Từ Phan Thiết chúng tôi gồm 34 người, quyết tâm ra đi nên đã liều mạng vượt biển để tìm tự do trên một chiếc thuyền đanh cá mỏng manh cũ kỹ và thiếu thốn đủ mọi thứ .
BƯỚC ĐẦU TIÊN TRÊN ĐƯỜNG TỴ NẠN cộng sản Đảo BIDONG Malaysia
...Thân ái chuyển đến TẤT CẢ Quý Đồng Hương thương mến đã một thời TRÊN ĐẢO BIDONG ( Malaysia )
Bốn Mươi Năm (1978-2018) Nhớ Lại Chuyến Vưọt Biển Bi Thảm Từ Phan Thiết Tới Mã Lai
Từ Phan Thiết chúng tôi gồm 34 người, quyết tâm ra đi nên đã liều mạng vượt biển để tìm tự do trên một chiếc thuyền đanh cá mỏng manh cũ kỹ và thiếu thốn đủ mọi thứ . Thời gian sống với biển cả tuy ngắn ngủi nhưng thập phần nguy hiểm và đầy bất trắc . Cuối cùng, lòng can đảm đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả trở ngại . Chúng tôi đã đến bến bờ tiểu bang Trengganu thuộc Mã Lai Á vào buổi sáng ngày 26-10-1978, chấm dứt 6 ngày hải trình bi thảm .
Tôi ghi lại đây để nhớ mãi không quên những tấm lòng vàng của các vị ân nhân Nguyễn Đức Khôi, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Mến..Quý Ông nay đã trở về cõi vĩnh hằng nhưng lòng từ tâm trên chiếc thuyền PT.M1109 hôm nào đã giúp chúng tôi vượt thoát khỏi địa ngục trần gian trong thiên đàng xã nghĩa từ sau ngày 39-4=1975. Cũng chính nghĩa cử cao đẹp trên, Quý Ông đã dạy cho tôi long thương người trong cơn hoạn nạn và tôi đã theo đuổi lý tuởng đó cho tới nay, khi đưọc may mắn định cư tại Hoa Kỳ.vào tháng 4-1979.…
Câu chuyện vưọt biên của tôi cũng là một kỳ ngộ, như có một bàn tay huyền diệu nào đó luôn giúp đỡ sắo xếp..Tôi còn nhớ cái đêm trước khi vưọt biển, vì buồn đủ thứ lại thương đứa con gái nhỏ tên Duyên bệnh nặng..nên khi mấy đứa em rũ nhậu, tôi đã quên là mình từ kinh tế mới trốn về sống chui không có giấy phép. Nhưng cũng thật kỳ lạ, giữa lúc anh em đang nhậu thì tên Hùng công an khu vực vào nhà tôi nhưng hắn không bắt mà chỉ ra lệnh cho tôi ngày mai phải lên lại KTM. Sau đó ai nấy về nhà ngũ riêng tôi thì ngổn ngang tram mối nên làm sao ngủ đưọc. Giữa lúc đang trăn trở thì chủ ghe tới kêu đi biển. Rồi đến lúc ghe cập đồn Biên Phòng Thương Chánh để trình diện. Tại đây lần nữa Tôi không bị công an bắt giữ vì đi biển lậu, mà chỉ ra lệnh cho chủ ghe đuởi tôi lên bờ vì không có tên trong sổ hành nghề.. Chủ ghe dạ dâ nhưng vẫn chạy thẳng ra biển..Nhờ những may mắn trên, nên thành phần bị gạt ra bên lề xã hội lúc đó như bọn tôi mới có cơ hội ra đi.
Tôi nhớ sáng hôm đó trời đẹp chi lạ, biển lặng như trên sông Cà Ty . Phương đông mặt trời đã lên cao, thả những tia vàng đỏ óng nhảy tung tăng theo triền sóng . Gió thổi nhẹ từng cơn như mơn mởn làn da thêm thoải mái. Như thường lệ, ghe tôi từ Phan Thiết chạy ra địa điểm đặt cây chà, đúng vào lúc con nước đang lên để làm nghề . Thời gian sống ngoài biển là lúc mà chúng tôi vui sướng nhất vì được tự do la hét, chửi bới , được nhìn cảnh mênh mông của trời đất bao la và hạnh phúc nhất là ai cũng có quyền hy vọng được tàu ngoại quốc đến vớt sang bên kia bờ đất tự do. .
Bây giờ là 8 giờ 30 ngày 21-10-1978, mọi công tác dành cho việc lùng bắt cá đã chuẩn bị xong . Hai đường neo dài hơn 100m đã được móc cứng sau và trước thuyền, kèm vào đó là hai sợi dây khác dùng để móc giàn lưới sắp sửa bủa xuống biển đón đàn cá trắng đang nhởn nhơ bơi lội dưới làn nước trong xanh thăm thẳm . Chúng tôi đã sẵn sàng bắt một mẻ cá lớn để chốc nữa trở vào bờ dâng cho nhà nước đổi lấy từng ký gạo sống dần mòn qua ngày . Đó, đời sống của con người nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa là thế
Bỗng một tiếng la từ sau lái : Tàu vượt biển đến, hãy kéo neo lên để chạy cho mau, kẻo chúng đến cướp dầu, cướp ghe . Nhưng đã trễ rồi, vì không thể nào trong chốc lát triệt nổi hai cuộn neo thật dài, thêm vào đó là lưới đang hứng đầy cá, mà con tàu lạ thì từ xa chạy xăm xăm đến với một tốc lực tối đa . Đấy là một loại thuyền đánh cá kiểu Bắc Việt, toàn thể sơn màu đen nên nhìn rất cũ kỹ, dài khoảng 8m, trên thuyền lố nhố những người đang hò hét vẫy gọi, trông giống cảnh ăn hàng của các phim hải tặc . Con thuyền quá mỏng manh và cổ lỗ nên không có gì bảo đảm lắm cho chuyến vượt biển xa xăm mà mọi nguy hiểm như sóng gió, giông bão đang chực chờ, hơn nữa mùa gió Bấc đã đến, biển hay động bất ngờ, chỉ cần một trận cuồng phong nhỏ cũng đủ chôn vùi tất cả bao nhiêu người trên thuyền vào bụng cá . Nhưng nhìn những khuôn mặt cương quyết, chai lì của những người đang đứng trên thuyền đối diện, tôi cảm thấy thán phục cho những tâm hồn biết chết trước mắt nhưng vẫn cứ liều lĩnh, mạo hiểm dấn thân vào biển cả muôn trùng để tìm tự do
Ôi tự do cao quý đến thế sao ? Biết chết vẫn lăn xã vào, biết tù đầy khổ ải nhưng cũng cứ bền gan tranh đấu, biết địch mạnh ta yếu mà vẫn cứ âm thầm chịu đựng để chờ ngày quật khởi . Hèn chi tại Nam VN trước tháng 4-75, chỉ vì “độc lập hay là chết “ mà đã có hơn một triệu thanh niên nam nữ, hơn 20 năm chịu banh thây để giữ lấy nó. Bây giờ thì một làn sóng người ồ ạt, bỏ tất cả để dấn thân vào cõi chết, chỉ mong mỏi tìm ra con đường sống để nhìn thấy tự do thật sự.
Rồi con tàu lạ cũng tới, tiếng be gỗ chạm vào nhau nghe chói óc, tiếng người la ơi ới, tiếng kéo cò lên đạn gây thành những âm thanh hỗn độn, kỳ quái nghe hay hay .
-“Cho chúng tớ xin ít dầu, gạo và nước để ra đi, chúng tớ không thể quay về với đưọc, giúp chúng tớ đi anh em ơi” . Thật là thảm thiết, thật là cay đắng, nẻo đường sống của bọn người quyết lòng tháo gỡ gông cùm của giặc thù là thế đó . Tôi nhìn kỹ từng khuôn mặt, đều là bạn bẻ cũ thuộc tỉnh/tiểu khu Bình Thuận cả . Người đứng trên mui để chỉ huy tổng quát là Ng-Đ-M, cùng tôi học Triết ở Đại Học Văn Khoa SG. Trước mũi là Thưọng sĩ Ng-Đ L phục vụ tại Chi Nhánh 2 TMNN., Tài công là Trung sĩ I ĐPQ VS và thuyền trưởng là Thiếu Uý CSQG NĐK. Tất cả đều là khách hàng đắc giá của Công An Thuận Hải cả, thảo nào họ dám dùng con thuyền nhỏ này để vượt biên .
Theo lời M, họ đã khởi hành đêm 19-10-1978 sau khi ba vị chủ ghe đồng nhận được trát của công an thị xã Phan Thiết mời đến để điều tra về vụ vượt biên mới đây có liên quan đến họ . Vì tin đến quá đột ngột nên tất cả số dầu dự trữ dành cho chuyến vượt biên sắp tới không thể đem xuống ghe được, cũng không thể mang nhiều gạo, thuốc và thức ăn vì sợ đồn biên phòng số 4 kiểm soát sẽ bại lộ . Nên cuối cùng Ban Chỉ Huy thuyền PTM 1109 quyết định đi liền với số nhiên liệu và thực phẩm dành cho 1 ngày làm cá đúng theo cấp số ấn định, nhưng cương quyết mang theo hai khẩu súng cũ đã chôn giấu từ lâu cùng đồ nghề dành cho chuyến vượt biên thế thôi . Như vậy họ đã quyết định ra đi với 40 lít dầu, 10 kg gạo và lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa sẽ giúp họ thành công . Đúng 5 giờ 30 ngày 20-10-1978, con thuyền trên lại quay về bờ biển Phan Thiết và đâm ngay vào bãi Thương Chánh tại Vĩnh Phú, để vớt người như chương trình dự liệu, giữa lúc tiếng chuông nhà thờ Vĩnh Phú rền vang báo hiệu đợt lễ đầu, trong kh[ bọn du kích và công an phường canh gác bãi tắm đã lục tục kéo nhau về ăn cơm . Sự liều lĩnh đã đem lại kết quả khả quan nhưng vì thời gian quá ngắn nên chỉ cứu thêm được một số anh em và người nhà, để rồi vĩnh viễn rời xa quê mẹ, con thuyền sẽ điên cuồng lao vào đất chết .
Đêm đó thuyền đã xông xáo khắp nơi để xin dầu, gạo, nước ngọt dành cho chuyến hải hành, thuyền suýt đụng độ với 2 chiếc mành quốc doanh có trí súng đại liên làm anh em một phen mất vía .
Tiếng của thằng bạn làm tôi bừng tỉnh : “C còn chần chờ gì mà không nhảy sang đây để đi với tụi tớ, cậu thường ao ước tìm tự do lắm mà . Hãy đi đi, trời còn đó, đất còn đó và vợ con chúng ta cũng còn đó, nếu còn sống thì lo gì không gặp lại người thân. Vâng bạn tôi nói đúng lắm, tôi phải ra đi, đây là một cơ hội bằng trời mà tôi hằng mong đợi, tôi phải đi để sống và còn sống là còn tất cả.
Tôi nhảy sang con thuyền lạ giữa tiếng la khóc của những đứa em, giữa những vòng tay thân tình cật ruột giữ lại . Nhưng tôi đã cắn răng cắt đứt tình cảm gởi gấm vợ con trên kinh tế mới cho má tôi, rồi gục mặt ra đi,
Theo chương trình dự liệu, chúng tôi còn phải đi mua thêm dầu gạo và nước uống đủ để đi thẳng đến Mã Lai Á, vì không hy vọng ra đến hải phận quốc tế sẽ được tàu vớt . Bởi thế cần phải được chuẩn bị đầy đủ, ăn ít cũng được nhưng dầu và nước thì không thể thiếu được . Do đó thay vì trực chỉ ra hải phận, chúng tôi bắt buộc phải mạo hiểm đến gặp các thuyền bạn để xin dầu và kết quả thật khả quan : Dầu được 300 lít, gạo 50 ký, nước ngọt 2 thùng lớn còn thức ăn thì không cần, tuy vậy cũng tạm sống .
Vì sợ các thuyền quốc doanh bị lấy dầu quay vào bờ báo cho đội tuần duyên nên chúng tôi đành phải ngụy trang, thay vì chạy chúng tôi neo lại trên phần chà thường đến làm cá giả vờ đang hành nghề, cho tất cả đàn bà con gái trẻ em và những người không phận sự xuống khoang thuyền, chỉ để 7 người trai tráng ở lại lo công tác, súng thì lên đạn sẵn đầy đủ để quyết tâm chống chọi nếu bất trắc ập đến . Nhưng mọi lo lắng đều qua, 4 giờ chiều ngày 20 tháng 10-1978, chúng tôi chặt đõi, vĩnh viễn xa rời quê hương để ra đi tìm tự do . Hỡi ơi, phút cuối cùng sao nghe lòng quyến luyến và hờn tủi chi lạ, biết bao giờ mới được quay về để nhìn những thâm tình đang tuyệt vọng đợi chờ..
Từ Phan Thiết muốn đi Mã Lai Á, chúng tôi phải qua Côn Đảo và khoảng đường độ 1200 hải lý, với tốc độ của loại máy Kubota, cộng thêm sức nước chảy xuôi và cánh buồm, ước lượng phải mất 6 ngày đêm . Vì muốn bảo trì máy móc hầu tạo sự an toàn cho chuyến đi, mỗi ngày bắt buộc phải cho nghỉ máy 2 giờ, thời gian này thay thế bằng buồm, di chuyển tối đa chỉ trừ gặp bão mới phải neo lại mà thôi, dụng cụ đi biển cũng tạm đủ, gồm một địa bàn bộ binh, một ống dòm của pháo binh và một bản đồ vẽ tay thêm vào đó là kinh nghiệm nhiều năm đi biển của tài công, cựu Trung sĩ I V.S, chúng tôi vững lòng tin sẽ đến được bờ đất hứa .
Buổi chiều đầu tiên vui chi lạ, mặc dù thuyền vẫn chạy cặp theo bờ biển nhưng anh em ở dưới khoang cũng được cho lên để thở xả hơi, một nồi cơm trắng không độn đang nghi ngút khói ăn với cá vừa mới đánh được hôm qua, không khí và sự thân mật của những người cùng chung cảnh ngộ làm mọi người cảm động muốn khóc . Xa xa, bên trong từng dẫy núi liên tiếp lướt qua, kìa là Ba Hòn, Tà Cú, Mũi Đèn, Hòn Bà, Phước Hải rồi Vũng Tàu, bao nhiêu địa danh, bao nhiêu tế bào của Mẹ, chúng tôi cứ mãi lặng nhìn để ghi sâu vào tâm khảm vì biết chắc rằng chỉ trong khoảng khắc khi con thuyền lướt sóng ra hải phận thì chẳng bao giờ chúng tôi còn nhìn lại được nó .
Buồn lắm, những trở ngại và thử thách đầu tiên đã qua, các em và các cô không quen đi biển cũng bớt nôn ọe. Trời lại đẹp và biển lặng một cách đáng yêu . Đúng 20 tiếng lướt sóng chúng tôi bắt đầu cho mũi thuyền hướng về 180 ly giác, trực chỉ hướng Bornéo, ra ngay hải lộ quốc tế rồi từ đó sẽ bẻ mũi ghe về hướng 220 ly giác để về Mã Lai Á . Theo hải trình này thuyền sẽ không gặp Côn Đảo và Thái Lan . Nhưng đời đâu có bằng phẳng và dễ dàng như thế. Và đúng 3 giờ chiều ngày 23-10-78 thuyền chúng tôi bắt đầu gặp tai họa, một máy bị hỏng, dầu không bơm được, máy bơm nước cũng hư và phía trước mặt là Côn Đảo với 2 ống khói trắng toát .
Dùng ống dòm chúng tôi có thể thấy được đỉnh của ngôi giáo đường . Nguyên nhân có sự lạc hương này , chỉ vì tài công V.S trong lúc lái ghe đã nhìn hai ống khói màu trắng tưởng lầm Côn Đảo là một chiếc tàu buôn. Bởi thế đã đổi hướng chạy đến . thì cũng đã lỡ rồi,. Ngay lập tức buồm được kéo lên, thợ máy Hòe cố gắng sửa lại bơm dầu và tất cả thanh niên phải thay nhau tát nước
Tai họa bắt đầu giáng xuống với những trận gió lớn làm biển động mạnh với từng đợt song dữ . Bao nhiêu bi thãm dồn cùng một lúc dành cho chúng tôi. Đây là Trường Sa, nơi giao liên của hai con nước vùng biển Đông Hải và vịnh Thái Lan, nên sóng rất lớn . Nhưng việc gì đến sẽ đến, giờ thì phải chạy, kẻo đồn canh của bọn công an trên đảo thấy được thì chúng tôi một là sẽ vào bụng cá hai là vào Côn Đảo nằm thiên thu .
Mưa xối xả như trút nước, làm giảm tầm quan sát của địch, V.S cho lên ga tối đa 1500, con thuyền lao như điên giữa tiếng gió gào thét, cánh buồm căng cứng gần muốn đứt lèo, sóng bủa tứ tung trên mạn thuyền, tất cả đều ướt át như chuột lội nước, lạnh dói và run sợ . Đêm đó không ai ngủ được cả, mọi người đều lo lắng và theo dõi nhiệm vụ không ai nói với ai một tiếng nào cả . Ban chỉ huy thuyền thì mãi miết chụm đầu vào mặt chiếc địa bàn để canh lại cho được hướng đi, nước trong khoang thuyền được thay nhau tát ra ngoài, và rồi mưa lại tạnh, gió bớt thổi và chung tôi đã ra khỏi vùng biển bảo tố lúc 6 giờ sáng ngày 24.10-1978 khi mặt trời đã bắt đầu mọc, báo hiệu một ngày đẹp đẽ đang trở lại với vạn vật, chấm dứt thãm họa đã hành hạ chúng tôi suốt 15 giờ qua ...
Từ giờ thuyền chúng tôi đã ra khỏi hải phận VN và đang ở trên hải lộ quốc tế. Mỗi lần nhớ lại đêm bảo tố kinh hoàng trên biển , tôi vẫn thấy sợ và càng thương ông NĐK lúc đó, cứ luôn miệng cầu nguyện Thưọng Đế giúp đỡ cho chúng tôi qua khỏi tai họa khốc liệt kinh hoàng..không ai trên thuyền lúc đó nghĩ rằng mình còn sống sót với cơn bão cấp 10,
Giờ thì tất cả mọi người đều có quyền lên boong thuyền để thở không khí, trời đất mênh mông, biển cả miên man, con thuyền không khác chi chiếc lá vàng trôi giạt vô hạn định, trôi mãi, trôi mãi, tôi bâng khuâng tự hỏi, đời tôi rồi mai này cũng sẽ như con thuyền này xuôi ngược không biết đâu là bờ bến thế thôi .
Chúng tôi đang sống ngày thứ tư trên biển, gạo sắp hết, nước cũng gần cạn và dầu chỉ còn độ 100 lit . Ban chỉ huy ra lệnh tiết kiệm để sống cầm hơi nếu thuyền không tìm được bến . Trong ngày thứ tư này, chúng tôi 3 lần thấy tàu lớn, đã làm tín hiệu S.O.S, đổi phương hướng để xin cầu cứu, nhưng các con tàu kia đã vô tình bẻ lái bỏ trả chúng tôi lại với biển nước mông mênh . Cuối cùng lúc 12 giờ khuya đêm thứ 5 thuyền chúng tôi đã cập được vào giàn khoan dầu của Anh Quốc (trong hải phận Mã Lai Á) thế là chúng tôi đã tìm được đất sống .
Hỡi ôi đã 5 ngày qua, sống lầm lũi giữa biển khơi mịt mù mây nước, hôm nay mắt lại được nhìn thấy những ngọn đèn biểu hiện của cuộc sống . Đèn bốn hướng, đèn mông mênh, cả một vùng trời trước mặt toàn đèn, chúng tôi muốn thét to lên để tỏ sự sung sướng của những con người về từ đất chết, ai cũng vui cười hồ hởi . Làm sao diễn tả cho hết từ tâm của những người làm việc trên chiếc tày dầu Anh Quốc mang số EG 8721 mà chúng tôi đã gặp . Họ đã tiếp tế cho chúng tôi đầy đủ nào dầu, nước ngọt, gạo, thuốc lá, bánh ngọt, sữa v.v..đồng thời cho chúng tôi hướng sắp đến và khuyên nên đi Tân Gia Ba đừng đi Mã Lai Á . Chúng tôi rời chiếc tàu trên mà không khỏi ngậm ngùi và cám ơn đấng tối cao đã dành mọi ưu ái cho chúng tôi trên chuyến đi này.
Những ngày sau cùng không còn gì trở ngại, đồ tiếp tế đã có, anh em lại được chia sớt để ăn uống, biển cũng rất lặng, ban đêm trăng sáng vằng vặt cộng sự thoải mái cho mọi người và rồi đúng 3 giờ sáng ngày 26-10-1978 thuyền chúng tôi bỏ neo tại bờ biển làng Merang thuộc bang Trengganu, Mã Lai Á . Sau đó chúng tôi được thuyền đánh cá Mã Lai Á hướng dẫn vào vàm sông Mérang, được phép lên bờ nghỉ ngơi, lập thủ tục, giao thuyền và vật dụng cho cơ quan chánh quyền địa phương để rồi đúng 7 giờ tối cùng ngày, một chiếc xe đến chở tất cả mọi người về thị trấn Trengganu, nhập vào cộng đồng những người tị nạn đã đến từ những nơi khác để ngày 27-10-78 xuống tàu đến tạm cư tại đảo Pulau Bidong . Thuyền chúng tôi chính thức mang số 100 tại trại này.
Xóm Cồn Hạ Uy Di
Tháng 4-2018
MƯỜNG GIANG
Trại Tỵ Nạn Pulau - Bidong
Pulau Bidong là tên của một trong những hòn đảo của Mã Lai Á, vùng đất khô cằn đầy núi non hiểm trở được cấu tạo bằng nhiều lớp san hô . Nằm cách bờ bể bang Trengganu độ vài chục hải lý . Nếu không có vấn đề người tỵ nạn Việt Nam, có lẽ chả ai biết đến tên nó . Nhưng từ tháng 7 năm 1978, Pulau Bidong trở nên sáng giá, khi chính phủ Mã Lai Á chấp thuận cho Cao Ủy tỵ nạn LHQ đưọc thiết lập tại đây, một trung tâm tạm cư người Việt trốn chạy chế độ CS bằng thuyền . Kể từ đó Pulau Bidong d8ưọc coi như là một trong những cổng thiên đàng của người Việt TNCS, cho nên có lúc dân số trên đảo gần 50.000 người. Đặc biệt chính phủ Mã Lai Á đối xữ rất nhân hậu với người Việt..
Pulau Bidong gồm 2 đảo nhưng đồng bào chỉ ở Bắc đảo mà thôi. Bắc đảo có diện tích chừng vài km2, không trù phú và màu mỡ như các hải đảo đông dân cư của VN . Ba phần tư diện tích đảo là núi tuy không cao lắm nhưng dầy đặc rừng cây, phần đất còn lại, lại bị những nhánh núi nhỏ ngăn thành từng vũng đồi thấp, lên xuống . Đảo hình như hạt mận, hai mặt đối diện với bờ bể Trengganu thì lõm vào, tạo thành một vịnh nhỏ, nước sâu, tàu bè đỗ rất tốt . Phía sau lồi và núi đá ăn trệ xuống sát bờ nước nên không ai bén mảng đến . Đó đây trên đảo là những rặng dừa cao vút, xanh thẳm mang đầy trái và những khi gió lớn, mưa to dễ rớt gây tai nạn chết người, ngỗn ngang trong phần đất bằng phẳng còn sót lại là giếng nước ngọt, chứng tỏ nơi này đã có người đến ở trước dân tỵ nạn . Biển xanh bọc chung quanh đảo, trong vắt im lặng và là con đường sống duy nhất của mọi người với thế giới văn minh bên ngoài .
Trại được tổ chức trong một thời gian kỷ lục nhờ những bàn tay tài ba và vén khéo của mọi người . Thêm vào đó là sự nhẫn nại, kiên trì can đảm của dân tộc VN và óc chỉ huy sáng suốt của Ban điều hành trại .
Khi tôi đến đảo vào cuối tháng 10-1978, thi trại được phân chia thành 6 khu riêng biệt, mỗi khu có một Ban hành chánh Khu lo liệu . Ban Điều Hành Trại với nhiệm vụ tổng quát, về phương diện pháp lý . Đại diện cho toàn thể đồng bào tiếp xúc với chính quyền Mã Lai, Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, các phái đoàn ngoại quốc, lo lương thực cho mọi người sống trong khi tạm cư, lo những an ủi tinh thần để đời bớt tủi và làm gạch nối để mọi người không phân biệt Hoa-Việt bắt tay nhau . Trao gởi tình thương khi bắt đầu làm lại cuộc đời .
Phụ giúp cho Ban Điều Hành có các Khối và Ban .
-Khối thông dịch và hành chánh lo thủ tục cho đồng bào ra Phái Đoàn để đi định cư ở các đệ tam quốc gia .
-Khối thông tin văn hóa phụ trách việc nhận gởi thư và quà cáp của đồng bào đi và đến, thường xuyên tổ chức văn nghệ với các thành phần ca nghệ sĩ một thời vàng son của Sài Gòn, trong những chương trình mang nặng tính chất dân tộc, khích động lòng yêu nước, tình đoàn kết của mọi người trên đảo . Khối thông tin là dòng suối ngọt, là tiếng chim ríu rít là khúc đàn tuyệt diệu muôn dây, luôn luôn đem ấm áp, hy vọng và tình thương về cho mọi người . Khối thông tin cũng đã tổ chức rất nhiều lớp học sinh ngữ Anh-Pháp giúp mọi người thu thập một số vốn ngoại ngữ để bước chân đến xứ người
-Khối y tế, xã hội bận rộn nhất trong việc trị liệu, cấp cứu, sinh đẻ cho những người trên đảo . Với phương tiện eo hẹp và thuốc men rất ít nhưng các vị Bác Sĩ từ tâm, các anh chị em Y Tá, Khán Hộ đã hết lòng nên cứu giúp rất nhiều người nhất là trẻ em và ông bà cụ . Ban xã hội phân phối những tặng phẩm nhân đạo, Ban vệ sinh làm sạch đường, sạch phố, tạo một bộ mặt mới cho các khu vực và bãi biển .
-Khối Nội Vụ chuyên trách tình hình nội bộ, không áp dụng chính sách công an, cảnh sát ở đây nhưng tình trạng kỷ luật ở đây luôn luôn được duy trì, hầu như không có vấn đề trộm cắp, họa hoằng lắm mới xảy ra nhưng chỉ là ăn cắp vặt . Ở đây không có Bum, Bar, không ai nghĩ đến chuyện ôm nhau nhảy đầm, ăn uống say sưa . Thỉnh thoảng mới nghe một vài thằng điên nhắc đến vấn đề này .
-Khối tiếp liệu đồ sộ nhất với hai kho chứa hàng mút mắt, thay đổi liên miên, bị mang lắm tai tiếng vì cái gọi là Hợp Tác Xã Mua Bán . Khối này nhận lãnh và phân phối supply cho đồng bào, với một nhân số hiện diện trên đảo gần 40.000 người, với sự thay đổi đi đến, khối này đã phải đau khổ trong mỗi lần phát thực phẩm hầu như liên tục .
-Khối xây cất có công to lớn nhất trong việc xây dựng, chỉnh trang Trại . Thật vậy, với hai bàn tay trắng, không có máy móc chỉ được Phủ Cao Ủy tiếp tế cho một số vật liệu nặng như Gỗ, Tole, Ximent, các vị kỹ sư, cán sự đã biến hòn đảo khô cằn rừng núi này thành một khu vực dân cư khang trang . Những dãy nhà tole la liệt ở mọi nơi dành làm nơi tạm cư trú tập thể cho đồng bào . Những cơ sở công cộng như trường học, nơi đón tiếp các phái đoàn báo chi dến thăm viếng, nơi làm việc thường xuyên của ác quốc gia dệ tam, sạch sẻ, ngăn nắp, sàn đóng bằng gỗ dày có đủ bàn ghế, phòng ốc tạo sự thoải mái cho những người đến làm việc nhân đạo ở đây . Một cổng chào kiến trúc kiểu tây phương mái cong cũng bằng tole, cây trông bề thế, lịch sự và đẹp mắt làm cảm tình ngay cho những người mới đến . Những dãy nhà chờ đợi với mái lợp bằng bạt xanh, với những dãy ghế dài cho mọi người tạm nghỉ chờ dến phiên mình vào gặp phái đoàn quyết định số phận mình . Rồi nhà thương, bệnh xá, kho thuốc, kho hàng, trại tạm trú cho người mới đến, trường học, giếng nước, mương rãnh, nhà vệ sinh v.v.. Tất cả đều do bàn tay sáng tạo của khối này . Nhưng nổi tiếng nhất và đáng ghi nhớ là chiếc cầu nổi dã chiến dài hơn 100m được bắt từ bờ biển ra đến chỗ đậu của các tàu từ xa đến, được tạo bằng mồ hôi, trí óc của người Việt Nam . Nơi đón những người mới đến, tiễn những kẻ ra đi, nơi hẹn hò của trai thanh gái lịch . Một máy phát điện cũng được biến chế từ chiếc máy kéo, thiết kế một hệ thống điện đem anh sáng lại các nơi công cộng và làm việc tăng thêm sự khang trang của đảo
Ngoài ra còn phải kể đến những công trình của các vị đại diện tôn giáo trên đảo . Chung trên một vùng đồi thơ mộng nhìn được khắp bốn bề là sự chung sống hòa bình của ngôi giáo đường Thiên Chúa Giáo sừng sững uy nghi với cây thánh giá cao vút trên đỉnh, không lúc nào ngớt những tiếng ca của Đoàn Thánh Sinh, con cháu Chúa, nơi gặp gỡ của bà con trong ngày chúa nhật và các ngày lễ . Kế cận là khu Giáo Hội Tin Lành mà lối kiến trúc cũng không kém phần hoa mỹ, nơi này cũng thêm phần đậm đà vì sự thiết tha quan tâm đến phương diện xã hội, đạo đức của vị mục sư chủ trì . Sau cùng là ngôi chùa thờ Đức Phật từ bi được xây dựng với nhiều tiền của, nơi tu dưỡng của các bà mẹ già mệt mỏi sau thời gian vượt biển, nơi sám hối của những ông chồng bỏ con vợ ra đi vì mạng sống, nơi tiêu giải tất cả mọi phiền lụy, lo lắng oán thù của thế nhân, nơi tôn kính đáng ghi nhớ
Còn nhà cửa của đồng bào thì thiên hình vạn trạng, nhưng được xây cất rất trật tự và đúng theo đồ hình của một đô thị tân tiến . Đến Pulau Bidong, nếu chiêm ngưỡng cảnh sắc ở đây bằng con mắt của nhà danh họa Picaso thì Pulau Bidong thật là thẩm mỹ .
-Đói không làm càn
-No không tự mãn
-Giỏi chẳng kiêu căng
-Và đau khổ không gục đầu, bó gối .
Đó chính là sự cao quý nhất, một vết son đậm mà tất cả đồng bào khi rời trại Pulau Bidong đều hãnh diện mang theo
Về sinh hoạt thường nhật của trại cũng tấp nập và hứng thú . Một khu chợ trời nằm kế cận đồn cảnh sát Mã Lai nhưng vẫn được cho duy trì, chứng tỏ giá trị lương thiện của nó đối với chủ nhân ông của vùng này . Chợ bán đủ các thứ dành cho đời sống con người, từ nhu yếu phẩm như bột, đường, gạo, mắm, cá, thịt v.v… đến những món hàng xa xỉ không cần thiết : Vàng, đồng hồ, máy hát, tiền trao cháo múc . Ai cần thì đến, không thích thì đi . Nhìn quang cảnh tấp nập của ngôi chợ tôi bỗng nhớ tới Sài Gòn chi lạ, nhớ khu Lê Lợi vào những chiều thứ bảy, chúa nhật, nam thanh nữ tú chen chúc xuôi ngược vui vẻ làm sao .
Kế cận đó lại có những cửa hàng giải khát, ăn uống đủ món cũng được rao bằng thổ sản trên đảo, biên chế từ các món hàng supply nhưng ăn cũng thơm ngon không tệ . Và có lẽ thích thú nhất là được vào các quán cà phê có nhạc thu thanh và nhạc sống để thả hồn theo ly cà phê đang nghi ngút khói, sống lại thuở thanh bình của quê hương mến yêu ngàn đời, qua các bản tình ca dân tộc bất diệt, để biết chắc rằng dù mình đang ở đâu, lúc nào cũng như lúc nào đều mong đợi một ngày trở lại quê hương .
Cuối cùng là sự hiện hữu của những người ngoại quốc với cộng đồng VN trên đảo . Quả là những tâm hồn nhân đạo đáng suy kính . Tất cả đến đây không vụ lợi mà chỉ vì sự thù ghét cộng sản bạo tàn nên đã cảm thông với hoàn cảnh người tị nạn . Có nhìn được sự làm việc tận tâm của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, của phái đoàn Mỹ-Úc suốt đêm ngày, không kể mưa gió thời gian, cố gắng thật hết lòng để rút ngắn sự mong chờ, thiếu thốn của những người đang sống ở đây để Họ mau ra đi, có thấy chính quyền Mã Lai cũng đã điên đầu trong sự tiếp tế thực phẩm nước uống cho dân trên đảo trong khi chính dân của Họ cũng đang thiếu thốn, có nhìn những người bạn Mã Lai làm việc ở đây, chúng ta mới đau xót để nhận rằng cộng sản chính là trâu chó mất lương tri nên đã giết hại và đầy đọa dân chúng của mình .
Tôi đã bầu bạn với Pulau 147 ngày, đã cùng Hắn chia sẻ ngàn muôn buồn vui, tủi cực, nên nay dù cách xa muôn trùng tôi vẫn không bao giờ quên được những ngày tháng qua, quên được tình người thắm thiết của đồng bào chung đảo, công sức của các vị lãnh đạo và lòng nhân ái vô biên của các phái đoàn ngoại quốc đã quan tâm đến sự đau khổ của nhân dân Việt Nam giữa tai kiếp do cộng sản Hà Nội đang khát máu gây ra .