Tiếp tay trong việc tham khảo từ những sách xưa và nay viết về tiền cổ, người viết đã truy lục trong thư tịch của các trường Đại Học và cơ quan của Nhật Bản.
Lời Tác Giả
Theo thói thường, viết về những việc chính thức dễ dàng hơn những điều mà gốc nguồn không ai rõ. Tương tự, sách về tiền cổ Việt Nam bàn đến những loại tiền do triều đình đúc, sử thần chịu tốn bút mực viết, thì rất nhiều. Tuy nhiên, với những đồng tiền cổ mà không hiểu được do ai đúc và có vào lúc nào, cái thứ tiền được gọi là “niên đại bất tri phẩm” hay “vô khảo phẩm” muốn tìm sách đọc thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Sau khi phát hành quyển sách đầu tiên về tiền cổ Việt Nam, người viết đã có hoài bão ghi lại tất cả những gì hiểu biết về loại tiền không do triều đình đúc trong thời gian sưu tập. Tìm một phương thức trình bày những gì người viết muốn đưa ra cũng lắm chuyện nhiêu khê. Đã là thứ niên đại bất tri phẩm thì khởi nguồn từ đâu ? làm sao mà bắt đầu ? Từ vài trăm năm nay, các tác giả Nhật Bản cũng nhìn thấy điều này khi viết về tiền cổ của Việt Nam, mà đành phân loại các loại tiền nóí trên theo hình thức thủ bộ để trình bày. Đây cũng là một phương pháp có tiến bộ và với hướng nhìn khác lạ, nhưng không nhằm vào mục đích giải mã những băn khoăn của người sưu tập về đồng tiền đang nắm trong tay. Cho nên số thủ bộ ngày càng tăng, lượng tiền vô khảo phẩm mỗi lúc càng nhiều là cũng vì đấy.
Với cái nhìn của một người đang sống ở thế kỷ thứ 21, người viết cảm thấy càng có lý do nên ứng dụng khoa học vào trong lãnh vực nghiên cứu về tiền cổ. Để những gì mơ hồ được sáng tỏ hơn và để những gì sai lạc được chỉnh đốn lại. Bởi thế, trong quyển sách nhỏ này, đồng tiền cổ được nhìn qua nhiều lăng kính khác nhau và mới mẻ, hầu đưa đến vấn đề xác định niên đại của đồng tiền rõ ràng hơn và ít lỗi lầm hơn.
Với sự phân tích thành phần kim loại của đồng tiền cổ bằng phương pháp X-Ray Fluorescence Spectroscopy (XRF) và phương pháp Scanning Electron Microscope (SEM), hợp kim của đồng tiền cổ được xác định chính xác với sai số rất nhỏ. Nhờ đó, cùng với lịch sử của khoa luyện kim và kim loại học, một số đồng tiền đã được chỉnh sửa lại niên đại của chúng ra đời cho hợp lý hơn. Đây cũng là công đầu của những vị ân nhân đã có tâm huyết và say mê nghiên cứu văn hoá Việt Nam mà người viết có cơ hội cộng tác, ông Pavel M Kartashov, ông Vladimir Belyaev ở Liên Bang Nga và ông Craig Greenbaum ở Mỹ. Một ví dụ, trường hợp đồng tiền Vĩnh Định, Khai Kiến, mặc nhiên từ hàng trăm năm nay, được xem như của nhà Mạc đúc vào thế kỷ 16 đã được đưa trễ về thế kỷ 18 cho đúng, vì chúng là tiền đồng thau.
Hơn thế, kết quả của những khảo sát thực địa về thành phần của những hủ tiền mà xưa nay hầu như không sách vỡ nào áp dụng, cũng giúp rất nhiều trong việc điều chỉnh niên đại cho đồng tiền. Đó là những dữ liệu rất qúy giá từ những người đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với những hũ tiền cổ được khai quật, theo người viết nghĩ, nhưng lại không được sử dụng và trân trọng trong việc nghiên cứu về tiền cổ từ xưa đến nay. Nếu người nghiên cứu “hiểu” được sự liên hệ giữa kết quả phân tích hợp kim của đồng tiền Phúc Bình nguyên bảo là đồng thau, cùng với sự xuất hiện của đồng tiền này thường thấy chung trong hũ tiền kẽm hoặc tiền Cảnh Hưng của thế kỷ 18, chắc hẵn sẽ không ai dựa vào thư pháp triện thư cổ kính của đồng tiền mà cho rằng nó được đúc vào hai, ba trăm năm trước đó nữa.
Tiếp tay trong việc tham khảo từ những sách xưa và nay viết về tiền cổ, người viết đã truy lục trong thư tịch của các trường Đại Học và cơ quan của Nhật Bản. Những tài liệu quý giá từ thế kỷ 17 của người Nhật Bản về tiền cổ Việt đã quan trọng thổi hơi vào công cuộc nghiên cứu này. Cùng với một số quá ít sách trong thư tịch của Việt Nam, kể cả vài bộ chính sử, người viết đã bổ túc thêm nhiều dữ liệu quan hệ đến đồng tiền trong các bộ điển luật của nhà Lê như Thiên Nam Dư Hạ Tập, các tự điển của Việt Nam như Tự Điển Việt Bồ La hầu làm sáng tỏ vài vấn đề khúc mắc.
Tất cả những lăng kính kể trên đã giúp cho đồng tiền cổ của Việt Nam được nhìn trong sáng hơn và tránh được những thiên kiến theo lối khẩu truyền cùng với những kiến thức vô căn cứ được truyền qua nhiều thế hệ đến nay. Trong quyển sách nhỏ này, người viết đã được sự giúp đỡ của anh Mai Ngọc Phát cho sử dụng hình ảnh những đồng tiền hiếm quý từ bộ sưu tập vô giá của anh, cũng như một số ý kiến tham khảo từ các bạn hữu trong làng tiền cổ, anh Lê Trần Văn ở Thanh Hóa, anh Tạ Doãn Cần ở Quảng Trị, cháu Hoàng Anh Tuấn ở Hưng Yên và anh Trương Ngọc Tường ở Cai Lậy.
Quyển sách nhỏ này không nhằm giải mã tất cả mọi khúc mắc về tiền không chính triều của Việt Nam, nhưng người viết mong rằng sẽ lát trải những viên gạch mới mẻ và đầu tiên trên con đường nghiên cứu về tiền cổ Việt. Đây là lần in đầu tiên của cuốn sách này, người viết tự biết vẫn còn nhiều khiếm khuyết trong việc khảo cứu quá bao la, cần thêm nhiều thời gian. Dám xin người đọc hiểu cho mà lượng thứ.
Lục Đức Thuận và Võ Quốc Ky