Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đưa đất nước vào chiến tranh triền miên. Khẩu hiệu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” không biết người dân Việt đã được hưởng bao phần?
Nửa thế kỷ trước, ở quê nhà tôi có nghe loáng thoáng qua về nhóm chữ “Cách mạng tháng Tám” và “Cách mạng mùa Thu” mà không hiểu rõ những sự kiện này. Thỉnh thoảng nghe người lớn nói chuyện với nhau về Nhật đảo chính Pháp, về giải giới quân đội, Việt Minh cướp chính quyền, nghe đến một vài tên tuổi quen thuộc như Bảo Đại, Hồ Chí Minh, Trần Trọng Kim nhưng không rõ lắm về những nhân vật lịch sử này.
Với tôi, một đứa bé được sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam sau ngày đất nước chia đôi năm 1954 thì những gì xảy ra ngoài Bắc tôi không được biết nhiều. Danh từ “cách mạng” mà tôi biết đến là “Cách mạng 1/11” khi có đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm xảy ra trong ngày đó vào năm 1963, để rồi những năm sau ngày này là lễ lớn, học sinh được nghỉ học và ở trung tâm thủ đô có diễn binh trên đường phố, như trong ngày Quốc Khánh 26/10 trước năm 1963 mà tôi cũng đã được đi xem diễn binh, xem bắn pháo bông ở bến Bạch Đằng Sài Gòn.
Lớn lên đọc sách sử mới hiểu thêm về Cách mạng tháng Tám hay Cách mạng mùa Thu 1945.
Năm 1945 quả thực là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã giết chết cả triệu người Việt. Thảm cảnh đó, cùng tinh thần chống thực dân Pháp của người Việt được phản ánh trong phim Indochine, ra đời đầu thập niên 1990, với nữ diễn viên Pháp nổi tiếng Catherine Deneuve.
Tháng Ba năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, Đế quốc Việt Nam ra đời với Vua Bảo Đại, với Thủ tướng Trần Trọng Kim.
Đầu tháng 8 năm đó Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki đưa đến việc Nhật đầu hàng Đồng Minh, kết thúc Thế chiến thứ Hai.
Trong thời buổi tranh tối tranh sáng khi chiến tranh thế giới vừa chấm dứt, với khoảng trống quyền lực tại thuộc địa Việt Nam, ngày 19/8/1945 Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh lên nắm chính quyền. Ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là kết quả của Cách mạng tháng Tám.
Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam dựa theo Cách mạng Bôn-sê-vích ở Nga vào năm 1917 đã xóa bỏ chế độ Nga Hoàng, đưa nước Nga vào con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của cộng sản.
Mười năm sau khi Cách mạng Bôn-sê-vích nổ ra, năm 1927 Hồ Chí Minh viết tập sách Đường Kách Mệnh (Tựa sách nguyên thủy đánh vần như thế), dựa vào lý thuyết cai trị và phương thức đấu tranh của chủ thuyết Mác, để sau đó tập sách nhỏ này được coi như kim chỉ nam cho các tầng lớp lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Sách đề ra phong cách của người lãnh đạo cộng sản: cần, kiệm, liêm, chính. Đề ra phương pháp đấu tranh chống áp bức, giành độc lập bằng bạo lực.
Theo chiến lược này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động chiến tranh kéo dài 30 năm, từ “kháng chiến chống Pháp” dài 9 năm, đến “chống Mỹ cứu nước” trong 20 năm.
Khi đã đánh đuổi được người Pháp, rồi người Mỹ, Việt Nam lại phải đối đầu với chiến tranh ở biên giới tây nam, lãnh đạo cộng sản Hà Nội đưa bộ đội qua nước láng giềng Campuchia để giải phóng dân tộc Khmer khỏi “bọn Pol Pot diệt chủng”. Ở biên giới phía bắc, bộ đội phải chiến đấu “chống bọn bành trướng Bắc Kinh”.
Chiến tranh cách mạng đã có một thời nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới, đem lại những thay đổi căn bản, đặt nền móng cho sinh hoạt chính trị, xã hội và kinh tế tại một số quốc gia như Mỹ, Pháp, Nga, Trung Hoa.
Hồ Chí Minh đã nhắc đến những cuộc cách mạng này trong Đường Kách Mệnh và đã chọn Cách mạng Nga làm khuôn mẫu cho cách mạng tại Việt Nam.
Chiến tranh cách mạng của Hoa Kỳ vào thế kỷ 18, kéo dài ba thập niên đưa đến việc tuyên bố độc lập khỏi mẫu quốc Anh. Hiến pháp đầu tiên của Hiệp Chúng Quốc được ban hành sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời năm 1776. Đến nay đã 240 năm từ ngày 13 tiểu bang tiên khởi quyết định chấm dứt sự lệ thuộc vào Anh quốc, Hoa Kỳ nay là một quốc gia tiến bộ vào bậc nhất thế giới, với cách tổ chức công quyền dân chủ được nhiều nước nhìn vào như ngọn hải đăng.
Cách mạng Pháp 1789 đưa đến việc giải tán chế độ quân chủ, thành hình những chế độ cộng hòa để nước Pháp đã có một thời được nhiều nước hướng đến trong quá trình đi tìm triết lý lãnh đạo với tinh thần: tự do, công bình và bác ái. Ngày nay nước Pháp vẫn được coi là cái nôi của cách mạng dân quyền.
Cách mạng Bôn-sê-vích 1917 ở Nga cũng giải tán chế độ Nga hoàng, sau đó là Cách mạng Tháng Mười đưa đến việc hình thành chế độ xã hội chủ nghĩa, một mẫu mực cho nhiều nước trên thế giới theo đuổi, trong đó có Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng đến thập niên 1990 thì nhiều quốc gia theo chế độ cộng sản, kể cả Liên bang Xô viết là nơi khai sinh ra nó, cũng đã sụp đổ.
Cách mạng Tháng Mười ở Trung Hoa 1949, đẩy quân của Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan và Đảng Cộng sản lên nắm quyền trên toàn lục địa Trung Hoa cũng đã là khuôn mẫu cho một số quốc gia.
Ngày nay ở Việt Nam vẫn thường nhắc đến tinh thần của Cách mạng Tháng 8. Cách mạng là thay đổi cho tốt hơn, như Hồ Chí Minh cũng đã nhắc đến trong Đường Kách Mệnh. Nhưng lãnh đạo Cộng sản Hà Nội đã để mất nhiều cơ hội đưa Việt Nam tiến lên.
Ngày 19/8 Việt Nam kỷ niệm Cách mạng Tháng 8. Cũng vào trung tuần tháng Tám, nhiều nước ở Đông Á như Nam Triều Tiên, Singapore, Indonesia cũng có lễ hội lớn kỷ niệm nền độc lập của từng quốc gia.
So với những quốc gia quanh vùng cũng đã từng trải qua những biến cố lịch sử của tháng 8 năm 1945, cách mạng Việt Nam đã không đem lại nhiều tiến bộ cho dân Việt.
Cách mạng 1/11/1963 ở miền Nam Việt Nam đã chẳng đưa đất nước đi lên và đã gây ra biết bao xáo trộn chính trị, đưa đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa vào tháng Tư 1975.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đưa đất nước vào chiến tranh triền miên. Khẩu hiệu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” không biết người dân Việt đã được hưởng bao phần?
Bùi Văn Phú
(Theo VOA)