main billboard

Cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 do một nhóm sĩ quan cấp tá lãnh đạo.

vnch ttdiem

1.-   TÌNH HÌNH CHUNG TRƯỚC ĐẢO CHÁNH

Sau khi thành lập năm 1955, tình hình an ninh và chính trị Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) khả quan được vài năm thì bị xáo trộn trở lại vào đầu thập niên 60, có thể vì nhiều lý do:

Thứ nhất, tại Hà Nội sau hội nghị Trung ương đảng ngày 13-5-1959 và Đại hội III đảng Lao Động (từ 5-9 đến 10-9-1960), Bắc Việt Nam (BVN) quyết định tấn công Nam Việt Nam (NVN) mà CS nói là”giải phóng” miền Nam bằng võ lực. Theo hiệu lệnh nầy, du kích cộng sản nằm vùng tại NVN từ năm 1954, hoạt động trở lại, quậy phá và tấn công khắp nơi. Miền Nam bắt đầu mất an ninh.

Thứ hai, hiến pháp VNCH ngày 26-10-1956 thừa nhận quyền tự do lập hội (điều 15), tự do nghiệp đoàn (điều 23), nhưng không đề cập đến quy chế chính đảng, quyền lập chính đảng và quyền đối lập chính trị. Chế độ Ngô Đình Diệm không chấp nhận bất đồng chính kiến và đối lập chính trị. Các đảng phái bị đánh dẹp trừ đảng Cần Lao do Ngô Đình Nhu lãnh đạo. Đảng Cần Lao là đảng duy nhất có quân ủy tức ủy ban đảng trong quân đội, ngược với truyền thống đứng ngoài các đảng phái chính trị của quân đội VNCH. Những lãnh tụ đối lập với chính quyền Diệm lần lượt bị bắt giam. (Sau nầy có một số tướng lãnh và sĩ quan gia nhập đảng phái là cá nhân bí mật vào đảng, trong khi tập thể quân đội đứng ngoài đảng.)

Ông Diệm đi vào con đường sùng bái cá nhân. Rõ nhất là ngay từ năm 1955, mỗi lần chào cờ bất cứ ở đâu, bản nhạc “Suy tôn Ngô tổng thống” đều được trình diễn tiếp ngay sau bản quốc ca.  Bài hát xưng tụng “Ngô tổng thống, Ngô tổng thống muôn năm...” Ông Diệm biết, nghe, và chứng kiến việc suy tôn mình trong các buổi lễ, mà không ra lệnh sửa sai, dẹp bỏ, nghĩa là ông Diệm đồng lòng với sự suy tôn nầy. (Bản nhạc “Suy tôn Ngô tổng thống” do Thanh Nam đặt lời, Ngọc Bích phổ nhạc.)

Sau khi củng cố được địa vị, trong công việc cai trị, tổng thống Diệm chỉ tin tưởng và trọng dụng những người trong gia đình, những đảng viên Cần Lao và những thủ hạ thân tín chung quanh gia đình của ông. (Vĩnh Phúc, Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, California: Nxb. Văn Nghệ, 1998, tr. 24.) Ngoài ra, “Sau khi đã vững chỗ ngồi, ông [Diệm] quay qua thanh toán những người đã từng sát cánh với ông, đã từng phò tá ông trong những lúc hoạn nạn khó khăn…” (Vĩnh Phúc, sđd. tr. 446), nên nhân tài lần lượt tránh xa ông Diệm, nếu không bị ông thanh toán.

Thứ ba, lúc đó dân chúng than phiền về nạn tham nhũng và lạm quyền của một số viên chức chính phủ hay đảng viên Cần Lao, càng ngày càng gia tăng, làm tổn hại đến uy tín chính trị của chế độ Diệm. Sách hồi ký của các tướng lãnh hay các nhân vật chính trị đương thời đều đề cập đến nạn tham nhũng thời kỳ nầy. (Ví dụ: các sách của Đỗ Thọ, Trần Văn Đôn, Nguyễn Trân, Nguyễn Bá Cẩn …) Tham nhũng thời ông Diệm còn giới hạn chứ không tràn lan như cộng sản ngày nay.

Quốc hội lập pháp khóa 2 được bầu ngày 30-8-1959. Cũng như quốc hội khóa trước, đại đa số đắc cử đều thân chính quyền. Tại Sài Gòn, Nguyễn Trân đắc cử ở quận I và Phan Quang Đán đắc cử ở quận II, nhưng cả hai đều bị “Ủy ban hợp thức hóa” của Quốc hội loại bỏ, vì cho rằng các ông vi phạm luật bầu cử. Ai cũng biết ông Diệm sử dụng Ủy ban hợp thức hóa của Quốc hội để loại bỏ những nhân vật đối lập. (Đoàn Thêm, 1945-1964, Việc từng ngày, Hai mươi năm qua, California: Xuân Thu tái bản, tr. 260.)

Chính phủ Diệm kiếm cách ngăn chận đối lập chính trị, nhưng cũng không cản được 18 chính khách trong Ủy Ban Tiến Bộ và Tự Do, hội họp tại khách sạn Caravelle ở Sài Gòn ngày 26-4-1960, cùng ký kháng thư công khai phản đối chế độ Diệm. Kháng thư nầy thường được gọi là “Tuyên ngôn Caravelle”, phản đối việc kiểm soát báo chí, tố cáo nạn bè phái và yêu cầu tổng thống Diệm nới rộng chính phủ, tái lập các quyền tự do căn bản. (Nguyễn Trân, Công và tội, những sự thật lịch sử, California: Nxb. Xuân Thu , 1992, tr. 324.)  Mười tám người nầy là (theo thứ tự A, B, C, họ, chữ lót, tên): Hồ Văn Vui (linh mục), Huỳnh Kim Hữu, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Lưu Viên, Nguyễn Tăng Nguyên, Nguyễn Tiến Hỷ, Phạm Hữu Chương, Phan Huy Quát, Phan Khắc Sửu, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Hương, Trần Văn Lý, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Văn. (Trần Văn Đôn, Việt Nam nhân chứng, California: Nxb. Xuân Thu, 1989,  tt. 168-169.) Mười tám chính khách nầy thuộc nhiều tôn giáo khác nhau và có nhiều người đã từng giúp đỡ hay cộng tác với ông Diệm.

Các nhân sĩ ký tên vào bản “Tuyên ngôn Caravelle” không bị chính phủ Diệm bắt giam, một phần vì các nhân sĩ nầy uy tín khá lớn, thuộc nhiều thành phần xã hội, tôn giáo và chính trị, kể cả một số đã từng cộng tác với ông Diệm, và một phần khác vì áp lực của Tòa đại sứ Hoa Kỳ.

Lúc đó, về phía Hoa Kỳ, tòa đại sứ ngầm yêu cầu chính phủ Diệm tìm cách cải cách chính trị.  Có lần đại sứ Elbridge Durbrow thúc đẩy tổng thống Diệm nên gởi cố vấn Ngô Đình Nhu ra nước ngoài, nhưng tổng thống Diệm không nghe theo những yêu cầu về phía Hoa Kỳ.  (Thomas L. Ahern Jr., CIA and the House of Ngo, tr. 138.)

Để đáp ứng tình thế mới, tổng thống Diệm cải tổ chính phủ ngày 18-10-1960, không nới rộng mà chỉ thay đổi các chức vụ sau: bộ trưởng Quốc phòng: Nguyễn Đình Thuần thay Trần Trung Dung; bộ trưởng Nội vụ: Bùi Văn Lương thay Lâm Lễ Trinh; bộ trưởng Tư pháp: Nguyễn Văn Lượng thay Nguyễn Văn Sĩ.

Một biến chuyển quốc tế ảnh hưởng nhiều đến nền chính trị Việt Nam là vào ngày 8-11-1960, trong cuộc tranh cử ở Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ John F. Kennedy, ứng cử viên đảng Dân Chủ, đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, đánh bại ứng cử viên của đảng Cộng Hòa là Richard Nixon. Nixon nguyên là phó tổng thống trong chính phủ Dwight David Eisenhower (tổng thống hai nhiệm kỳ1953-1961). Thay đổi tổng thống mới theo chính đảng đối lập ở Hoa Kỳ, báo hiệu chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trên thế giới nói chung và về Việt Nam nói riêng sẽ có những thay đổi mới.

2.-   DIỄN TIẾN CUỘC ĐẢO CHÁNH

Cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 do một nhóm sĩ quan cấp tá lãnh đạo.  Các nhân vật chính trong binh biến nầy là các trung tá Nguyễn Triệu Hồng, Vương Văn Đông, đại tá Nguyễn Chánh Thi (tư lịnh Lữ đoàn Nhảy dù), và các thiếu tá Phan Trọng Chinh, Phạm Văn Liễu…

Theo Nguyễn Chánh Thi, thì chính ông ta là người chủ xướng cuộc đảo chánh. (Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam: một trời tâm sự, California: Nxb. Xuân Thu, 1987, tr. 115.)  Tuy nhiên, theo luật sư Hoàng Cơ Thụy, hai trung tá Nguyễn Triệu Hồng và Vương Văn Đông (tùng sự tại Đại học Quân sự Sài Gòn) mới là những người chủ xướng cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 và đại tá Nguyễn Chánh Thi hợp tác vào giờ chót. (Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo luận, cuốn 5, Paris: Nam Á, 2002, tr. 2824.)  Hoàng Cơ Thụy còn trưng ra bản cáo trạng của chính phủ Diệm sau khi cuộc đảo chánh thất bại, theo đó Vương Văn Đông và Nguyễn Triệu Hồng chủ xướng và ép Nguyễn Chánh Thi phải hợp tác.

Nhân vật chính về phía dân sự tham gia vào biến cố nầy lúc đầu là luật sư Hoàng Cơ Thụy.  Trong cuộc họp tại nhà Hoàng Cơ Thụy vào đêm trước ngày đảo chánh, có một nhân viên CIA tên là George Carver.  Về mặt nổi, Carver là một nhân viên USOM. (Vĩnh Phúc, sđd. tr. 264-265.)

Lực lượng đảo chánh gồm 4 tiểu đoàn Nhảy dù (1, 3, 4, và 8) và Liên đoàn Biệt động quân.  Sáng ngày 11-11-1960, khoảng 3G:30, nhóm đảo chánh bao vây dinh Độc Lập và chiếm nhà Bưu điện Sài Gòn.  Viên sĩ quan phụ trách việc phá hệ thống điện thoại Sở Bưu điện thiếu hiểu biết chuyên môn, không phá được hệ thống khẩn cấp đặt dưới hầm nhà Bưu điện, nên từ dinh Độc Lập, nơi tổng thống ở và làm việc, tổng thống vẫn liên lạc được với bên ngoài. (Vĩnh Phúc, sđd. tr 266.)

Lực lượng đảo chánh tấn công thành Cộng Hòa (trên đường Thống Nhất, gần Thảo cầm viên tức Sở thú), nhưng Liên binh Phòng vệ Phủ tổng thống đóng ở đây, chống trả mãnh liệt.

Cho đến 5G:00 sáng ngày 11-11, phía đảo chánh chiếm được các vị trí sau đây:  Bộ tổng tham mưu Quân đội VNCH (gần Tân Sơn Nhất), Căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, Nha tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia và Nha Cảnh sát đô thành (lúc đó ở vùng đường Nguyễn Cư Trinh -Võ Tánh), Bộ Tư lệnh Quân khu thủ đô (lúc đó ở Hòa Hưng) và bắt giam tư lệnh quân khu là trung tướng Thái Quang Hoàng.  Trong khoảng thời gian nầy (5G:00 sáng), một sĩ quan chỉ huy cuộc đảo chánh là trung tá Nguyễn Triệu Hồng bị tử thương ở gần dinh Độc Lập.

Lúc đó, trong Dinh Độc Lập, ngoài tổng thống Diệm, gia đình Ngô Đình Nhu, còn có Võ Văn Hải, chánh văn phòng tổng thống và đại úy Bằng, sĩ quan cận vệ, cùng bộ phận quân đội phòng thủ. (Hoàng Cơ Thụy, sđd. tr. 2843.)  Quân đảo chánh tìm bắt thiếu tướng Nguyễn Khánh, nhưng trước đó vài tuần, Nguyễn Khánh đã dọn đến một ngôi nhà mới, nên phe đảo chánh không biết.  Khi nghe súng nổ, Nguyễn Khánh kiếm cách trốn vào dinh Độc Lập lúc 3G:30 sáng. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, the Vietnam War, 1954-1965, Cambridge: Cambridge University Press, 2006, tr. 110.)

Khoảng 8G:30 sáng 11-11-1960, Đài phát thanh Sài Gòn phát đi nhật lệnh của đại tá Nguyễn Chánh Thi, tự xưng là tổng tư lệnh quân đội cách mạng, gởi tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính, tố cáo nặng nề chính phủ Ngô Đình Diệm và kêu gọi quân đội hoàn thành nhiệm vụ cứu nước.

Trong khi đó, về phía chính phủ, tổng thống Diệm giao cho Võ Văn Hải, chánh văn phòng phủ tổng thống, nhiệm vụ liên lạc và nói chuyện với nhóm đảo chánh.  Khoảng trước 9 giờ sáng ngày 11-11-1960, ông Hải gặp Nguyễn Chánh Thi, rồi gặp Vương Văn Đông.  Ông Đông đồng ý điều đình, nhưng yêu cầu tổng thống Diệm phải từ chức và “Hội đồng Cách mạng” sẽ bảo đảm an ninh cho gia đình ông Diệm ra nước ngoài. (Hoàng Cơ Thụy, sđd. tr. 2847.)

Trong dinh Độc Lập, từ sau 10 giờ sáng, tổng thống Diệm dùng hệ thống vô tuyến riêng, đọc lời kêu gọi các lực lượng trung thành với chính phủ đem quân về thủ đô dẹp cuộc đảo chánh, cứ khoảng 5 phút phát một lần. (Nguyễn Chánh Thi, sđd. tr. 131.)  Nguyên văn điện văn như sau: “Đây là Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, ra lệnh cho Bộ chỉ huy các Quân khu:  Đêm nay hồi 3 giờ sáng, một số sĩ quan trung cấp đã bội phản và phỉnh gạt binh sĩ để mưu đảo chánh tại Thủ đô.  Hiện giờ Tổng tham mưu và Quân khu Thủ đô tạm thời gián đoạn liên lạc, một số sĩ quan cao cấp cũng mất liên lạc.  Vậy các Tư lệnh Quân khu phải bình tĩnh và tự vệ cẩn mật để chờ lệnh của sĩ quan liên lạc Phủ tổng thống.  Đại tá Trần Thiện Khiêm, Quân khu 5, phải cho đoàn Thiết giáp Mỹ Tho lên ngay đậu tại Phú Lâm chờ lệnh, và đại tá Trần Thiện Khiêm lấy một tiểu đoàn lên ngay tại Phú Lâm đợi lệnh.” (Trích: Nguyễn Chánh Thi, sđd. tr. 131.)

Võ Văn Hải làm con thoi liên lạc giữa dinh Độc Lập và nhóm sĩ quan đảo chánh.  Sau khi ông Hải gặp Vương Văn Đông lần thứ 3 tại nhà trung tướng Dương Văn Minh, lúc 12G:30 ngày 11-11-1960, Vương Văn Đông điện thoại và nói chuyện trực tiếp với tổng thống Diệm.  Tổng thống Diệm báo cho ông Đông biết là muốn cải tổ chính phủ thì phải theo thể thức hợp pháp, tức phải thông qua Quốc hội, nhưng ông Đông vẫn nhất quyết đòi tổng thống phải từ chức. (Hoàng Cơ Thụy, sđd. tt. 2849-2850.)

Chiều 11-11-1960, Võ Văn Hải gặp Vương Văn Đông lần thứ tư tại nhà tướng Lionel C. McGarr,  người mới thay tướng Williams đứng đầu đoàn cố vấn quân sự Hoa Kỳ.  Ông Hải đưa ra giải pháp dung hòa là lưu giữ tổng thống Diệm và giải tán chính phủ, chỉ định một thủ tướng mới nhằm thành lập chính phủ lâm thời.  Trung tá Vương Văn Đông đồng ý, nhưng yêu cầu tổng thống Diệm chính thức tuyên bố giải tán chính phủ.

Tối hôm đó, lúc 8 giờ tối 11-11-1960, tổng thống Diệm điện thoại cho đại tướng Lê Văn Tỵ, giao cho ông Tỵ trách nhiệm lập chính phủ quân nhân.  Đại tướng Lê Văn Tỵ công bố trên Đài phát thanh một bản nhật lệnh lúc 9 giờ tối 11-11-1960, gồm ba điểm chính, nguyên văn như sau: “Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa,/ Giữa lúc cuộc chính biến nghiêm trọng diễn ra tại Thủ đô, hôm nay tôi đã hội đàm với Tổng thống Ngô Đình Diệm và đã đi đến những thỏa thuận sau đây để duy trì sự đoàn kết của Quân đội: 1) Tổng thống đồng ý giải tán chính phủ hiện tại sau khi đã thảo luận về vấn đề quốc sự với Ủy ban Cách mạng.  2) Với sự đồng ý của Ủy ban Cách mạng, Tổng thống ủy thác cho một số sĩ quan trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa trách nhiệm thành lập một chánh phủ quân nhân lâm thời.  Chánh phủ nầy tiếp tục cuộc chiến đấu chống Cộng sản để bảo vệ Tổ quốc.  3) Ngay sau khi nhận được lệnh nầy, tất cả các đơn vị phải lập tức ngưng bắn, tiếp tục hoạt động trở lại và phải luôn luôn bình tĩnh đề cao cảnh giác đề phòng sự phá hoại của Việt Cộng.  KBC 4002, ngày 12 thánh 11 năm 1960 / Đại tướng Lê Văn Tỵ/ Tổng tham mưu trưởng QĐ/ VNCH.” (Trích: Nguyễn Chánh Thi, sđd. tt. 144-145.)

Đến 6G:20 sáng 12-11-1960, bản “Tuyên cáo của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa” được đưa lên Đài phát thanh do tổng thống Diệm đọc. (Mark Moyar, sđd. tr. 112.)  Nguyên văn bản tuyên cáo như sau: “Quốc dân đồng bào,/ Tiếp theo cuộc nổi dậy tại Thủ đô tối nay, để cho Quân đội chúng ta được toàn vẹn trong cuộc chiến đấu chống cộng, Tôi, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, đã quyết định giải tán Chính phủ hiện thời.  Tôi kêu gọi các Tướng lãnh Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thành lập một Chánh phủ Lâm thời để có thể chiến đấu chống cộng và bảo vệ xứ sở. Đồng thời tôi sẽ phối hợp với Hội đồng Cách mạng thành lập một chánh phủ Liên hiệp.  Để tránh đổ máu và trấn an dân chúng, tôi ra lệnh Hội đồng các tướng lãnh tìm tất cả các phương pháp thích nghi chấm dứt mọi cuộc tuyên truyền xuyên tạc và ngưng bắn./ Ngô Đình Diệm.” (Trích: Hoàng Cơ Thụy, sđd. tr. 2855.)

Trong khi đó, đại tá Trần Thiện Khiêm đem quân Sư đoàn 7 từ Mỹ Tho và đại tá Huỳnh Văn Cao đưa quân Sư đoàn 5 từ Biên Hòa về thủ đô cứu viện, đến Sài Gòn sáng 12-11.  Lực lượng đảo chánh bắt đầu nao núng.  Vào buổi chiều, các tiểu đoàn Nhảy dù rút lui dần dần.  Quân trung thành với chính phủ Diệm làm chủ tình thế.

Trước khi phi trường Tân Sơn Nhất được quân chính phủ kiểm soát trở lại khoảng trưa ngày 12-11-1960, các sĩ quan đảo chánh dùng phi cơ C-47 rời khỏi Việt Nam, bắt theo trung tướng Thái Quang Hoàng làm con tin.  Qua Cao Miên, trung tướng Hoàng xin trở về Việt Nam, và được Miên trả về Việt Nam ngày 15-11-1960. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 283.)

Khoảng 6 giờ chiều ngày 12-11-1960, tổng thống Diệm tuyên bố trên đài phát thanh rằng chính phủ đã dẹp yên quân phiến loạn, hứa “sẽ tiếp tục phục vụ đất nước và dân tộc theo đường lối Cộng Hòa và Nhân vị...” (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập I-C, Houston: Nxb. Văn Hóa: 2000, tr. 194.)  Ngày 15-11-1960, tổng thống Diệm thành lập Uỷ ban điều tra về cuộc đảo chánh 11-11-1960, do thiếu tá Trần Khắc Kính cầm đầu.  Uỷ ban nầy làm việc đến cuối tháng 3-1961, thì hoàn tất hồ sơ.

3.-   HẬU QUẢ CUỘC ĐẢO CHÁNH

Sau cuộc binh biến, chính phủ bắt giữ nhiều nhà chính trị đối lập như Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lương, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Chữ, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Thành Vinh, Trương Bảo Sơn, Lê Ngọc Chấn … vì liên hệ đến binh biến.  Trong số nầy, một số người trước đây đã ký vào “Tuyên ngôn Caravelle” ngày 26-4-1960.   Trần Văn Hương bị bắt ngày 12-11-1960, nhưng được thả trong vài tuần. (Hoàng Cơ Thụy, sđd., tr. 2866.)  Nhất Linh Nguyễn Tường Tam bị bắt rồi được thả về.

Theo tác giả Nguyễn Tường Thiết (con của Nhất Linh), trong bài “Sự thật về cái chết của Nhất Linh”, nhật báo Người Việt, California ngày 1-2-2012, thì Nhất Linh biết trước cuộc đảo chánh sẽ xảy ra, nhưng Nhất Linh không tham gia và không liên hệ đến cuộc đảo chánh, nên chính quyền Diệm thả Nhất Linh. Theo Vĩnh Phúc, sđd. tt. 220-224, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam vào tỵ nạn trong Tòa đại sứ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ở Sài Gòn.  (Nhất Linh quen biết với các lãnh tụ Trung Hoa Quốc Dân Đảng khi hoạt động ở Trung Hoa.)  Đại sứ Vương Tử Kiện nhờ một linh mục Dòng Tên (Jésuite) người Bỉ trình bày với tổng thống Diệm.  Tổng thống Diệm chuyển qua ông Nhu.  Ông Nhu giao cho Trần Kim Tuyến.  Ông Tuyến bảo lãnh với đại sứ Đài Loan.  Tòa đại sứ Đài Loan giao Nhất Linh cho Công an Việt Nam.  Nhất Linh bị giữ hai ngày, làm thủ tục rồi được thả về. Vĩnh Phúc dựa theo tài liệu của Trần Kim Tuyến.

Một nhân vật dân sự quan trọng trong cuộc binh biến ngày 11-11-1960 là Hoàng Cơ Thụy nhờ người Mỹ sắp đặt, giúp ông trốn thoát ra nước ngoài. (Mark Moyar, sđd., tr. 114.)  Trong sách Việt sử khảo luận cuốn 5, Hoàng Cơ Thụy cho biết ông lưu vong từ 4-12-1960 đến ngày 20-11-1963 mới trở về sau khi chính phủ Diệm sụp đổ, nhưng không cho biết nơi lưu vong.  Có tài liệu cho rằng ông Thụy trốn vào Tòa đại sứ Mỹ, qua Phi Luật Tân, rồi qua Nhật Bản.

Số thiệt hại nhân mạng trong cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 là: 20 thường dân và 23 quân nhân thiệt mạng, trong đó có trung tá Nguyễn Triệu Hồng; số bị thương khoảng 54 thường dân và 214 quân nhân. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 283.)

Về phương diện chính trị, trong thời gian quân đảo chánh làm chủ Đài phát thanh, chính phủ Diệm bị chỉ trích nặng nề. Trên đài Phát thanh, những sai lầm của chính phủ lâu nay bưng bít, nay có cơ hội được đưa ra ánh sáng và truyền đi công khai khắp nước.

Trong khi thương thuyết với phe đảo chánh, tổng thống Diệm công khai hứa trên đài phát thanh sẽ giải tán chính phủ, thành lập chính phủ lâm thời, nhưng khi lật ngược được tình thế, ông Diệm không giữ lời hứa, quay qua đàn áp những người đảo chánh và các nhóm đối lập mạnh mẽ hơn.  Tổng thống, kiêm nhiệm tổng tư lệnh quân đội VNCH, còn hứa hẹn với đại tướng tổng tham mưu trưởng để ông nầy ra nhật lệnh trấn an các sĩ quan đảo chánh.  Vì nghe lời thượng cấp, các sĩ quan nầy bị đàn áp.  Dân chúng và quân đội nghĩ gì về việc nầy?  Lúc đó dưới quyền lực của chế độ Diệm, không ai dám nói ra, nhưng sự thất hứa của tổng thống đã phải trả giá ba năm sau:  Khi đảo chánh bùng nổ trưa ngày 1-11-1963, từ dinh Gia Long, tổng thống Diệm điện thoại cho trung tướng Trần Văn Đôn trong nhóm đảo chánh lúc 3G.30 chiều hôm đó, hỏi lý do động binh và yêu cầu các tướng đảo chánh đến dinh Gia Long điều đình, nhưng phía đảo chánh không chấp thuận, vì sợ bị sập bẫy như cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960. (Mark Moyar, sđd., tr. 268.)

KẾT LUẬN

Như thế, tổng thống Ngô Đình Diệm gặp nhiều chống đối vào khoảng cuối nhiệm kỳ đầu; những người tài giỏi giúp ông Diệm lần lượt tránh xa ông; những bất mãn về nạn tham ô của các quan chức; và nhất là sự chống đối của những đảng phái đối lập và những nhà bất đồng chính kiến.

Thông thường, một chế độ không chấp nhận bất đồng chính kiến, tiêu diệt đối lập chính trị, thì giới đối lập chính trị bị dồn vào thế phải hoạt động bí mật và vì sự sống còn của chính mình, kiếm cách lật đổ chế độ để tự giải thoát.  Trong giai đoạn 1954-1955, Ngô Đình Diệm đã từng nhờ đại tá CIA Mỹ là Edward G. Lansdale để ổn định tình hình, thì lần nầy các sĩ quan đảo chánh cũng nhờ người Mỹ, tạo cơ hội cho người Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ VNCH.

Như thế, có thể nói cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 là tiếng chuông báo động công khai cho chế độ Diệm về những phản đối tiềm tàng trong các tầng lớp dân chúng khác nhau, nhưng rất tiếc sau khi dẹp yên cuộc đảo chánh, tổng thống Diệm chẳng mấy quan tâm đến tiếng chuông báo động nầy.  Phải chăng vì vậy mà cuối cùng chế độ Diệm kết thúc một cách bi thảm năm 1963?

Trần Gia Phụng
(Toronto, 01-11-2012)