main billboard

Những ngày ngoài mặt trận Đông Hà, tôi thật tình có thể nói như một người bị overdosed. Làm thì làm chết bỏ, mổ nhỏ, may vá, moi miểng pháo, lựa thương trong khi trên đầu vẫn là đạn pháo bay ngang ào ào.


vnch quantruong


1. Tôi là một Y sĩ Trung úy mới tốt nghiệp khóa 18 Y Nha Dược sĩ Hiện dịch hồi tháng 12 năm rồi. Trong suốt thời gian còn học trong trường, trong đầu tôi, lúc nào tôi cũng nghĩ mình sẽ chọn Binh chủng Nhảy Dù khi ra trường nhưng hoàn cảnh làm tôi đã không thực hiện được ý muốn đó. Tôi chỉ có hai anh em, anh tôi, do học hành lận đận nên mặc dù hơn tôi hai tuổi nhưng anh đậu tú tài hai cùng năm 64 với tôi. Chán việc học hành, anh đã tình nguyện gia nhập vào trường Võ bị Đà Lạt khóa 21 và ra trường năm 66, đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt. Sau bao nhiêu lần vào sinh ra tử ở các toán Delta, toán A, khi LLĐB giải tán và biến thành Biệt động Quân Biên Phòng cũng như đơn vị trừ bị cho LLĐB là Liên đoàn 91 Biệt Cách Dù đổi thành Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù (9 nút cho nó hên) anh tôi trở thành người lính Biệt động quân. Chính vì lý do đó mà vào giờ đứng lên chọn đơn vị, tôi đã chọn Liên đoàn 5 BĐQ với ý định gia đình mình có hai anh em thì nên đi cùng binh chủng ...

Sau khi chọn đơn vị, chúng tôi, K.18 được đưa lên TYV Cộng hòa để học thêm khóa Giải phẫu Dã chiến 6 tuần. Vì vậy, ngày trình diện đơn vị của tôi là vào tháng 3/72 tại địa điểm hành quân của đơn vị tôi ở Kompong Trapek, Kampuchia. Tôi còn vui vẻ cho rằng mình được xuất ngoại dễ dàng khỏi cần visa hay passport gì cả!

Từ tháng 3/72 đến đầu tháng 4/72 là cuộc sống mới đầy xa lạ với người Y sĩ trẻ, trước giờ chưa bao giờ có kinh nghiệm được ngủ dưới lườn xe M-113 hay dang đầu ngoài nắng suốt ngày dưới cái nóng khủng khiếp của Kampuchia không một bóng cây ngoài những cây thốt nốt đơn lẻ trên vùng đất đỏ sỏi đá mênh mông. Tưởng là cực khổ nhưng thật tình cũng thấy rất vui vì lạ, lần đầu trong đời mà sống kiểu như thế nầy. Rút về Tây Ninh cuối tháng 3 tiếng là để dưỡng quân nhưng chỉ mấy ngày sau, cả đơn vị tôi được xe GMC đưa ra phi trường Trảng Lớn để chất lên bao nhiêu chiếc C-130 đang chờ sẳn.

Tôi có một nhận xét về QY/BĐQ. Khi Cục QY có nhiệm vụ đưa các Y sĩ tới các đơn vị, có ông quan lớn nào đó đã vẽ ra cái cấp số cũng như cái hệ thống điều hành cho các Y sĩ tới các đơn vị như Nhảy Dù, TQLC, Bộ binh v.v... Nhưng theo tôi, có lẽ mấy ông đó quên mấy thằng đàn em ra BĐQ. Lúc tôi ra đơn vị thì mỗi Liên đoàn BĐQ chỉ có hai bác sĩ, một đàn anh là Y sĩ Trưởng, đàn em thì gọi là Y sĩ điều trị. Anh Y sĩ trưởng LĐ 5 BĐQ của tôi là Bác sĩ Huỳnh Kim Chung, Khóa 13 trưng tập nghĩa là trên tôi một lớp và ra đơn vị trước tôi độ nửa năm. Tôi nhận thấy ngay từ ngày đầu, khi tôi hỏi anh Chung là trên tụi mình là ai thì anh Chung cũng không biết gì hơn tôi, anh cho biết, Tụi mình lãnh thuốc của LĐ 73 QY, còn thì giữa đám BĐQ "chằn ăn" nầy chỉ có 2 thằng tụi mình ráng sống và che chở lẫn nhau vì nếu có chuyện gì xảy ra không tốt cho mình, tao cũng không biết kêu ai để bênh vực mình nữa chớ không phải như các đơn vị tác chiến khác, họ có Tiểu đoàn QY sau lưng. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy, cho tới ngày tôi rời BĐQ để trở về đời sống dân sự, tôi còn nhớ ngày tôi ở tù ngoài Bắc về, tôi đã được BS Đào Hùng (K15 hay 16 HD?) là Y sĩ Trưởng BĐQ Vùng 1 tới trại An Dưỡng 1 ở Hoà Cầm, Đà Nẳng dẫn tôi đi chơi nầy khác các cái, nhờ vậy tôi biết Y sĩ trưởng BĐQ Vùng 1 là ai, chớ còn ai là Y sĩ trưởng BĐQ Vùng 3 là Vùng của tôi, tôi thiệt tình cũng không biết là ai nữa !!

Mà thật vậy, sống ở đơn vị tác chiến, may mà bản chất tôi cũng là thằng cao bồi, du côn, chịu đánh đấm (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) nếu không nói thêm là gan lì, vậy mà ... từ các sĩ quan từ thiếu tá trở xuống tới tôi binh nhì, tôi thấy là chơi được! Nhưng mấy ông xếp từ trung tá trở lên, thật tình thấy khó sống với mấy ổng lắm.

Trở lại chuyện hành quân của tôi, khi tôi ra trình diện đơn vị thì BS Chung giới thiệu tôi với Trung tá LĐ Trưởng rồi ngay ngày hôm sau có chuyến liên lạc bằng trực thăng (tôi cũng ra đơn vị bằng trực thăng theo một chuyển liên lạc từ hậu cứ ở Củ Chi), anh giao QY cho tôi rồi nhảy lên trực thăng và biến mất khỏi bầu trời Kampuchia. Từ đó cho tới lúc leo lên C-130 ở Trảng lớn, tôi không hề được gọi đi họp hành quân để biết tin tức căn bản gì cả (mình đang ở đâu, sắp đi đâu, có sắp đụng không, nếu đụng, đụng có nặng không?). Y cụ, thuốc men thì khi cần thêm, tôi nhờ ban Truyền tin gọi máy về hậu cứ để BS Chung gởi thêm lên trong chuyến trực thăng liên lạc hàng ngày với hành quân...

Bởi vậy, khi thầy trò chúng tôi 1 chục mạng, mang theo một chiếc jeep Hồng Thập Tự và một chiếc Dodge 4x4 với cái chữ thập to tướng hai bên hông xe, leo lên C-130 tôi thiệt tình không biết mình sắp đi đâu cho tới khi đáp xuống khoảng 5 giờ 30 chiều, tôi thấy 4 chữ Phi trường Phú Bài ở cổng phi trường. Lúc đó tôi mới biết mình đã ra tới Huế (lại được du ngoạn những chỗ từ trước đến giờ chưa bao giờ được đi!). Nói du ngoạn thiệt là mắc cở, tôi có được thấy Huế gì đâu? Đêm đó, 4/4/72, đoàn xe GMC chở LĐ 5 BĐQ chúng tôi chạy ào ào ra hướng Bắc. Hồi đầu, đệ tử Hải nẫu, trung sĩ y tá người Huế, "thổ công" ngoài nầy, nói mình chạy hướng Bắc là ra Huế đó ông thầy. Vì Phú Bài là ở hướng Nam Huế làm tôi tưởng bở, cứ nghĩ chắc mình ra Huế, biết đâu tối nay có dịp lắc thử đò sông Hương. Xe chạy tới Huế, rồi đi thẳng luôn làm tôi ngỡ ngàng, bây giờ hỏi thằng Hải nẫu thì nó cũng hết biết mình đi đâu?

Trên đường xe chạy ra hướng Bắc, tôi thấy bao nhiêu người dân gồng gánh đi về hướng Nam. Tôi thuộc địa lý nước VN mình nên tôi biết, những người đó phải là người dân ở tỉnh phía bắc Huế (còn tỉnh nào khác ngoài Quảng Trị?). Chắc là đụng ngoài đó rồi! Đêm đó, ngủ lại Hương Điền, trong một căn cứ cũ của Mỹ hồi trước, tôi đâu có biết đêm đó là đêm cuối cùng tôi ngủ không nghe tiếng súng trong thời gian tôi ở ngoài nầy...

Tôi đề tựa bài viết nầy là 7 ngày ở Quảng Trị là vì 7 ngày đó bắt đầu từ 27/4 cho đến 3/5/72 với bao nhiêu biến cố cho cá nhân tôi, cho lịch sử chiến tranh VN và hơn hết, sau nầy tôi mới biết, tôi là nhân chứng sống bằng mồ hôi, nước mắt (may mà không có máu!) trong cái mà nhà văn Phan Nhật Nam đã gọi là Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Từ ngày 4/4 cho đến ngày 27/4, tôi được cái may mắn là trở về Saigon nhờ BS Chung trở ra thay cho tôi về hậu cứ nửa tháng. Do đó, tôi trở ra thay lại cho anh Chung vào ngày 20/4. Được cái, làm bác sĩ, kiếm máy bay đi vô đi ra cũng không khó lắm. Đơn vị tôi, LĐ 5 BĐQ ngày 20/4 có thể nói là tơi tả trông thấy. Hồi ở Kampuchia (tưởng chừng như kiếp trước) đi đánh nhau hoài bổ sung không đủ, mỗi đại đội tác chiến chỉ còn độ 5, 6 chục người. Từ ngày ra Quảng Trị tới nay đã gần tháng mà trước sau tôi chỉ thấy có một lần bổ sung quân số cho Liên đoàn là 200 tân binh. Thử chia đều 200 tân binh cho các đại đội thì Liên đoàn gồm 3 tiểu đoàn tức 12 đại đội, vậy mỗi đại đội nhận được khoảng 16 hay 17 người lính mới tò te có nghĩa một đại đội sẽ lên được gần 50 người nghĩa là cũng chỉ bằng phân nửa con số lý thuyết.

Tôi vì chữa trị cho các thương binh nên tôi biết. Bấy giờ, đại đội nào còn "ngon lành" cũng không quá 50 người, đa số đều là trên dưới 30 mạng, nghĩa là quân số chỉ là một trung đội, nhưng Chuẩn tướng Vũ văn Giai không cần biết chuyện đó. Ông ta giao một tuyến cho đơn vị là đại đội để giữ (thực tế là một trung đội, hỏi giữ sao được trong khi chính SĐ 3 BB của ông đã bỏ ngỏ Cửa Việt cho VC tràn qua đó để bọc hậu chúng tôi? Việc nầy sĩ quan ban 3 Liên đoàn, Đại úy Thọ, K19 Dalat, hồi ở trong tù CS ngoài Bắc nói cho tôi nghe trong nỗi tức giận của anh. LĐ 5 thì có nhiệm vụ lấy lại thị trấn Đông Hà là cái mũi cực bắc của chiến trường lúc đó, khi tôi sau khi đi tour về hậu cứ xong trở ra thì TĐ 33 của LĐ 5 đã đánh chiếm lại rồi nhưng vấn đề là làm sao giữ đây? Từ 20 tới 27/4, tôi nằm với BCH/LĐ ở một cái nghĩa trang 5 cây số phía nam Đông Hà và ăn pháo VC suốt ngày đêm. Không bao giờ có nghe tiếng đề pa vì chỉ nghe toàn tiếng nổ. Đêm đêm nghe ké máy truyền tin của Trung tâm hành quân để theo dõi trận chiến ở Đông Hà khi VC đang cố đánh đơn vị tôi ở đó để dành lại cái thị trấn mà theo tôi nghe nói, giờ nầy có còn gì đâu ngoài những đống gạch vụn?

Có chút an ủi cho tôi, tôi gặp mấy thằng bạn cùng lớp, BS Huỳnh Văn Chỉnh (tức ca sĩ Trung Chỉnh), chàng lúc đó ở TĐ 6 TQLC cũng như BS Phạm Đăng Hương, bạn thân chí cốt của tôi, ở LĐ 4 BĐQ đều đang có mặt ở mặt trận Quảng Trị. Chỉnh thì gặp giây lát nhưng chưa bao giờ tôi thấy cảm động như lúc đó, hai thằng ôm choàng lấy nhau vì đúng là trong tâm tư, chúng tôi giống như hai con người gặp nhau ở một hành tinh xa lạ, hoàn toàn khác lạ với mình. Gặp nhau, nhờ bạn mà như thấy lại mình là ai. Tự nhiên mới hôm nào còn là một SV Y khoa vi vút ở đất Saigon mà giờ nầy, súng nổ đạn bay không ngớt. Rồi tôi cũng gặp được Phạm Đăng Hương, thằng bạn thân đã cùng bắt tay ước hẹn ra BĐQ với tôi, BS Hương thì mới bị lật xe jeep, may mắn là trầy sơ sịa nhưng tứ chi còn nguyên vẹn.

Những ngày ngoài mặt trận Đông Hà, tôi thật tình có thể nói như một người bị overdosed. Làm thì làm chết bỏ, mổ nhỏ, may vá, moi miểng pháo, lựa thương trong khi trên đầu vẫn là đạn pháo bay ngang ào ào. Cuộc sống 24 giờ hết 23 giờ ở dưới hố cá nhân, thương binh được cứu chữa thì nằm trên băng ca ngay trên miệng hố, các y tá thì chạy lúp xúp để làm những gì tôi nhờ vả. Cái nguy hiểm là, thật tình nói bằng danh dự, tôi cũng có sợ nhưng sợ chắc không bao nhiêu vì tôi nghĩ, ai sao mình vậy, chỉ có cái chết của những người lính mới làm tôi rúng động.

Mặc dù là bác sĩ mới ra trường nhưng chúng tôi, ai cũng đã từng chứng kiến bao nhiêu cảnh chết chóc xảy ra trong các BV mình đã đi qua. Nhưng ở đây thật không thể tả cái chết sao cho xiết được. Tôi còn nhớ mãi một buổi chiều, lúc đó, QY LĐ 5 BĐQ hợp tác với QY Thiết đoàn 20 Kỵ binh (là Thiết đoàn duy nhất ở Vùng 1 lúc đó trang bị bằng xe tăng M48) để bác sĩ của hai đơn vị giúp nhau giải quyết thương binh.

Chiều hôm đó, một chiếc GMC chạy về chỗ QY chúng tôi, cửa xe mở ra và mấy người lính thiết giáp khiêng xuống một cái băng ca trên đó có cái gì cơ hồ không phải một người nằm vì nó ngắn ngủn và to hơn hình thù của một con người. Mấy người lính thiết giáp, nước mắt nước mũi nhoè nhoẹt, khiêng băng ca chạy ào đến chúng tôi (rất tiếc, vì tuổi già, tôi đã quên tên anh đàn anh một lớp ở Thiết đoàn 20 Kỵ binh năm 72). Thấy sự có mặt của những hai bác sĩ, họ đã đặt cái băng ca xuống đất và tranh nhau kêu gọi chúng tôi chữa cho người lính bạn họ đang nằm trên băng ca. Tthì ra trên băng ca là một thương binh. Tôi nghĩ còn gì ghê gớm hơn cảnh một người lính ngồi trong xe Thiết Giáp bị đạn B40 hay B41 bắn xuyên vào xe và cắt đứt tiện 2 chân của anh, dĩ nhiên anh đã chết từ lúc nào rồi. Bạn đồng ngũ đã bỏ anh lên băng ca khiêng về nơi QY đóng quân để nhờ bác sĩ cứu chữa. Anh tử sĩ, người ngắn ngủn vì mất hai chân, bạn anh đã đặt hai chân bên cạnh anh trong băng ca giờ nầy như một cái bồn đựng đầy máu. Trong đầu óc đơn sơ của những người lính trẻ, họ nghĩ bác sĩ như thần, như thánh, có thể chữa khỏi bất cứ cái gì, ngay cả làm cho người chết sống lại hay làm người bạn của họ gắn được hai chân trở lại… Tôi biết làm gì hơn là cũng đứng đó, nước mắt cũng chảy dài với họ?

Trung tá LĐT LĐ 5 BĐQ của tôi, nói thật, đã cho tôi những ngỡ ngàng không tả nổi. Như nói từ trước, tôi có bao giờ biết trước là LĐ bị đưa vào trận đánh lớn như thế nầy để dự trù thuốc men y cụ các cái? Thành thật mà nói, ngoài việc về hậu cứ moi lên, tôi cũng không biết thời gian từ dự trù gởi qua LĐ 73 QY tới lãnh về đơn vị tốn bao nhiêu thời gian nữa mà đơn vị tôi thì di động liền liền thì làm sao thực hiện được. Do đó, khi ra Quảng trị, QY của tôi chỉ mang tất cả y cụ thuốc men của cuộc hành quân di động bên Kampuchia gồm có vài thùng thuốc và 6 cái băng ca mà chỉ nửa ngày đụng trận là đều có thương binh nằm trên đó. Bao nhiêu thương binh khác không có băng ca để nằm.

Dĩ nhiên là khi tản thương về BV Quảng Trị, mình có quyền đổi (trade) băng ca nhưng trong khi chờ đợi thì số thương binh đưa về cái nghĩa địa nơi BCH/LĐ đang đóng là con số hàng 3, 4 chục mỗi ngày. Làm sao tôi có thể để người chết nằm dưới đất? Thành ra thương binh của tôi, trong khi chờ tản thương thì phải nằm dưới đất. Cũng may Trời Phật độ cho tôi (hay cho đơn vị tôi?) không một trái pháo nào trong số hàng ngàn mỗi ngày bắn trúng vào chu vi BCH/LĐ nên không có cảnh người chết 2 lần, thịt da nát tan…

Nhưng vì tôi đã để thương binh nằm dưới đất nên bị Trung tá LĐT kêu lên lều chỉ huy để sỉ vả thảm thiết. Nào là thiếu chuẩn bị, không biết tính toán và hơn hết là... ngu! Nặng nhất là anh ta đã không tiếc việc xài tiếng "Đan mạch" với tôi không ngớt. Việc tiếng Đan mạch như tiếng đệm thì khác với tiếng Đan mạch xỉa vào người đối thoại, thí dụ trong câu nói, người ta lót chữ ĐM vào thì khác với ông Trung tá xếp tôi nói một tiếng là ĐM anh! Hai tiếng là ĐM anh! Dĩ nhiên, tôi không đi vào chi tiết việc tôi phản ứng ra sao nhưng chắc các bạn cùng khóa 18 HD cũng đoán được cái phản ứng của tôi… và từ hôm đó, ông Trung tá không nhìn mặt tôi mà tôi cũng đâu có hưỡn để nhìn mặt ảnh.

27/4/1972

Buổi sáng, Trung tá LĐT gọi tôi tới lều chỉ huy và ra lệnh tôi mang theo vài quân y tá về trình diện BV Quảng trị. Theo ông ta cho biết thì các bác sĩ của BV Quảng trị đã bỏ đi hết về Huế, vì vậy các thương binh đưa về đó chỉ còn được hưởng sự săn sóc của những y tá không đường chạy và các bà sơ ở cái nhà Dòng trong tỉnh mà thôi. Giờ thì chỉ còn cách đưa các bác sĩ ở các đơn vị đang tham chiến ngoài mặt trận trở về đó để lo cho thương binh của đơn vị họ chớ không còn cách nào khác. Được lệnh, tôi giao QY/LĐ lại cho ông Xê, y tá trưởng hành quân, mới thăng cấp thượng sĩ để mang trung sĩ Hải "nẫu" và hạ sĩ Long "đại liên" theo chuyến Dodge 4x4 chở thương binh chạy về Quảng trị.

Tuy hổm rày mang tiếng hành quân ngoài Quảng trị nhưng đây là lần đầu tiên tôi được dịp vào thành phố. Không riêng gì tôi là dân miền Nam cũng như hạ sĩ Long của tôi, trung sĩ Hải nẫu dân Huế đặc cũng chưa bao giờ có dịp đặt chân ra thành phố nầy.. 3 thầy trò tôi (Hải lái xe) chạy từ phía bắc về, qua cầu Thạch Hản là tới ngã ba để quẹo trái vào thị xã. Con đường có hai hàng cây đầy bóng mát thật dịu, bù với cái nắng chang chang ở cái nghĩa địa BCH/LĐ đóng hổm nay. Ngay đầu con đường vào thị xã bên tay trái là tiền cứ của LĐ 5 BĐQ chúng tôi nhưng chúng tôi không ghé vào mà chạy thẳng vào bệnh viện ở quá nơi đó chừng vài trăm thước.

Bệnh viện Quân Dân Y Quảng Trị là ba dãy lầu khang trang xếp hình chữ U mà trong sân là mấy cây phượng đang vào hè nên hoa đỏ nở rộ trông thật xinh đẹp nhưng chúng tôi không có cơ hội bình an để thưởng thức cái đẹp nầy lâu hơn vì ngay khi đó, như để chào mừng chúng tôi, một loạt pháo kích đã nổ đùng ngay đâu đó và hai trái đã rơi vào ngay trong sân BV làm vẩn đục bầu trời yên tỉnh, tiếng người chạy kêu nhau dồn dập lao xao. Quen kiểu sống mấy hôm nay, ba thầy trò chúng tôi đã vội lao ra khỏi xe để nằm sát xuống đất. Hình như bọn Cộng quân chỉ bắn để hù doạ thị xã hay để chứng tỏ sự có mặt của chúng gần kề mà thôi nên sau loạt pháo đó thì mọi sự trở lại yên ắng khác thường, cái im lặng sau những tiếng nổ lớn nghe như đè nặng trong tim tôi.

Khi tôi tìm đến cái cửa đề hàng chữ "Bộ Chỉ huy Bệnh Viện" rồi bước vào, thay vì tìm thấy những người mặc quân phục thì tôi chỉ thấy một bà sơ đứng tuổi đang ngồi đánh máy. Khi thấy tôi vào, bà sơ ngẩng lên và hỏi tôi:

-Trung úy cần gì?

-Dạ thưa ma soeur, tôi muốn gặp sĩ quan nào đó của Bộ chỉ huy BV.

-Còn ai nữa đâu đây mà gặp. Mấy ổng đi Huế hết trơn mấy bữa nay rồi.

-Vậy thì mình ở đây làm việc ra sao hả ma soeur?

-Chúng tôi thuộc dòng tu gần nhà thờ La Vang, từ hôm chiến trường bùng nổ lớn thì Mẹ Bề trên đưa chúng tôi gồm mười mấy người tới giúp cho thương binh trong BV. Mấy bữa nay thì tình hình có vẻ găng quá, đồng bào thì bỏ chạy gần hết, có dịp ra phố Trung úy sẽ thấy. Còn mấy ông bác sĩ, nha sĩ , dược sĩ còn ở lại cho tới 2 hôm trước họ mới bỏ đi. À mà Trung úy là ai, tới BV có việc gì vậy?

-Dạ, chẳng dấu gì ma soeur, tôi là bác sĩ của LĐ 5 BĐQ nằm ngoài gần Đông Hà gần tháng nay, hôm nay ông xếp nghe nói các bác sĩ ở BV đã đi hết rồi nên ổng ra lệnh cho tôi về đây để lo việc điều trị cho thương binh của đơn vị tôi.

-À, thế thì tốt quá, ở đây hiện có mấy bác sĩ của TQLC, SĐ 3 cũng đang làm việc kiểu như bác sĩ vậy.

-Vậy xin ma soeur vui long cho biết vấn đề ăn ngủ ra sao, tôi còn mang hai y tá đi theo và trại bệnh chỗ nào để mình chắc là phải bắt tay vào làm việc ngay thôi.

Thế là ma soeur đưa thầy trò chúng tôi tới khu ăn ở của nhân viên BV rồi sau đó đưa luôn xuống trại bệnh. Theo lẽ thì BV Quân Dân Y Quảng trị cũng có khu Nội, Ngoại, Sản, Nhi và phòng Nha như lệ thường nhưng giờ nầy thì 99% bệnh nhân đều là ngoại thương hết và đa số là thương binh của các đơn vị TQLC, BĐQ và SĐ3 cũng như một số ít là Địa phương quân.

Giường bệnh không đủ và nếu để đó sẽ tốn chỗ nên đã dẹp đi đâu hết. Hiện thương binh nằm sắp hàng dài dài dưới đất vừa có lợi nằm được nhiều người hơn vừa tránh được miểng pháo tốt hơn. Được cái là tuy nằm dưới sàn nhưng là sàn gạch bông phải nói là sạch sẻ chớ không như nằm dưới đất ngoài BCH/LĐ ở nghĩa địa ngoài mặt trận. Phòng nào cũng có nhiều cửa sổ nên thoáng mát. Những bình "nước biển" được treo bằng những biện pháp vô cùng dã chiến do sáng kiến của nhân viên BV vì cái giá để treo cũng không đủ cung ứng cho nhu cầu. Điều tôi nhận thấy là không có bịt máu nào cả, chắc là ngân hàng máu đã hết sạch dự trữ, có ngon lành lắm cũng chỉ là Lactate Ringer là cùng.

Cái vui của tôi là ở đây, tôi được gặp lại các bác sĩ cùng lớp, Huỳnh Văn Chỉnh (TQLC), Bùi Thế Chung, Nguyễn Văn Thành Như, Trần Văn Nhung (SĐ3BB). Chúng tôi bỏ mấy phút để cười đùa với nhau. Trong hoàn cảnh xứ lạ quê người gặp nhau, lại thêm tình cảnh súng nổ đạn bay nguy hiểm không bút mực nào tả xiết, thì cái tình cảm anh em bạn bè cùng khóa sao thấy ấm lòng vô cùng.

Sau đó một chút là anh em y sĩ chúng tôi, người nào việc nấy, cắm đầu cắm cổ vào lo cho thương binh của mình với sự phụ giúp của các y tá mang theo về từ đơn vị. Cái gì thiếu hay muốn lấy thì hỏi các bà sơ, mấy bà có thể nói nêu tấm gương hy sinh phục vụ thật cao cả. Chúng tôi làm vì nghề nghiệp, vì tình đồng đội, vì sứ mạng, còn mấy bà sơ, giờ nào cũng có mặt, lo lắng phụ giúp cho chúng tôi hết lòng hết dạ. Tôi nghĩ, ngoài lý do thiêng liêng tôn giáo, có lẽ còn là tình người VN, trái tim biết đau khổ trước cảnh đổ máu của bao nhiêu chiến sĩ VNCH trẻ trung, đầy sức sống mà nay nằm rên siết hay mê man vì bom đạn của bọn Cộng quân.

Chúng tôi làm việc quên cả cơm trưa, tới khi nghe đói mờ người mới hay là bên ngoài trời đã tối. Nhà ăn trong BV lúc đó có nhà bếp cũng là mấy bà sơ lo, tôi không muốn làm phiền mấy bà thêm nên định rủ các bạn nhưng tìm không thấy ai bèn gọi hai quân y tá của tôi leo lên chiếc Dodge phóng ra tỉnh, trước là kiếm cái gì bỏ bụng, sau để nhìn qua ít ra cũng thấy Quảng trị cho dù hôm nay cái cảnh vật của thị xã thật không giống chi Quảng trị bình thường khi chưa có chiến tranh tràn tới.

Những con đường tráng nhựa loang lở vi dấu đạn pháo kích của Cộng quân, hình ảnh những người dân phóng xe thật nhanh như cố trở về nhà cho sớm sau những phút giây vì việc nào đó bắt buộc phải ra khỏi mái nhà gia đình. Đường xá vắng vẻ một cách lạnh lùng, đèn đường chỉ còn đôi ba bóng chiếu cái ánh sáng vàng vọt xuống lòng đường đầy lá rụng và rác. Rác khắp nơi vì không còn ai làm công tác vệ sinh thành phố nữa. Nhà nhà cửa đóng then cài, kể ra số người dân còn ở Quảng trị cũng không phải là ít, việc đó thì trong tương lai thật gần tôi sẽ thấy.

Không khí tuy đầu Hè nhưng ở miền Trung về đêm thì trời cũng lành lạnh. Cái lạnh nầy rất lạ, từ trước đến giờ sống trong miền Nam tôi không cảm thấy bao giờ. Lạnh không nhiều nhưng mơ hồ như những mũi kim nhọn đâm vào trong xương tủy. Mới tối hôm qua còn nằm ngoài trận địa, theo lẽ tôi phải thấy lạnh hơn nhưng tôi đã không hề cảm thấy nó, có lẽ vì cái không khí chiến tranh đang đè nặng lên đơn vị, và chung quanh tôi, tuy im lặng về đêm nhưng tôi biết vẫn có bao nhiêu chiến hữu nằm đâu đó. Ở đây, cái vắng tanh trong một thành phố lạ làm cho tôi thấy lạnh hơn là nằm trong cái bãi tha ma phía nam thị trấn Đông Hà nhiều.

Sau cùng thì thầy trò chúng tôi cũng tìm được quán ăn nhỏ để cơm nước xong còn trở về Bệnh viện. Tôi thấy ngoài ba thầy trò chúng tôi, những người có mặt ngoài đường hay trong quán ăn với chúng tôi đều là những quân nhân mà hầu hết là đồ xanh của SĐ 3 BB hay địa phương quân tỉnh Quảng trị. Những sắc lính còn lại là rằn ri TQLC, BĐQ cùng với một số thiết giáp mũ đen. Nhưng sắc lính nào cũng vậy, đa số đều mang trên người bộ quân phục dơ bẩn với cát bụi hành quân và gương mặt thì ai cũng hốc hác. Từ cái máy cassette rẻ tiền bên trong quán vẫn còn tiếng rên siết nỉ non của cô ca sĩ nào đó tôi không biết tên đang nhớ tới người tình ngoài mặt trận đệm vào với tiếng pháo kích đì đùng từ xa xa vọng về. Chúng tôi lo thanh toán thật nhanh bữa cơm tối xong trở ra xe lái về BV.

Tối hôm đó, Hải nẫu và Long đại liên trở qua tiền cứ Liên đoàn ở gần bên BV trước là để ngủ bên đó, sau là để có chỗ cất chiếc xe Dodge 4x4 của QY LĐ. Còn tôi thì tìm phòng trực của các bác sĩ để ngủ. Lúc bình thường, tôi đoán quý đàn anh "tĩnh tại" chắc ai cũng có nhà riêng ngoài phố, chỉ có trực mới ở lại đêm trong BV nên phòng trực chỉ có hai giường. Bởi vậy khi đám khóa chúng tôi (năm bác sĩ và có một dược sĩ, một nha sĩ không biết thuộc khóa nào) gồm bẩy người ở các đơn vị về đây thì đúng là không có đủ giường. Được cái các bà sơ (cũng các bà sơ) đã lo liệu chu đáo trước rồi, sàn gạch thì đã được lau sạch sẽ, trên đó trải sẳn chăn mền các cái cho anh em chúng tôi. Tưởng chừng anh em chúng tôi lại có dịp bù khú cho bỏ nhưng cái mỏi mệt cũng như cái tinh thần căng thẳng đã làm cho anh em chúng tôi mới nằm xuống không lâu nhưng ai cũng đi vào giấc ngủ mặc cho tiếng súng xa xa cứ việc đì đùng ....

*******

28-4-1972

2. Ánh nắng rực rở của một ngày mới chiếu qua cửa sổ đánh thức mọi người. Chỉ có một nhà vệ sinh nhỏ cho bác sĩ trực nên tôi em phải luân phiên xử dụng. Ai sửa soạn xong đi xuống nhà ăn trước vì các bà sơ có lo cho anh em ăn sáng rất tử tế. Khi ngồi ăn sáng ở nhà ăn, tôi nhìn lên cuốn lịch trên tường bổng giật mình, à, bửa nay là sinh nhật của mình! Trong bụng nghĩ, mặc dù tôi không bao giờ ăn mừng sinh nhật nhưng đúng là chưa bao giờ tôi có dịp hưởng ngày sinh nhật mình trong hoàn cảnh như thế nầy. Nhưng tôi đâu có ngờ, sự thể sẽ còn tệ hơn nhiều nữa vì trong đời tôi, sẽ không bao giờ có một ngày sinh nhật tệ hơn như vậy.

Một ngày làm việc quần quật ở trại bệnh và phòng mổ. Tất cả đều là ca thuộc Ngoại khoa. Chúng tôi giúp nhau trong các ca mổ lớn, mổ nhỏ cả lựa thương, cấp cứu các ca mới từ mặt trận chuyển về. Các bà soeurs có nhiều bà lúc trước có lẽ đã có học về y hoặc đã được huấn luyện đâu đó nên đóng vai trò y tá phòng mổ rất thông thạo. Phải nói, không có mấy bà soeurs thì chúng tôi đã không làm được việc gì hết vì mấy bà lo và yểm trợ chúng tôi đủ mọi thứ. BV Quảng trị tuy thiếu vắng nhân sự nhưng tình trạng y cụ thuốc men kể ra cũng còn khá đầy đủ. Nói chung nếu tình hình cho phép thì nội trong 10 ngày, tôi nghĩ, tất cả thương binh sẽ trở về trường hợp bình thường nghĩa là mọi người đều sẽ được săn sóc đúng mức, các bác sĩ sẽ không còn phải làm mờ mắt nữa và mỗi khi thương binh được đưa về sẽ được săn sóc chu đáo ngay. Nhưng khi tôi nói lên cái ý nghĩ đó thì các bạn tôi đứng gần đó cười ồ, tôi ngạc nhiên thì bà soeur phụ trách phòng Dược nói:

-Bác sĩ lạc quan và tận tâm thì nói thế thôi chứ tình trạng nầy kéo dài thêm một vài ngày nữa là mình hết trơn cả thuốc men và lương thực.

-Ủa ma soeur nói vậy thì làm sao ?

-Chúng tôi cũng đang lo ráo riết đây nhưng từ hơn tuần nay bệnh viện không có được tiếp tế gì hết vì lý do bệnh viện hiện đang thiếu chữ ký của các bác sĩ có thẩm quyền mà mấy ông thì đã bỏ về Huế cả rồi. Mọi thức từ thuốc men cho tới thức ăn, củi lửa đều được lấy ra xài từ phần dự trữ cũng như lấy từ...Nhà Dòng ra đó...

Tôi nghĩ mà bực mình cho các vị ở tuyến sau. Ỏ mặt trận lính chết và bị thương cũng không bổ sung quân số, đơn vị chỉ còn hơn 30 nghĩa là bằng quân số lý thuyết của một trung đội mà cứ phải đóng vai trò của một đại đội, rồi thương binh đưa về bệnh viện Quảng Trị, các bác sĩ đã trước hiểm nguy bỏ nhiệm sở, rồi tiếp tế cho bệnh viện không ai màng tới vì các cấp ở tuyến sau không thấy chữ ký của ai là người có thẩm quyền để xin thuốc men lương thực cả! Thật là cái vòng lẩn quẩn không lối thoát. Chỉnh nói:

-Mấy hôm trước tao đã chuyển một số thuốc men của Tiểu đoàn tao (TĐ 6/ TQLC) qua bệnh viện để có xài đó. Tụi SĐ 3 cũng vậy, tụi nó cũng chở thuốc trung đoàn nó qua đây, hỏi bọn thằng Như, thằng Nhung coi có phải không?

-Vậy thì tao cũng sẽ chuyển một mớ của Liên đoàn tao qua bệnh viện thôi... Tôi nói.

Mẹ Bề Trên chen lời :

-Các bác sĩ còn trẻ nên nhiều lưong tâm thật tốt. Nhưng cái nan giải vẫn còn nằm trong tình trạng lương thực vì thương binh đưa về càng nhiều thì lương thực càng trở thành khó giải quyết lắm ..

Anh em nhìn nhau nghẹn lời, hết ý kiến. Tôi bực tức nghĩ và tự hứa thầm rằng ngày nào đó, khi tôi ở được vị trí có quyền lực, tôi sẽ không chấp nhận những chuyện nầy xảy ra trong Quân đội mình nữa nhưng tôi lại nghĩ, đánh giặc kiểu nầy thì làm sao quân mình chống nổi Cộng quân để có thể có ngày mình lên làm lớn?

Buổi trưa, tôi tạt qua bên Tiền cứ của Liên đoàn ở bên cạnh BV để hỏi thăm chút chuyện về hậu cứ, sau đó trở lại BV khi nghĩ tới bao nhiêu thương binh còn nằm la liệt trên sàn nhà đang chờ mình.. Nhưng ngạc nhiên cho tôi vô cùng là ngay dưới sân, trước phòng của các bác sĩ là một chiếc xe jeep "ở truồng," không kính, không mui, chỉ như cái hộp nằm trên 4 cái bánh xe mà trên đó ba lô chất lổn ngổn. Các bạn tôi thì còn đang loay hoay quanh đó, thấy tôi về tới, Như đã la lên:

-Thằng nầy hên thiệt, về đúng lúc. Lẹ lên Ấn ơi, theo chúng tao về Huế liền bây giờ đi kẻo trể.

-Mầy nói cái gì mà tao không hiểu gì hết vậy?

-Mầy ngu quá, bộ mầy không biết là Quảng Trị sắp mất đến nơi rồi hay sao? Tụi tao khó nhọc lắm mới kiếm ra chiếc jeep "ghẻ" này đó. Ở lại thì thác oan con ơi, còn theo tụi tao thì tối nay đã có thể ... lắc đò ở sông Hương được rồi.

Nhìn lại đám anh em bạn cùng lớp sắp sửa bỏ nhiệm sở, tôi thấy những người đồng nghiệp của mình, mặt họ nghiêm trọng và ai cũng tuồng như nửa thẹn thùng, nửa phải đành chịu trốn chạy, cái cảm giác kỳ lạ đó thật khó diễn tả. Rồi bản năng sinh tồn ở trong tôi làm tôi cũng nghĩ tới chuyện hiểm nguy khi ở lại vì Quảng Trị hiện đang ở vào chiều hướng thất thủ nên tôi nói:

-Cho tao mấy phút tao chạy lên phòng túm mớ đồ nhe tụi bây.

Nhưng khi tôi chạy vào toà nhà là khu chữa trị với các thương binh nằm đầy ra sàn nhà trên đường tới cầu thang dẫn lên phòng trực các bác sĩ thì một anh thương binh mặc đồ rằn ri chụp lấy chân tôi (vì anh ta nằm dưới đất):

-Tới ông thầy cũng bỏ tụi em nữa hay sao ông thầy?

Câu nói nầy đi vào tâm khảm tôi suốt đời không bao giờ tôi quên vì chính câu nói đó đã thay đổi cả cuộc đời của tôi sau nầy. Tôi đã vì nó mà quyết định ở lại Quảng Trị, vì ở lại Quảng Trị mà đời tôi đã phải quẹo sang một ngõ khác và rủi may cơ hồ như lẫn lộn... Chỉ biết lúc đó, tôi thấy lòng mình chùng xuống, sao ta lại có thể bỏ những thương binh ở lại để trốn chạy trước như vậy được? Lương tâm người y sĩ ở đâu ? Tôi mơ hồ như quên hết các dây liên hệ bản thân như gia đình, vợ con và cuộc đời của mình mà chỉ thấy trước mặt là danh dự, trách nhiệm mà thôi... Tôi quay ra ngoài sân gọi các bạn:

-Thôi tụi mầy đi đi, tao ở lại, đi đường bình an nhé.

-Mầy ở lại thiệt sao Ấn, đừng khùng mầy ơi. Mầy có ở lại cũng không làm được gì đâu. Mọi sự đã tan nát hết rồi .... Như còn cố thuyết phục tôi.

Mấy anh em QY mình nhảy lên ngồi lổn ngổn trên xe, Chung ngồi vào tay lái, Như còn quay lại nhìn tôi nói:

-Hy vọng gặp lại mầy ở Huế nghe Ấn...

Rồi xe chạy từ từ ra hướng cổng bệnh viện để lại chút bụi đường giữa buổi trưa nóng bức của một thành phố điêu tàn. Tôi cúi đầu quay trở vào và cầu nguyện thầm Xin vong hồn Cha phù hộ cho con... Rồi lặng lẽ trở về với thương binh. Chỉ còn Chỉnh của Thủy quân lục chiến ở lại với tôi. Ngoài ra còn có một hai anh chàng sĩ quan trợ y cũng ở lại vì không đủ chỗ trên xe, tôi còn biết gì hơn là đắm chìm vào công việc, hy vọng Trời Phật sẽ phù hộ cho mình cũng như cho các thương binh trong cái bệnh viện xấu số bị bỏ rơi nầy. Nhưng tuy làm việc không ngừng nghĩ, trong đầu tôi vẫn vương vấn chuyện các bạn bè sau chót (trừ Chỉnh) đã bỏ đi. Giờ nầy tụi nó tới đâu rồi ? Có về được tới Huế bình an? Có nhớ tới mấy thằng còn ở lại?

Khi mặt trời bắt đầu xuống thấp ngang với rặng Trường Sơn ở phía tây quốc lộ 1 thì không khí như chùng xuống nặng nề tới mức khó thở. Tôi cũng không hiểu vì sao nhưng linh tính như thức dậy cho tôi biết đêm nay sẽ có rất nhiều chuyện xảy ra. Nhìn chung quanh mình, ai cũng có vẽ trầm ngâm như mỗi người đều cảm thấy có cái gì bất thường đâu đây. Ánh sáng từ từ đổi dần từ ban ngày trở thành màu hồng đỏ như máu rồi sậm đi, chỉ còn lại vài tia đỏ như lửa của hoàng hôn đưa lên từ phía sau rặng núi hiện đã không còn màu xanh của cây rừng mà là một màu đen đầy hăm dọa. Nhìn ra phía cầu Thạch Hản, tôi thấy 2 chiếc M48 của Thiết đoàn 20 Kỵ binh đang dàn ngang bít cả lòng đường, những người lính mũ đen sau bửa cơm chiều đang ngồi trên thành cầu hút thuốc. Trong sân bệnh viện, những người lính bị thương nhẹ đang đi tới đi lui và nói chuyện với nhau. Còn chuyện gì nói khác hơn là nỗi nhớ nhà và niềm lo cho chiến sự tại chỗ hay đúng hơn là an ninh cá nhân của họ. Những người còn ở lại cũng như tôi đều trở lại phòng làm việc để ráng khâu vá thêm được chút nào hay chút nấy trước khi nghĩ tối. Công việc tuy có vẽ bình thường nhưng mơ hồ đâu đây có một cái gì bất thường ẩn hiện... Có lẽ đó là bóng của Thần Chết đang lảng vảng...

10 giờ đêm, tiếng súng dồn dập ngoài phía quốc lộ như đánh thức mọi người khỏi cơn hôn mê nặng nề để trở về với thực tế chiến tranh. Tôi rời ca làm việc chót để bước ra sân. Bất cứ gặp ai, trên mặt họ cũng đều mang một nét mặt giống nhau: thảng thốt ! Mọi người như tự hỏi: Cái gì xảy ra nữa đây? Rồi mình sẽ ra sao đây? Ra tới sân bệnh viện nhìn về phía quốc lộ thì tôi thấy hình như Cộng quân đang tấn công hai chiếc xe M48 trên cầu.

Dĩ nhiên đêm tối làm tôi không nhìn thấy bóng người nào cả, chỉ thấy lằn đạn tua tủa từ bốn phía bắn vào hai chiếc thiết giáp cũng như từ hai chiếc thiết giáp bắn trả. Những tiếng hô xung phong, tiếng súng AK dòn tan ròn rã hòa lẫn với tiếng M16 thanh tao và nhanh gọn thỉnh thoảng chen vào vài tiếng nổ lớn hơn và trầm hơn của những khẩu B40 cùng những tiếng nổ rã rời của lựu đạn hay M79 phóng ra đệm thêm những nốt nhạc đau thương cho bản hoà tấu bi thảm nầy. Văng vẳng có tiếng kèn thúc quân của quân chính quy Bắc Việt cùng tiếng nặng và chua của người đến từ miền Bắc. Những tia đạn lửa cắt đứt màn đêm đen với những vệt sáng chằn chịt đan vào nhau như một màng lưới của Tử thần. Tiếng nổ dồn dập. Hai chiếc thiết giáp cồng kềnh đứng chơ vơ giữa cầu cũng giống như cái bóng của hai anh khổng lồ cô đơn đang bị tấn công sát kề bởi những sinh vật nhỏ bé mà họng súng đại bác khổng lồ cũng như những khẩu đại liên đã không còn hiệu lực vì địch đã quá gần và tôi cảm thấy lo sợ cho những người lính hồi chiều còn đứng hút thuốc trên cầu, bây giờ các anh ra sao rồi, có còn tiếp tục chiến đấu trong hai chiếc xe đó hay đã ra đi?

Long đại liên và Hải nẫu từ bên tiền cứ đã lái chiếc Dodge Hồng thập tự chạy sang bệnh viện và gặp tôi đang lóng ngóng bèn hoảng hốt gọi:

-BS ơi, sao ông còn đứng đó, VC đã vào thành phố rồi. Mình lo chạy đi thôi.

Sửng sốt, tôi chưa kịp nói gì thì tiếng súng đã bắt đầu nổ từ phía ngoài cổng bệnh viện. Cảnh tượng trong bệnh viện thì hổn độn ngoài tầm tay của mọi người. Tiếng thương binh kêu gào cũng như các bà soeurs chạy tới chạy lui trên các hành lang còn điện sáng choang. Hải nẫu bàn :

-Bây giờ mình mà lái xe Dodge nầy chạy ra cổng thì sẽ chết sớm hơn ai hết.

-Mình băng ngã hông bệnh viện về bên tiền cứ xem sao đi BS. Long đại liên bàn.

Trong trí óc của tôi, bỏ chạy là điều tôi ức nhất. Vì vậy, tôi đồng ý với Long đại liên liền. Tôi nói:

-Tao không ép, giờ nầy mạnh ai nấy lo. Tao sẽ chạy qua bên tiền cứ xem sao. Đứa nào muốn theo tao thì theo...

Rồi Long đại liên theo tôi vọt ra cửa hông bệnh viện, chạy qua một đám đất trống rồi tới tiền cứ của Liên đoàn. Còn Hải nẫu thì tôi không biết hắn làm gì nữa.

Cảnh tượng bên tiền cứ có vẽ lạc quan hơn một chút. Sĩ quan cũng như binh sĩ đều ôm súng ra nằm ở lề đường vì từ quốc lộ 1 ở ngõ rẽ vào thành phố, con đường cao hơn sân tiền cứ khoảng 1m nên tạo thành một bờ hào mà binh sĩ có thể dựa vào đó để chiến đấu một cách tương đối an toàn. Tôi nhìn trước ngó sau thấy có một cây súng carbine M1 không biết của ai để long lóc trên sân nên lượm lên, soát lại băng đạn và ôm nó ra nằm dựa vào lề đường như mọi người lòng nghĩ thầm: Muốn giết được ta cũng phải đổi bằng giá đắt chứ chẳng không. Đúng là ý nghĩ của một anh bác sĩ quân y mới ra đơn vị hai ba tháng! Tiếng Đ/úy Xuân: Đứa nào thò tay tắt cái máy đèn đi coi, để sáng trưng vầy có mà chết cả lũ ! Tôi thấy mình ngây thơ thật, đèn đóm trong tiền cứ tuy không sáng choang nhưng quá sáng so với cảnh vật chung quanh tối đen như mực. Khi máy điện ngưng chạy, khung cảnh như im ắng hẳn đi, chỉ còn tiếng nổ ngoài phía cầu vẫn còn dồn dập, Long đại liên nằm xuống bờ đường cạnh tôi nói nhỏ nhỏ: Em không có súng nhưng có mấy trái lựu đạn có gì chọi cũng đỡ há ông thầy. Bửa nay thầy trò mình chết sống có nhau há ông thầy ?

Mới dứt câu thì hình như Cộng quân nhận biết mục tiêu nên bắt đầu bắn vào tiền cứ xối xả. Tuy đạn không trúng ai nhưng có nằm làm mục tiêu của những viên đạn mới biết cái cảm giác lạ lùng và ghê rợn của nó, đồng thời máu trong người tôi như sôi lên, cơ thể tôi như phồng to lên cơ hồ muốn vỡ tung thân xác, cái cảm giác sợ hãi bị át đi bởi cái mùi thuốc súng khét lẹt và tôi thấy mình trở nên ngây dại, tay châm hẩm ôm khẩu carbine và định bụng sẽ chỉ bắn khi nào thấy bóng ai nhào lên tôi công mà thôi vì tôi biết mình chỉ có một băng đạn (không biết có đầy đạn không và nếu đầy thiệt tình tôi cũng không nhớ là phải có bao nhiêu viên đạn trong đó nữa) nên tôi tự nhủ mình sẽ phải tiện tặn tối đa. Tiếng súng Bắc quân nổ đều và dòn tan (tôi đoán là AK 47) rồi bất ngờ, họ đổi sang B40, quả đạn to như bắp chuối bắn thẳng mà bay cong cong hướng về phía anh em Biệt động quân mà nhờ nằm hồi lâu trong bóng tối, mọi người đã trở nên nhìn rõ cảnh vật chung quanh. Tiếng nổ của B40 nghe ghê rợn hơn tiếng AK nhiều nhưng nhìn quanh cũng chưa có tác hại gì, có điều tôi chợt thấy là đã có nhiều khoảng trống dựa bờ đường có nghĩa những người nằm thủ ở đó hồi nảy đã bỏ đi đâu mất. Ngay cả Long đại liên mới nói láp dáp cái gì là thầy trò mình bữa nay sống chết với nhau giờ cũng biến đâu mất tiêu! Tự nhiên tôi nghe cái sợ chợt dâng lên vì như một con chim lẻ bạn, cái tuyến dựa bờ đường dài mấy chục thước mà hiện giờ chỉ còn tôi và hai ba bóng người nữa mà tôi không biết là ai.

Một người quay sang gọi tôi nhỏ nhỏ : Bác sĩ đó hả bác sĩ, chạy đi ông ơi, tụi nó chạy cả rồi, tui cũng vọt bây giờ nhưng bỏ ông lại coi không được. Thôi tui đi đây! Rồi bóng người đó cùng với mấy người chung quanh cùng lúp xúp lùi lại và biến trong bóng đêm. Tôi không biết làm sao cũng đành đứng lên và chạy về phía hông tiền cứ tức là lại chạy ngang bệnh viện nhưng lần nầy lại không chạy xuyên bệnh viện mà là theo một con đường nhỏ sau lưng bệnh viện đi vào hướng thành phố. Theo con hẻm nhỏ đó là những người cùng cảnh ngộ như tôi nghĩa là chạy tránh cho xa chỗ đánh nhau càng nhiều càng tốt và riêng tôi lại càng không có định hướng chi cả? (biết hướng nào đâu mà định?).

Thì ra trong bóng đêm cùng nỗi lo sợ dâng lên trong lòng, người dân Quảng Trị đã bắt đầu bồng bế nhau ra khỏi nhà, tay xách nách mang, đi tìm một sinh lộ hầu ra khỏi vùng lửa đạn nầy. Tiếng súng sau lưng càng lúc nghe càng nhỏ dần đi trong khi số người chạy loạn càng lúc càng đông lên mà đa số là thường dân với rất nhiều phụ nữ và trẻ con. Cái điều không biết gọi là lạ lùng hay gì gì nữa nhưng rõ ràng, bao nhiêu người đông đúc, lũ lượt bồng bế dìu dắt nhau nhưng không một tiếng nói, một tiếng ồn nào cả. Ngay cả tiếng khóc của trẻ con, nửa đêm bị dựng đầu dậy trong giấc ngủ sao chúng mơ hồ cũng biết nổi hiểm nguy sau lưng để mà im thinh thích như chia xẻ với cha mẹ chúng niềm lo âu tột cùng của con sâu cái kiến trong lửa đạn vô tình.

Chạy chung với dân, tôi cảm thấy mình hèn hết sức vì trong bộ quân phục Biệt động quân mà chưa bắn một phát súng đã phải bỏ chạy nhưng tôi biết làm sao hơn khi gần như cả tiền cứ biến mất ngay sau lưng tôi, tôi phải làm sao chớ ? Nhớ từ lúc còn học ở trung học, mỗi lần ghi tên học môn nhiệm ý là thể thao là tôi lại bị đưa xuống phòng y tế để khám sức khỏe và lần nào cũng vậy, tôi đều bị bắt buộc phải chọn môn Hội họa thay vì Thể thao (bà bác sĩ trong trường cho rằng tim tôi không được bình thường nên bà không muốn cho tôi chơi thể thao). Mà đúng vậy, chơi thể thao món gì tôi cũng đều mau mệt hơn nguời khác, từ học võ, đánh bóng bàn và nhất là tuyệt đối không có vụ chơi đá banh thì tôi đâu có chạy theo trái banh được. Khi học Y khoa, tôi đã tự nghe tim mình cũng như nhờ các đàn anh chuyên về tim nghe thử thì mới biết là mình bị Loạn nhịp (Arythmie) do đó, tôi thường tránh những việc cần chạy hay làm nặng về thể xác lâu dài.

Hôm nay, khi rút ra khỏi tiền cứ thì vì nổi sợ Cộng quân sau lưng nên tôi lúc đầu cũng có chạy nhưng được một chút là tôi đã thở hào hển, sau đó tôi bắt đầu đi chậm lại, tuy không giống như người nhàn du nhưng cũng không giống người chạy loạn chút nào! Nay thì chung quanh tôi rất nhiều người dân Quảng trị cũng như tôi không biết phải chạy đi đâu nên tự nhiên cả một đoàn người như cùng đi với nhau mà không định hướng cũng như không ai dẫn đường ai hết, chỉ biết cố mà đi cho xa khỏi cái tiếng súng nghiệt ngã sau lưng ở hướng cầu Thạch hãn. Cứ người sau theo chân người trước mà thôi.

Con đường nhỏ trở thành con đường nhựa (tôi cũng chẳng biết về hướng nào) chẳng mấy chốc mà đã đông ngẹt người. Trong đêm tối, người ta dắt díu nhau, tay bồng tay bế, người đi xe hai bánh, kẻ đi chân, từng đoàn quân xa của những đơn vị không tác chiến, tất cả hòa lẫn cùng nhau hướng về một hướng chung: hướng xa tiếng nổ, hướng của bình yên. Những xe Dodge 4x4 mang dấu hiệu Hồng thập tự chở những thương binh trong bệnh viện bắt đầu tìm lối về hướng Nam. Những đơn vị tiếp liệu, những đơn vị văn phòng của quân đội cũng như dân sự với những xe GMC chiếu ra những tia đèn pha sáng rực về phía trước xé toạt đêm đen chiếu nổi bật những chiếc đầu lố nhố của đám người phía trước, đồ đạc cồng kềnh nhưng tất cả, chỉ trừ tiếng động cơ xe, đều im lìm một cách lạ lùng. Đạn ở phía sau vẫn nổ dòn, những tia lửa đạn vẫn chiếu sáng vụt lên bầu trời đêm và đoàn người vẫn âm thầm tiến bước.

29-4-1972

Trời vừa hừng sáng thì đoàn người đã tới một cái thị trấn đìu hiu, nhà cửa tuy còn nguyên vẹn nhưng cửa đóng then cài, không khí có vẻ xơ xác trong khi người chạy giặc thì đầy đường. Mọi người không hẹn mà ai cũng dừng chân lại nghĩ. Trời trong và xanh biếc như hứa hẹn một ngày nắng đẹp.

Bây giờ tôi mới thấy rõ là người ta đông đến hàng ngàn nguời vì đường sá đầy nghẹt người cũng như xe cộ thậm chí cả hai bên lề đường dốc thoai thoải cũng không còn chỗ trống. Nhiều người đi tìm nước uống ở hai bên đường, có người giở một nắm cơm hẩm ra ăn cho đỡ lòng. Một đêm thức trắng rồi còn gì. Đâu đây có tiếng trẻ con ọ ọe khóc. Các bà thì có người vạch áo cho con bú hoặc bơi xới tìm một thức gì đó cho con cái họ và cả chính họ để ăn dằn bụng. Tôi thì không quen ai cũng như không cảm thấy đói khát gì lại thêm cũng không biết đi đâu nên đứng lớ ngớ nhìn quanh nhìn quất mới thấy cái trụ sở của thị trấn.

Thì ra đó là quận lỵ Mai Lĩnh nằm về phía Nam của thị xã Quảng Trị. Tôi tiếp tục đi dài dài theo quốc lộ 1 về hướng nam vì tôi có phải chờ ai và đi chung với ai đâu. Thế là tôi lầm lũi đi, trong trí nghĩ rằng nếu cần tới lúc chạy thì mình đâu có chạy được nên mình nên đi trước là vừa. Thế là tôi cứ đi. Con đường về Huế nghe đâu còn xa lắm, những 4, 5 chục cây số nữa thì phải. Trên con lộ thẳng tắp cũng có rất nhiều người cũng đi như tôi. Nhìn trước mặt như một con rắn khổng lồ uốn éo và di chuyển chầm chậm dài ngút tầm mắt. Trước mặt là hứa hẹn của một bình yên, sau lưng là súng nổ, đạn bay, nhà cháy, người chết.... Không biết rồi mình sẽ ra sao? Liệu sẽ có đến được cuối đường? Mặt trời càng lên cao, cái nóng bức càng gia tăng thì sự mỏi mệt, lo âu, chán chường càng hiện rõ trên khuôn mặt con người trong dòng sông di tản.

Bây giờ, hiện diện trong đoàn người, ở gần khúc đầu của con rắn khổng lồ là những chiến xa M48, những thiết vận xa M113 cũng như những chiếc GMC, xe Hồng thập tự của quân đội cũng như dân chính, rồi xe tư nhân, và vô số xe hai bánh. Ở trên những quân xa chở lính tráng thì còn gọn ghẽ, còn trên những chiếc xe hai bánh của thường dân thì thôi đủ kiểu. Mùng màn chiếu gối, mọi đồ tế nhuyển mà trong phút khẩn cấp người ta đã dồn đại vào trong một cái bao, cái bị gì đó rồi túm, rồi mang, rồi cột và cả gia tài của họ nằm trên chiếc xe Honda hai bánh oằn oại dưới trọng tải của cả một đời người, một gia đình. Dù thường dân hay quân nhân, mặt người nào cũng đều hiện rõ nỗi lo âu, bồn chồn... và cả hốt hoảng nữa.

Đạn pháo kích bắt đầu rơi trên Quốc Lộ 1 khoảng độ 10 giờ trưa khi đoàn người tới địa phận quận Hải Lăng (đó là tôi nghe người ta nói vậy). Những tiếng rú xé màng nhĩ của đạn pháo của Cộng quân như muốn xé luôn cả không gian và lòng người. Những tiếng nổ tiếp liền không ngớt bắn tan tác đội hình của con rắn khổng lồ đang chậm chạp trườn đi trên con đường định mệnh. Người ta chạy tràn ra hai bên đường tìm chỗ trú ẩn trong những gò cát trắng giống như cảnh một đàn kiến đang bò đi thành hàng lối bổng dưng bị phá vỡ phải chạy túa ra. Người nào xấu số trúng đạn từ những trái pháo đầu tiên thì chỉ còn nằm lại trên đường nhựa, nếu chưa chết thì chỉ còn chờ chết và chắc là chỉ mong một cái chết nhanh chóng hơn cho đỡ đớn đau. Đạn pháo vẫn tiếp tục rú xé trời và tiếp tục rơi. Cảnh hổn loạn làm sao tả cho xiết. Tiếng người réo gọi nhau, cha gọi con, vợ kêu chồng, tiếng rên khóc của những người "còn ở lại" thấy người thân vừa mới "ra đi" nhưng không ai còn được chút thời giờ để vuốt mắt người thân của mình cũng như quẹt đi hai hàng nước mắt của chính mình.

Nhiều người không chạy kịp đâu xa đành nằm xuống hai bên đường dựa theo con mương ở bìa những đồi cát ngút ngàn dọc theo con lộ. Cảnh con người dùng hai bàn tay trần cố bới cho cát trủng sâu thêm một chút để được thêm một chút an toàn thật não lòng, cát có nóng bỏng, tay có rướm máu nào có kể gì ? Người ta đang cố thu hình cho bé nhỏ lại, đang cố biến thành những con đà điểu chui đầu xuống cát để trốn tránh cái sự thật hãi hùng đang diễn ra chung quanh, có người thì đang khẩn cầu một Đấng Thiêng Liêng nào đó che chở cho họ ra khỏi cái thực tế đầy tai ương và vô vọng nầy. Trong khi đó thì miểng đạn cứ tiếp tục cày xuống mặt cát làm cát văng tung toé, những hạt cát nóng bỏng (vì nắng hay vì sức nóng của miểng đạn pháo chuyền sang?) văng vào mặt tôi cơ hồ như cắt đứt cả da thịt.

Trên đường nhựa, cảnh tượng còn thương tâm hơn nhiều. Một người mẹ đang bế một đứa bé độ chừng 6, 7 tháng, đi có giang ngồi trên nóc chiếc xe M113, dĩ nhiên cùng ngồi trên đó với chị còn chen chúc rất nhiều người khác. Khi đạn pháo kích bắt đầu nổ, chiếc xe thiết vận xa bổng quẹo ngang đột ngột - không ai hiểu anh tài xế định làm gì - Anh muốn chạy ngõ khác chăng ? Hay anh muốn quay trở về đường cũ? Chỉ biết có điều hai mẹ con bị xe giật bất ngờ rơi cả xuống đường, đứa bé vẫn còn trong tay mẹ nó. Chiếc xe vẫn còn tiếp tục giật lùi và bánh xích bắt đầu nghiến lên chân người mẹ. Người ta la ó rùm trời, người ngồi trên xe thiết vận xa lẫn kẻ trên đường ai cũng đều cố báo cho anh tài xế biết để anh ngừng lại nhưng... ai đã từng thấy xe M113 quẹo ngang mới thấy nó nhanh như thế nào. Và trí óc người mẹ cũng hoạt động nhanh như thế nào. Chỉ trong một tích tắc chót của cuộc đời, bánh xe đang nghiến dần lên mình bắt đầu từ chân mà người mẹ vẫn còn cố đẩy đứa bé lên phía đầu bà với hy vọng là nó sẽ ra ngoài tầm thụt lùi của chiếc xe ! Viết ra ở đây còn chậm hơn ngoài sự thật rất nhiều. Người đàn bà và đứa bé bị bánh xích xe nghiến dần bắt đầu tứ phía chân người mẹ lên cho đến qua khỏi đầu bà, hai tay bà vẫn còn giơ lên như cố đẩy đứa bé ra khỏi cái bánh xích nhưng rồi... cả hai mẹ con, tất cả đều bị bánh xích nghiền nát. Tiếng xương người bị cán rụm kêu lắc cắc và hình ảnh của máu thịt nhầy nhụa trên đường cũng như dính theo những mắc xích từ hai mẹ con trước đó 1 phút còn sống bình thường như mọi người là một hình ảnh vô cùng kinh khiếp tưởng chừng không bao giờ xóa mờ trong ký ức tôi được. Tôi cúi gục đầu xuống cát trong tâm trạng đớn đau vô biên của một hoàn cảnh bất lực.  

Nguyễn Ngọc Ẩn