Rốt cuộc chuyện siêu điệp viên Trần Ngọc Châu, Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng chỉ là kết quả “chơi nhau” giữa và CIA và Phủ tống thống VNCH.
Năm 1969, ngày 6-7, Cảnh sát bắt được một cán bộ CSVN tên là Trần Ngọc Hiền, ông này khai có bắt liên lạc với em của mình là Dân biểu Trần Ngọc Châu, tổng thư ký của Hạ viện VNCH, với mục đích muốn mở đường dây tiếp xúc trực tiếp giữa Mặt trận GPMN và tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn.
Tổng thống Thiệu nghi Hoa Kỳ muốn tiếp xúc thẳng với MTGPMN mà không qua chính phủ VNCH cho nên Tổng thống đã hỏi thẳng Đại sứ Bunker và Trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn là Shackley nhưng cả hai đều chối không có dính dự vào vụ này. Tổng thống Thiệu yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu khai trừ Trần Ngọc Châu ra khỏi Quốc hội để chính phủ có thể truy tố Trần Ngọc Châu ra tòa. Tuy nhiên ảnh hưởng của Tổng thư ký Trần Ngọc Châu tại Quốc hội rất lớn cho nên Quốc hội bác bỏ đề nghị của Tổng thống.
* Chú giải : Trần Ngọc Châu tốt nghiệp khóa 1 Võ Bị Đà Lạt năm 1951, tức là khóa 3 Võ bị Quốc gia ( Khóa 1 Võ bị Quốc gia khai giảng năm 1948 tại hai nơi là Trường đập Đá Huế và Trường Nước Ngọt Biên Hòa. Khóa 2 VBQG khai giảng tại Đập Đá năm 1949. Khóa 3 VBQG khai giảng tại Đập Đá năm 1950 nhưng đến tháng 10-1950 thì chuyển lên Đà Lạt, trở thành khóa 1 Đà Lạt hay là khóa 3 Võ bị Quốc gia ).
Sau khi tốt nghiệp vào cuối năm 1951, Trần Ngọc Châu được giữ lại làm huấn luyện viên cho trường VBĐL, sang năm 1952 trường có thêm 8 sĩ quan huấn luyện viên người Việt, trong đó có Trung úy Nguyễn Văn Thiệu và Trung úy Lý Bá Phẩm. Thiếu úy Châu quen biết Trung úy Thiệu từ đó ( Thiệu tốt nghiệp khóa 1 Võ bị Quốc gia tại Đập Đá cuối năm 1948 ).
Năm 1955 Trung tá Nguyễn Văn Thiệu về làm Chỉ huy trưởng Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, đến năm 1956 Đại úy Trần Ngọc Châu sau khi học khóa Bộ binh cao cấp tại Hoa Kỳ cũng trở về làm Trưởng khối Quân huấn vụ của Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Đến năm 1962 Thiếu tá Trần Ngọc Châu về làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) thay thế Trung tá Phạm Ngọc Thảo đi du học Hoa Kỳ.
Giữa năm 1963 Châu được Tổng thống Diệm điều ra làm Thị trưởng Đà Nẵng. Cuối năm 1963, sau đảo chánh, trở lại làm tỉnh trưởng Kiến Hòa theo đề nghị của CIA. Trong thời kỳ này làm quen và kết thân với những ông trùm CIA như Lansdale, Rufus Phillips, Conein, John Paul Vann…Những người này đến Kiến Hòa để nghiên cứu về thành quả của kế hoạch bình định của Phạm Ngọc Thảo đang được Trần Ngọc Châu kế tục.
Năm 1966 Trung tá Châu được CIA mời về làm Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện cán bộ Xây dựng nông thôn tại Vũng Tàu, tại đây gây chuyện mất lòng với Nhóm Tân Đại Việt. Đến năm 1967 thì công khai phản đối Nguyễn Cao Kỳ để ủng hộ người bạn Nguyễn Văn Thiệu cho nên găng nhau với cố vấn của CIA ( Lúc này Trưởng chi nhánh CIA là John Hart ủng hộ Kỳ nhưng Đại sứ Bunker và Lansdale ủng hộ Thiệu ). Cũng trong năm 1967 Châu xin xuất ngũ ra ứng cử Dân biểu hạ viện và trúng cử. Năm 1968 được bầu làm Tổng thư ký Hạ Viện.
Năm 1968, sau khi Tổng thống Johnson tuyên bố không tái ứng cử, Trần Ngọc Châu được các bạn Hoa Kỳ cho biết Mỹ sẽ rút quân và Miền Nam sẽ thành lập chính phủ Liên hiệp 3 thành phần ( Gồm có phe chống cộng tức là VNCH, phe thân cọng tức là MTGPMN, và phe đứng giữa ). Do đó Trần Ngọc Châu bắt đầu chuyển hướng, tự phô trương mình như là nhân vật thuộc thành phần thứ ba, đối lập với Thiệu; chấp nhận MTGPMN nhưng không chấp nhận Cọng sản. Chủ trương của Châu được hai ông trùm CIA là Conein và John Paul Vann ủng hộ.
Để hậu thuẩn cho kế hoạch của mình, Châu tìm cách bắt liên lạc trở lại với người anh của mình là Trần Ngọc Hiền, tuy nhiên trước kia (1965) Hiền chỉ chịu gặp trực tiếp Đại sứ Cabot Lodge chứ không muốn qua trung gian. Trong khi đó Lodge cũng không dám gặp Hiền vì e rằng có thể bị gài bẫy, nếu như sự việc bị tiết lộ thì sự nghiệp của ông tan tành.
Thấy vậy CIA đề nghị Châu cho gặp trực tiếp với Hiền nhưng Hiền lại từ chối. Sau trận Mậu Thân Hiền cũng có gặp lại Châu 1 lần nữa và cũng là lần chót. Sự việc không đi đến đâu nhưng Châu vẫn lợi dụng sự qua lại đó để trình diễn như ông ta là người đã được MTGPMN chấp nhận.
Màn trình diễn khá lộ liễu của Châu với sự hỗ trợ ngầm của các bạn Mỹ khiến cho Nguyễn Văn Thiệu nghi rằng Châu là một Phạm Ngọc Thảo thứ hai, là con cờ của Hoa Kỳ dùng để thay thế Nguyễn Văn Thiệu sau khi HK rút quân. Vì vậy Thiệu tìm cách rình bắt Trần Ngọc Hiền để lấy bằng cớ triệt hạ Trần Ngọc Châu.
Về phần Bunker và Shackley cũng thấy đây chỉ là màn hư ảo của Châu chứ không phải là thành ý của MTGPMN cho nên cả Tòa đại sứ lẫn Chi nhánh CIA đều khó chịu. Do đó khi Cố vấn an ninh của Tổng thống Thiệu là Tướng Đặng Văn Quang đề nghị bắt Hiền thì phía Hoa Kỳ không phản đối. Tuy nhiên gặp phải sự phản đối sâu sắc của Conein và John Paul Vann, hai người này cho rằng Đại sứ Bunker phản bội Trần Ngọc Châu trong khi chính Châu đã có thông báo cho Vann và Vann đã báo cho cựu Đại sứ Lodge cũng như cho CIA.
Sau khi Hiền bị bắt thì Vann ngầm vận động với báo chí Hoa Kỳ công kích Bunker không tiếc lời. Tại Washington hai nghị sĩ phản chiến là Fulbright và Edward Kennedy cũng lên tiếng bênh vực cho Châu.
Nhằm để cứu Châu, Conein và Vann tiết lộ cho Shackley biết trong dinh Độc Lập cũng có một đường dây tiếp xúc riêng giữa Nguyễn Văn Thiệu và Mặt trận GPMN. Biết được chuyện này CIA rình bắt Lê Hữu Thúy, là người móc nối với Vũ Ngọc Nhạ là cố vấn về “Khối Công giáo di cư” của Tổng thống Thiệu, và Huỳnh Văn Trọng là 1 trong 4 Phụ tá đặc trách của Tổng thư ký văn phòng phủ Tổng thống Nguyễn Văn Hướng. Trọng đặc trách về Chương trình Bình định phát triển nông thôn.
Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ
Sau khi bắt được Lê Hữu Thúy, CIA buộc Tổng thống Thiệu phải bắt Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ. Tài liệu của CIA :
“Vụ thứ hai là điệp viên cộng sản Huỳnh Văn Trọng được gài vào dinh Độc lập làm việc cạnh Thiệu. Đầu năm 1969 CIA phát giác nội vụ sau khi bắt được một đảng viên cộng sản chỉ đạo Huỳnh Văn Trọng ( Lê Hữu Thúy ).
Tháng 7/1969 CIA yêu cầu tướng Đặng Văn Quang nói với Thiệu ra lệnh bắt Trọng và Thiệu tỏ ý muốn giải quyết nội vụ một cách kín đáo để khỏi gây tai tiếng trong dư luận. Nhưng tổng thống Nixon sắp viếng Sài gòn và CIA cho biết họ không thể không thông báo vụ Trọng cho Mật Vụ bảo vệ tổng thống Nixon, và Mật Vụ sẽ không thể để Nixon vào dinh Độc Lập nếu Trọng chưa bị bắt. Thiệu buộc lòng bắt Trọng ngày 24/7/69
Báo chí làm rùm beng và chỉ trích Thiệu dùng người không thận trọng. Thiệu quay lại phiền trách CIA đã thúc bách Thiệu bắt Trọng. Qua điều tra người chỉ huy của Trọng ( Lê Hữu Thúy ) CIA biết công tác của Trọng là thuyết phục Thiệu nên mở đường giây nói chuyện với MTGP” ( CIA and The Generals, bản dịch của Trần Bình Nam ).
Đoạn trích dẫn trên đây cho thấy người gián điệp nằm trong dinh Độc Lập là Huỳnh Văn Trọng chứ không dính dáng gì đến Vũ Ngọc Nhạ, đơn giản là Vũ Ngọc Nhạ chưa bao giờ làm việc trong dinh Độc Lập, chỉ có đi dự họp cố vấn chính trị trong dinh ĐL mà thôi. Còn Huỳnh Văn Trọng thực ra cũng không phải điệp viên của CSVN.
Rốt cuộc chuyện siêu điệp viên Trần Ngọc Châu, Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng chỉ là kết quả “chơi nhau” giữa và CIA và Phủ tống thống VNCH. Các siêu điệp viên chỉ là những người môi giới để CIA và Dinh Độc Lập mở đường giây tiếp xúc với MTGPMN. Cho nên hậu chuyện của vụ siêu điệp viên Cọng sản có một kết quả rất buồn cười :
Trần Ngọc Hiền bị kết án 4 năm tù, Trần Ngọc Châu bị kết án 20 năm sau giảm xuống còn 10 năm. Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ bị kết án chung thân, sau giảm xuống còn 20 năm. Nhưng cả 4 không bị giam tại trại tù Cọng sản ở Phú Quốc mà lại bị giam ở Côn Đảo. Tuy nhiên tại Côn Đảo cả 4 ông sống như nghỉ mát ở đảo chứ không phải ở trong tù.
Đến tháng 4 năm 1973 trao trả tù binh tại Lộc Ninh thì Ủy ban tiếp nhận tù binh của CSVN chỉ nhận Trần Ngọc Hiền chứ không nhận 3 ông kia bởi vì họ không phải là người của CSVN. Bí quá Tổng thống Thiệu phải nhốt cả 3 ông vào Chí Hòa nhưng điều kiện sinh hoạt không phải là tù. Được vài tháng thì thả Trọng và Nhạ, còn Châu thì mãi tới cuối năm 1974 mới thả.
Đến tháng 4 năm 1975 Châu được nhân viên CIA lên danh sách những người cần được đưa ra khỏi Việt Nam ( nhân viên CIA ) nhưng Trưởng nhánh Viễn Đông của CIA thời đó là Shackley bác bỏ, do đó Châu phải vào trại tù cải tạo vì là nhân viên của chế độ cũ.
Vũ Ngọc Nhạ phải đi kinh tế mới Phạm Văn Hai, còn Trọng thì chạy thoát sang Pháp. Riêng Trần Ngọc Hiền thì sau khi trao trả tù binh bị tước hết cấp bậc, tước hết đảng tịch và bị trục xuất ra khỏi Đảng vì tội đã khai báo hết những bí mật của tổ chức (ĐCSVN) cho địch.
Bùi Anh Trinh