hòa, dân biểu Kevin McCarthy. Cuối cùng, chủ tịch Ủy Ban Chuẩn Chi Ngân Sách đầy khả năng và uy tín là dân biểu Paul Ryan - Ứng cử viên phó tổng thống năm 2012 - phải thủ vai Lê Lai cứu chúa, đành ra tranh cử chức chủ tịch Hạ Viện sau khi thỏa hiệp với thiều số cực đoan và nổi loạn trong đảng. Để cứu đảng, Paul Ryan hy sinh sự nghiệp và cả triển vọng tranh cử tổng thống vào năm 2020 - và nhiều phần thì sẽ lại bị đạn vào lưng, hoặc bị đốt nhà!
Vì sao lại có hiện tượng quái đản này?
Câu trả lời là một bất ngờ thứ hai. Cử tri Cộng Hòa hết tin vào các chính khách chuyên nghiệp, những kẻ vì coi việc cầm quyền là ưu tiên, nên họ càng có kinh nghiệm là càng mắc tội thỏa hiệp. Đây là lý do khiến trong số 15 ứng cử viên Cộng Hòa trong vòng sơ bộ của cuộc tranh cử Tổng thống, các chính khách Cộng Hòa đầy thành tích cầm quyền khi còn là thống đốc tiểu bang đều cầm đèn đỏ, từ Jeb Bush đến Chris Christie hay tự ý rút lui như Jack Perry hoặc Scott Walker.
Ngược lại, các nhân vật chưa từng hoạt động chính trị như tỷ phú Donald Trump hay bác sĩ Ben Carson lại dẫn đầu, với những hứa hẹn làm dân chúng lạnh mình và đảng Cộng Hòa mất hậu thuẫn trong cuộc bầu cử toàn quốc.
Con Vịt Donald thì đòi dựng lên một bức tường ngăn chặn di dân nhập lậu từ Mexico, và đòi chính quyền Mexico tài trợ việc xây dựng ấy. Bác sĩ Carson thì khơi đề nghị một kế hoạch ngân sách sẽ cắt bỏ 30% bộ máy công quyền - xin dịch nôm là sa thải công chức, thành phần cử tri nòng cốt của Dân Chủ!
Vì bận đốt nhà, họ hụt một cơ hội phản công khi các ứng cử viên Dân Chủ, từ Hillary tới nghị sĩ Bernie Sanders đang ngả dần về khuynh hướng cực tả !
Đấy là lúc một bậc trưởng thượng Cộng Hòa là cựu Tổng Thống George H. W. Bush đã quá 91 tuổi tung ra cuốn hồi ký như một mồi lửa khác trong ngôi nhà Cộng Hòa. Ông Bush cha nặng lời đả kích Phó Tổng Thống Dick Cheney và Tổng Trưởng Quốc Phòng Donal Rumsfeld trong chính quyền của ông Bush con, là Tổng Thống George W. Bush. Báo hại ông Bush thứ ba là ứng cử viên Jeb Bush phải chạy về nhà chữa cháy!
Cả ba đời Bush lẫn các ứng cử viên Cộng Hòa khác quên bẵng thành tích của Tổng Thống Ronald Reagan với hậu quả tốt đẹp - về chính nghĩa - là chính quyền Bill Clinton đã chuyển dịch về cánh trung dung và áp dụng một số lý luận Cộng Hòa để trở thành chính khách sáng giá nhất. Ngày nay, theo lý luận của Hillary hay Bernie Sanders, đường lối của Bill Clinton là thỏa hiệp, là bảo thủ, và thành tích ký kết Hiệp Ước Tự Do Thương Mại NAFTA năm 1994 là phản bội quần chúng nhân dân lao động!
Nhìn từ bên ngoài, người ta thấy ra một hình ảnh rất lạ của đảng Cộng Hòa nói riêng và cả tầng lớp chính trị gia nói chung.
***
Nhưng bất ngờ lớn nhất lại đến từ một chỗ khác.
Trong cuộc bầu cử cục bộ ngày Thứ Ba mùng ba vừa qua, đảng Cộng Hòa lại thắng lớn ở cấp cơ sở. Biến cố ấy mới khiến người ta nhìn lại toàn cảnh. Tại 50 tiểu bang, đảng Cộng Hòa có 32 thống đốc và chiếm đa số tại cả hai viện trên dưới của 31 tiểu bang. Nhiều tiểu bang còn quân bình được ngân sách nhờ thống đốc Cộng Hòa, từ Michigan tới Indiana, Iowa tới Wisconsin, v.v... Hình như là ra khỏi vùng đang rực lửa là Thủ đô Washington với hai trung tâm nhiễm độc chính trị là Hạ viện và Thượng viện, đảng Cộng Hòa tại cơ sở lại có ưu điểm thực tiễn và khả năng lãnh đạo cao hơn đảng Dân Chủ!
Họ có tinh thần thân dân hơn các ứng cử viên đang có tham vọng liên bang hay toàn quốc.
Thế thì nước Mỹ nào là Hoa Kỳ thâm sâu? Và đảng Cộng Hòa phải làm gì để khỏi đốt cháy luôn hy vọng dưới cơ sở?
Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ
Xin nói chuyện còn rất mới. Tháng Chín vừa qua, một học sinh tên là Ahmed Mohamed chế ra một cái đồng hồ mang vào trường khoe. Đó là một “computer board” màu xanh lá cây, với chi chít nút hàn chì và chằng chịt dây xanh đỏ, nối qua cái hộp điện tử nhỏ với số phút và giờ bằng điện chớp chớp màu đỏ, kêu bíp bíp. Cô giáo hết hồn, gọi cảnh sát đến còng tay chú nhóc và mang cái đồng hồ đi kiểm tra. Dĩ nhiên chú được thả dù bị treo giò mấy ngày vì gây náo loạn trong trường. Chuyện náo loạn là vì cô giáo hốt hoảng gọi cảnh sát.
Khốn nỗi, chú nhóc lại là Ả Rập. Truyền thông phe ta bèn rùm beng.
Tong Thống Obama mau mắn mời chú vào Tòa Bạch Ốc như người hùng của thế kỷ, và ca tụng anh là một thiên tài. Facebook và Twitter vội vã mời chú vào làm việc dù mới 14 tuổi. Báo cả nước xỉ vả sự ngu dốt của cô giáo dám đụng vào anh nhóc mang tên của Đấng Tiên Tri Mohamed.
Nhưng chỉ có đúng một mẩu tin ba dòng trên Yahoo ghi nhận là sau đó: Người ta khám phá ra chú bé chẳng chế tạo gì hết. Chỉ mua một cái đồng hồ báo thức bình thường, mang về gỡ ra, ráp lại trong cái hộp cạc-tông mang vào trường lấy le với bạn, không ngờ là thành thiên tài của thế kỷ.
Truyền thông ơi!