Khi kề cận với cái chết, người ta có những suy nghĩ khác, nhưng sau khi sống sót, người ta trở lại với tính tình cố hữu của mình.
Thế là ngày 21 tháng 12 năm 2012 đã đi qua, trong khi trái đất vẫn bình an. Sáng nay, ngoài đường chiếc xe đổ rác vừa chạy qua, người phát thư mới dừng lại trước cổng nhà. Tin tận thế đã loan truyền từ lâu, nhưng không ai hồi hộp đợi chờ vì người ta không còn tin tưởng ở những lời sấm ký, tiên đoán nữa. Có ăn mừng khi ngày tận thế đã không xảy ra, cũng chỉ là cái cớ để vui chơi, chứ không phải sự mừng rỡ thật sự như khi một người vừa thoát nạn sau một vụ đắm thuyền ngoài biển khơi hay như người du khách ở Phuket, Thái Lan, được sống sót qua trận sóng thần năm 2004.
Tôi nghĩ là không ai tin rằng ngày 21 tháng 12 năm nay là ngày tận thế, bằng chứng là vào chiều ngày trước đó, ngày 20, tại phòng mạch, ông bác sĩ đã cố gắng nán lại khám cho xong người bệnh cuối cùng hay nhà hàng bán tức ăn “to go” ráng vét món canh trong cái chậu nhôm bán cho khách để lấy thêm đồng bạc, trước khi đóng cửa. Ở Las Vegas, du khách vẫn đông như mọi ngày và chuyến xe buýt chở khách lên sòng bài hôm nay cũng không vắng người.
Không ai lo sợ mà cũng chẳng ai hối hả về tin ngày mai trái đất sẽ nổ tung và mọi người trở thành cát bụi. Không có tuổi trẻ mà chẳng có tuổi già, không có nhan sắc mà cũng không có tình dục, không có giàu mà cũng không có nghèo, không có hạnh phúc mà cũng chẳng hề có đau khổ, không có ngày cũng chẳng có đêm. Mọi sự đều tan biến, tưởng chừng như chưa bao giờ hiện hữu, như chúng ta chưa bao giờ tới nên cũng chẳng có ngày ra đi.
Thế giới đã có những ngày mà sự việc xảy ra như ngày tận thế, nếu người ta định nghĩa tận thế tương tự những điều có thể xảy ra ở trên. Ðối với cư dân Hiroshima và Nagasaki, Nhật, thì hai quả bom nguyên tử được Mỹ ném xuống ngày 9 và ngày 12 tháng 8 năm 1945, tàn phá nơi này thành bình địa, giết hơn 200 nghìn người quả là một ngày tận thế đối với họ.
Sức tàn phá lớn gấp nhiều lần một quả bom nguyên tử như thế, người ta đã nói đến thảm họa sóng thần vào Sumatra một ngày sau Giáng Sinh năm 2004, thực sự gấp đôi nguồn năng lượng bùng nổ trong Chiến Tranh Thế Giới thứ II, bao gồm cả hai quả bom nguyên tử. Tính riêng cường độ và nguồn năng lượng của riêng trận động đất gây ra, ước tính đã phải xấp xỉ khoảng 23,000 quả bom nguyên tử ở Hiroshima.
Thảm khốc hơn thế nữa, trận đói xảy ra ở Bengal, Ấn Ðộ, năm 1770, làm chết 10 triệu người, lụt ở Trung Quốc năm 1931 giết gần 4 triệu người, cơn lụt năm 1887 của riêng con sông Hoàng Hà đã giết gần 2 triệu người. Và mới đây thôi, tai họa của cơn sóng thần ngày 11 tháng 3 năm 2011 tại Nhật làm thiệt mạng gần 20 nghìn người.
Ðó không phải là hình ảnh của tận thế hay sao?
Nhưng bản tính con người vẫn mau quên. Khi kề cận với cái chết, người ta có những suy nghĩ khác, nhưng sau khi sống sót, người ta trở lại với tính tình cố hữu của mình. Có bao nhiêu người thập tử nhất sinh trên đường vượt biển, khi cái chết chỉ trong gang tấc, họ cầu nguyện những gì, mong mỏi những gì, nhưng sau đó, khi đã đặt chân được đất liền, không còn đói khát, hết đối mặt với sự hãi hùng, con người trở lại tầm thường, cũng chẳng hiền lành, đạo đức hơn được chút nào.
Vì thật sự, chắc chắn, ngày mai là ngày tận thế, trái đất hoàn toàn bị hủy diệt, tất cả chỉ còn là những dúm tro rải rác trong không gian rộng lớn, vô tận này, thì hôm nay con người đã có suy nghĩ và hành động khác hẳn rồi.
Nếu ngày mai đã là ngày tận thế, hôm nay chúng ta vẫn còn chăm chỉ nhặt nhạnh thêm vài đồng bạc cuối cùng để làm gì? Nếu ngày mai là ngày tận thế, hôm nay đâu cần phải nói ra một cay đắng với nhau?
Nhưng con người không phải ai cũng giống ai.
Có người nói nếu có ngày tận thế, chỉ mong được nắm tay một ai đó vào thời điểm ấy, và trước khi nhắm mắt thì chỉ cầu mong được ai đó hôn một nụ hôn cuối, được nghe ai đó nói là yêu mình. Một người khác thì nghĩ nên làm những việc gì mình chưa làm, nên nói những gì mình chưa nói, nên yêu đi nếu chưa yêu.
Có nhiều người đi mua cho gia đình một chiếc hầm trú ẩn cho ngày tận thế, sẽ được chôn sâu dưới đất giá $75,000. Trên trái đất này có hàng tỷ tỷ người thì nhà sản xuất chỉ bán ra mỗi ngày được một cái, nghĩa là con người ít có ai tin rằng ngày mai sẽ là ngày cuối cùng của mình. Trong khi có người muốn dành những giờ phút cuối cùng để cầu nguyện thì cũng có những người muốn lên giường ngủ với người khác phái lần cuối trước khi ngày tận thế ập đến. Có cô gái kêu lên: “Tôi chưa muốn tận thế vì tôi chưa có chồng!”
Tôi cũng không nghĩ là sống sót sau ngày tận thế là hạnh phúc! Cứ tưởng tượng một mình đi giữa cảnh hoang tàn, không thức ăn, nước uống, không có gia đình, bạn bè, thân quyến, không cả một đồng loại, không, cả tiếng chim kêu hay tiếng một con chó sủa... thì sống như vậy cũng như đã chết. Trịnh Công Sơn chỉ mới thấy rừng thay lá, đã gọi hãy yêu nhau đi, huống gì ngày mai đã là ngày cuối cùng của nhân loại! Chúng tôi xin nhắc lại một câu nói các bạn đã nghe nhiều lần: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương.” (Kahlil Gibran)
Nếu ngày mai tận thế, tối hôm nay gia đình chúng ta sẽ quây quần ôm lấy nhau, nghĩ đến những người đã khuất, mong đợi những người ở xa chưa về, và nghĩ rằng từ cát bụi chúng ta sẽ trở về cát bụi, cũng chẳng có chi để tiếc nuối, và nhận ra, cuối cùng trên cuộc đời phù du này, tiền tài, danh vọng chẳng là gì cả!
Vậy là ngày tận thế đã qua! Cuộc đời không chỉ những cho chúng ta thêm một ngày mà còn thêm nhiều ngày để sống yêu thương. Phải chi ngày mai chắc chắn là ngày tận thế, để hôm nay người ta sống với nhau đàng hoàng, tử tế hơn, và tôi sẵn sàng tha thứ cho ai đó đã ném những viên đá thù hận, ganh ghét vào tôi hôm qua!
Nhưng ngày tận thế đã qua rồi! Tất cả cần phải xem xét, suy nghĩ lại!
Khổ quá, tôi cũng chỉ là một con người tầm thường thôi!