main billboard

Nhất Linh- Ông vừa là nhà văn, vừa là nhà chính trị, đôi khi cả hai như nhập vào nhau.


nhanvat nguyentuongtam
Nguyễn Tường Tam

Tôi đã có dịp được nghe đọc một số bài phát biểu về Hội Thảo Tự Lực Văn Đoàn đã được diễn ra tại hội trường báo Người Việt do ông Phạm Phú Minh tổ chức.

Cái cảm tưởng đầu tiên đến với tôi- về hinh thức- là nó như thể đang diễn ra tại một hội trường ở một nơi nào khác- không phải ở Cali-! Bởi vì nó có bài bản, lớp lang và tổ chức chặt chẽ. Nó không để một khe hở cho cơ hội được nói khác. Dù buổi hội thảo được đại diện bởi con cháu nhiều nhà văn trong TLVĐ từ hai phía, nhưng nó lại nói chung một tiếng nói. Điềun đó nên mừng hay nên lo.

Nó đã không dám đả động xa gần gì đến cộng sản cả. Khen cũng như chê. . Nó thiếu hẳn thẩm quyền góp ý và phê phán (Autoritativeness). Nó có thể đã không cho phép người nghe phiêu lưu vào những vấn đề được coi là tồn đọng hay nhạy cảm đụng chạm đến uy tín của nhóm TLVĐ.

Đối với người được mời phát biểu thì nó loại trừ ngay từ đầu một cách khéo léo như trường hợp nhà văn Nhật Tiến.

Bài nói chuyện của Nguyễn Tường Triệu về Khái Hưng tiêu biểu cho những thiếu xót vừa nêu trên. Ông chỉ nhắc lại những kỷ niệm tản mạn mà không đề cập hay đánh giá về văn tài của nhà văn này. Nhưng khi đề cập đến cái chết của cha nuôi, ông thật sự xúc động. Nhưng để tránh né công việc phải lên án cộng sản, ông nói vội vàng và chấm dứt rất đột ngột về cái chết bi thảm của người cha nuôi và đột ngột đứng dậy như bị ma đuổi. Tôi đã xem đi xem lại đoạn chót này và cảm thấy bất nhẫn cho ông.

Thật là tội nghiệp cho một người con nuôi có hiếu như ông.

Vì thế, nói chung, các bài phát biểu đều tròn quá, tròn đến độ không thể tròn hơn được nữa. Nó thiếu những nhận thức sắc bén của một tinh thần phê bình, tinh thần tri thức luận (Épistémologie) đòi hỏi nơi một người trí thức trong một buổi hội thảo. Những người mà người ta tin tưởng có thể có tiếng nói khác như Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề: Đánh giá lại Tư Lực Văn Đoàn thì không biết ông đã đánh giá như thế nào. Nhưng theo như lời kết luận, ông đã tổng quát hóa một cách vô bằng có tính cách áp đặt khi cho rằng:

“Tất cả chúng ta những người cầm bút, dù thích hay không thích Tự Lực Văn Đoàn thì cũng đã được nuôi dưỡng bằng dòng sữa của Tự Lực Văn Đoàn”. Đi xa hơn nữa ông khẳng định: Tất cả những ai cầm bút thời nay đều phải mang nợ”.

Nếu ông muốn chỉ định những người cầm bút lứa tuổi từ 60 trở lên thì còn hiểu được. Nhưng những nhà văn ở lớp tuổi trên dưới 50 còn ở miền Nam hoặc ra hải ngoại- và nhất là các nhà văn miền Bắc- thì họ nợ gì TLVĐ ? Một cô giáo dạy văn ở miền Bắc bây giờ khi được hỏi về Nhất Linh là ai? Cô đã không thể trả lời được. Mong là ông Nguyễn Hưng Quốc thận trọng hơn trong những phát biểu của mình.

Bài thuyết trình của giáo sư Kawaguchi Kenichi về: Tự Lực Văn Đoàn và Văn Học cận đại là một bài viết tệ hại hơn nữa khi cho rằng: Tự Lực Văn Đòan, nền tảng của văn học hiện đại Việt Nam thì chỉ là những nhận xét võ đoán.

Ông đã không đủ tư cách để hiểu được toàn diện văn học miền Nam trước 1975. Sự mời ông làm diễn giả thật không đem lại một soi sáng mới nào về TLVĐ và Nhất Linh.

Tôi cũng tin tưởng vào bà Phạm Thảo Nguyên về những công trình thu góp và số hóa hơn 400 số Phong Hóa và Ngày Nay với đề tài: Câu chuyện Tự Lực Văn Đoàn và những điều chưa nói. Nhưng tôi đã không thu thập được gì vì bà che giấu nhiều quá.

Chẳng hạn, tôi muốn được nghe từ miệng bà Phạm Thảo Nguyên nhiều điều hơn thế nữa về người bố chồng là nhà thơ Thế Lữ. Như về con cái Thế Lữ, các em trai của Thế Lữ. Thế Lữ theo đạo gì? Có phải Thiên Chúa giáo không?

Trường hợp anh Nguyễn Thế Học là con trai của Thế Lữ-nay đã quá vãng- là phu quân của bà Phạm Thảo Nguyên vì lý do nào mà nhà thơ Thế Lữ vào năm 1950 đã gửi con trai út là anh Nguyễn Thế Học vào “đi tu”, tại trường dòng Chúa Cứu Thế, tại Thái Hà Ấp!! Một người đi theo cách mạng, là người cộng sản vô thần, tại sao Thế Lữ lại có thể gửi gấm con mình vào một trường đạo- một nơi chuyên đào tạo giới tu sĩ, linh mục!

Điều ấy phải được cắt nghĩa thế nào, phải được hiểu thế nào?

Sau 1954, một lần nữa, anh Nguyễn Thế Học và gia đình được di cư vào Nam, được nuôi ăn học ở miền Nam và sau trở thành một giáo sư Toán ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn? Miền Nam đã đối xử với gia đình Thế Lữ như thế nào?

Thứ nữa, khi gia nhập vào TLVĐ, nhà thơ Thế Lữ trở thành cây bút chủ lực nhằm chế diễu và đả phá một cách ác độc nhất các nhà văn, nhà thơ ở ngoài nhóm!! Bà cũng nên nhắc tới điều này cho phải lẽ.

Bà cũng không cho người nghe được biết chút xíu về cuộc đời hoạt động kháng chiến trong suốt giai đoạn 1946-1954 của Thế Lữ?

Tôi có trong tay cuốn: 100 năm Thế Lữ, do nhà xuất bản Sân Khấu vào năm 2007, độc giả có thể tưởng tượng là trừ lời giới thiệu của nhà xuất bản và tiểu sử có nhắc đến Tự Lực Văn Đoàn một lần, còn trong toàn bộ cuốn sách thì không.

Tôi tự hỏi, không lẽ chỉ vì cái đảng của người bố chồng mà bà phải hy sinh nhiều thứ như vậy?

Nếu chỉ cần những tiếng vỗ tay tán thưởng và những giọt nước mặt chia sẻ thì quả thực buổi hội thảo đã hoàn toàn thành công.

Vì không được tham dự, nó chỉ cho tôi một cảm tưởng thất vọng và sự nghi ngờ về dụng ý của người tổ chức các buổi hội thảo này.

Nói tóm lại, nó chỉ là một hình thức trình diễn văn học một cách vụng về và trống rỗng về nội dung.

Tôi cũng nhận thấy không có mặt những nhà văn như Võ Phiến, Nhật Tiến, gia đình bà Nguyễn Thị Vinh và nhất là Duy Lam. Tôi không thể biết lý do tại sao họ vắng mặt. Có thể là do tuổi già, sức yếu như trường hợp Võ Phiến chăng? Trường hợp Nhật Tiến thì đã có thư xin rút lui ra khỏi buổi hội thảo với lý do như sau:

“Các diễn giả trong suốt hai ngày đều tập trung vào chủ đề “Tự Lực Văn Đoàn” với những công trình tốt đẹp mà Nhất Linh cùng các văn hữu của ông đã thực hiện được. Đây là một nỗ lực hết sức công phu của Ban tổ chức và nội dung các phát biểu đã nêu ra được một bức tranh toàn cảnh rất đẹp đẽ về Văn Đoàn này. Như thế, bài nói của tôi về các sinh hoạt văn hóa của nhả văn Nhất Linh lúc cuối đời (buồn nhiều hơn vui, có những sự thực về tờ Văn Hóa Ngày Nay không thể không nói ra), có thể làm mờ nhạt hào quang của người đứng đầu Tự Lực Văn Đoàn mà Ban Tổ Chức muốn phô bầy”.

Qua đến tháng 6-2013, tôi đã gửi Email tới nhà văn Phạm Phú Minh nêu rõ ý nghĩ của mình và xin ban tổ chức cho tôi được rút tên ra khỏi cuộc hội thảo”.

Sự rút lui của nhà văn Nhật Tiến cho thấy cuộc Hội thảo về TLVĐ thiếu nghiêm chỉnh, thiếu những phản biện..

Cho nên, người tổ chức cũng như các vị được mời phát biểu đã không làm tròn được trách nhiệm của mình.

Còn trường hợp Duy Lam thì sao? Thiếu vắng họ là một thiếu sót lớn.

Một trong khuyết điểm lớn nhất và tai hại nhất của buổi Hội thảo này là ngăn chặn một cách kín đáo và khéo léo những tiếng nói phản biện. Vì thế tư cách những người được phát biểu trở thành một vấn đề ngay cả những vị có uy tín hàng đầu như nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Tại sao ông không thể phát biểu với tư cách một nhà văn thành danh- một kẻ sĩ tiêu biểu- trong văn học miền Nam ở giai đoạn 1954-1975 và với tư cách một thành viên trụ cột của nhóm Sáng Tạo. Cuộc đời ông hai lần bị tù đầy từ phía bên kia- phía bố vợ ông-. Ông có thể nói gì về Tú Mỡ với tư cách một người con rể mà từ quan điểm lập trường chính trị đến thẩm định văn học đều rất khác xa nhau… Chê dĩ nhiên là không dám mà khen cũng không dễ. Tôi chưa được đọc bài phát biểu của ông nên chỉ đặt vấn đề tư cách một nhà văn của ông khi đề cập đến những nhà văn ở phía bên kia- dù là bố vợ.

Khuyết điiểm thứ hai không kém quan trọng là họ- ban tổ chức cũng như các vị phát biểu- đã không cắm mốc văn học cho nhóm TLVĐ. Lịch sử văn học trong mỗi thời kỳ bao giờ cũng gắn liền vào một thời điểm nhất định và thường giai đoạn văn học sau đánh dấu bằng sự phủ định giai đoạn trước đó.

TLVĐ đã đánh dấu một thời kỳ vẻ vang và đổi mới về nhiều mặt bằng sự phủ nhận Nam Phong- Phạm Quỳnh.

Nó có giá trị không chối cãi được trong một giai đoạn nhất định.

Nhưng không có điều gì chứng tỏ nó có 80 năm ảnh hưởng không ngừng. Đó là một nhận xét võ đoán và bất công và đó cũng là nhận xét sai lầm tai hại của Nguyễn Hưng Quốc và vị giáo sư người Nhật. Chỉ xét ngay trong thời kỳ sáng chói của TLVĐ thì cũng là một nhận xét gượng ép rồi vì nó đã loại ra nhiều nhà văn, nhà thơ mà tên tuổi của họ không thua gì bất cứ nhà văn nào trong nhóm TLVĐ. Đó là những Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Trần Tiêu, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao.

Lấy gì để có thể so sánh giữa tùy bút của Nguyễn Tuân và truyện ngắn của Thạch Lam? Tách riêng ra thì vị tất ai đã bằng ai, nhưng cộng lại thành một nhóm thì TLVĐ chẳng có ai có thể sánh bằng. Nhưng ca tụng hết mình những nhà văn trong nhóm TLVĐ thì không phải vì thế mà các nhà văn ngoài nhóm nhỏ đi. Nhỏ hay lớn còn do người đọc là người thẩm định chung thẩm.

Sang đến 1954 thì thật sự có đến hai xu hướng văn học trổi bật ở miền Nam.

Một là một mảng văn học miệt vườn với cá tính miền Nam trổi bật với các cây viết như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên và kế tiếp với nhiều người khác như Hồ Trường An, Kiệt Tấn. Đọc Bình Nguyên Lộc để thấy cái độc đáo, cái chất Nam bộ từ con người đến cây cỏ đến cái ngôn ngữ, cái phong vị, cái bình dân chất phác trong từng câu chữ của những nhà văn vùng đất mới. Qua văn chương, ta bắt được cái hồn tính của miền Nam. Làm sao Nhất Linh có thể làm được công việc này?

Nó lạ hơn người ta tưởng, nó hay hơn người ta nghĩ, nó mở ra những chân trời mới nó không lui cui trong những phân tích tâm lý ái tình đến nhạt nhẽo của một cô Mùi. Lấy gì của Nhất Linh để so sánh với Rừng Mắm, với Hương Rừng Cà Mâu của hai nhà văn miền Nam tiêu biểu nhất.

Hai là xu hướng tân học, trào lưu tư tưởng mới tiếp thu từ Âu Châu với các nhà văn trong nhóm Sáng Tạo. Hãy khoan nói đến vấn đề hơn kém. Nhưng rõ ràng có một ngã rẽ phủ nhận TLVĐ để từ đó họ có mặt. Nó thể hiện đúng cái luật chơi của lịch sử văn học… Mặc dù được cái ưu thế vì TLVĐ được giảng dạy trong chương trình Việt Văn các lớp Trung Học, vậy mà Nhất Linh cũng đã chấp nhận thua cuộc và xếp lại việc làm báo.

Và chúng ta cùng đọc lại một đoạn văn như một thứ tuyên ngôn văn học, một thứ vỡ bờ quá đà của một Mai Thảo:

“.. Không khí cũ không thở cùng được nữa. Những khuôn vàng thước ngọc xưa không còn ảo tưởng được những kích thước bây giờ. Và đời sống là đi tới. Không lùi, không giậm chân một chỗ.

Trong một thực trạng dầy đặc những chất liệu của những sáng tạo và phá vỡ như vậy, văn học nghệ thuật mặc nhiên không chỉ còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân Thu, những luận đề Tự Lực. Mà vươn phóng từ một thoát ly để đưa tới một hình thành, hóa thân từ một chặt đứt, bằng những thí nghiệm và những khám phá, chứng minh rằng cái bây giờ ta đang sống tuyệt đối không còn một đồng tình với cái hôm qua đã tách thoát, đã lìa xa. Chất nổ ném vào. Cờ phất, xuống đường, xuống núi. Ra biển ra khơi. Và cuộc cách mạng tất yếu và biện chứng cho văn chương đã bắt đầu, Và thơ bây giờ là thơ tự do” Trích lại Nguyễn Mạnh Trinh, tạp chí văn nghệ, trang 230

Đọc đoạn văn trên thì chỗ nào còn là đất cho TLVĐ, chỗ nào cho Nhất Linh.

Quả thực diện mạo văn học sau 1954 tại miền Nam đã khác trước.

Phải trơ trẽn lắm, người ta mới có can đảm phớt lờ hai dòng văn học này. Cũng phải trơ trẽn lắm mới không thấy chẳng bao lâu sau, số phận Mai Thảo và những nhà văn trong nhóm Sáng Tạo nhường chỗ cho một thứ văn học đặt vấn đề. Với rất nhiều ưu tư và trăn trở, với nhiều cô đơn và tìm tòi, với rất nhiều nhẽ ránh từ dấn thân nhập cuộc đến chán nản buông xuôi.

Đó là dòng văn học thời thế, văn học chiến tranh của thập niên 1970.

Và nói làm chi đến sau 1975 thì trong nước cũng như ngoài nước, TLVĐ chỉ còn hiện diện như một cái tên không hơn không kém.

Ấy là người ta chưa kịp nhắc tới ở phía bên kia với các nhà văn, nhà thơ, sau 1954 trong nhóm Nhân Văn Giai phẩm.

Nhìn lại hai buổi triển lãm và hội thảo này, tôi rất nghi ngờ về mục đich và thiện chí của người tổ chức. Hình như họ đang bị cuốn đi bởi một triều cường nào đó, đi ngược trào lưu lịch sử văn học. Hình như họ tự bịt mắt, đưa ra những đáp số văn học- mà phê bình chẳng phải phê bình-khảo cứu không ra khảo cứu- mà tính cách chèo tuồng như chiếm ưu thế của một thứ văn học phải đạo. Họ nói như những con vẹt mà không cần vận dụng chút suy tư, tính khách quan trong phê bình văn học.

80 năm sau vẽ lên một chân dung văn học như những thần tượng đã rã mục như một hoài niệm văn học. Họ rõ ràng không làm đầy đủ nhiệm vụ của người cầm bút.

Họ đã không gánh nổi cái gánh nặng lịch sử về mặt văn học và chính trị của Nhất Linh để lại. Những người đã chấp nhận tham dự vào bữa tiệc văn học này một ngày nào đó phải nghĩ lại là mình đã nhầm để một tay cai thầu văn nghệ thao túng và mua chuộc một cách ngây thơ vô số tội.

Và đối với tôi, không gì thô bỉ bằng thứ chính trị hóa văn học.

Trường hợp người con út của nhà văn Nhất Linh- ông Nguyễn Tường Thiết.

Buổi triển lãm và hội thảo về TLVĐ đã kết thúc một cách không đẹp. Tờ Người Việt đã đăng lại bài viết của ông Nguyễn Tường Thiết phê bình kẻ viết bài này.

Trong dòng họ Nguyễn Tường đã có nhiều người thành đạt. Đến ba anh em trở thành nhà văn trong một văn đàn thì kể là hiếm có.

Thời kỳ vàng son của TLVĐ ấy đã được trân trọng và được nhìn nhận… Chỗ của văn đoàn ấy đã được định vị ở một thời kỳ nhất định.

Chân trời văn học miền Nam sau đó đã mở ra nhiều ngã rẽ như một biển văn chương mà những nhà văn đủ loại như những con thuyền vượt sóng ra khơi- đầy lãng mạn-đầy tính phiêu lưu-đầy tham vọng- và đầy chất nghệ sĩ.

Tên tuổi họ mỗi ngày mỗi nhiều. Họ đã đến, họ đã đi, họ đã có mặt và ở một lúc nào đó họ sẽ rời khỏi để lại bao nhiêu tâm tình trong đó có sự trìu mến, sự trân trọng, sự thích hay không thích tùy trường hợp.

Nhưng có một điều chắc chắn chiếu văn học không ai ngồi lâu được. Vừa ngồi nóng đít thì đã có kẻ đến thay thế như thể bị phản bội. Độc giả thích đấy rồi một lúc nào đó ngoảnh mặt quay đi. Và từ Nguyễn Du đến nay, những người cầm bút đều cảm nhận được cái vinh quang bèo bọt đó. Và phải biết chấp nhận nó như thân phận người- thân phận nhà văn-.

Riêng trường hợp Nhất Linh- Ông vừa là nhà văn, vừa là nhà chính trị, đôi khi cả hai như nhập vào nhau đến độ người ta có cảm tưởng Nhất Linh nhà văn đi tìm một Nhất Linh nhà chính trị.

Và có thể cho đến lúc quyên sinh, ông vẫn ở trong trạng thái đi tìm chính mình như một ảo vọng. Và theo tôi, chỉ có Vũ Khắc Khoan mới hiểu rõ về điều này.

Con ông, Nguyễn Tường Thiết quả thực đã không hiểu được người cha của mình và tự đặt cho mình trách nhiệm đi tìm lại một Nhất Linh chỉ có trong tâm tưởng. Ông không thể dựng lại Nhất Linh một mình nên phần lớn, ông muốn dựng lại một hình tượng vóc dáng Nhất Linh qua trung gian những quen biết, những liên hệ văn chương- những nhà văn, những người làm văn học, những người đồng chí của Nhất Linh không thiếu trong một tình tự lịch sự tối thiểu đối với một khuôn mặt văn học lớn. Đó là những người như Võ Phiến, Thụy Khuê, Nguyễn Liệu, Trương Bảo Sơn, Nguyễn Tường Bách, Phạm Phú Minh, Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Bùi Bích Hà, Huy Cận. Và gần đây,- mặc dầu ông là một người quốc gia chân chính- với sự cẩn trọng và e dè, thăm dò thiện chí của bên kia, ông dấn thêm một bước nữa, đi đồng thuận với những người mà trước đây cha ông coi là kẻ thù. Từ thù đến bạn chỉ vì cha của ông được họ tôn vinh trở lại. Lẽ dĩ nhiên, ông tự nhủ chỉ bắt tay họ trong phạm vi văn học và những gì liên hệ đến cha mình.

Nhưng đây quả thực là con dao hai lưỡi.

Trong số những người vừa kể trên, bà Thụy Khuê đã có lần nhìn rõ được chân tướng Nguyễn Tường Thiết đã mạnh dạn khuyên Nguyễn Tường Thiết như sau:

“Hôm nọ trong đêm giao thừa: tôi có mạo muội “khuyên” anh: Nên rút ông Nhất Linh ra ngoài, để đi con đường riêng của mình. Và trong thư mới viết cho tôi, anh có ý ngại, anh băn khoăn: Nếu “ bỏ Nhất Linh đi” thì liệu có còn cảm hứng để viết nữa hay không? Bây giờ đọc xong hồi ký của anh thì tôi chắc chắn hai điều: về cảm hứng, tôi nhớ Nhất Linh có khuyên Bình Nguyên Lộc: “Không có chuyện cảm hứng gì cả, mỗi ngày bắt buộc mình phải ngồi viêt một hai trang thì cảm hứng sẽ đến”. Điều này trước đây tôi cũng học được của Nguyễn Hiến Lê. Còn câu “rút Nhất Linh ra” thì nay tôi xin “rút lại”, kể như không nói, anh muốn viết gì thì viết, miễn là anh thành thực với chính mình như anh vẫn làm từ trước tới nay, như trong cuốn sách này”. Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh, cha tôi, trang 320-321

Điều này cũng cho thấy rõ hơn thân phận tầm gửi, ông sống nhờ cái bóng của cha mình.

Trước khi tóm tắt tắt tất cả những gì tôi đã viết về Nhất Linh- điều mà từ đó đã gây một sự thịnh nộ quá tải nơi ông Nguyễn Tường Thiết-… Tôi hiểu và chia sẻ được với ông với tư cách một người con. Ở trường hợp tôi, có thể tôi cũng hành xử tương tự.

Tôi cũng nhân tiện xin lỗi ông về lá thư của ông gửi cho tôi trong bài viết đầu tiên của tôi. Sau đó, tôi đã vô tình giữ lại lá thư trong một bài viết khác đã có nhiều sửa đổi.

Còn ngoài ra, tất cả những lời tố cáo khác về tôi, tôi không nhìn nhận.

· Thứ nhất, theo thói quen viết biên khảo, tôi không viết điều gì nếu không có dẫn chứng, hoặc nhân chứng (Oral History).· Thứ hai, những nhà văn như Thế Uyên và nhất là Duy Lam thuộc dòng ngoại của nhà văn- dù có khác biệt chính kiến với một số người thuộc dòng họ Nguyễn Tường-, các anh ấy trước sau đều có sự kính trọng Nhất Linh với tư cách người bác ruột, tư cách một nhà văn và tư cách một người đồng chí. Tôi phải viết về điều này, vì trong những bản Tự Thuật lúc cuối đời, Thế Uyên bầy tỏ sự bực bội vì có một vài anh em trong dòng họ Nguyễn Tường từ chối ngay cả tư cách họ hàng ruột thịt với người Bác-nhà văn- với một lý do thiển cận là anh thuộc dòng họ ngoại. Đôi khi anh phải viện dẫn cả mẹ ruột mình- bà Nguyễn Thị Thế- cho những luận cứ của anh… Mong là những người trong dòng họ Nguyễn Tường điều chỉnh lại cái nhìn về Thế Uyên, mặc dầu ai cũng biết Thế Uyên có vẻ ngang tàng, khác người. Trước sau các anh ấy cũng vẫn hãnh diện về người bác của mình và dòng họ.· Phần tôi, tôi đã không phải chỉ viết phê phán Nhất Linh mà thôi. Đã có những bài khác viết công bình và trân trọng về vai trò và chỗ đứng của TLVĐ và Nhất Linh trong Văn Học thời Phạm Quỳnh và thời Sáng Tạo. Trong thứ ngôn ngữ phê bình, tôi đã đi xa và đào sâu vào những điều được coi là cấm kỵ và từ đó nhiều người đọc đã gán ghép vô bằng như: âm mưu đưa Nhất Linh vào nhà thương điên. Thú thực, chưa bao giờ tôi dùng ngôn ngữ xúc phạm như thế đối với một người như Nhất Linh.· Tuy nhiên, tôi quyết bảo vệ những luận điểm mà tôi coi là những điểm yếu của Nhất Linh về mặt văn chương cũng như chính trị.

Về mặt văn chương:

· Tôi chỉ công nhận một Nhất Linh tiền chiến, thành công và rực rỡ về nhiều mặt- chủ yếu là mặt văn chương, còn về mặt xã hội có hạn chế-, và đặt một ranh giới về Nhất Linh sau 1954 đã đi tới chỗ thoái trào. Đó cũng là quan điểm của nhiều người như Phạm Thế Ngũ, Võ Phiến, Duy Lam và Thế Uyên.· Mặt khác, tôi công nhận bên cạnh nhóm TLVĐ, còn có nhiều nhà văn, nhà thơ cũng sáng chói chả thua gì các nhà văn trong nhóm TLVĐ, nhưng đã bị bỏ quên, bỏ qua, một cách oan nghiệt lúc sinh thời, sống nghèo túng như các nhà văn Vũ Trọng Phụng và Nam Cao.· Mặt yếu kém của TLVĐ là kéo bè, kéo nhóm bôi xấu, chế diễu, dìm dập các nhà văn ngoài nhóm mà hầu hết cách này cách khác trở thành nạn nhân của TLVĐ. Tôi không biết, trong buổi hội thảo đã có ai đủ can đảm đề cập đến vấn đề này hay không.· Một chuyện nhỏ, để bào chữa sự cho thất bại của Văn Hóa Ngày Nay, ông Nguyễn Tường Thiết đã cứ cố tình đổ trách nhiệm cho ông TT Ngô Đình Diệm dìm dập Nhất Linh qua nhà phát hành Thống Nhất, không chuyển báo đi. Ông Diệm thì giờ đâu mà toan tính những chuyện nhỏ nhoi thù vặt như thế. Tôi đã hỏi anh Duy Lam, anh nói báo VHNN đóng cửa vì lỗ lã. Tôi cũng chờ đợi nhà văn Nhật Tiến sẽ nói rõ về điều này một lần nữa trong nay mai..Tôi cũng yêu cầu ông Nguyễn Tường Thiết đọc cuốn Hồi ký Đời tôi của ông Nguyễn Liệu- một đồng chí của Nhất Linh- trong đó ông Nguyễn Liệu sau 1963, ra báo Xuân, rồi không lo lót nhà phát hành- rất tiếc ông không nêu rõ nhà phát hành nào- và họ đã dìm không phát hành tờ báo Xuân đưa đến cảnh lỗ lã. Qua chuyện này, tôi rửa oan cho Ông TT Ngô Đình Diệm. Nguyễn Liệu, Hồi ký đòi tôi, trang 306

· Cuối cùng, tôi xin đưa ra một tư liệu trong một cuốn sách xuất bản năm 2006, trong sự dè dặt thường lệ, mà các tác giả cuốn sách hiện còn sống. Đó là cuốn: 100 khuôn mặt Văn Nghệ sĩ của Hồ Nam và Vũ Uyên Giang, trong đó có đề cập đến trường hợp nhà văn Nhất Linh nhận tiền của CIA Mỹ.

Với một lối viết trào phúng có kể lại một lần nhà báo Lý Thắng Lê Văn Tiến- quen biết với Nhất Linh như tư cách đàn em, nhưng cũng là người quen biết bác sĩ Trần Kim Tuyến- đã rủ tác giả lên Đà Lạt cùng với nhà văn Đỗ Đức Thu và nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn, tức Mai Nguyệt- người phụ trách Mục Nói hay Đừng trên tờ báo Tự Do cùng với họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

Xin trích lại lời tiết lộ của nhà báo Lý Thắng Lê Văn Tiến:

Theo sự tiết lộ của Lý Thắng Lê Văn Tiến thì sau khi nhận làm cố vấn sáng lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Cộng Hòa, nhà văn Nhất Linh đã chịu nhận sự yểm trợ ngầm của một tổ chức Văn Hóa Mỹ ra tờ Nguyệt san Văn Hóa Ngày nên ông sắp giã từ vùng suối Đa Mê xuống Sài Gỏn làm báo với Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn, Nguyễn Thị Vinh, Trương Bảo Sơn và mời họa sĩ Duy Thanh giúp phần minh họa cho Văn Hóa Ngày Nay.

Xin đọc một đoạn kế tiếp để chứng tỏ sự thật như thế nào:

Lý Thắng lấy gà quay, thịt quay, thịt nguội, rau sống bầy ra với hai chai Martelle Cordon Bleu. Nhà văn Nhất Linh cầm một chai Martelle mở nút đưa lên mũi hít hít rồi nói:- Mình ghét Tây, nhưng mê rượu Tây, Martelle là thứ Cognac không chê vào đâu được, phải không Tchya?- Anh nói chí phải nếu uống rượu Pháp thì phải uống Martelle Cordon Bleu.- Cậu còn nhớ cái đận mình lưu vong ở Hồng Kông?- Quên sao được anh? Tchya nhớ nhất là bữa nhậu lẩu cá trên núi với anh và Nguyễn Gia Trí. Bữa đó mình chơi hết mấy chai Mao Đài, cái anh Mao Đài phủ Thiệu Hưng cũng tuyệt đấy chứ anh .(…)- Tại sao anh không cản giáo gian(Vũ Hồng Khanh) ký hiệp định mồng 6 tháng ba?- Cái tay giáo gian này lôi thôi lắm, hắn là một tay quân phiệt hoạt đầu, ký xong Hiệp định mùng 6 tháng ba bị vụ Ôn Như Hầu sợ quá, cũng ba chân bốn cẳng chạy sang Tàu, sau đó về lam Bộ Trưởng Than niên cho Nguyễn Văn Tâm, cách mạng với chính trị gì hắn. Thôi ta thưởng thức Martelle Cordon Bleu đi đừng nói chuyện vớ vẩn nữa.(..)- Cậu( ám chỉ Lê Văn Tiến) là người gần cả Tuyến lẫn Nhu, cậu thấy hai nhân vật này thế nào?- Ông Nhu có lần nói với em rằng nhà họ Nguyễn Tường chỉ có anh Long ( nhà văn Hoàng Đạo) là đáng kể, Việt Minh đã xơi tái Hoàng Đạo ở Quảng Châu rồi thì họ Nguyễn Tường coi như đoàn xe lửa không còn đầu nữa nằm ì một chỗ. Nếu ngày 19 tháng 8 Hoàng Đạo không bị bệnh thương hàn khiến Nguyễn Xuân Chữ bất đắc dĩ phải làm quyền Khâm Sai Bắc Kỳ thì làm sao Việt Minh cướp được chính quyền ở Hà Nội . Giải pháp Bảo Đại hư cũng vì Việt Minh xơi tái được Hoàng Đạo ở Quảng Châu. Tuyến chỉ là người của hành động làm sao sánh được với Nhu, Tuyến là người biết người biết ta thể nào cũng có một ngày chống lại Nhu, em giúp Tuyến là để chờ ngày đó.

Trích 100 khuôn mặt Văn Nghệ sĩ, Hồ Nam- Vũ Uyên Giang, trang 296

Phải chăng vì những nhận xét như trên đụng chạm đến tự ái đưa đến sự thù oán chế độ cũng như việc chào cờ và phải suy tôn Ngô Tổng Thống đã làm Nhất Linh tức giận bỏ ra khỏi rạp ciné như lời Nguyễn Tường Thiết kể lại?

(Còn tiếp một kỳ)

© Nguyễn Văn Lục