main billboard

Trường Chu văn An nổi tiếng không những vì nó đã có mặt trên cả hai miền Nam Bắc gần thế kỷ và đã đào tạo ra không biết bao nhân tài cho đất nước, mà còn vì học sinh trường Chu Văn An có tinh thần yêu nước rất cao.



vnch truong chuvanan

Việt Nam có nhiều trường trung học nổi tiếng, nhưng trường nổi tiếng nhất trong những trường nổi tiếng phải nói đó là trường Trung Học Chu văn An. Trường Chu văn An nổi tiếng không những vì nó đã có mặt trên cả hai miền Nam Bắc gần thế kỷ và đã đào tạo ra không biết bao nhân tài cho đất nước, mà còn vì học sinh trường Chu Văn An có tinh thần yêu nước rất cao.

Có điều không ai có thể ngờ được là nó lại chẳng được một nghị định nào của bộ Quốc Gia Giáo Dục ban hành thành lập, mà lại chỉ được một nghị định của bộ Mỹ Nghệ và Giáo Dục đổi tên do Giáo Sư Bộ Trưởng Hoàng xuân Hãn ký. Vì thế nói tới lịch sử của trường Chu văn An không thể nào không nói tới nguồn gốc của nó.

Nguồn gốc trường Chu văn An : trường Bưởi.

Người ta thường nói tiền thân của trường Chu văn An là trường Bưởi. Thực ra tên Bưởi không phải là tên chính thức. Tên chính thức của trường Bưởi lúc đầu là Collège des Interprètes. Nhưng chẳng bao lâu thì trường được đổi tên là Collège du Protectorat rồi tới năm 1930, trường lại được đổi tên lần nữa thành Lycée du Protectorat.

*

Trường này do chính quyền bảo hộ Pháp thành lập với mục đích đào tạo thông ngôn (thông dịch viên), phán sự (thư ký hành chánh) cho chính quyền bảo hộ. Trường được xây cất vào năm 1907 trên một khu đất rộng hơn 10 mẫu tây thuộc làng Thụy Khê, huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hànội), nằm dọc theo Hồ Tây từ gần đền Quan Thánh tới gần Ô Cầu Giấy thuộc làng Yên Thái còn gọi là làng Bưởi, nên dân Hànội, Hà Đông thường gọi là trường Bưởi cho tiện (1).

vnch truong chuvananhn

Collège du Protectorat près du Grand Lac. Trường Trung Học Bảo Hộ gần Hồ Tây, hồi xưa quen gọi là trường Bưởi, sau này là trường Chu Văn An. Nằm tại làng Bưởi, trên đường Route du Village du Papier nay là đường Thụy Khuê.

*

Trường khai giảng niên khóa đầu tiên vào năm 1908 đủ cả bốn lớp, từ première année tới quatrième année (tức từ lớp 6 đến lớp 9), đúng nghĩa là một trường Thành Trung (Grand Collège, thời Việt Nam Cộng Hòa gọi là trường Trung Học Phổ Thông, nay gọi là trường Trung Học Cơ Sở). Vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Bưởi là giáo sư người Pháp tên Cyprien Mus. Các Hiệu Trưởng kế tiếp là các giáo sư Donnadieu, giáo sư Lomberger, giáo sư Pouget, giáo sư Autigeon, giáo sư Houlié, giáo sư Perruca và giáo sư Farchi (2). Nhưng cũng trong năm này (1908) trường Collège Jules Ferry ở Nam Định đóng cửa, nên tất cả các học sinh của trường này được chuyển lên trường Bưởi. Do đó trường Bưởi trở thành một trường Trung Tiểu Học, gồm cả hai cấp : cấp Tiểu Học (Petit Collège) từ lớp Tư (Cours Préparatoire) đến lớp Nhất (Cours Supérieur) và cấp Trung Học (Grand Collège) còn gọi là Cao Đẳng Tiểu Học (Enseignement Primaire Supérieur), sau này, thời Việt Nam Cộng Hòa được gọi là Trung Học Phổ Thông hay Trung Học Đệ Nhất Cấp (3).

vnch truong chuvananhn1

TONKIN – Hanoi – Une fête d’écoliers Annamites. Một ngày hội của học sinh trường Trung học Bảo Hộ Hà Nội (trường Bưởi).

Tới năm 1926, cấp Tiểu Học được bãi bỏ, thay thế vào đó cấp Tú Tài Bản Xứ (Baccalauréat d’Enseignement Secondaire Local); do đó trường được đổi thành Lycée du Protectorat. Theo cụ Đinh Bá Hoàn, cựu học sinh trường Bưởi, thì từ niên khóa 1924-1925, chương trình học được kéo dài thêm 3 năm nữa, tổng cộng là 7 năm và các môn học không những cũng đầy đủ như ban Tú Tài của Pháp mà còn thêm cả phần học về văn hóa Á Đông nữa (4), nhưng mãi tới năm 1930 trường mới thực sự được đổi tên thành Lycée du Protectorat.

*

Năm 1943, quân đội Nhật tiến vào Đông Dương, tình hình trở nên nghiêm trọng. Để tránh bom đạn của máy bay Đồng Minh đánh phá các căn cứ quân sự của Nhật, trường Bưởi đã phải chia ra làm ba nhóm di tản đi ba nơi khác nhau còn trường thì bị binh lính Pháp chiếm làm chỗ đóng quân :
Nhóm 1 : Ban Cao Đẳng Tiểu Học (Enseignement Primaire Supérieur) di chuyển vào Phúc Nhạc thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Nhóm 2 : Ban Tú Tài (Baccalauréat) di chuyển vào Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Nhóm 3 : Ban Classique Latin nhập vào trường Lycée Albert Sarraut, di chuyển về Chợ Trâu, thuộc thị xã Hà Đông. Chính vì sự sát nhập này mà nhiều cựu học sinh Bưởi chỉ nhớ tới nhóm 1 và 2 mà thôi (5).

*

Những nỗi truân chuyên của trường Chu Văn An.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, Ngày 12 tháng 5 năm 1945, Bộ Trưởng bộ Mỹ Nghệ (6) là giáo sư Hoàng Xuân Hãn ký nghị định đổi tên trường Lycée du Protectorat thành trường Trung Học Chu văn An, tên của một danh sư đời Trần, người đã dám dâng sớ xin chém đầu bẩy tên nịnh thần gian ác, hại dân hại nước, và vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Chu Văn An là giáo sư Hòang Cơ Nghị (7) (lúc này trường còn đang ở Sầm Sơn Thanh Hóa).

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Cách Mạng Mùa Thu bùng nổ, Việt Minh nổi lên cướp chính quyền, trường được di chuyển về thị xã Hà Đông và giáo sư Nguyễn Gia Tường được đề cử làm Hiệu Trưởng để thay thế giáo sư Hoàng Cơ Nghị vào ngày 1 tháng 10 năm 1945 còn Giám Học là thầy Nguyễn Văn Chính. Cũng trong tháng này, niên khóa đầu tiên mang danh trường Chu Văn An đã được khai giảng. Được ít lâu, trường lại di chuyển về chùa Láng trên đường Hà Nội đi Hà Đông, rồi về Đông Dương Học Xá ở Bạch Mai, gần Hà Nội.

Tới năm 1946, trường lại rời về trường nữ trung học cũ cuả Pháp (Collège des Jeunes Filles) ở đường Félix Faure, kế bên nhà thờ Cửa Bắc, gần vườn hoa Canh Nông ở Hà Nội và vị giáo sư Quốc Văn nổi tiếng thời bấy giờ là giáo sư Dương Quảng Hàm được cử lên làm Hiệu Trưởng để thay thế giáo sư Nguyễn Gia Tường vào ngày 14 tháng 12 năm 1945, còn Giám Học là thầy Nguyễn Đình Phong. Nhưng cũng chẳng được bao lâu thì ngày 19 tháng 12 năm 1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Các cơ quan đầu não quan trọng đều được chính phủ Việt Minh di tản ra hậu phương hoặc lên mạn ngược, còn các cơ quan khác không quan trọng đều đương nhiên bị giải tán. Trường Chu Văn An không phải là cơ quan quan trọng nên cũng nằm chung trong số phận này (8).

Đêm 26 tháng 12 năm 1946, giáo sư Hiệu Trưởng Dương Quảng Hàm bị đạn lạc chết trên đường tản cư, khi đang lội qua sông. Xác giáo sư không biết trôi dạt nơi đâu! (9). Theo Cố Nhân, tác giả bài “Chu Văn An những ngày xưa cũ” đăng trên Đặc San Chu Văn An miền Đông Hoa Kỳ, xuân 1991, thì giáo sư Dương Quảng Hàm đã bị nạn chết ngay đêm đầu tiên cuộc chiến Việt Pháp bùng nổ tức đêm 19 tháng 12 năm 1946 và xác của ông có thể đã được vùi chôn trong ngôi mộ tập thể ở cạnh tòa án Hà Nội trên đường Lý Thường Kiệt, (10).

Năm 1947, Hoàng Đế Bảo Đại hồi loan và chính phủ Quốc Gia được thành lập, nhưng mãi tới ngày 26 tháng 1 năm 1948 trường Chu Văn An mới được tái lập và hoạt động trở lại (11). Trường sở được đặt tại trường nữ trung học Thanh Quan, tục gọi là trường Hàng Cót tức trường R. Brieux cũ và giáo sư Sử Địa Mai Văn Phương được cử giữ chức Hiệu Trưởng vào tháng 2 năm 1948, Giám Học là thầy Đỗ Văn Hoán.

Niên khóa 1949-1950, trường lại một lần nữa được đổi về trường nữ trung học Đồng Khánh nằm trên đường Đồng Khánh, nay gọi là Phố Hàng Bài Hà Nội và vị Hiệu Trưởng lần này là Giám Đốc Học Chính Bắc Việt Đỗ Văn Hoán kiêm nhiệm, Giám Học là thầy Phan Đình Hoan nhưng cũng không được bao lâu thì trường lại chia đôi : một nửa số học sinh (đa số có nhà cư ngụ ở mạn bắc Hà Nội) di chuyển cùng với tên trường về trường Giáo Sinh Sư Phạm hay Sư Phạm Tiểu Học (College Đỗ Hữu Vị?), nơi đào tạo các giáo viên bậc tiểu học, tại đường Đỗ Hữu Vị gần cửa Bắc và vị Hiệu Trưởng lần này là giáo sư Phạm Xuân Độ. Còn nửa số học sinh ở lại (đa số có nhà cư ngụ ở mạn Nam Hà Nội) và trường được đổi tên thành trường Trung Học Nguyễn Trãi.

Tới niên khóa 1950-1951, giáo sư Vũ Ngô Xán lên làm Hiệu Trưởng, Giám Học là thầy Vũ Đức Thận. Cũng trong thời gian này, Hiệu Đoàn kỳ với ngọn lửa mầu đỏ trên nền xanh da trời và Hiệu Đoàn ca với bản hùng ca Chu Văn An Hành Khúc do giáo sư Nhạc Sĩ Thẩm Oánh sáng tác ra đời.

*

Đoạn đường chuân chuyên của trường Chu Văn An đến đây tưởng chừng được chấm dứt, nhưng Trời chẳng chiều lòng người, thời gian êm đềm hạnh phúc cũng chỉ kéo dài được 4 năm (1950-1954). Tới ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, trường Chu Văn An cũng cùng chung số phận, một nửa theo lệnh của bộ Quốc Gia Giáo Dục di cư vào Nam, trong đó có Giáo Sư Hiệu Trưởng Vũ Ngô Xán, Giám Học Vũ Đức Thận và hầu hết các giáo sư nổi tiếng như Hoàng Cơ Nghị, Đào Văn Dương, Bạch Văn Ngà, Lê Văn Lâm, Nguyễn Sĩ Tế, Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương, Lê Ngọc Huỳnh, Bùi Đình Tấn, Trần Đình Ý v.v…

Còn một nửa thày trò khác, trong số đó có anh Nguyễn Thủy, vì chưa hiểu rõ bộ mặt thật của Cộng Sản nên đã ở lại để chịu sự đầy đọa của chủ nghĩa vô thần Cộng Sản. Anh Nguyễn Thủy hiện nay đang ở Pháp, có bài thơ “Hỏi thầy cũ” như sau :

Hà Nội tiếp thu tới cột cờ,
Hân hoan dào dạt buổi ban sơ.
Như say thầy Sách trông cờ Đỏ :
Hơn tám mươi năm một giấc mơ (11).

Ái quốc bùa yêu thật nhiệm mầu,
Tương lai mù mịt xá chi đâu.
Vụt tay khỏi trán,nghe tim nói :
Kẻ Sĩ vì dân chốn biển dâu.

Thấm thóat phần ba thế kỷ qua,
Các thầy chắc hẳn lắm phôi pha ?
Có còn gieo giống, trồng nhân bản,
Hay đã uất hận, chốn nở hoa (12) ?

Nhân quả chu kỳ cũng có a !
Khúc quanh lịch sử nước non nhà.
Nông gian (13) thống trị bao giai cấp,
Lạm dụng mỹ từ đại bịp ta.

Thời đại truyền thông đã điểm rồi,
Âm binh, phù thủy rút đi thôi.
Để người yêu nước xây đời mới,
Hoài bão thầy Chu thắp sáng ngời (14).

Phần ở lại, sau khi chính quyền Cộng Sản tiếp thu, tiếp tục hoạt động được một thời gian ngắn thì trường di chuyển trở về số 10 đường Thụy Khê Hà Nội tức trường sở cũ của trường Bưởi. Được mươi năm, trường xuống cấp và lại bị chia hai một lần nữa, nhưng lần này không phải chỉ chia hai số học sinh, mà còn chia hai cả ngôi trường. Một nửa vẫn mang tên Chu Văn An, còn nửa kia mang danh Ba Đình. Không những thế, đất của nhà trường còn bị cả chục cơ quan khác và cả trăm nhân viên của bộ Giáo Dục cậy quyền, cậy thế lấn chiếm làm trụ sở hoặc nhà ở.

Gần đây, chính quyền Cộng Sản còn dự định bán cả một phần sân vận động của trường Chu Văn An để làm khách sạn cho ngoại quốc thuê mướn. Việc làm này đã bị các cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An khắp nơi lên tiếng phản đối mãnh liệt, trong số đó có cả những người hiện đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền Cộng Sản. Ngay cả nhật báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Công Sản Việt Nam, trong số ra ngày 31 tháng 3 năm 1992 cũng đã đăng tải một bài phản đối dự án này dưới nhan đề “Xây khách sạn gần trường Chu Văn An là phản giáo dục”. Nhưng chính quyền Cộng Sản vẫn bỏ ngoài tai và vẫn tiến hành dự án phản văn hóa này để kiếm tiền cho Đảng.

Theo ông Nguyễn văn Chiến, giáo sư Viện Đại Học Hà Nội, nguyên Hiệu Trưởng trường Chu Văn An Hà Nội, cho biết thì vào ngày 17 tháng 2 năm 1995, chính quyền Cộng Sản đã ký quyết định nâng cấp (! ) trường Chu Văn An ngang hàng với các trường Quốc Học ở Huế và Trường Lê Hồng Phong ở Saigon. Thật đáng buồn thay, một trường trung học nổi tiếng nhất nước, với những giáo sư lỗi lạc mà trong đó có người đã làm Thủ Tướng như giáo sư sử gia Trần Trọng Kim hay Tổng Bộ Trưởng như giáo sư Hoàng Xuân Hãn, giáo sư Nguyễn Dương Đôn, Khoa Học Gia như giáo sư Nguyễn Xuân Vinh v.v.., sau 40 năm quằn quại dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghiã, nay mới lại được nâng cấp trở lại !

Phần di cư vào Nam, vì chưa có trường sở riêng, trường Chu Văn An phải học nhờ trường Pétrus Ký. Trường Pétrus Ký học buổi sáng, trường Chu Văn An học buổi chiều.

Tới niên khóa 1955-1956, nhờ sự vận động của Bộ Giáo Dục nên trường được cấp cho một building hai tầng lầu ngay đằng sau trường Pétrus Ký, nhưng cổng vào nằm trên đường Trần Bình Trọng. Building này nguyên trước là ký túc xá của học sinh Pétrus Ký, sau bị Công An Xung Phong của Bình Xuyên chiếm làm trụ sở nhưng đã bỏ chạy sau biến cố Bình Xuyên 1955. Giáo sư Vũ Ngô Xán tiếp tục làm Hiệu Trưởng đến niên khóa 1956-1957 thì giáo sư Trần Văn Việt, nguyên Hiệu Trưởng trường Nguyễn Trãi sang thay thế. Giám Học là thầy Nguyễn Hữu Văn. Đầu niên khóa 1957-1958, trường được nới rộng sang khu nhà in Caravelle cũ (còn gọi là khu chuồng ngựa), cạnh sân vận động trên đường Trần Bình Trọng.

vnch truong chuvanansg
Không Ảnh Saigon 1965 – NHÀ THỜ THÁNH NỮ JEANNE D’ARC, TRUNG HỌC CHU VĂN AN, ĐẠI HỌC XÁ MINH MẠNG.

vnch truong chuvanansg2
Đường Minh Mạng. Saigon 1966-72.

vnch truong chuvanansg3
SAIGON 1966-67. Ngã sáu Cholon. Nhà thờ Thánh nữ Jeanne d’Arc. Photo by R Mahoney. Bên phải hình là trường Trung học Chu Văn An, nơi cuối đường Minh Mạng (nay là Ngô Gia Tự). Cạnh bên đó là khu Đại học xá Minh Mạng.

Niên khóa 1961-1962, trường Chu Văn An mới thực sự có trường sở mới tọa lạc tại góc đường Minh Mạng – Triệu Đà nhưng cũng chỉ mới di chuyển được các lớp Đệ Nhất Cấp. Sang niên khóa 1962-1963, trường mới hoàn toàn rời bỏ trường cũ để di chuyển về trường mới. Tới niên khóa 1963-1964 thày Giám Học Nguyễn Hữu Văn lên làm Hiệu Trưởng rồi kế tiếp là các gíao sư Đàm Xuân Thiều, Bùi Đình Tấn, Dương Minh Kính và Nguyễn xuân Quế.

vnch truong chuvanansg4

SAIGON Mậu Thân 1968 – Trại tạm cư Ngã sáu Chợ Lớn trên sân trường Chu Văn An
Vietnam Refugees Camp In Cholon (Feb 14, 1968) by Carl Mydans


Tháng 4 năm 1975, Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam, trường Chu Văn An hoạt động thêm được ba năm nữa, tới đầu niên khóa 1978-1979 thì Sở Giáo Dục thành phố HCM ra quyết định giải thể. Phải chăng vì bị thày Chu Văn An dâng sớ xin chém đầu, bẩy tên gian thần đem lòng thù hận, đầu thai làm loài Qủy Đỏ, tìm cách trả thù ?

Nghe tin trên, một cựu giáo sư Chu Văn An còn tại chức lúc đó có làm một bài Văn tế thật cảm động như sau :

Than ôi !

Trời đất xụt xùi,
Phố phường ngơ ngác,
Thầy trò tan tác

Thế là :

Sau ba năm ngắc ngoải, án “tử hình” còn đợi duyệt y.
Rồi một sáng quạnh hiu, tin giải thể đã là đích xác !

Nhớ trường Xưa :

Thanh thế lẫy lừng, hào quang sáng rực,
Lò hun đúc bao bậc tài năng, nơi xuất thân muôn người hiền đức.
Kể từ khi mượn tên làng “giấy bản” (15),
Mấy tòa lầu ngạo nghễ bên sóng biếc Hồ Tây.
Đến sau này mang hiệu “bậc danh nho” (16),
Vài ngôi nhà ẩn mình gần Bùng Binh Ngã Sáu,
Cùng thăng trầm với vận non song,
Trải vinh nhục qua bao cảnh ngộ.
Tránh bom đạn trong thời Thế Chiến,
Vác “nồi niêu” đi đến vùng quê (17),
Đón tin mừng khi có hòa bình, dọn sách vở trở về thành phố.

Bỗng nhiên :

Khói lửa mịt mù, thành đô tan vỡ (18)
Lôi thôi lếch thếch, dân chúng giắt gìa cõng trẻ tìm chỗ an thân, Đói rét lầm than, thầy trò nhường áo, xẻ cơm, nêu gương tương trợ.

Nhưng rồi :

Chiến sự vẫn dằng dai,
Cuộc đời lỡ dở,
Dân chúng hồi cư,
Trường xưa lại mở,
Khó khăn, trắc trở phải từ bỏ “tổ cũ” Hồ Tây,
Vất vả gian nan, đành dọn về trường kia “Đỗ Vị”(19),
Ba tầng phòng ốc, tạm đủ cho con trẻ học hành,
Vài mảnh sân chơi, cũng thỏa được tuổi xanh giải trí

Tưởng rằng :

Nấn ná qua thì,
Đợi khi bình trị.

Nào ngờ :

Thời thế đổi thay,
Gặp hồi vận bỉ.
Bản Hiệp Định (20) ký tận trời Tây, chia cắt giang sơn.
Người quốc gia rời xuống miền Nam với niềm hận sỉ.
Chân ướt, chân ráo, đành phải ở đậu, học nhờ
Lạ đất, lạ người, may được kẻ giúp, bạn đỡ.
Dần dần gây lại cơ đồ,
Ngày ngày gắng công củng cố,
Tăng thêm uy tín, ban giáo sư gồm nhiều vị lão thành.
Nổi tiếng tài hoa, đám học sinh không thiếu người ưu tú,
Tranh tài hùng biện, mấy lần đoạt giải quán quân.
Đọ sức văn bài, nhiều phen chiếm ngôi danh dự.
Khắp nơi, khắp chốn, đưa con em bồi đắp giang sơn,
Mọi chỗ, mọi ngành, gửi nhân tài điểm tô xứ sở.

Nhưng than ôi !

Mùa xuân năm nọ, cuồng phong phương Bắc ào ạt thổi vào,
Ngày cuối tháng kia, nhà cửa miền Nam ầm ầm sụp đổ (21).

Đồng Nai quằn quại bi thương,
Bến nghé xụt xùi đau khổ.

Lạc loài thân gái, bẽ bàng lỡ bước sang ngang,
Lơ láo hàng thần, ngậm ngùi sống đời tủi hổ.
Biết thân biết phận, giữ gìn kẽ tóc đường tơ,
Giả dại giả khờ, làm bộ hoan hô cổ võ.
Thời kỳ ổn định qua rồi,
Đến lúc thanh trừng hàng ngũ.
Taberd, Bác Ái lần lượt “quy tiên”.
Không nao núng, chẳng ưu phiền,
“Chu Văn An” thản nhiên đợi giờ ”hành quyết”.

Thành tích, công lao để đâu ? Không biết !
Vàng thau, hay dở, phân biệt nữa chăng ?

Thôi ! Chẳng qua thế sự thăng trầm,
Nước có khi đầy khi vơi, trăng có lúc tròn lúc khuyết.
Được tin dữ, thân quyến, bạn bè có lời tiễn biệt.
Không lễ nghi kèn trống, không cả một nén hương !
Âm thầm nuốt nỗi xót thương,
Lặng lẽ nén niềm bi phẫn.
Tiết tháng bẩy, đìu hiu gío thổi, trời tối sầm như phủ mầu tang.
Mùa Trung Nguyên rả rích mưa rơi, đất nước sũng tựa đầm nước mắt.
Xác còn đó, mà hồn đã khuất,
Não lòng ai khi lững thững bứơc gần.
Hồn khôn thiêng, xin phù hộ thân nhân,
Cùng bè bạn thoát cơn hoạn nạn (22).
Hãy cùng nhau thành tâm cầu nguyện,
Vững lòng tin có luật tuần hoàn.
Sau cơn giông, gío lặng mây tan,
Trời Việt Nam rực rỡ huy hoàng.
Trong niềm vui nếp sống tự do,

Chu Văn An phục sinh,
Ngời sáng

Saigon, Trung Nguyên năm Mậu Ngọ, 1978.

Kể từ ngày trường Bửơi được đổi tên thành trường Chu Văn An, 1945 cho tới ngày trường Chu Văn An Saigon bị giải thể, 1978, tổng cộng là 42 năm, trải qua 14 đời Hiệu Trưởng (23):

1945-1946 :
.GS Hoàng Cơ Nghị,
.GS Nguyễn Gia Tường
.GS Dương Quảng Hàm
.GS Trần Văn Khang (24)

1946-1948 : Tản cư
1948-1949 : GS Mai Văn Phương,
1949-1950 : GS Đỗ Văn Hoán,
1950-1951 : GS Phạm Xuân Độ,
1951-1957 : GS Vũ Ngô Xán,
1957-1959 : GS Trần Văn Việt,
1959-1963 : GS Nguyễn Hữu Văn,
1963-1964 : GS Đàm Xuân Thiều,
1964-1965 : GS Bùi Đình Tấn,
1965-1968 : GS Dương Minh Kính,
1968-1975 : GS Nguyễn Xuân Quế.

vnch truong chuvanansg5

Suốt chiều dài lịch sử gần một thế kỷ, từ 1905, ngày trường Bưởi được thành lập, đến 1978, ngày trường Chu Văn An Saigon bị giải thể, trường Bưởi-CVA đã sản xuất không biết bao nhiêu nhân tài cho đất nước, cho mọi ngành nhất là trong lãnh vực văn học và giáo dục.

Những chức vụ lãnh đạo cao nhất nhì của đất nước như Thủ Tướng thì có Giáo Sư Trần Trọng Kim, Bác Sĩ Phan Huy Quát v.v… Chức vụ Thủ Hiến thì có ông Nguyễn Hữu Trí. Chức vụ Tổng Bộ Trưởng thì có cụ Phạm Quỳnh, cụ Cung Đình Qùy, Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, Thạc Sĩ Phạm Duy Khiêm, Luật Sư Phan Anh, Luật Sư Trần Văn Tuyên, Giáo Sư Vũ Văn Mẫu, Giáo Sư Vũ Quốc Thông, ông Nguyễn Lương, Bác Sĩ Trần Ngọc Ninh, Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng, Luật Sư Vương Văn Bắc v.v…Chức vụ Khoa Trưởng các trường Đại Học thì có Giáo Sư Nguyễn Chung Tú, Giáo Sư Phạm Biểu Tâm, Giáo Sư Đặng Văn Chiếu, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, Giáo Sư Nguyễn Cao Hách, Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa v.v…

Trong lãnh vực khoa học chúng ta có Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Kỹ sư Nguyễn Mạnh Tiến v.v…

Trong giới quân nhân, nhiều người đã lên tới cấp tướng như Phan Phụng Tiên, Lê Nguyên Khang, Phan Trọng Chinh, Bùi Thế Lân, Hoàng Cơ Minh v.v…và nhiều người đã bỏ mình ngoài chiến trường như Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Bác Sĩ Nghiêm Sĩ Tuấn v,v… để bảo vệ miền Nam tự do hoặc quyết chết vinh chứ không chịu sống nhục dưới chế độ Cộng Sản như Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn v.v…vào ngày 30/4/1975.

Chú thích :

(1) Theo cụ Đinh Bá Hoàn, cựu học sinh trường Bưởi, thì trường được xây trên đất làng Thụy Khê, tục gọi là làng Bưởi, nhưng theo cụ Nguyễn Quang Nhạ cũng là cựu học sinh trường Bưởi thì trường được xây trên đất làng Yên Thái, tục gọi là làng Bưởi, chuyên nghề làm giấy bản, nên dân Hà Nội, Hà Đông thường gọi là trường Bưởi.
(2) Theo giáo sư Lê Văn Lâm và giáo sư Bùi Đình Tấn, tác giả bản Dự Thảo Kỷ Yếu Trung Học Chu Văn An Saigon thì vị Hiệu Trưởng cuối cùng của trường Bưởi là giáo sư Antoine Perucca.
(3) Theo cụ Đinh Bá Hoàn, lúc đầu với danh xưng là Collège des Interprètes, trường chỉ có hai lớp : Première Année và Deuxième Année. Hai năm sau, tức vào năm 1910, có đủ bốn lớp từ Première Année tới Quatrième a]Année, trường mới được đổi tên là Collège du Protectorat.
(4) Chính vì lý do này mà Tú Tài Local lại khó hơn Tú Tài Pháp và nhiều học sinh trường Bưởi thường thi cả hai bằng và thường đậu luôn cả hai bằng.
(5) Mặc dầu bị sát nhập vào trường Albert Sarraut, các học sinh trường Bưởi vẫn không chịu nhận mình là học sinh trường Albert Sarraut vì cho đó là điều sỉ nhục, không như mấy anh Albert Sarraut chính cống, thường rất lấy làm hãnh diện mình là dân trờng Tây. Các học sinh gốc trường Bưởi thường không chịu chào cờ Pháp, họ thường lảng tránh ở xa, chờ cho chào cờ xong họ mới lững thững đi vào sân trường.
(6) Cũng theo giáo sư Lê Văn Lâm và giáo sư Bùi Đình Tấn, tác giả bản Dự Thảo Kỷ Yếu Trung Học Chu Văn An Saigon thì giáo sư Hòang Xuân Hãn là Bộ Trưởng Giáo Dục và ông đã ban hành một chương trình giáo dục mới theo đường hướng nhân bản và khai phóng, hoàn toàn Việt Nam.
(7) Vì thời gian làm giáo sư Hoàng Cơ nghị làm Hiệu Trưởng qúa ngắn, chừng bốn tháng, trường lại di chuyển ở nơi khác, nên có người không biết, tưởng rằng vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Chu Văn An là giáo sư Nguyễn Gia Tường.
(8) Trong bài “Trường Chu Văn An trên núi rừng Việt Bắc” đăng trong Đặc San Bưởi-Chu Văn An của Hội Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An Canada vùng Montreal năm 1998 thì sau ngày 19/12/46, ngày Chiến Tranh Việt Pháp bùng nổ, trường Chu Văn An được tản cư tới thôn Đông Lĩnh, xã Đào Gĩa thuộc tỉnh Phú Thọ (vùng Việt Bắc). Hiệu Trưởng là giáo sư Trần văn Khang (giáo sư trường Bưởi) làm Hiệu Trưởng, giáo sư Nguyễn Văn Chiển làm Giám Học. Nhưng theo tôi thì đây là trường Trung Học Kháng Chiến Đào Giã, do chính quyền Việt Minh lập lên với một ban Giám Hiệu mới và ban giảng huấn mới, chỉ có một số nhỏ giáo sư Chu Văn An tản cư tới dạy và một số nhỏ học sinh Chu Văn An tới học mà thôi. Hơn nữa, sau năm 1954, không thấy trường này hồi cư về Hà Nội và trường Trung Học Chu Văn An Hà Nội thì vẫn tồn tại.
(9) Theo Phan Quân, tác giả bài “Ai đã đổi tiên trường Lycée du Protectorat (Bưởi) thành trường Chu Văn An” đăng trong Đặc San CHU VĂN AN năm 2002 của Hội Ái Hữu Bưởi-Chu Văn An N.S.W Australia thì GS Dương Quảng Hàm đã bị tai nạn chết vì bị máy bay Đồng Minh thả bom trong khi ông đang trên đường công tác lo việc di chuyển trường Chu Văn An từ Yên Mô, Ninh Bình trở về Hà Nội.
(10) Theo Cố Nhân, tác giả bài “Chu Văn An những ngày xưa cũ” đăng trên Đặc San Chu Văn An miền đông Hoa Kỳ, xuân 1991, thì trong đêm 19 tháng 12 năm 1946, dân Hà Nội tìm đường lánh nạn bị đạn lạc chết cả ngàn người trong số đó có giáo sư Dương Quảng Hàm. Khi quân Pháp làm chủ được tình hình đi dọn dẹp và góm góp tất cả các xác chết vô thừa nhận và chôn chung vào ngôi mồ tập thể ở cạnh tòa án Hà Nội trên đường Lý Thường Kiệt.
Tuy nhiên có người cho rằng các xác chết được chôn ở trong ngôi mồ tập thể này rất có thể là xác các tù nhân của nhà giam Hỏa Lò Hà Nội. Đa số các tù nhân này là các đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng hoặc của các đảng phái đối lập với Việt Minh tức Cộng Sản. Họ bị chính quyền Việt Minh bắt giữ và đã ra lệnh hành quyết trước khi rút khỏi Hà Nội tương tự như vụ Tết Mậu Thân, 1968 ở Huế. Những xác chết này không thể là những xác chết của những thường dân vô tội; bởi vì trước đêm đó, hầu hết dân chúng Hà Nội đã được Việt Minh ra lệnh di tản từ trước. Số còn ở lại, nếu có, hầu hết là Tự Vệ thành, nhưng nếu là xác của Tự Vệ thành thì tại sao bây giờ Cộng Sản lại san bằng ngôi mồ này đi mà không hề dựng một đài tưởng niệm cho những người đã hy sinh vì tổ quốc ? Còn nếu là xác chết của những đồng bào vô tội ở rải rác kháp nơi trong thành phố thì tại sao lính Pháp không chôn ở nơi khác mà lại mất công đem về tập trung ở đây và chôn tại nơi đây ? Vậy chỉ có thể là xác chết của các tù nhân nhà giam Hỏa Lò Hà Nội đã bị Việt Minh ra lệnh hành quyết trước khi rút lui. Vì số xác chết qúa nhiều, nên lính Pháp đã phải đào một cái hố lớn ngay giữa con đường nhỏ cạnh tòa án để chôn cho tiện.
(11) Với vẻ mặt hân hoan, mắt nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay, thầy Sách nói với thầy Nguyễn Tường Phượng : “ Hơn 80 năm mới có ngày hôm nay được trông thấy cờ Việt Nam tung bay phất phới trên kỳ đài.”
(12) Chốn nở hoa tức Thiên Đàng.
(13) Nông gian : Cộng Sản thường tự coi là đại diên của hai giới công nhân và nông dân, nhưng thực ra chúng chỉ là kẻ mạo nhận.
(14) Thày Chu tức Chu Văn An.
(15) Làng Bưởi chuyên làm giấy bản.
(16) Bậc “danh nho” tức Chu Văn An.
(17) Vùng quê : Phú Nhạc Ninh Bình, Sầm Sơn Thanh Hóa.
(18) Chiến tranh Việt Pháp bùng nổ ngày 19 tháng 12 năm 1946.
(19) Đỗ Vị tức Đỗ Hữu Vị.
(20) Hiệp Định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 chia cắt Việt Nam làm hai.
(21) Ngày 30 tháng 4 năm 1975.
(22) Nguyên tác tới đây là chấm dứt. Sau nghe lời bạn hữu, tác giả làm thêm sáu câu cuối.
(23) Nếu kể cả một Cán Bộ Cộng Sản là Giáo Sư Vũ Văn Huệ làm Hiệu Trưởng từ 1975 đến 1978 thì tất cả là 15 vị.
(24) Thực ra GS Trần Văn Khang là Hiệu Trưởng của Trường Kháng Chiến trong thới gian tản cư.
Tài liệu tham khảo :
“Từ Bưởi đến Chu Văn An” của Trương Hữu Lượng “ Đặc San Bưởi-Chu Văn An, Paris 1990.
“Trường Bưởi-Chu Văn An” cuả Vũ văn Phường, Đặc San Chu Van An Bắc Cali số 3/1990.
“Chu Văn An những ngày xưa cũ” của Cố Nhân, Đặc San Chu Văn An miền Đông Hoa Kỳ, xuân Tân Mùi, 1991.
“Hồi ký về trường Bưởi” của Tô Giang Tử Nguyễn Quang Nhạ, Đặc San Chu Van An miền Đông Hoa Kỳ, xuân Tân Mùi, 1991.
“Nguồn gốc trường Bưởi-Chu Van An” của Đinh Bá Hoàn, Đặc San Bưởi-Chu Van An Canada, số 1/1992.
“Vài hàng về trường Bưởi-Chu Văn An” của Đào Hữu Châu, Đặc San Bưởi-Chu Văn An Canada , số1/1992.
“Trường Chu Văn An Hà Nội ngày nay” đăng trong báo Xây Dựng số 40 ngày 30/4/92 tại San Jose, California và được trích đăng lại trong Đặc San Chu Văn An miền Đông Hoa Kỳ, 1993.
“Tài liệu lịch sử trường Chu Văn An” của giáo sư Phạm Biển Thước, Giai Phẩn Chu Văn An Nam Cali, 1994.
“Các đài phát thanh ngoại quốc loan tin VC bắt giữ Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, một lãnh tụ Phong Trào đòi Tự Do, Dân Chủ và Đa Nguyên”, bản tin của Chữ Bá Anh, Đặc San Chu Văn An Bắc Cali, 3/1990.
“Tiểu sử của Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế” của Trung Ngôn, Tạp Chí Quốc Gia, cơ quan ngôn luận của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal số 8 tháng 11 năm1998.
“The Vietnamese ‘s people army” của Douglas Pike.
“Điạ Lý Biển Đông Với Hoàng Sa và Trường Sa” của Vũ Hữu San, cựu học sinh CVA.
“Đặc San Lướt Sóng” số 30 /4/1998.
“Ai đã đổi tên trường Bưởi thành trường Chu Văn An” của Phan Quân đăng trong Đặc San Chu Văn An 2002 cua Hội Ái Hữu Trường Bưởi-Chu Văn An N.S.W Australia.
“Bản Dự Thảo Kỷ Yếu Trung Học Chu Văn An Saigon” của giáo sư Lê Văn Lâm và giáo sư Bùi Đình Tấn năm 2004′
Bài trích đăng trong sách TÀ QUYỀN KHIẾP NHƯỢC (Tạp ghi), Ấn bản năm 2014; Từ tr. 10 đến tr. 29.
*******
Tác giả: Luật Sư LÊ DUY SAN, cựu Biện Lý tòa Sơ Thẩm VNCH.

Lịch sử trường Chu văn An

https://ongvove.wordpress.com/ 2017/06/10/lich-su-truong-chu- van-an/#more-12246