main billboard

Ai cũng biết, cuộc nổi dậy của đồng bào Quỳnh Lưu, Nghệ An, vào năm 1956 là một cuộc đấu tranh đẫm máu chống lại chính sách cai trị dã man, tàn bạo....


Sau ngày di cư, tôi lớn lên từ cơm gạo miền nam. Ở đó, dù có đi đến bất cứ nơi đâu. Từ rừng hoang núi thẳm đến sông ngòi, biển cả hay giữa đô thị, phố xá, tôi như nhiều người, vẫn nhớ về đất bắc. Hơn thế, đều ước mong có hoà bình để được về sống, về thăm lại nơi mình đã cất tiếng khóc chào đời. Rủi thay, ước mong chẳng đến. Tệ hơn, đất nước lại rơi vào tay Việt cộng. Từ đó, dù nhớ, dù vấn vương, tôi chưa một lần trở về chốn xưa. Tuy thế, quê hương vẫn không bao giờ là một mờ khuất, xa lạ. Trái lại, thật gần gũi. Gần như hơi thở, như cuộc sống của mình.

Đất bắc trong tôi là thế. Niềm vương không bao giờ dứt. Quỳnh Lưu cũng chẳng là xa lạ, dù tôi chỉ được nghe và biết về Quỳnh Lưu khi đến trường và qua sách báo. Vậy mà Quỳnh Lưu đã chiếm lấy tôi. Hơn thế, chiếm lấy cả hơi thở trong tâm hồn Việt Nam!

… Trời Hà Nội mưa rơi lất phất,
Bước chân người mờ khuất Sơn Tây.
Quỳnh Lưu giữa chốn trùng vây,
Nước non chẳng mất một bầy chim khôn! (Tình Nước)

1. Quỳnh Lưu và cuộc nổi dậy năm 1956.

Ai cũng biết, cuộc nổi dậy của đồng bào Quỳnh Lưu, Nghệ An, vào năm 1956 là một cuộc đấu tranh đẫm máu chống lại chính sách cai trị dã man, tàn bạo nếu như không muốn nói là bất lương, vô đạo của tập đoàn CS Hồ chí Minh. Trong đó, sách lược Cải Cách Ruộng Ðất với khẩu hiệu “Trí Phú Địa Hào, đào tận gốc trốc tận rễ” do Hồ chí Minh tung ra đã là nguyên nhân chính yếu làm bùng nổ cơn phẫn nộ trong chết chóc của người dân. Đó cũng chính là lý do, đến nay chẳng còn ai trong chúng ta chưa nghe về cuộc “đứng dậy” của nông dân Quỳnh Lưu diễn ra vào tháng 11/1956.

Sách vở còn ghi, sau khi chiếm được miền bắc, HCM đã phóng tay mở cuộc gọi là “Cải Cách Ruộng Đất”. Đó là một cuộc cải cách đẫm máu Việt Nam theo chỉ đạo của Trung cộng. Kết qủa, sau hơn hai năm thi hành nó buộc phải ngưng lại nửa vời vì sự phản kháng mãnh liệt cuả người dân. Tuy bị ngưng lại nửa vời, cuộc đấu tố mà HCM công bố là “long trời lở dất” cũng đã đem đến cái chết cho hơn 172000 ngàn người dân Việt Nam. Họ bị giết bằng muôn thứ cực hình khác nhau. Người bị chém đầu, kẻ bị bắn. Lại có người bị treo ngược lên xà nhà, bị đánh đập, tra tấn, bị vất trong chuồng trâu, chuồng bò, nơi nhà xí của Ủy Ban hành chánh, mà chết. Họ chết trong tang thương, không một áo quan, không một vành khăn tang. Chỉ có tiếng khóc nghẹn ngất trời!!

Những tiếng khóc uất nghẹn này bắt đầu bộc phát từ đường dao mã tấu của Hồ chí Minh riêng tặng cho bà Nguyễn thị Năm, một người đã bỏ ra hàng trăm lượng vàng trợ giúp kháng chiến chống Pháp! Kết qủa, xác của bà được CS gói trong một cái áo quan, mô tả là “ Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô “ Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này”. Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng lọt vào, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy…. ,”( Đèn Cù, Trần Đĩnh). Riêng Hồ chí Minh nhờ đó mà ngoi lên với tiếng tăm bắt đầu lừng lẫy!

Rõ ràng, đoạn tường thuật này chẳng đem lại một chút niềm vui, hay vinh dự nào cho tập đoàn Việt cộng. Trái lại, nó trở thành bản án cho những kẻ liên can đến việc giết bà. Trước đây, báo chí, sách vở chính thống của nhà nước Việt cộng, do chính những quan chức lớn nhất đều viết, đều xác nhận cái chết của bà không có liên hệ đến HCM. Hơn thế, còn vẽ ra hình ảnh “HCM muốn cứu cũng đành bó tay vì người kết luận là do quan cán Trung cộng”. (Hoàng Tùng)

Nay, dưới ngòi bút của chính người viết bài tưòng thuật vụ án lúc bấy giờ để làm đề mục phát động cho phong trào đấu tố, hẳn nhiên là một soi sáng cho công luân. Trần Đĩnh kể “ Để có phát pháo mở đầu cuộc cải cách ruộng đất, Trường Chinh (Đặng xuân Khu) chỉ thị báo Nhân Dân tường thuật vụ đấu Nguyễn thị Năm- Cát hanh Long. Tôi nhận nhiệm vụ “ (Đèn Cù ). Chuyện “ phát pháo mở đầu” này tưởng là vĩnh viễn trong mộ tối không một ai hay biết. Nay, Trần Đĩnh đã vì tiếng nói của người, của Công Lý, của Lương Tâm, chính thức công khai sự việc tại chỗ khi xử bà Nguyễn thị Năm là: “ Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt” ( Đèn Cù).

Thử hỏi xem, sự việc “ Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt” có ý nghĩa gì? Có phải tác gỉa chỉ cho chúng ta thấy ý chí giết người của Hồ chí Minh là không thể ngăn cản và cũng vô cùng độc ác, tàn bạo bất lương không? Gọi là bất lương vì trước đó, Y đã viết bài vu cáo tội chứng “địa chủ ác ghê” để làm nền, định hướng cho cuộc đấu tố này. Nay Y còn đích thân “bịt râu che mặt” đến dự khán, chẳng lẽ là tình cờ ư? Hỏi xem, có một kẻ nào dám làm khác với ý định giết người của HCM trong khi Y che mặt đứng nhìn hay không?

Thử hỏi xem, một ân nhân vĩ đại của chính Hồ chí Minh và của nhiều nhân vật chóp bu trong hàng ngũ CS như Trường Chinh, Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê đức Thọ, Lê thanh Nghị… mà chúng đối xử như thế, người dân Việt sẽ ra sao? Câu trả lời xem ra có sẵn đây. Chuyện có hàng trăm ngàn gia đình phải lao đao khi bị liệt vào danh sách “ Trí phú địa hào”, bị đấu tố tại chỗ chẳng có gì là lạ. Trường hợp, nếu có người thoát chết vì chưa đạt tiêu chuẩn có năm ba sào ruộng và dàn trâu cày, được đưa đi cải tạo ở Cao Bắc Lạng phải được coi là ngoài ý muốn của “bác, đảng” mà thôi!

Chuyện là thế, 60 năm đã trôi qua, CS vẫn không dám công bố danh sách chính xác về tổng số người đã bị chúng giết hay bị đưa đi lao động khổ sai. Người ta chỉ ghi nhận được con số nổi là 172000 người đã bị giết. Trong số đó có nhiều sỹ quan, công chức và binh lính đã theo Việt Minh kháng Pháp. Điều này cho thấy, Cộng sản là kẻ đã tạo nên một vết thương không bao giờ có thể lành trên phần đất này. Đó cũng là lý do gải thích tại sao giữa lúc Hồ chí Minh say máu giết ngừơi trong mùa đấu tố. Cuộc nổi dậy của nông dân Quỳnh Lưu, Nghệ An đã nổ ra. Nổ ra như một mốc điểm bất ngờ, đặc biệt, đầy ý nghĩa.

Trước hết, Nghệ An thường được cho là quê quán của Hồ Quang cũng gọi là Hồ chí Minh. Tuy nhiên, thay vì “ vinh quy bái tổ”, Hồ chí Minh dùng đà đao “ đã chi thị cho các sư đoàn Nam Bộ Tập Kết vào cuộc đàn áp, giết và đày ải hơn 6.000 nông dân Qùnh Lưu. Đồng thời, bưng kín mọi tin tức liên quan đến cuộc nổi dậy này”. Với khẩu lệnh này, CS đã dập tắt ngọn lửu nổi dậy ở Quỳnh Lưu, nhưng cho đến nay vẫn không có con số chính thức về số thương vong của dân chúng trong cuộc Nông Dân nổi dậy ở Quỳnh Lưu. Thay vào đó, chỉ có kết toán ngoài lề số người bị CS giết là hơn 1000!

2. Tại sao Quỳnh Lưu lại bị tàn sát?

Câu chuyện Quỳnh Lưu bị tàn sát được bắt đầu bằng một lý do rất đơn giản. Toàn thể nhân dân thuộc tỉnh Nghệ An, gồm đủ mọi thành phần giai cấp ở các xã Quang Trung, Tân Nho, Diễn Tân, Vạn Kim, Diễn Ðức, Diễn Ðông, Diễn Nguyên, Minh Châu, Ðức Vinh, Hồng Thăng, Ðại Gia, Yên Trung đã tham gia vào một đại hội tố cáo chính sách cai trị tàn ác của CS. Trong đó, phản kháng “cải cách ruộng đất” là một đích điểm. Để phát động phong trào phản kháng, người dân trong vùng đã tổ chức một đại hội. Trong đại hội, Ban Tổ Chức còn mời cán bộ cấp tỉnh, huyện trong vùng đến tham dự hội nghị và chứng kiến tinh thần tranh đấu cho Tự Do của người dân. Kết quả, Hội Nghị đã đưa ra những yêu cầu sau:

-“Yêu cầu trả lại cho chúng tôi những vị linh mục chánh sở và tất cả những vị giáo sĩ bị bắt bớ giam cầm.
- Yêu cầu trả lại cho chúng tôi xác các vị linh mục đã bị hành quyết và của những vị đã bị thủ tiêu.
- Yêu cầu trả lại những tài sản của địa phận, của thánh đường, của Ðức Mẹ đã bị chính quyền tịch thu hoặc xung công.
- Yêu cầu đền bồi thanh danh của các giáo sĩ đã bị nhục mạ và danh dự của các giáo hữu đã bị vu khống.”

Để trả lời cho công nghị, “dưới cơn mưa phùn lất phất cuối đông, cảnh tượng bi hùng đã diễn ra ở một trận địa giữa 10.000 nông dân và 2 vòng trong ngoài đầy những công an và bộ đội. Tờ mờ sáng ngày 11/11/1956, các bà mẹ đã đánh trống, mõ kêu gọi dân chúng quanh vùng đến tiếp cứu Xã Diễn Châu. Có đến hơn 30.000 nông dân kéo đến vây phía ngoài 2 trung đoàn chính quy của CS, trở thành một vòng bao vây thứ tư. Cuộc nổi dậy bộc phát quá lớn, quá mau, đã đi ra ngoài sự tiên liệu của cả 2 bên” (Cam Ninh). Trong tình thế này, CS đã tìm cách liên lạc với Giám mục Trần Hữu Ðức, cậy nhờ ông giúp ổn định lại tình hình. Tuy nhiên, Ngài đã trả lời: “Tôi không biết về vấn đề chính trị, vì tôi là một nhà tu hành”. Kết qủa, bạo động đã xảy ra. Tiếng súng và lựu đạn nổ vang trời, từng cuộn khói dâng cao như đưa người vào một cuộc chinh chiến lớn với khát vọng chưa dừng.

Đến ngày 13/11/1956, một cuộc biểu tình tuần hành khắp phố với sự tham gia của gần 100.000 đồng bào Nghệ An nổ ra. Từ đây, bài hát “Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa” như ý chí của đồng bào vang lên và truyền đi khắp nơi. Hòa với những đợt trống, mõ vang rền trong trời đất, tiếng người ngân vang theo nhịp bước không rời:

“Anh đi giết giặc lập công.
Con thơ em gửi mẹ bồng
Ðể theo anh ra tiền tuyến
Tiêu diệt đảng cờ Hồng
Ngày mai ta về giải phóng
Tha hồ ta bế ta bồng con ta..”. (Cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu, Nghệ An, Cẩm Ninh).

Lời ca vang là thế. Ý chí của người đi vì nước là thế. Tuy nhiên, kẻ đối nghịch với bước đi nhân bản trong lòng dân Việt lại khác. Ngày 14/11/1956, Hồ chí Minh ra lệnh cho Văn Tiến Dũng đưa Sư đoàn 312 vào trận địa với lệnh triệt hạ Quỳnh Lưu. Khi trận chiến kết thúc, VC đã tràn vào các làng Thanh Dạ, Song Ngọc, Cẩm Trường tàn xát và bắt tất cả già trẻ lớn bé giải đi. Kết qủa, CS đã hoàn toàn thất bại vì không tìm ra được thủ lãnh của cuộc nổi dậy. Lý do, các cụ gìa của hôm nay, là những em bé năm xưa bảo rằng: “bất cứ ai, kể cả các em thiếu nhi đều tự xưng là người lãnh đạo cuộc cách mạng, chúng chẳng làm gì được chúng tôi!”. Tuy nhiên, đã là CS thì không thể về tay không. Chúng đã bắt Linh mục Hậu và Linh mục Ðôn của 2 xứ Cẩm Trường và Song Ngọc mang đi. Câu chuyện bạo tàn ấy đến nay chưa một người Việt Nam nào quên, nói chi đến dân Quỳnh Lưu!

3. 60 năm sau, lại cũng Quỳnh Lưu!

Chuyện như trên, tưởng là đã bỏ quên hoặc là dĩ vàng. Không ngờ, hôm qua chiêng trống lại rền vang Quỳnh Lưu. Triệu triệu đôi mắt ở khắp mọi nơi cùng mở to, nhìn về nơi có hàng ngàn, hàng vạn bước chân người lên đường, hỏi nhau:
- Họ là ai? Chuyện gì đã xảy ra?
- Gớm thật, lại là Quỳnh Lưu. Họ đi kiện Formosa triệt hạ môi trường sống của VN. Họ đi cứu biển. Mở đường cứu non sông chăng?

Câu trả lời ngắn, gọn. Những đôi mắt kinh ngạc lẫn kính phục mở ra. Đến khi nhìn rõ toàn bộ vấn đề. Mọi người như đồng thuận với nhau một điều là. Họ là những thiên binh, là những người lính tiền phương, đang đội trời để cứu lấy quê hương Việt Nam. Lần trước cha ông họ đã bị vùi dập. Hôm nay, những bước chân vững chãi của họ lại tiến lên. Đường sẽ nở hoa và đất nước này sẽ bước vào một cuộc sống mới ư? Cuộc sống trong tình người sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt rêu mốc và ác độc của xã hội CS tại Việt Nam chăng? Hay cờ Tàu vẫn ngạo nghễ trên quê hương Việt Nam sau những bước đi này? Dĩ nhiên câu trả lời không phải từ người dân Quỳnh Lưu. Nhưng là từ chúng ta, thuộc về chúng ta, những người còn mang trong mình giòng máu Việt Nam. Tại sao? Rất đơn giản, người dân Quỳnh Lưu đã lên đường rồi.

Hôm ấy, ngày 25-9-2016 dưới sức ép không thể cản, cánh cừa của nơi gọi là tòa án, nơi được coi là soi dọi cho Công Lý đã được mở ra. Mở ra để tiếp nhận hơn 500 hồ sơ khiếu nại của người dân thay vì cảnh người dân được đón tiếp bằng báng súng, lựu đạn và còng sắt như xưa.

nhanvat lmnyuenhnam
LM Đặng Hữu Nam cùng người dân đi khởi kiện

Kế đến, LM Đặng hữu Nam, người cùng đi với đồng bào đã không bị bắt như LM Hậu, LM Đôn xưa kia. Trái lại, ông trở thành người chủ trì cho cả đôi bên. Cái loa trên tay ông như mệnh lệnh cho cánh cổng khép kín của tòa án phải mở ra. Đồng thời cũng là lệnh truyền cho đồng bào giữ nghiêm trang trật tự trong lúc tiếp cận với công quyền. Kết quả, chẳng có một quan quyền nào ra tiếp dân. Chỉ có tiếng của ông oang oang giữa quảng trường như nhắn nhủ như dặn dò. Cuối cùng, lại cũng chính ông làm dấu, rồi thản nhiên mời mọi người cùng hoa ca Kinh Hòa Bình giữa quảng trường của tòa án. Lạ, qúa lạ! Lời Kinh Nguyện, tiếng ca Hòa Bình càng lúc càng nối tiếp, vang xa. Xem ra đây là sự kiện khác biệt với chuyện của 60 năm về trước, nếu như muốn nói là chưa bao giờ có.

Chuyện gì sẽ đến? Dĩ nhiên, chẳng ai có thể dự đoán là chuyện gì sẽ đến. Chỉ thấy sau bước chân của ông và của đồng bào Quỳnh Lưu, bản tin từ TAND Kỳ Anh cho biết, “đến chiều nay, tòa án đã tiếp nhận hơn 500 lá đơn của ngư dân yêu cầu khởi kiện FHS, đòi bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra sau sự cố môi trường khiến họ gặp khó khăn trong khai thác thủy hải sản, làm muối, mắm…”

4. Chuyện Quỳnh Lưu đưa ta về đâu?

Ai cũng thấy là trước mặt chúng ta có hai hướng đi:

1/ Sẽ cùng bước không ngừng để đưa đất nước và dân tộc vào một vận hội mới không còn phải treo cờ Phúc Kiến trước cửa nhà.
- Phải. Nếu mọi người cùng đứng dậy, nối vòng tay với Qùynh Lưu như lời mời gọi chân tình của Quỳnh Lưu, cũng như theo lời mời gọi của TGM Ngô quang Kiệt khi ông đến thăm đồng bào thì mọi thống khổ, mọi bất công đều qua đi. Bởi vì“các giáo xứ ở khu vực chỉ là chất men để hợp nhất. Các giáo xứ ở các tỉnh thành khác, cùng với nhân dân trong cả nước hợp lại chính là sức mạnh dời non”.

2/ Sẽ tan rã trong thảm thương như bước chân của năm 1956. Vòng dép râu và mã tấu của Tàu cộng sẽ từ từ khép kín trên Việt Nam.
- Đúng thế. Nếu ta đắp chiếu ngoảnh mặt làm ngơ với công việc chính nghĩa của Quỳnh Lưu hôm nay, đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước thống khổ của đồng bào. Chúng ta sẽ trở thành người dân mất nước ngay trên quê hương mình. Nước mắt không chỉ tuôn chảy ở Quỳnh Lưu hôm nay, nhưng còn cho chúng ta và con cháu chúng ta mai sau nữa.

Điều ấy có nghĩa là Đường đi đã sẵn. Chuyện người lên đường gánh nhiệm vụ không phải chỉ là Quỳnh Lưu, nhưng là chúng ta, thuộc về chúng ta. Đã thế, người đi vì nước sẽ chẳng có sự phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ. Chẳng bao giờ có ngăn cách lương hay giáo. Nhưng là tất cả mọi người chúng ta. Theo đó, sự chọn lựa của chúng ta hôm nay, sẽ là đường ngày mai chúng ta và con cháu phải đi. Nếu chúng ta chọn đường nô lệ (số2), làm gì có con đường Độc Lập, Tự Do, Công Lý cho dân ta cùng đi trong ngày mai!

30-9-2016
© Bảo Giang