Nhìn lại dân tộc Việt Nam, chúng ta rất dễ bắt gặp vô số các nghịch lý.
Một trong những nghịch lý đó là: một mặt, lịch sử Việt Nam đầy những bất hạnh, xã hội Việt Nam đầy những tai ương, kinh tế Việt Nam đầy những khó khăn, và tương lai Việt Nam đầy những bất trắc, vậy mà, mặt khác, người Việt Nam, theo các cuộc điều tra của nhiều tổ chức quốc tế, lại được xem là rất lạc quan, thậm chí, thuộc loại lạc quan nhất thế giới. Mà không phải chỉ có các cuộc điều tra ấy, từ lâu, dưới mắt người ngoại quốc, đặc điểm nổi bật nhất của người Việt Nam dường như là ở nụ cười. Ở đâu cũng thấy người ta cười. Thanh niên thiếu nữ cười, đã đành. Cả những người già cả và nghèo khổ, buôn thúng bán bưng ngoài đường ngoài chợ vẫn cười. Nụ cười nào cũng thật tươi.
Tại sao có sự nghịch lý như thế?
Nghịch lý ấy cũng có thể nhìn thấy trong văn học. Một dân tộc bị đày đọa cả hàng ngàn năm, hết ách ngoại xâm đến họa độc tài, như vậy mà văn học lúc nào cũng nhẹ nhàng và thơ mộng như được nhìn từ đôi mắt của đứa trẻ mới lớn, chỉ biết “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” chứ chẳng thấy gì khác nữa cả.
Tại sao?
Tôi lờ mờ nhận ra nguyên nhân của sự nghịch lý ấy khi, cách đây hơn 10 năm, gặp và chuyện trò với một nhà văn nổi tiếng là khí khái khi bị nhà cầm quyền tại Việt Nam sau năm 1975 bắt bớ và đày ải. Với sự khí khái ấy, ông từng được xem như hình ảnh tiêu biểu của kẻ sĩ thời đại mới. Gặp ông, tôi càng tin hơn những điều người ta kể về ông. Quả thật, từ dáng đi, dáng đứng đến cách nhìn, cách nói của ông, toát lên một vẻ gì thật thanh thản, vừa cứng cáp lại vừa hiền hoà, không uy hiếp ai và cũng không để cho ai uy hiếp được mình. Nhìn ông, tôi không còn ngạc nhiên về những câu chuyện liên quan đến tiết tháo của ông khi đối diện với công an cộng sản nữa.
Có điều, khi hỏi ông về đời sống của giới văn nghệ cũ của Sài Gòn sau năm 1975, đặc biệt đời sống của những người từng bị tù tội vì ngòi bút của họ, tôi vô cùng ngạc nhiên nhận ra là có vẻ như ông không biết nhiều. Không biết nhiều về cộng sản, về các chính sách văn nghệ, kể cả các thủ đoạn của đảng cộng sản đối với giới văn nghệ sĩ miền Nam. Ông kể về cuộc sống trong tù của ông một cách rời rạc, với rất ít chi tiết cụ thể, đến độ, nghe ông nói và nhìn thái độ thanh thản của ông khi nói, tôi cứ phân vân, có cảm tưởng như ông chưa từng bị bắt và bị giam giữ bao giờ cả.
Dần dần, tôi tin là có một quan hệ sâu sắc giữa thái độ ung dung, tự tại, uy vũ bất năng khuất của ông với sự hiểu biết mù mờ của ông về kẻ thù: để giữ được bình tâm trước bạo lực, một cách vô thức, ông đã chọn biện pháp là hư vô hoá kẻ thù và tội ác của kẻ thù. Giống như người bị tra tấn, để bớt đau, đã cố làm như những mảng da thịt đang bị tra tấn ấy không phải là của mình. Để quên đau, người ta phải quên luôn cả bản thân mình và thế giới chung quanh mình, trong đó có cả cái kẻ đang hành hạ mình. Nhờ thế, người ta mới đủ sức để chịu đựng bất hạnh. Bù lại, đến lúc cuộc tra tấn chấm dứt, người ta cũng không còn nhớ gì về nó nữa. Ngỡ như cuộc tra tấn ấy chỉ có trong giấc mơ hay với... một người nào khác.
Tôi cũng có cảm tưởng tương tự khi gặp một vài người trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm ở miền Bắc. Khi tôi hỏi về những đoạ đày họ phải chịu đựng khi Nhân Văn - Giai Phẩm bị trấn áp, tôi ngạc nhiên nhận thấy, qua giọng kể của họ, những bất hạnh ấy có vẻ cũng... "thường" thôi. Cũng "thường" thôi, cái việc họ bị cưỡng bức lao động, bị mọi người nghi kỵ hoặc e dè như những tên tội phạm chính trị.
Cũng "thường" thôi, cái việc họ bị đuổi ra ngoài biên chế, bị tước quyền sáng tác, phải sống vất vưởng ngoài lề của xã hội. Cũng "thường" thôi, cái việc họ bị xuyên tạc, bị vu khống, bị chửi bới sa sả trên các phương tiện truyền thông của nhà nước suốt gần cả nửa thế kỷ. Cũng "thường" thôi. Như mọi tai ách khác ở đời. Tôi biết chắc chắn những điều họ kể không giống với những gì họ đã thực sự từng trải. Ký ức của họ đã phản bội họ: nó đã thanh tẩy hết hoặc gần hết những khía cạnh tối tăm, bi thảm nhất để giảm nhẹ các pressure trong tâm hồn của họ. Mà cũng phải, nếu không, chắc gì họ đã sống nổi đến tận bây giờ. Tuy vậy, tôi vẫn cứ ngạc nhiên.
Tâm lý hư vô hoá bi kịch cũng như sự thanh tẩy nhanh chóng các màu sắc đen tối trong ký ức có lẽ cũng là điều khá phổ biến ở nhiều người. Tôi có một người bạn thân, có thời đi vượt biên, bị bắt, bị ở tù và, cuối cùng, đã vượt ngục. Sau này, thỉnh thoảng tôi nghe anh kể về chuyện ở tù, vừa kể vừa cười. Những chuyện anh kể bao giờ cũng thú vị. Tôi chẳng có chút nghi ngờ gì về sự thành thực của anh. Tuy nhiên, nghe anh ấy kể, tôi cứ ngạc nhiên tự hỏi: chả lẽ ở trong tù chỉ toàn có những chuyện buồn cười thú vị như thế? Chắc chắn là không. Tôi biết rõ bạn tôi: là một trí thức nho nhã, hiền lành, thậm chí nhút nhát, chắc chắn anh không thể đủ táo bạo và liều lĩnh để vượt ngục nếu đời sống trong tù không có cái gì khủng khiếp khiến anh ghê sợ hơn cả cái nguy cơ bị bắn chết. Cái sự khủng khiếp ấy là gì? Tôi ngờ là anh cũng không nhớ rõ.
Tôi cũng ngờ là hiện nay chưa chắc đã có mấy người nhớ và còn cảm được cái nỗi khủng khiếp bao trùm cuộc sống ở Việt Nam từ năm 1975 đến ít nhất năm 1986, khi đảng cộng sản công bố chính sách "cởi trói"; cái nỗi khủng khiếp cụ thể đến độ khiến chúng ta phải run bắn người khi nghe tiếng gõ cửa vào ban đêm, phải thót người lại khi bắt gặp ánh mắt của bất cứ gã công an nào; cái nỗi khủng khiếp khiến cả triệu người phải cuống cuồng tìm cách trốn khỏi Việt Nam, bất chấp mọi sự hiểm nguy.
Vượt lên trên kinh nghiệm của từng cá nhân, tôi ngờ thói quen hư vô hoá bất hạnh và thanh tẩy bất hạnh không chừng cũng là tâm lý tập thể của dân tộc Việt Nam nói chung. Ở nước người, cứ sau mỗi một biến cố bất hạnh lại có "hậu chứng" này, "hậu chứng" nọ, có khi thật dai dẳng, kéo dài hàng mấy chục năm. Ở Việt Nam thì khác, khi một thảm kịch chấm dứt, mọi dấu vết đều bị xoá nhoà. Bị Pháp đô hộ gần ngót một trăm năm, kiến thức của chúng ta về Pháp cũng chỉ dừng lại ở mức bập bẹ mấy tên tuổi cũ kỹ như Racine, Pascal, Victor Hugo như những đứa học trò phổ thông đang chuẩn bị thi tú tài. Bị Nhật Bản giết hại đến cả gần hai triệu người trong một thời gian cực ngắn, trước khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, chúng ta cũng chẳng thù hận Nhật Bản bao nhiêu và cũng chẳng thèm tìm hiểu cho cặn kẽ cái trận đói giết hại gần một phần mười dân số nước mình. Bị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm, kiến thức của chúng ta về cả kẻ thù (Trung Hoa) lẫn tội ác của kẻ thù (sự xâm lược và âm mưu đồng hoá) thật ít ỏi. Ít ỏi đến độ đáng kinh ngạc: trong cả lịch sử Việt Nam, không có lấy một người đáng gọi là nhà Trung Quốc học. Tuyệt đối không. Ngay cả tận bây giờ, muốn tìm hiểu bất cứ chuyện gì về Tàu, chúng ta cũng phải đều tìm đọc sách... Tây. Nhìn lại lịch sử dân tộc, chỉ thấy toàn bất hạnh, nhưng đọc thơ văn, chỉ nghe những tiếng thở dài nhè nhẹ bâng khuâng của tuổi mới biết buồn. Lạ.
Tôi không bôi nhọ lịch sử. Tôi cũng chẳng miệt thị cha ông mình. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến những cái giá chúng ta phải trả cho sự tồn tại của dân tộc. Tôi biết, nếu không tự trang bị tâm lý hư vô hoá bất hạnh hay thanh tẩy các bất hạnh thật nhanh ra khỏi ký ức, người Việt Nam khó mà có thể sống nổi qua những chuỗi trầm luân dằng dặc kéo dài cả hàng ngàn năm.
Nói cách khác, chúng ta còn sống được, sau cả ngàn năm bị Trung Hoa đô hộ, sau ngót trăm năm bị Pháp đô hộ, sau hàng mấy trăm năm nội chiến và cả ngàn năm dưới hoạ chuyên chế, từ chuyên chế phong kiến đến chuyên chế vô sản, một phần, nếu không nói là phần lớn, là nhờ chúng ta biết... quên. Quên kẻ thù. Quên tội ác của kẻ thù. Quên những vết thương kẻ thù cắt trên da thịt của chính chúng ta. Quên. Quên là phương cách tự vệ của những số phận khốn cùng.
Khi tâm lý hư vô hoá bất hạnh và thanh tẩy bất hạnh được sử dụng như những phương cách tự vệ, những biện pháp cuối cùng để tồn tại, chúng không có gì đáng trách. Và cũng không có gì đáng phải ân hận. Người ta không có sự chọn lựa nào khác. Chúng là lịch sử. Chúng đã như thế và không thể là cái gì khác. Lên án hay tiếc nuối cho những sự kiện lịch sử là một điều thừa thãi. Duy có điều chúng ta cần nhớ là cái giúp chúng ta tồn tại không phải là cái giúp chúng ta lớn lên, do đó, chúng ta không nên, hơn nữa, không được quyền biến thói quen hư vô hoá bất hạnh và thanh tẩy bất hạnh thành những đức hạnh, nhất là những đức hạnh cho hiện tại và tương lai, khi chúng ta đang và sẽ đối diện với những sự bất hạnh về tinh thần nhiều hơn là những sự bất hạnh về thể xác, trong đó, theo tôi, sự bất hạnh khủng khiếp nhất chính là sự nghèo nàn về kinh nghiệm bất hạnh.
Vả lại, việc hư vô hoá bất hạnh và thanh tẩy bất hạnh có lẽ, với những mức độ khác nhau, cũng là tâm lý chung của nhân loại. Tôi tin là ở đâu người ta cũng phải sử dụng biện pháp quên để sống qua những mùa khổ nạn. Không riêng gì người Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu việc hư vô hoá bất hạnh và thanh tẩy thật nhanh mọi bất hạnh ra khỏi trí nhớ là tâm lý chung của mọi người thì văn nghệ sĩ phải là ngoại lệ: hắn, cái kẻ tự xưng là chứng nhân của lịch sử và là thư ký của thời đại, không được quyền nhắm mắt và quên sạch mọi thứ như những người bình thường khác; hắn phải ghi nhận và ghi nhớ những bi kịch mình chịu đựng để những bi kịch ấy còn lại mãi trong kho tàng kinh nghiệm của dân tộc.
Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói mỗi văn nghệ sĩ lớn là một kho lưu trữ lớn của những bi kịch. Cũng có thể nói những văn nghệ sĩ lớn là những kẻ thống dâm (masochist), những kẻ tìm thấy khoái lạc khi nhìn trừng trừng vào những lằn roi quất tới tấp trên da thịt của mình hay là tự tay cào, cấu những vết thương của chính mình cho toé máu. Để máu đọng lại thành mực. Để địa ngục biến thành hiện thực. Để bất hạnh còn lại mãi chứ không như một giấc mơ thoáng qua.
09.07.2012