Nhượng Tống nêu đích danh người báo cho mật thám Pháp bắt Phan Bội Châu là nhóm Lý Thụy, Lâm Đức Thụ.
Trong lịch sử VN thời Pháp thuộc, Phan Bội Châu (1867-1940) thường được nhắc đến như một chí sĩ, một nhà cách mạng nổi bật. Là một nhà nho ưu thời mẫn thế, Phan Bội Châu (PBC) đã chọn cho mình con đường cứu nước, cứu dân mà kẻ sĩ xứng danh nào cũng không thể từ chối khi đất nước lâm nguy theo câu nói đã thành châm ngôn: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.
Mới 17 tuổi, PBC đã thảo hịch Bình Tây Thu Bắc và tích cực vận động thành lập Thí Sinh Quân để góp sức vào phong trào kháng Pháp đương thời. Nhưng phong trào Cần Vương cũng như lực lượng triều đình Huế lúc đó không đủ sức đương cự với quân Pháp nên tất cả đều tan rã. Trong khi người Pháp tiếp tục tiến hành bình định để củng cố chính quyền thực dân, PBC không từ bỏ chí hướng đã có. Vừa dùng ngòi bút sáng tác thơ văn để nung nóng nhiệt tình cứu nước, ông vừa bôn ba tìm gặp các phần tử đấu tranh để gây dựng lực lượng chống Pháp.
PBC đã tiếp xúc với nhiều người từng chiến đấu trong hàng ngũ Cần Vương của Phan Đình Phùng, từng tới Yên Thế gặp Đề Thám, bàn tính việc đấu tranh với nhiều nhân vật trí thức yêu nước như Nguyễn Hàm, Đặng Thái Thân… và đặc biệt đưa ra chủ trương “giao kết giáo đồ” vận động tín đồ Thiên Chúa Giáo. Đây là một chủ trương hết sức mới mẻ vì vào thuở đó vẫn có định kiến là tín đồ Thiên Chúa Giáo ủng hộ thực dân Pháp. PBC cho rằng cuộc đấu tranh chỉ thành công khi đạt được sự hợp quần dân tộc và tin tưởng tuyệt đối ở lòng yêu nước của giáo dân.
Thực tế chứng minh PBC hoàn toàn nghĩ đúng vì sau đó phong trào nhận được sự đóng góp rất lớn của tín đồ Thiên Chúa giáo, gồm cả các vị linh mục ở nhiều giáo xứ như linh mục Thông xứ Mộ Vinh, linh mục Truyền xứ Mỹ Dụ, linh mục Thông xứ Quỳnh Lưu, Nghệ An và linh mục Ngọc xứ Ba Đồn, Quảng Bình… PBC đã ghi lại trong PBC niên biểu rằng:
“công ơn các người giáo dân phù giúp rất nhiều”
và ghi lại một kết quả rất đáng kể của chủ trương là: “các đám mây mù nghi ngờ giữa Lương Giáo, quét một trận sạch bong” (1).
Năm 1905, PBC cùng Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ xuất dương qua Trung Hoa rồi Nhật Bản, bắt đầu phát động phong trào Đông Du cứu nước. Trong số giáo đồ Thiên Chúa Giáo hưởng ứng phong trào có tu sĩ Mai Lão Bạng với biệt danh Già Châu đã đích thân đưa một nhóm thanh niên tới tận Hong Kong gặp PBC năm 1908 và sau đó trở thành cộng sự viên đắc lực của PBC.
Suốt 20 năm lưu vong ở Nhật Bản, Trung Hoa, Thái Lan, PBC kết giao với nhiều nhân vật tên tuổi trong chính giới Trung Hoa, Nhật Bản như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên, bá tước Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu), tử tước Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Ki)… thành lập Việt Nam Quang Phục Hội cùng nhiều hội đoàn khác thúc đẩy, hỗ trợ các phong trào đấu tranh ở trong nước bằng sách báo tuyên truyền và giúp đỡ võ khí… (2)
PBC trở thành tiêu biểu của lòng yêu nước, động cơ kích động thu hút mọi người tham gia hoạt động lật đổ ách thực dân, trở thành kẻ đại quốc phạm đối với chính quyền bảo hộ Pháp nên đã bị kết án tử hình khiếm diện vào năm 1913 cùng với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và Nguyễn Hải Thần.
Sau khi Lênin cướp chính quyền thành công tại Nga, PBC đã nghĩ tới việc kết giao với người Nga để tìm thêm sự yểm trợ cho lực lượng đấu tranh VN. Trong PBC niên biểu (3), PBC khen Lênin có tài về chiến lược đấu tranh cách mạng nên có ý muốn gửi một số du học sinh nhờ Liên Xô giúp đỡ cho việc huấn luyện. Vì thế năm 1920, PBC đã đi Bắc Kinh gặp hai người Nga và ghi lại cuộc gặp gỡ đó như sau:
“Năm Canh Thân (1920), tháng 11, tôi nghe được người của Đảng Xã Hội Cộng Sản của nước Hồng Nga nhóm họp ở Bắc Kinh khá nhiều mà đại bản doanh của họ chính là nhà Bắc Kinh đại học. Tôi vì tính sẵn ham lạ mà nghiên cứu chân lý của đảng Cộng Sản… Tôi đi Bắc Kinh… tới thăm Thái Nguyên Bồi tiên sinh… Thái mới giới thiệu tôi với hai người Nga, một người lao nông Nga La Tư du Hoa đoàn đoàn trưởng (tên chữ Nga tôi không nhớ được), một người là Hán văn tham tán Lạp tiên sinh là thuộc viên của đại sứ Gia-Lạp-Hãn.
Lần này là lần thứ nhất mà tôi trực tiếp kết giao với người Nga. Tôi có hỏi Lạp tiên sinh rằng: “Người nước tôi muốn đi du học quý quốc, nhờ tiên sinh chỉ vẽ đường lối cho”. Lạp nói rằng: “Chính phủ Lao Nông đối với đồng bào thế giới ở nước Nga rất là hoan nghênh, người Việt Nam nay du học lại tiện lợi lắm. Do Bắc Kinh đến Hải Sâm Uy, đường thủy, đường bộ thông được cả. Do Hải Sâm Uy đến Xích Tháp có đường sắt vào Tây Bá Lợi Á, đi thấu được vào Mạc Tư Khoa, kể hành trình chỉ có 10 ngày thôi. Học sinh tới Nga tất trước phải đến Bắc Kinh, có đại sứ nước Lao Nông ở đó, vào xin lĩnh chứng thư và giấy giới thiệu. Được chứng thư của đại sứ thì từ Xích Tháp đến Mạc Tư Khoa, các tổn phí tiền xe và thực dụng thảy có chính phủ Lao Nông ưu đãi cho. Kể từ Việt Nam đến đất Nga, nhu phí chỉ trong 200 đồng chắc dễ biện lắm. Nhưng du học sinh trước khi vào học tất phải quyết tâm thừa nhận những điều kiện như dưới này: 1– Tín ngưỡng chủ nghĩa Cộng Sản. 2– Học thành rồi, về nước tất phải gánh lấy những việc tuyên truyền chủ nghĩa Lao Nông. 3– Học thành rồi, về trong nước mình phải ra sức làm những sự nghiệp cách mệnh. Còn như phí tổn chi dụng trong khi tại học và khi về nước, nhất thiết do chính phủ Lao Nông đảm nhiệm.
Bấy nhiêu lời như trên là những lời mà lúc ấy tôi hội thoại với ông Lạp. Ông Hoàng Đình Tuân dùng tiếng Anh thông dịch cho tôi… Người Nga khi nói chuyện với tôi biểu hiện một cách hòa ái thành thực, tư sắc rành thấy là không đạm không nồng. Tôi còn nhớ một câu rằng: “Chúng tôi được thấy người Việt Nam là bắt đầu từ ông. Ông nếu dùng được chữ Anh làm một bản sách kể cho hết chân tướng người Pháp ở Việt Nam đem cho chúng tôi, chúng tôi cảm tạ mà không dám quên” (4)
Sau lần tiếp xúc này, PBC trở về Quảng Châu không gặp gỡ người Nga nữa mà chỉ lo trung hưng Quang Phục Hội theo tình hình mới, nhất là sau khi xẩy ra vụ Phạm Hồng Thái ám sát toàn quyền Merlin tại Sa Điện. PBC gặp Tưởng Giới Thạch, Lý Tế Thâm đề nghị giúp đưa du học sinh Việt Nam vào trường Hoàng Phố và bàn với các đồng chí cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội đổi thành Việt Nam Quốc Dân Đảng dựa theo khuôn mẫu Trung Hoa Quốc Dân Đảng.
PBC hoàn tất việc soạn thảo các văn kiện căn bản như đảng cương, chương trình vào tháng 9 năm Giáp Tý tức khoảng tháng 10-1924 giao cho Hồ Tùng Mậu đưa về trong nước lấy thêm ý kiến, rồi rời Quảng Châu về Hàng Châu. Theo hồi ức PBC niên biểu, PBC không rõ Hồ Tùng Mậu có chuyển tài liệu về nước không nhưng từ khoảng đầu năm 1925, PBC nhiều lần nhận được thư góp ý của Hồ Chí Minh.
Đây là thời gian Hồ Chí Minh báo cáo với Đệ Tam Quốc Tế về việc vừa lập xong nhóm bí mật Cộng Sản Đoàn với 8 người thuộc Tâm Tâm Xã trong đó có con rể PBC là Vương Thúc Oánh đang hoạt động ở Thái Lan được Hồ Tùng Mậu đích thân qua gặp đưa về Quảng Châu. Hồ Chí Minh đang cùng nhóm này sắp xếp biến Tâm Tâm Xã thành Việt Nam Thanh Niên Đồng Chí Hội vào tháng 6-1925 là thời gian mà người Việt Nam tranh đấu tại Trung Hoa dự trù tổ chức lễ tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái hy sinh ngày 19-6-1924 (tức ngày 15-5 Giáp Tý).
Sự có mặt của PBC trong dịp này là điều mong đợi của mọi người và cũng hoàn toàn hợp ý PBC đang muốn nhân dư vang tiếng bom Phạm Hồng Thái hun nóng nhiệt tình tranh đấu. Do đó, PBC rời Hàng Châu ghé Thượng Hải theo dự trù xuống thuyền tại đây về Quảng Châu.
PBC thuật lại:
“Mười hai giờ đồng hồ chính trưa ngày 11 tháng 5 âm lịch (5) , xe lửa Hàng Châu đi đến Bắc trạm, tôi vì cớ nóng gởi bạc cho ông Trần nên gởi đồ hành lý ở nhà chứa đồ mà tay tôi xách một cái kha-băng nhỏ. Vừa ra cửa trạm thì thấy có một cái cỗ xe hơi, xe khá lịch sự, đứng xung quanh có 4 người Tây, tôi không nhận được ra người Pháp. Bởi vì xứ Thượng Hải người Tây nước nào cũng có, khách sang trọng biết chừng nào mà kể, đem xe hơi rước khách cũng là thông lệ của các lữ quán to.
Tôi có biết đâu chiếc xe hơi này là đồ gian của kẻ cướp bắt cóc người. Tôi mới ra khỏi cửa trạm vài ba bước thì thấy có một người Tây hung dữ lại trước mặt tôi dùng tiếng quan thoại mà nói với tôi rằng: “Trứa cơ xe hấn hảo, xính xin xang xàng xe! – Xe này rất tốt, mời tiên sinh lên xe!”. Tôi đương cự rằng: “ Ngộ bú giảo! – Tôi không cần!”
Thình lình người Tây nữa ở sau xe ra, hết sức đẩy tôi lên xe. Máy xe tức khắc vặn, tôi đã vào tô giới Pháp rồi. Xe chạy đến bờ bể thì binh thuyền nước Pháp đã chực sẵn. Tôi từ đó thành ra người tù phạm ở trong tàu binh”. (6)
Tin PBC bị bắt trở thành làn sóng thúc đẩy bùng nổ một phong trào đấu tranh lan rộng khắp các miền đất nước và ngay tại chính quốc Pháp. Gần như mọi thành phần, mọi giới đều lên tiếng đòi tha PBC, xóa bỏ bản án tử hình khiếm diện năm 1913. Nhiều phần tử trí thức, sinh viên học sinh, đại diện các nghiệp đoàn… nối nhau gửi thư bênh vực PBC tới Hội Quốc Liên, tòa án quốc tế La Haye, Quốc Hội và chính phủ Pháp. Những nhân vật nổi tiếng thân Pháp như học giả Phạm Quỳnh cũng công khai yêu cầu ân xá cho PBC.
Dư luận sôi nổi kéo dài nhiều ngày trước và sau ngày 23-11-1925 là ngày khai diễn phiên tòa tại Hà Nội. Ngay giữa phòng xử luôn rộ lên những tiếng phản đối và đã có một người đứng ra xưng rõ họ tên quê quán là Nguyễn Khắc Doanh, người xã Trình Xuyên, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đệ đơn xin Tòa cho được chết thay PBC. Trong Việt Sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn đã ghi lại cảnh hàng trăm bà già buôn thúng bán bưng quỳ dọc theo phố hàng Đường, Hà Nội dâng thỉnh nguyện thư xin ân xá cho PBC vào lúc Toàn Quyền Alexandre Varenne vừa nhậm chức đi thị sát qua khu phố này. (7)
Đây là lần đầu chính quyền thuộc địa Pháp đứng trước một phong trào đấu tranh quyết liệt và có quy mô bao trùm toàn cõi Việt Nam. Kết quả, Tòa chỉ đưa ra một án tù treo và Toàn Quyền Varenne phải cử Khâm Sứ Trung Kỳ Pierre Pasquier đích thân tới phòng giam Hỏa Lò gặp PBC, sắp xếp việc đưa đi an trí tại Huế.
PBC bị bắt khiến hàng ngũ dân tộc yêu nước mất một điểm tựa mang tính chỉ đạo nhưng đã củng cố thêm niềm tin đặt vào các phong trào đấu tranh và hun nóng nhiệt tình của mọi giới ở trong nước. Riêng PBC cho tới khoảng 1928-1929 khi ngồi viết PBC niên biểu vẫn không hiểu vì sao mật thám Pháp lại biết rõ hành trình của mình để chờ sẵn tại Bắc trạm Thượng Hải, ngoài một mối nghi ngờ:
“Ai dè lúc tôi ra đi, thì cái thời giờ hành động của tôi đã có kẻ nhất nhất mật báo với người Pháp mà cái người mật báo đó lại chính là người ở chung với tôi, từng nhờ tôi nuôi nấng… Người ấy nghe nói tên là Nguyễn Thượng Huyền… gọi cụ Thượng Hiền bằng ông chú, thông chữ Hán, đã từng đậu cử nhân, chữ Pháp, chữ quốc ngữ cũng đủ xài. Tôi nhân yêu tài nó, lưu nó làm thư ký còn như nó làm ma cho Pháp thì tôi có nghĩ tới đâu!” (8)
PBC không cho biết đã được nghe ai nói Nguyễn Thượng Huyền làm ma (tức mật thám) cho Pháp và báo rõ hành trình của ông, tuy nhiên có vẻ tin theo. Vào lúc PBC được nghe nói như thế thì tại Hà Nội, năm 1928, nhà xuất bản Nam Đồng Thư Xã cho phát hành tập tài liệu Ai bán đứng cụ PBC? của tác giả Nhượng Tống nêu đích danh người báo cho mật thám Pháp bắt PBC là nhóm Lý Thụy, Lâm Đức Thụ. Nhượng Tống phát giác sự việc trên dựa theo nhiều nguồn tin từ những người xung quanh PBC tại Trung Hoa.
Vào thời điểm đó, Lý Thụy cũng như Lâm Đức Thụ không phải những nhân vật tên tuổi trong hàng ngũ đấu tranh và cũng chưa tiêu biểu nổi cho một xu hướng chính trị rõ rệt nào ngoài tư cách người của tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội vừa được thành hình. Điều mọi người biết về Lâm Đức Thụ chỉ là còn có tên Trương Béo hoặc Hoàng Chấn Đông, tên thật là Nguyễn Công Viễn, từng tham gia Tâm Tâm Xã của PBC và có tương quan với tòa lãnh sự Pháp tại Hong Kong.
Như vậy, những nguồn tin mà Nhượng Tống nhận được chắc chắn không do dụng ý chống Cộng nhắm xuyên tạc về lãnh tụ Hồ Chí Minh như các tác giả Cộng Sản Việt Nam sau này nêu ra. Trên thực tế, cái tên Hồ Chí Minh chỉ xuất hiện từ tháng 8-1945 và năm 1928 không ai biết Lý Thụy là Nguyễn Ái Quốc. Hơn nữa, dù năm 1949 Nhượng Tống bị Cộng Sản ám sát tại Hà Nội, nhưng vào năm 1928, Nhượng Tống chưa hề đặt Cộng Sản vào thế thù địch.
Nhượng Tống bước vào làng báo năm 1924 chuyên hoạt động về văn hóa cho đến cuối tháng 12-1927 mới gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học. Tập tài liệu Ai bán đứng cụ PBC? có thể được viết từ trước thời điểm này để ấn hành kịp vào năm 1928 và như thế Nhượng Tống không những chưa biết Lý Thụy là cán bộ Đệ Tam Quốc Tế mà thậm chí còn không biết Lý Thụy là ai nữa. Người ta đã biết tới cuối năm 1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng còn cử người qua Thái Lan liên lạc với Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đề nghị giúp đỡ võ khí để khởi nghĩa.
Thực ra, không chỉ riêng Nhượng Tống nhận được các tin tức cho biết Lý Thụy và Lâm Đức Thụ chủ mưu bán đứng PBC. Năm 1948, trên tạp chí Cải Tạo tại Hà Nội số tháng 10-1948 được Joseph Buttin-ger trích lại (9), Đào Trinh Nhất đã viết bài Một bí mật chưa ai nói ra nêu tên Hồ Chí Minh là kẻ chủ mưu bán đứng PBC cho mật thám Pháp.
Đặc biệt hơn, chính Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là người từng có Lâm Đức Thụ bên cạnh nhiều năm ở Trung Hoa cũng ghi lại sự việc này như sau:
“Cuối tháng 5 năm 1925, Lâm Đức Thụ viết thư và gửi tiền lên Hàng Châu cho ông PBC, mời về Quảng Châu nhân dịp kỷ niệm Phạm Hồng Thái ngày 19 tháng 6, làm một cuộc tuyên truyền lừng lẫy cho cách mệnh Việt Nam. Ông Phan nhận được thư và tiền, liền đi Thượng Hải để đáp tàu thủy về Quảng Châu. Ông Phan đi rồi, mãi không thấy có thư từ gì về, bọn Hồ Học Lãm ở Hàng Châu lấy làm lạ, viết thư hỏi các đồng chí ở Quảng Châu. Thư trả lời nói không thấy ông Phan xuống đó, ai cũng lo.
Hơn một tháng sau, Lâm Chi Hạ, chủ nhiệm Quân Sự Biên Tập Xứ, tiếp được một phong thư từ Sán Đầu gửi tới, có kèm theo một mảnh thư do ông Phan viết, mới biết là ông bị bắt rồi.
Gửi thư ấy đến Lâm Chi Hạ là một học sinh Tàu. Người này cho biết rằng nhân dịp nghỉ hè, từ Thượng Hải về Sán Đầu thăm nhà, gặp ông Phan ở trên tàu thủy, ông Phan thừa lúc người đi kèm không ở cạnh, nói chuyện với y và viết mảnh giấy ấy, nhờ y gửi đi Hàng Châu cho Lâm Chi Hạ.
Cứ như lời ông Phan nói trong mảnh giấy ấy thì khi ông đi xe lửa từ Hàng Châu đến Thượng Hải, vừa ra khỏi cửa ga, liền bị mấy người cảnh sát tô giới Anh núm lấy, điệu lên xe hơi đưa đến tô giới Pháp giao cho người Pháp. Ông bị giam ở đó ít lâu, rồi bị giải về nước bằng tàu thủy.
Lâm Đức Thụ ở Quảng Châu, lúc đầu cố phao vu cho người này người khác để che lấp tội ác của mình nhưng về sau thấy ông Phan bị bắt về đến trong nước, thành ra một cuộc tuyên truyền có hiệu lực cho cách mệnh, Lâm Đức Thụ mới khoe với mọi người đó là công hắn, vì chính hắn bắt ông Phan. Hắn lại nói sở dĩ bắt ông Phan là vì hắn nghĩ ông đã trở nên già hủ, không thích hợp với thời đại mới nữa, ở ngoài bất quá biết làm mấy câu văn tuyên truyền hão bằng chữ Nho, chẳng được chuyện gì, không bằng đưa ông về nước lấy bản thân ra làm lợi khí tuyên truyền, lại có ích hơn” (10)
Những ý kiến mà Cường Để ghi là của Lâm Đức Thụ đã được Hoàng Văn Chí dựa theo tài liệu của nhạc phụ là Sở Cuồng Lê Dư xác nhận là ý kiến của Hồ Chí Minh. Lúc đó, nhóm Lâm Đức Thụ rất tin theo Hồ Chí Minh và đang tính toán biến Tâm Tâm Xã thành tổ chức riêng. Một vấn đề khiến cả nhóm ưu tư là có thể gặp trở ngại khi PBC không đồng ý, vì PBC đang tiến hành việc cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng theo khuôn mẫu Trung Hoa Quốc Dân Đảng.
Lê Dư theo PBC hoạt động trong Tâm Tâm Xã nhưng gần gũi với Lâm Đức Thụ. Vì thế, Lê Dư đã được nghe nhắc tới ý kiến của Hồ Chí Minh – lúc đó mang tên Lý Thụy và biệt danh Vương Sơn Nhị. Theo Lê Dư, Hồ Chí Minh đã nói:
“Cụ đã gần đất xa trời mà chẳng nên công việc gì, chi bằng bán cụ cho Pháp lấy tiền cho Đảng ta”.
Một người trực tiếp nghe Hồ Chí Minh phát biểu như trên là Vương Thúc Oánh. Vương Thúc Oánh là người thứ 7 trong 9 hội viên bí mật của Cộng Sản Đoàn thành lập vào tháng 2-1925. Lúc đó, Vương Thúc Oánh rời Thái Lan theo Hồ Tùng Mậu về Quảng Châu và luôn có mặt trong mọi phiên họp bàn bạc về hoạt động của nhóm.
“Trong cuốn sách tự thuật in vào năm 1962, Vương Thúc Oánh cho biết trong phiên họp khoảng đầu năm 1925 của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, một hội vừa mới được Lý Thụy móc nối và thành lập, và Vương Thúc Oánh có hiện diện trong buổi họp đó, Lý Thụy nói: “Cụ Phan ái quốc thật, nhưng cụ đã quá già, đầu óc rất khó hấp thụ những trào lưu tư tưởng mới. Cụ lại quá thành thực, dễ tin người …”
Lý Thụy đã lý luận hãy để cho cụ Phan trở thành biểu tượng đấu tranh bằng cách để người Pháp bắt giam cụ Phan xong rồi Hội tổ chức các cuộc đấu tranh cho cụ. Song song, khi bán tin cho người Pháp bắt cụ, người Pháp phải gởi lại cho Hội một số tiền và Hội dùng số tiền này để phát triển lực lượng. Lý luận “nhất cử lưỡng tiện” này đã được các thành viên trong Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội biểu quyết chấp thuận”. (11)
Vương Thúc Oánh là con rể PBC cũng không thể phản đối và số tiền nhận được từ người Pháp trong vụ này, theo Vương Thúc Oánh, là 10 vạn quan, tức 100 ngàn quan. Vụ “bán người” này được hầu hết các tác giả khác nhắc tới trong số có Đào Văn Hội, tác giả Ba nhà chí sĩ họ Phan, cho biết thêm một chi tiết khác:
“Sau khi PBC đi Hàng Châu, Lý Thụy và Lâm Đức Thụ đã triệu tập các nhà cách mạng tại Quảng Châu lại, trừ Nguyễn Hải Thần, để bàn về vấn đề tài chánh. Không ai đưa ra được giải pháp nào về vấn đề này. Lâm Đức Thụ đã đề nghị hy sinh cụ PBC… Và hội nghị đã ủy cho Lâm Đức Thụ và Phan Vị đến tiếp xúc với tòa TLS Pháp ở Hương Cảng để thương lượng” (12).
-----------------------------------------------
CHÚ THÍCH
(01) PBC Niên Biểu hay Tự Phán là tác phẩm được biên soạn trong thời gian PBC bị quản thúc tại Huế từ 1925 đến 1940. Tác phẩm viết bằng Hán văn do chính PBC tự dịch ra Việt văn, mang tính hồi ức về nhiều nhân vật, sự việc đã qua từ thời thiếu niên tới lúc bị bắt đưa về Huế và được in thành tập 6 của bộ PBC Toàn Tập do Chương Thâu biên soạn, Nxb Thuận Hóa, Huế 1990. PBC Niên Biểu đã được Nguyễn Khắc Ngữ chú giải, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa ấn hành tại Saigon 1973 và được Huy Phong – Yến Anh sưu tầm trích lại trong Exploring the Hồ Myth, Thằng Mõ, Cali xb 1998.
(02) Ngoài Phong trào Duy Tân và Đông Du, PBC còn sáng lập Việt Nam Quang Phục Hội, Việt Nam Cống Hiến Hội, Tâm Tâm Xã, và ba tổ chức có tính liên quốc gia Chấn Hoa Hưng Á Hội, Đông Á Đồng Minh Hội, Điền Quế Việt Liên Minh Hội. Ông cũng là người có sáng kiến phát hành Việt Nam Quang Phục Quân Quân Dụng Phiếu để gây quỹ hoạt động cách mạng... Ông đã có những trước tác khá quan trọng như Liên Á Sơ Ngôn, Tân Việt Nam toàn thư, Ngục Trung Thư…
(03) PBC Toàn Tập - Nxb Thuận Hóa, Huế 1990 – Tập 6, tr. 271-273. Theo chú thích thì tên người Nga trưởng đoàn Du Hoa Đoàn có thể là Iurine Voitinski, tên Nga của viên tham tán (được gọi là Lạp tiên sinh) là Khodorov và tên đại sứ Nga lúc đó là Karakhan.
(04) Nguyên văn trong PBC niên biểu, bản do Chương Thâu biên tập: “Nguyễn Ái Quốc tiên sinh từ Mạc Tư Khoa kinh thành nước Nga về đến Quảng Đông, ý ông chưa lấy chương trình, đảng cương này làm hoàn thiện, ông đã nhiều lần viết giấy cho tôi, bảo phải sửa sang nhuận sắc lần nữa, nhưng chưa được bao lâu thì tôi bị bắt về Hà Nội”.
PBC niên biểu, bản do Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt chép là: “…thường thường bàn với tôi nên sửa đổi lại…”
PBC niên biểu, bản do Nguyễn Khắc Ngữ chú giải chép là: “…ông đã nhiều lần nhắc tôi thay đổi…”
(05) Tức ngày 30-6-1925.
(06)-(08) PBC Toàn Tập – Nxb Thuận Hóa, Huế 1990 – Tập 6, tr. 290-291, 289-290
(07)-(22) Việt Sử Tân Biên – Phạm Văn Sơn, Sàigòn 1972 – Q.7, tr. 254, 229
(09) Vietnam, a dragon embattled – Joseph Buttinger, Tome I, tr. 153
(11) Cuộc đời Cách Mạng – Cường Để, Saigon 1968, tr. 121
Đừng nghe những gì Cộng sản nói! Hãy nhìn những gì Cộng sản làm! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi!