Bu Prang, trận tấn công lớn nhất của Cộng quân tại chiến trường cao nguyên vào ba tháng cuối năm 1969
Trại Lực Lượng Đặc Biệt Bu Prang (tài liệu: 5th Special Force Group)
Bu Prang, trận tấn công lớn nhất của Cộng quân tại chiến trường cao nguyên vào ba tháng cuối năm 1969: Cuối tháng 10 năm 1969, Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) đã công khai việc đóng quân trên phần đất Cam Bốt khi tung lực lượng từ bên kia biên giới tấn công vào nhiều tiền cứ biên phòng của liên quân Việt-Mỹ ở phía Tây Quảng Đức, cụm tiền cứ bị Cộng quân tấn công dữ dội nhất là Bu Prang, nằm chừng 65 cây số về phía Tây Nam thị xã Ban Mê Thuột và khoảng 8 km cách biên giới Việt-Miên.Đây là trận tấn công quy mô nhất của Cộng quân trên chiến trường cao nguyên vào ba tháng cuối của năm 1969, mức độ khốc liệt của trận chiến đã thu hút dư luận quốc tế về sự leo thang chiến tranh của Cộng Sản Bắc Việt. Dựa theo các bản tin chiến sự do Khối Thông Tin Giao Tế Dân Sự thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) phổ biến trong các cuộc họp báo hàng ngày, diễn tiến về trận chiến ở Bu-Prang được ghi nhận như sau.
Trước khi tung nhiều trung đoàn bao vây căn cứ Bu Prang, ngày 1 tháng 11/1969, Cộng quân đã pháo kích liên tục với hàng ngàn đạn pháo đủ loại vào các tiền cứ Annie, Susan và Kent trong vùng Bu Prang. Đây là những tiền cứ hỏa lực do lực lượng Biệt Kích và Pháo Binh Hoa Kỳ phòng ngự. Ngày 2 tháng 11/1969, để bảo toàn lực lượng, quân trú phòng tại các tiền cứ nói trên triệt thoái để tăng cường lực lượng cho các khu vực khác tại Quảng Đức.
Ngay sau khi lực lượng trú phòng rút khỏi ba căn cứ nói trên, sáng ngày 3 tháng 11/1969, Cộng quân tung ba trung đoàn bộ binh và một trung đoàn pháo binh bao vây và tấn công căn cứ Bu Prang. Lực lượng trú phòng lúc bấy giờ có 500 Biệt Kích Quân Biên Phòng (Dân Sự Chiến Đấu) và 50 quân nhân Mỹ thuộc Liên Đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ trong vai trò cố vấn và trợ lực.
Sau hai ngày tấn kích, Cộng quân gia tăng áp lực bao vây chặt căn cứ. Phi cơ tiếp tế và tải thương đã không đáp xuống được vì Cộng quân pháo kích dữ dội. Hai khẩu pháo 105 ly trong căn cứ đã bị phá hủy.
Từ ngày 7 đến 14 tháng 11/1969, Không quân Việt-Mỹ đã liên tục xuất trận oanh kích vào đội hình Cộng quân khai triển quanh căn cứ.
Ngày 14 tháng 11, giao tranh dữ dội đã diễn ra khi một đơn vị bộ chiến Việt Nam Cộng Hòa tạo nỗ lực tấn công để chọc thủng phòng tuyến của Cộng quân ngoài căn cứ. Trận đánh cận chiến đã diễn ra rất ác liệt, trong đó có một lần phi cơ đã ném bom lầm khi hai bên đang giao tranh. Đơn vị Việt Nam Cộng Hòa có 20 quân nhân bị tử thương, 21 bị thương, phía Cộng quân có 95 bỏ xác tại trận địa.
Ngày 15 tháng 11, phi cơ chiến lược B-52 đã dội 180 tấn bom xuống vị trí đóng quân của các trung đoàn Bắc Việt trong khu vực Bu Prang. Cũng trong ngày này, phi cơ quan sát phát giác một đoàn chiến xa Cộng quân từ ở phần đất Cam Bốt vượt qua biên giới tiền về hướng Bu Prang.
Ngày 16/11, 200 đạn trọng pháo của Cộng quân từ phần đất Cam Bốt pháo vào căn cứ Bu Prang, ngay sau đó, phi cơ Việt-Mỹ đã xuất trận oanh kích vào các vị trí đặt pháo của Cộng quân ở trên đất Cam Bốt cách biên giới một cây số. Một tòa nhà lớn trong khu vực oanh kích bị sập.
Ngày 17 tháng 11, hai tiểu đoàn bộ chiến Việt Nam Cộng Hòa hành quân giải tỏa áp lực Cộng quân ở gần Bu Prang và Đức Lập. Được sự yểm trợ mạnh mẽ của Pháo Binh và Không Quân Việt-Mỹ, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa đã hạ sát 243 Cộng quân, buộc Cộng quân phải rút về hướng biên giới.
Từ chiều 18 đến sáng ngày 19/11, phi cơ chiến thuật B-52 dội bom 10 lần với 900 tấn bom xuống các địa điểm đóng quân quanh Bu Prang, Đức Lập, Bố Đức, tỉnh Quảng Đức.
Ngày 20 tháng 11, Cộng quân tiếp tục tấn kích vào Bu Prang, phi cơ chiến lược B-52 đã xuất trận oanh tạc dữ dội vào khu vực quanh căn cứ này.
Từ ngày 21 đến ngày 30 tháng 11, Cộng quân vẫn áp lực nặng căn cứ, hệ thống không vận tiếp tế cho căn cứ gặp khó khăn vì pháo kích. Trong hai ngày 31 tháng 11 và 1 tháng 12, Cộng quân pháo kích dữ dội vào căn cứ trong nhiều giờ liền, nhưng vẫn không mở được cuộc tấn công bằng bộ binh. Pháo đài B-52 và phi cơ chiến thuật đã cấp thời can thiệp, oanh kích ngăn chận địch quân.
Từ đêm 2 tháng 12 đến sáng ngày 3 tháng 12 1969, để giải tỏa căn cứ Bu Prang đã bị bao vây một tháng, B-52 đã dội bom 7 lần với hơn một ngàn tấn bom xuống khu vực quanh căn cứ. Trong 30 ngày bị bao vây, lực lượng trú phòng tại căn cứ đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công bằng bộ binh của Cộng quân, giữ vững tuyến phòng ngự.
Ngày 4 tháng 2 năm 1969, B-52 lại xuất trận "dọn sạch" các vị trí đóng quân của Cộng quân quanh căn cứ. Áp lực Cộng quân đã giảm mạnh. Trực thăng tải thương và tiếp tế cho quân trú phòng đã đáp xuống được căn cứ. Cũng trong ngày 4 tháng 2/1969, Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa đã gửi kháng thư cho Ủy Hội Quốc Tế phản đối Cam Bốt cho Cộng Sản Bắc Việt đồn trú trên đất Miên và tấn công vào Quảng Đức từ 30 tháng 10/1969 (thời gian này, quốc trưởng Cam Bốt là Sihanouk thân Cộng, ông đã bị tướng Lon Nol lật đổ vào tháng 4/1970 khi đang công du).
ĐẠI TƯỚNG WESTMORELAND VÀ KẾ HOẠCH BIÊN PHÒNG
Khi chính thức được bổ nhiệm giữ chức tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam thay thế Đại Tướng Harkins vào tháng 6/1964, Đại Tướng William C. Westmoreland đã đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngự ngăn chận Cộng quân dọc theo biên giới. Chính ông đã trình với Ngũ Giác Đài tăng cường lực lượng Hoa Kỳ tại Cao Nguyên để phối hợp với các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa tổ chức hệ thống phòng thủ dọc biên giới. Đại Tướng Westmoreland đã nhiều lần đến Quảng Đức để thị sát tình hình và chỉ thị cho Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Hoa Kỳ tại Vùng 2 yểm trợ Quân Đoàn 2 (thời kỳ này, tư lệnh quân đoàn là Thiếu Tướng Lữ Lan) để tăng cường lực lượng phòng thủ các tiền cứ và căn cứ hỏa lực tại Quảng Đức.
Tháng 6/1968, trước khi rời Việt Nam về Hoa Kỳ để đảm nhiệm chức vụ Tham Mưu Trưởng Lục Quân, vị đại tướng này đã lên tiếng báo động về sự leo thang của Cộng Sản Bắc Việt và lưu ý các giới chức quân sự Việt-Mỹ là Cộng Sản Bắc Việt sẽ vận dụng đường mòn Trường Sơn để tiến hành các cuộc xâm nhập quy mô vào Tây nguyên và miền Đông Nam phần.
Trong bản điều trần ngày 8 tháng 10/1969 và được Hạ Viện Hoa Kỳ công bố ngày 1 tháng 12/1969, tướng Westmoreland đã nhấn mệnh những điểm như sau: Lực lượng Hoa Kỳ còn phải ở lại giúp Việt Nam Cộng Hòa nhiều năm nữa, vẫn có thể chiến thắng nếu muốn; đã có thể chiến thắng nếu tiếp tục oanh tạc cho đến nay.
Trong cuốn hồi ký được phổ biến vào tháng 3/1989, cựu Đại Tướng Wetmoreland đã đề cập mối quan tâm lớn của ông về kế hoạch phòng thủ biên giới Việt Nam Cộng Hòa. Nhân bài viết về trận chiến Bu Prang, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc một số nhận định của vị cựu tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Nhiều người nêu ý kiến nên chận ngang con đường xâm nhập của miền Bắc vào dọc theo vùng biên giới thì mới tận diệt được gốc các hang ổ Việt Cộng. Với địa thế Việt Nam, tuy là một nước có diện tích không lớn nhưng lại có một đường biên giới dài đến gần 1,500 cây số (khoảng 900 dậm).
Trong Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918), gần 6 triệu quân Đồng Minh trấn giữ phòng tuyến chỉ hơn phân nữa (455 dặm) của mặt trận Miền Tây; trong Thế Chiến Thứ Hai (1939-1945), phòng tuyến miền Tây dài 570 dặm mà phải huy động 4 triệu rưỡi quân Đồng Minh trấn giữ. Trong chiến tranh Triều Tiên (1951-1953), xấp xỉ một triệu quân dọc theo phòng tuyến chỉ dài 123 dặm tại lằn ranh cắt ngang bán đảo Triều Tiên. Muốn bảo vệ vùng biên giới Việt Nam một cách hữu hiệu thì cần phải nhiều triệu quân, chưa kể đến một số lực lượng khác chuyên truy lùng để tiêu diệt địch. Như vậy thì tổng quân số cần thiết rất lớn.
Trong lúc đó, vào đầu năm 1969 là thời gian quân đội Việt Nam Cộng Hòa có quân số đông nhất gồm cả bán quân sự chỉ trên dưới một triệu. Lực lượng Hoa Kỳ 543,000 và quân Đồng Minh (Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan) là 62,400 quân, tổng cộng gần hai triệu.
Để đáp ứng nhu cầu ngăn chận luồng tiếp tế và xâm nhập miền Bắc, tôi (Đại Tướng Westmoreland) vẫn dựa vào khả năng điều động quân. Làm như vậy mà vẫn không thấm vào đâu. Với 45 ngàn quân thuộc Lực Lượng Đặc Biệt đóng dọc theo biên giới với những căn cứ trong rừng vừa để canh phòng, vừa để tuần thám, vừa để phát giác các vụ xâm nhập lớn. Trực thăng vận sẽ đưa lực lượng đến tiểu trừ.
Nhờ các căn cứ biên phòng này mà Lực Lượng Đặc biệt đã phá được nhiều cuộc xâm nhập đáng kể và được thu thập được nhiều tin tức quan trọng liên quan đến các cuộc chuyển quân của địch, tương tự như những chuyến thám sát do cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam cùng thực hiện bên trong lãnh thổ miền Nam.
Khi các cuộc tuần thám này xác định được vị trí địch, tôi (Đại Tướng Westmoreland) phản ứng bằng cách hoặc gửi quân đến để tiêu diệt hoặc cho pháo binh bắn hay phi cơ oanh tạc, kể cả các cuộc ném bom của phi cơ B-52. Rất tiếc vì Hoa Thịnh Đốn cấm không cho đụng đến vùng biên giới Lào và Cao Miên nên từ lâu không có cuộc hành quân sang đó (đến năm 1970, mới có các cuộc hành quân ngoại biên).
Hy vọng mãi một lực lượng đa quốc gia trải dọc vùng phía Nam khu Quân sự từ bờ biển lên khu cán chảo tiếp giáp với Lào mà không thực hiện nổi, nhưng tôi (Đại Tướng Westmoreland) vẫn cố nuôi hy vọng đó.
Tôi (Đại Tướng Westmoreland) bàn với phó đại sứ Alexis Johnson dùng lực lượng này trong dự án phát triển vùng. Trước hết sẽ mở rộng khai thông Quốc Lộ 9 từ Đông Hà xuyên qua khu cán chảo và chạy đến biên giới Lào-Thái. Lúc đó sẽ có nhiều đơn vị trú đóng để bảo vệ và chận đứng mọi cuộc xâm nhập từ Bắc vào. Vậy mà cuối năm 1964, các viên chức tại Hoa Thịnh Đốn có để ý đến lực lượng đa quốc gia nhưng không hề đả động gì đến đề nghị làm con đường này. Ý kiến của tôi là phải nới rộng sang Lào để cắt đứt và chận ngang con đường xâm nhập là đường mòn Hồ Chí Minh nên trong hai năm 1966 và 1967, ban tham mưu của tôi soạn thảo chi tiết cho một cuộc hành quân như vậy.
Khi ông Henry Cabot Lodge trở lại Việt Nam vào mùa hè 1965 để thay ông Taylor làm đại sứ, ông rất hăng hái muốn xúc tiến ngay và hối thúc người kế nhiệm ông --Ellsworth Bunker-- cũng nên thấy kế hoạch này. Tôi biết chắc rằng muốn chận con đường này thì cần ít nhất một quân đoàn nên đã dự trù rất tỉ mỉ để làm sao điều động lực lượng từ các vùng an ninh đến để chuẩn bị cho cuộc tấn công này.
Cuối cùng, vào năm 1968 chúng tôi đã đủ sức mạnh và bên địch cũng tăng cường một bước mới thì tổng thống Johnson, bị áp lực của những nhà phê bình chiến tranh bao vây chặt khiến ông không muốn có thêm hành động mới để khỏi bị cho là mở rộng chiến lược như ông đã hứa với công chúng rằng ông sẽ không theo có vấn đề leo thang chiến tranh.
Theo tôi biết ai cũng nhắm đến chủ trương của Hoa Kỳ chỉ giới hạn cuộc chiến trong phạm vi lãnh thổ miền Nam chứ không một ai chịu nói đến sự thể rằng miền Bắc mới tiến hành "cuộc chiến đại đơn vị." Nghĩa là không còn đánh du kích nữa mà chỉ toàn các trận đánh lớn. Địch quân cũng xem thường chiến lược đóng căn cứ của chúng tôi vì không làm cho họ bị thiệt hại đáng kể, và rõ ràng sẽ không chịu thương thuyết nếu không bị đáng cho quỵ xuống.
Các đại đơn vị địch tại miền Nam không phải do sự tập họp các đơn vị bán quân sự hay du kích mà do miền Bắc đưa vào. Mặc dù chúng tôi tìm cách chế ngự lực lượng bán vũ trang, du kích tại địa phương nhưng không thể tiêu diệt lực lượng này được hoàn toàn, nếu nguồn cung cấp nhân lực từ ngoài Bắc vào Nam không bị chận đứng.
Nếu được như vậy mới có hy vọng chiến dịch bứng tận gốc các hang ổ du kích mới đạt được thành công.
Vương Hồng Anh
Nguồn:hung-viet.org