Cái lạnh thường mang theo nỗi buồn, cái lạnh mang thêm cái đói, cái mệt nữa đã tàn phá con người một cách nhanh chóng, cho nên không ít người trong chúng tôi đã phải nằm lại trên những ngọn đồi heo hút, nhưng không phải xương cốt ai cũng được một ngày nào đó mang trở lại về quê hương.
Bây giờ là Mùa Ðông. Mùa Ðông ở Sài Gòn chỉ khác chút ít với Mùa Hè, vì Sài Gòn không có bốn mùa mà chỉ có hai mùa mưa nắng, vì vậy người không nhà vẫn có thể ngủ qua đêm bên hè phố, trong ống cống, mà không cần chăn đắp. Nhờ vậy những năm 1980, dân chúng trốn từ vùng kinh tế mới về có thể ngủ la liệt trên đường phố, kiếm miếng ăn sống qua ngày mà chờ ngày vượt biển hay ở lại với Sài Gòn đã đổi tên, để buông theo số phận.
Bây giờ tuy Mùa Ðông, California vẫn còn chút nắng ấm trong khi ở miền Ðông Bắc nước Mỹ, nhiệt độ xuống thấp, tuyết phủ dày đặc khắp nơi, nhất là sau cơn bão Sandy, nhiều thành phố mất điện, trên xa lộ nhiều tai nạn xảy ra, nhiều người chết vì băng giá vì trong nhà không có khí sưởi và ở ngoài trời trong công viên, nơi gầm cầu hay dưới ga xe điện ngầm với những kẻ không nhà.
Cơn nóng năm 2003 ở Âu Châu đã giết 70,000 người, trong đó nước Pháp đã có 14,802 nạn nhân, nhưng lạnh thì năm nào cũng giết người một cách âm thầm trên khắp thế giới.
Những người chết cóng thân nhiệt bị hạ thấp và tim ngừng đập vì ngủ ở ngoài hè phố hay dưới gầm cầu, với bức tường là nhà và thùng carton là chăn đắp.
Tại thành phố Boston, 151 người vô gia cư đã chết trong Mùa Ðông năm 2002, trong đó có một em bé hai tháng tuổi. Ngay cả những vùng ít lạnh hơn như Atlanta, Georgia, cơ quan cảnh sát cũng ước tính một năm có 60 người vô gia cư chết vì lạnh. Nhiều người tê cứng ngoài hè phố đã được cứu sống nhưng phải bị cắt cụt bàn chân, bàn tay hay những ngón tay vì những phần này đã bị hoại tử.
Con người ở xứ lạnh thường giàu có no đủ hơn các dân tộc vùng nhiệt đới, nếu không những xứ đói nghèo như Châu Phi, không có thực phẩm, không có áo quần làm sao sống qua những Mùa Ðông giá buốt. Thượng Ðế, nếu có, mỉa mai và quái ác cho xứ nghèo cái nóng và cho dân giàu cái lạnh. Tuy vậy, sự ban bố này không mấy hoàn hảo nên trên trái đất này, nhiều nơi đã đói nghèo mà còn phải chịu thêm lạnh lẽo.
Những năm sau Tháng Tư, 1975, những người lính miền Nam đã quen với khí hậu ấm áp, bị đày ải ra miền Bắc trong các nhà tù tập trung bắt đầu cảm thấy cái lạnh buốt tàn nhẫn của Mùa Ðông. Khi ra đi chúng tôi chỉ có mấy bộ áo quần, chiếc mùng và chiếc chăn đơn, đầu không nón, chân không dày. Ðến Mùa Ðông tù nhân được phát áo “trấn thủ” độn bông, những chiếc áo thời Ðiện Biên Phủ dễ chừng đã từng thấm máu thương binh hay những người chết đã được giặt giũ để dùng lại. Những đôi giày vải cũng không chịu nổi với thời gian khi phải lội qua cơn suối lạnh, những quãng đường lầy lội hay trên những con đường mòn qua núi trơn trượt, nên cuối cùng vẫn là đôi “dép râu” hay hai bàn chân trần, với mười ngón chân bấm chặt vào thớ đất quê hương tù đày.
Buổi sáng chúng tôi thức giấc giữa vùng trời lạnh đầy sương muối. Những bàn chân gầy lép phải nhấn sâu trong bùn nhão phủ bởi một lớp sương đã đóng thành băng trắng để thay đám trâu nhào đất làm gạch, cảm thấy cái lạnh buốt đến tim gan. Những ngày “ra gạch,” bụi bặm, than xỉ bám đầy tóc tai, áo quần, trên đường trở về trại, mặc dầu trời rét cắt da, đoàn tù cũng phải cởi áo quần xuống suối tắm gội, toàn thân run rẩy, ửng đỏ vì máu phải dồn ra da để chống cái lạnh khắc nghiệt.
Những buổi tối Mùa Ðông, sau một ngày mệt mỏi, đói khát chúng tôi chỉ muốn buông mùng, tay ôm đầu để tìm vào giấc ngủ, nhưng lại phải chong đèn “học tập” ngồi “phê bình, kiểm thảo,” chì chiết, kê kích nhau để bình công, chấm điểm dưới cái bóng ma “cách mạng” giấu mặt, để định cho kẻ kia mười bốn, người nọ mười bảy cân lương thực. Ðói, buồn, vất vả và giá buốt đã làm tiêu hao sức lực của những chàng trai trung niên, biến chúng tôi thành những con ma đói dật dờ.
Những căn nhà mái tranh vách nứa, khe hở gió lùa, để chống rét, mỗi đêm trời lạnh chúng tôi gom củi rừng, đốt một đống lửa giữa “lán,” để tìm chút hơi ấm. Ánh sáng của bếp lửa giữa nhà hắt bóng những người tù ngồi lên vách nứa, chập chờn như những bóng ma. Nửa đêm lửa tàn, cơn lạnh làm những người tù thức giấc, co ro, xót xa nỗi nhớ nhà, nghe tiếng gió rít trên vùng đồi núi chung quanh trại tù như tiếng ma quỷ kêu gào giữa đêm khuya.
Cái lạnh là kẻ thù lớn nhất của người tù trên núi rừng Việt Bắc, nó đâm da xé thịt những con người còm cõi vì làm lụng vất vả mà không có đủ miếng ăn, cộng với nỗi buồn của những người lưu đày xa xứ, mỗi buổi chiều theo dõi đám mây trôi, mà thấy miền Nam xa biền biệt không có ngày về. Cái lạnh thường mang theo nỗi buồn, cái lạnh mang thêm cái đói, cái mệt nữa đã tàn phá con người một cách nhanh chóng, cho nên không ít người trong chúng tôi đã phải nằm lại trên những ngọn đồi heo hút, nhưng không phải xương cốt ai cũng được một ngày nào đó mang trở lại về quê hương.
Sung sướng cho các bạn bè còn ở lại miền Nam, dù sao mảnh đất đó cũng là ruột thịt, hơi hám của quê hương, để các bạn còn nghe giọng nói quen thuộc, thấy dáng núi cụm cây, vẫn nghĩ đây là nơi gần gũi với những người thân yêu, vì nơi đây dù sao vẫn được gọi là đất nhà. Dù cũng là cảnh tù đày nhưng không phải mang bản án lưu xứ, phát vãng đến nơi “chim kêu vượn hú, biết đâu là nhà!”
Bây giờ, gần 30 năm sau mỗi lần trời Mùa Ðông, tôi lại nhớ đến cái lạnh (mà người miền Bắc gọi là rét) Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ Tĩnh... với hình ảnh đoàn tù rách rưới, mệt nhọc, thểu não, lầm lũi lê bước đi trên những con đường mòn qua rừng, qua suối, qua những bờ ruộng mấp mô, thèm một bát cơm nóng, một bếp lửa, một tiếng cười.
Bây giờ, dù là Mùa Ðông tuyết đổ trên xứ người, có chăn ấm nệm êm, có bát cơm nóng, có bếp lửa, có tiếng cười, nhưng ai còn nhớ hay ai đã quên?