Tương truyền ông là một thần đồng, biết chữ khi 3 tuổi. Khi 16 tuổi ông gặp được Phan Bội Châu bị quản thúc ở Huế và bắt đầu cộng tác với Việt Nam Quang Phục Hội.
Lý Đông A tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, quê huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông thông thạo: Thái dịch, Phật học, Lịch sử... Tương truyền ông là một thần đồng, biết chữ khi 3 tuổi. Khi 16 tuổi ông gặp được Phan Bội Châu bị quản thúc ở Huế và bắt đầu cộng tác với Việt Nam Quang Phục Hội.
Sau này, ông vào tu ở chùa Yên Tử, lấy hiệu là Lý Đông A, với ý nghĩa thời đại phục hưng dân tộc như triều Lý-Trần (chữ Nho: Đông A ghép lại là Trần). Năm 1940, ông làm tham mưu cho cánh quân Phục quốc của Việt Nam Quang phục hội, khi cuộc khởi nghĩa ở Lạng Sơn bị thất bại, ông chạy thoát qua nước Tàu gặp Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam... thảo luận tìm cách cứu nước đang gian nguy.
Năm 1942, ông đến thư viện Liễu Châu (nước Tàu) nghiên cứu về: Triết học, khoa học, lịch sử, văn minh Việt Nam, lịch sử Đông phương và Tây phương. Rồi ông miệt mài viết khoảng 30 bộ sách “Đại Việt Duy dân Thảo án Quốc sách toàn pho” nói về chủ thuyết Duy dân Nhân chủ, rất uyên thâm, rất sâu sắc, đáng tiếc phần lớn bị thất lạc. Quan điểm của ông kết hợp uyển chuyển về xã hội nhân loại và xã hội tự tính, lập nền triết lý Chủ nghĩa Duy dân, gồm các bình diện:
- Vũ trụ: Duy nhiên, vô nguyên.
- Nhân loại: Duy nhân, nhất nguyên.
- Dân tộc: Duy dân, đa nguyên tương đối.
Ngày 1-1-1943, Lý Đông A thành lập và làm Tổng thư ký Đại Việt Duy Dân Đảng (ĐVDDĐ) để chống Pháp và chống Việt Minh. Cuối Thế chiến thứ hai (1945), ông quyết tâm giành lại độc lập cho Việt Nam, ĐVDDĐ đã xâm nhập và gây cơ sở ở tỉnh Hòa Bình, xây dựng Hòa Bình thành căn cứ. ĐVDDĐ đã liên kết được với một số quan lang (người quý tộc dân tộc Mường) tại địa phương, một số chính khách chống Cộng, thức tỉnh được một số cán bộ trong nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Từ đấy, Đại Việt Duy Dân phát triển lực lượng mau lẹ ở các huyện của tỉnh Hà Đông, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình. Đảng Đại Việt Duy Dân chọn Mường Diềm thuộc xã Trung Thành, huyện Đà Bắc, Hoà Bình, làm căn cứ chính của Đại Việt Duy Dân để chống lại Việt Minh.
Đại Việt Duy Dân đã tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, đưa thành viên từ miền xuôi lên vùng cao, thành lập được một số đơn vị ở các địa phương, mở được một số lớp huấn luyện về quân sự. Giữa năm 1946, Đại Việt Duy Dân bị Việt Minh tấn công ác liệt tại Hà Nội và các tỉnh ở đồng bằng Bắc Kỳ. Đảng trưởng Đại Việt Duy Dân Lý Đông A phải rời Hà Nội về Gia Viễn (Ninh Bình). Tại đây, Lý Đông A bị Việt Minh truy lùng, ông phải chạy lên Hòa Bình và về vùng Diềm. Và nhiều thành viên của ĐVDDĐ ở các nơi khác cũng bị Việt Minh truy lùng nên phải chạy lên vùng Diềm.
Các lãnh đạo Đại Việt Duy Dân chuẩn bị một số đơn vị vũ trang, đang chuẩn bị đánh chiếm huyện Lương Sơn, Lạc Sơn... thuộc tỉnh Hoà Bình, sẽ tiến lên đánh chiếm thị xã Hòa Bình và làm chủ toàn bộ tỉnh Hòa Bình. Kế đến, sẽ lấy Hòa Bình làm bàn đạp để tiến chiếm tỉnh Sơn La; xây dựng Hòa Bình và Sơn La thành một căn cứ vững mạnh ở miền núi Tây Bắc để đủ sức chống lại lực lượng Việt Minh.
Cán bộ Việt Minh thấy vậy, lén cho người xâm nhập nắm được những tin tức quan trọng về tổ chức và hoạt động của Đại Việt Duy Dân; đặc biệt còn nắm được kế hoạch khởi nghĩa của ĐVDDĐ. Việt Minh quyết trừ ĐVDDĐ là một đảng Quốc gia đã cực lực chống lại Việt Minh. Trước ngày Đại Việt Duy Dân khởi nghĩa; Ban cán sự Việt Minh tỉnh Hòa Bình đã đem lực lượng vũ trang, công an tiêu diệt các toán vũ trang của Đại Việt Duy Dân ở Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong, Lương Sơn, thị xã Hòa Bình. Sau đấy, đem toàn lực lượng tiến đến tiêu diệt căn cứ của ĐVDDĐ tại vùng Mường Diềm.
Hầu như thành phần chủ chốt và lực lượng vũ trang của Đại Việt Duy Dân tại Bến Chương đều bị giết hay bị bắt. Theo ghi nhận của Việt Minh, Lý Đông A bị chết tại Bến Chương ở xã Hiền Lương thuộc tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, có một số tài liệu ghi rằng vào năm 1946, lúc ấy ông 26 tuổi, người ta không còn biết ông ở đâu (mất tích), nhiều chính khách nghi ngờ ông bị đã Việt Minh thủ tiêu, như họ đã thủ tiêu những nhà cách mạng Quốc gia vào thời điểm đó.
Các tác phẩm của Lý Đông A đã xuất bản tại miền Nam Việt Nam vào thời Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa:
- Huyết Hoa (Tâm sự việc làm chính trị).
- Đạo trường ngâm (Thơ yêu nước).
- Chu Tri Lục (Biết 90 điều để làm cách mạng dân tộc).
- Duy nhân Cương Thường (Phương pháp và nguyên tắc tổ chức xã hội và đất nước để phục vụ con người).
- Thiết Giáo Phương pháp (Nguyên tắc tổ chức nền giáo dục, để xây dựng và phục vụ con người).
- Chìa Khóa Thắng Nghĩa (Căn bản luận triết học nhân chủ).
- Việt Sử Thông Luận (Căn bản về lịch sử dân tộc).
*- Thiết nghĩ: Lý Đông A là một nhà Cách mạng, một nhà Thái dịch uyên thâm, một nhà Văn hoá uyên bác của dân tộc Việt Nam. Ông là người nhìn xa thấy rộng, trong “Chu Tri Lục 3, Cương lĩnh cách mạng Việt” của ông, ông đã nhìn tận tim cật quân xâm lăng Đại Hán, thời nào chúng cũng muốn xâm chiếm nước Việt. Ông nêu rõ: “Còn nhớ Tôn Văn nói với cụ Phan (Bội Châu): Các ông bất tất phải làm, Việt Nam chỉ là một tỉnh của Tàu, chúng tôi làm xong thì xong”. Cũng như họ Tưởng bấy giờ nuôi mấy tên Việt gian và nói: “Việt Nam là Tàu, Việt Nam để người Tàu làm giúp cho”.
Ông còn phân tích rõ ràng về ý đồ xâm lăng của Đại Hán: “Chúng chuẩn bị quân sự để nhập Việt, có thể rọi từ tim ruột về mục đích của cuộc hành quân này, mặc dầu nói là đi giải phóng, bằng sự ngấm ngầm các chiến lệnh trong quân, ngoài dân do bộ tuyên truyền và quân chính bí mật phát bố ra: 1) Lộ ố Nàm phồ (lấy vợ An Nam). 2) Dìu ố Nàm sìn (tiêu tiền An Nam). 3) Chì ố Nàm tì (ở đất An Nam)”.
Sau khi đọc báo ở Thượng Hải, ông bực tức: “Ngày 1-5-1933, tờ Đại Lộ Nguyệt San ở Thượng Hải đăng về Việt Nam: Bắc Kỳ quy về mẫu quốc (Tàu), Trung Kỳ và Nam Kỳ thuộc về Hoa kiều thống trị”?!. Ông còn biết rõ đường lối Hán hoá thâm độc, ông đã cảnh tỉnh Đồng bào: “Đối riêng Việt Nam, họ đang nghiên cứu cách nào lập thành một tỉnh, nuôi Việt gian thế nào, diệt chữ Quốc ngữ thế nào, tiễu trừ dân tộc ý thức cách nào, làm sao cho người Việt tưởng mình là người Hán, khôi phục chữ Hán thế nào, truyền bá Tam Dân chủ nghĩa thế nào, thống trị thế nào? Họ dụ dỗ: Hỡi người Hán! Hãy quay về dân tộc, truyền thống của nhà Minh văn minh lắm, thử xem người Việt sẽ biết đối phó cách nào?”
Lý Đông A sau khi nêu rõ bản chất xâm lược và đồng hoá thâm độc của Tàu, ông nhắn nhủ Đồng bào Việt: “Chúng ta hãy quay về mình xem hình thể của tự mình. Đất ta là đất cơ sở của Thái Bình Dương, trung tâm của Đông Nam Á, tư lệnh đài của quốc tế, được ta thì tiến lên xưng bá loài người, lui về tự thủ muôn thuở, bất cứ trên chính trị, quân sự, kinh tế, chiến lược, văn hóa đều đứng vào thiên hiểm của trung tâm. Cho nên tự phần ta nên hiểu: đời nay nếu ta muốn sống phải hết sức mạnh mà ta hững hờ thì tất diệt. Lại đời nay, diệt tức là toàn diệt đó. Ta chớ nên hòng làm Hòa Lan hay Thụy Sĩ; bọn thân Tàu tất cũng diệt hết đi chớ để nó làm tay trong như Phần Lan với Nga. Ta còn nguy hiểm hơn Phần Lan đối với Nga nhiều. Phần Lan chỉ có một Nga, ta còn phải phòng cả thế giới, vì thế giới kẻ nào chiếm được ta mới xưng bá được lâu dài; tiện nhất và thẳng đường nhất là Tàu, ta là cái xương hóc giữa cổ họng chú chiệc, phải hiểu thế”.
Ông lo ngại, những tên Việt gian dại dột sẽ nghe lời ru ngủ của Tàu: “Năm 1911, Tôn Văn đề xướng Ngũ Tộc Cộng Hoà, gồm 90% là dân Tàu, 10% là Mãn, Mông, Tạng, Miêu (Việt tộc). Năm 1916 Tôn Văn luận Quốc Tộc tức đúc các dân tộc vào một lò mà thống nhất thế giới, chia toàn quốc ra Tỉnh, Quận, Huyện. Khoảng năm 1921-1922, Tôn Văn nói: “Ta phải đem các dân tộc Thái, Việt liên hợp lại cùng chống đế quốc”. Lý Đông A phải cảnh cáo: "Dân Hán đông tới 90% thì những dân ít oi khác, Tàu sẽ đồng hoá dễ dàng".
Cảm kích: Lý Đông A
Phục thay, trung nghĩa Lý Đông A!
Cương thổ Việt Nam luôn thiết tha
Mong mỏi phục hưng, nên tận tụy
Vẫy vùng kháng chiến, phải bôn ba
Chống Tây, diệt Cộng, lo nòi giống
Biên sách, ngăn Tàu, giữ nước nhà!
Thái dịch uyên thâm, lưu luyến nhớ
Phục thay, trung nghĩa Lý Đông A!
Nguyễn Lộc Yên