main billboard

Đại Tá Cẩn là vị tỉnh trưởng trẻ tuổi nhất của Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời gian làm tỉnh trưởng Chương Thiện, ông chẳng những là một nhà quân sự xuất chúng, mà còn là một nhà cai trị và bình định tài ba.


nhanvat hongoccan

Năm 1966, khi đọc trong Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Đại Nam Nhất Thống Chí viết về “Ngụy Tây Sơn,” có nhiều nghi vấn trong những trận đánh giữa Vua Quang Trung và Vua Gia Long tại rừng U Minh, tôi nảy ra ý xuống vùng tận cùng của đất nước này tìm hiểu thêm. Bấy giờ đang xảy ra vụ biến động tại miền Trung “các thầy mang bàn thờ xuống đường,” chiến cuộc tại miền Tây cực kỳ sôi động, mẹ tôi, bà má má (vú nuôi) cực lực phản đối vì đi như vậy dễ tiêu dao miền Cực Lạc lắm. Nhưng bố tôi, sau khi tính số tử vi của tôi, cụ lại khuyên tôi nên đi. Cụ nói:
– Con đi lần này sẽ có thêm nhiều bạn tốt, hơn nữa có dịp biết về vùng đồng lầy Cà Mâu.

Tôi nhất quyết đi, bà má má khóc khốn khổ, nhưng cũng không cản được cái tính phiêu lưu và mê sưu tầm của tôi. Nhưng làm thế nào để có thể vào được tất cả những làng, những xã, mà không gặp trở ngại? Làm sao có phương tiện di chuyển? Chỉ một cú điện thoại, ông bố tôi đã kiếm cho tôi cái giấy giới thiệu của tuần báo trung lập lớn nhất ở Paris. Bà má má kiếm cho tôi giấy giới thiệu của tờ nhật báo Hoa Văn tại Hương Cảng. Thế là tôi bỗng trở thành ký giả bất đắc dĩ. Tôi đến Bộ Tư Lệnh MACV xin giúp phương tiện làm phóng sự chiến trường ở Vùng 4 Chiến Thuật. Tôi chỉ mong tìm hiểu lịch sử, chứ nào có chủ tâm làm ký giả!

Nhưng sau chuyến đi ấy, quá xúc động về cuộc chiến tranh thê thảm, tôi đã viết rất nhiều bài ký sự chiến trường, đăng trên một số báo ngoại quốc. Khởi đầu, uất hận trước cái chết của một cô bạn gái tên Đặng Thị Tuyết, mới hai mươi tuổi, làm nữ cán bộ Xây Dựng Nông Thôn tại Kinh Tắc Vân, Cà Mâu, tôi viết bài “Giang Biên Hoa Lạc” gây xúc động mạnh cho độc giả Hương Cảng và giới Hoa kiều tại Việt Nam. Sau tôi có dịch bài này sang tiếng Việt với tên là “Hoa rơi trên bờ sông Tắc Vân.” Tôi gởi bài này dự thi giải ký sự chiến trường của cục Tâm Lý Chiến năm 1967. Bài của tôi được giải nhì. Giải nhất về Trang Châu cũng là một bài ký sự của y sĩ tiền tuyến. Một trong các giám khảo nói với tôi: “Về nội dung, bài của cháu với Trang Châu cùng nói lên niềm mơ ước của tuổi trẻ quên mình cho quê hương. Nhưng bài của Trang Châu trung thực, còn bài của cháu thì ướt át quá, thê thảm quá, dù rằng đó là sự thật.”

Sau đây, tôi xin trích nguyên văn một đoạn tôi viết về Hồ Ngọc Cẩn trong bài “Ngũ Hổ U Minh Thượng” kể chuyện năm tiểu đoàn trưởng nổi danh can đảm, có máu văn nghệ, nhất là phong lưu tiêu sái, tại chiến trường cực Nam năm 1966. Ngũ hổ là:
– Đại Úy Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1/33
– Thiếu Tá Nguyễn Văn Huy, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 44 Biệt Động Quân.
– Thiếu Tá Lê Văn Hưng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/31
– Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân.
– Đại Úy Vương Văn Trổ, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3/33

Ngày 29 tháng 4 năm 1966, tôi tới Phi Trường Vĩnh Lợi bằng phi cơ Caribu của quân đội Hoa Kỳ. Người đón tôi là Thiếu Tá Raider của Cố Vấn Đoàn 42. Tại bản doanh của Cố Vấn Đoàn 42, Đại Tá Cố Vấn Trưởng Hataway không biết gì về chủ đích chuyến đi của tôi. Ông chỉ căn cứ vào giấy giới thiệu do hai chủ báo cấp, mà đoán rằng tôi là tên thầy thuốc trẻ, thích phiêu lưu, nên đi làm ký giả. Ông cho tôi biết tình hình địch rất chi tiết. Về tình hình của quân đội Việt Nam tại năm tỉnh tận cùng của đất nước, ông nói:

“Khu 41 Chiến Thuật, do Sư Đoàn 21 của Quân Đoàn IV trấn nhậm, Sư Đoàn có ba trung đoàn mang số 31, 32, 33. Trung Đoàn 31 đóng tại Chương Thiện. Trung Đoàn 32 đóng tại Cà Mâu. Trung Đoàn 33 đóng tại Ba Xuyên. Ngoài ra còn có hai tiểu đoàn Biệt Động Quân mang số 42 và 44. Tiểu Đoàn 42 đóng tại Bạc Liêu. Tiểu Đoàn 44 đóng tại Ba Xuyên.” Ông ca tụng quân đội Việt Nam như sau: “Lương bổng cho người lính Việt Nam, chỉ gọi là tạm đủ ăn. Doanh trại không có, trang bị thiếu thốn. Nhưng họ chiến đấu như đoàn sư tử. Tuy vậy vẫn có những điều đáng phàn nàn. Ông là thầy thuốc cầm bút, xin ông lướt qua những cái đó.”

Bốn hôm sau, có cuộc hành quân cấp sư đoàn. Tôi được gởi theo Tiểu Đoàn 42 BĐQ. Tiểu đoàn trưởng là Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt. Tiểu đoàn phó là Trung Úy Hồ Ngọc Cẩn. Cái tréo cẳng ngỗng là đối với cố vấn Mỹ thì tôi là ký giả. Còn Kiệt với Cẩn lại tưởng tôi là bác sĩ tình nguyện ra mặt trận. Tiểu Đoàn được đặt làm trừ bị tại Phi Trường Vĩnh Lợi từ bảy giờ sáng, chuẩn bị nhảy trực thăng vận. Nếu khi nhẩy, thì Tiểu Đoàn sẽ nhẩy làm hai cánh: Cánh thứ nhất gồm có hai đại đội 1, 2 do Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy. Cánh thứ hai gồm có hai đại đội 3 và 4 do Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt chỉ huy. Tôi và Kiệt, Cẩn ngang ngang tuổi nhau. Tôi có máu giang hồ của người tập võ, coi trời bằng vung, lại cũng có học qua quân sự, nên chúng tôi thân cận nhau dễ dàng. Đại Úy cố vấn tiểu đoàn muốn tôi nhảy theo bộ chỉ huy. Anh hỏi tôi:
– Lần đầu tiên ra trận, ông có sợ không?

Tôi trả lời như những nhân vật trong lịch sử Việt Nam:
– Tráng sĩ khi ra trận, không chết thì cũng bị thương. Nếu sợ chết thì đừng ra trận.

Cẩn hỏi tôi đã học quân sự chưa? Tôi đáp:
– Kiến thức về quân sự của tôi chỉ bằng phó binh nhì thôi. Nhưng cũng biết bò, biết núp, biết nhảy, biết bắn. Đánh nhau bằng súng thì tôi dở ẹt, nhưng đánh cận chiến thì tôi có hạng, vì tôi là ông thầy dạy võ…

Tôi hỏi Kiệt:
– Trong hai cánh thì cánh nào có hy vọng được đánh nhau nhiều hơn?

Kiệt chỉ Cẩn:
– Anh cứ nhảy theo thằng này thì sẽ toại nguyện. Tha hồ mà hành nghề.

Tiểu đoàn cũng có sĩ quan trợ y. Anh biệt phái cho tôi một y tá cấp trung sĩ, với đầy đủ thuốc cấp cứu. Trên lưng tôi chỉ có bộ đồ giải phẫu dã chiến. Khoảng 10 giờ thì có lệnh: Một đơn vị địa phương quân chạm địch tại Vĩnh Châu. Địch là Tiểu Đoàn Cơ Động Sóc Trăng. Tiểu đoàn phải nhảy trực thăng vận đánh vào hông địch. Địa điểm nhảy là một khu đồng lầy.

Sau khi Kiệt họp các sĩ quan tóm lược vắn tắt nhiệm vụ, tình hình trong mười phút, Cẩn dẫn tôi ra phi đạo. Hai đại đội đã lên trực thăng từ bao giờ. Chúng tôi cùng leo lên một trực thăng. Hai mươi lăm chiếc trực thăng cùng cất cánh. Trực thăng bay khoảng mươi phút, thì Cẩn chỉ vào một khu làng mạc trước mặt:
– Kìa, chỗ chúng mình đáp kìa.

Trực thăng hạ cánh. Thoáng một cái, hơn hai trăm người từ trực thăng lao ra. Một cảnh tượng mà tôi không bao giờ quên: Những người lính dàn thành một hàng ngang. Họ núp vào những bờ ruộng, mô đất, tay thủ súng, mắt đăm đăm nhìn về trước. Đó là một làng, lưa thưa mấy chục ngôi nhà, cây dừa xanh tươi. Mặc dù súng trong làng bắn ra, nhưng những người lính ấy vẫn chưa bắn trả. Tôi đưa mắt nhìn một lượt, các sĩ quan, người thì nằm, người thì quỳ, cũng có người đứng. Từ lúc nhẩy xuống, Cẩn không hề nằm quỳ, mà đứng quan sát trận mình, quan sát trận địch. Một là điếc không sợ sấm, hai là tự tin vào số tử vi của mình thọ, tôi cũng đứng.

Hơn mười phút sau, cánh quân thứ nhì đã nhảy xuống trận địa. Trận vừa dàn xong, thì sĩ quan đề lô xin pháo binh nã vào những chỗ có ổ moọc chê, đại liên, trung liên trong làng. Một lệnh ban ra, hơn bốn trăm con cọp dàn hàng ngang, vừa bắn vừa xung phong vào trong làng. Trong khi súng trong làng bắn ra, đạn cầy các ụ đất, trúng vào ruộng nước, bụi, nước bắn tung. Hàng quân tới bờ ruộng cuối cùng, cách bìa làng không đầy năm mươi thước thì súng nhỏ từ trong mới nổ. Cả hàng quân đều nằm dài sau các bờ ruộng. Giữa lúc đó, sĩ quan đề lô trúng đạn lật ngược. Tôi chạy lại cấp cứu thì không kịp, viên đạn xuyên qua sọ anh. Thế là pháo binh vô hiệu.

Trực thăng võ trang được gọi đến. Cố vấn Mỹ báo về Trung Tâm Hành Quân. Cố vấn tại Trung Tâm Hành Quân ra lệnh cho phi công trực thăng nã xuống địa điểm có địch quân. Tôi đứng cạnh Cẩn tại một mô đất. Cẩn không trực tiếp cầm máy chỉ huy, mà ra lệnh cho các đại đội, trung đội qua hiệu thính viên. Sau khi trực thăng võ trang nã ba loạt rocket, đại liên thì lệnh xung phong truyền ra. Cả tiểu đoàn reo lên như sóng biển, rồi người người rời chỗ nằm lao vào làng. Không đầy mười phút sau, tiếng súng im hẳn.

Bây giờ là lúc tôi hành nghề. Những binh sĩ, tù binh bị thương nặng được băng bó, cầm máu, rồi trực thăng tải về quân y viện. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy những binh sĩ bị thương khá nặng, khi nghe tôi nói rằng nếu họ muốn, tôi có thể gắp đạn, may các vết thương đó cho họ mà không phải về quân y viện. Họ từ chối đi quân y viện, xin ở lại để tôi giúp họ. Tôi cùng sĩ quan trợ y, bốn y tá làm việc hơn một giờ đồng hồ mới xong. Tôi hỏi Cẩn:
– Tôi tưởng, thương binh được về quân y viện chữa trị là điều họ mong muốn mới phải. Tại sao họ muốn ở lại?
– Bọn cọp nhà này vẫn vậy. Chúng tôi sống với nhau, kề cận cái chết với nhau, thì xa nhau là điều buồn khổ vô cùng. Đấy chúng nó bị thương như vậy đấy, lát nữa anh thấy chúng chống gậy đi chơi nhông nhông ngoài phố, coi như bị kiến cắn.

Tôi đi một vòng thăm trận địa. Hơn hai trăm xác chết, mặc áo ba ba đen, quần đùi. Những xác chết đó, gương mặt còn non choẹt, đa số tuổi khoảng 15 đến 20, xác thì nằm vắt vẻo trên bờ kinh, xác thì bị cháy đen, xác thì mất đầu, cũng có xác nằm chết trong hầm. Không biết trong khi họ phơi xác ở đây, thì cha mẹ, anh em, vợ con họ có biết không?

Sau trận đó thì Cẩn được thăng cấp Đại Úy. Cuối năm 1966, Cẩn từ biệt Tiểu Đoàn 42 BĐQ đi làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Việc đầu tiên của Cẩn khi làm tiểu đoàn trưởng là xin sư đoàn cho tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan xuất thân trường Thiếu Sinh Quân về chiến đấu cùng với mình. Cẩn đã được thỏa mãn một phần yêu cầu. Tôi hỏi Cẩn:
– Anh đem các cựu TSQ về với mục đích gì?
– Một là để dễ sai. Tất cả bọn TSQ này đều ra trường sau tôi. Chúng là đàn em, dù tôi không phải là cấp trên của chúng nó, mà chúng nó lộn xộn, tôi vẫn hèo vào đít chúng nó được. Nay tôi muốn chúng nó về với tôi, để tôi có thể dạy dỗ chúng nó những gì mà quân trường không dạy. Hai là, truyền thống của tôi khi ra trận là chết thì chết chứ không lùi, vì vậy cần phải có một số người giống mình, thì đánh nhau mới đã. Bọn cựu TSQ đều như tôi cả.

Suốt năm 1967, Cẩn với Tiểu Đoàn 1/33 tung hoành trên khắp lãnh thổ năm tỉnh Hậu Giang, khi Đại Ngãi, khi Tắc Vân, khi Kiên Hưng, khi Thác Lác, khi Cờ Đỏ. Thời gian này, tôi bắt đầu viết lịch sử tiểu thuyết, nên tôi đọc rất kỹ Lục Thao, Tam Lược, Tôn Ngô binh pháp cùng binh pháp của các danh tướng Đức, nhất là của các tướng Hồng Quân. Tôi dùng kiến thức quân sự trong sách vở để đánh giá những trận đánh của Cẩn từ 1966. Tôi bật ngửa ra rằng, Cẩn không hề đọc, cũng không hề được học tại trường sĩ quan những binh pháp đó. Mà sao từ cung cách chỉ huy, cung cách hành xử với cấp dưới, cấp trên, nhất là những trận đánh của Cẩn bàng bạc xuất hiện như những lý thuyết trong thư tịch cổ?

Lần cuối cùng tôi gặp Cẩn vào mùa Hè năm 1974 tại Chương Thiện. Tôi hỏi Cẩn:
– Anh từng là trung đoàn trưởng, hiện làm tỉnh trưởng. Anh có nghĩ rằng sau này sẽ làm sư đoàn trưởng không?
– Tôi lặn lội suốt 14 năm qua, gối chưa mỏi nhưng kiến thức có hạn. Được chỉ huy trung đoàn là cao rồi. Mình phải biết liêm sỉ chứ. Coi sư đoàn sao được?
– Thế anh nghĩ sau này anh sẽ làm gì?
– Làm tỉnh trưởng bất quá một hai năm rồi tôi phải ra đi, cho đàn em họ có chỗ tiến thân. Bấy giờ tôi xin về coi trường Thiếu Sinh Quân hoặc coi các lớp huấn luyện đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, đem những kinh nghiệm thu nhặt được trong mười mấy năm qua dạy đàn em. Tôi sẽ thuật trước sau hơn ba trăm trận đánh mà tôi trải qua, nhờ anh viết lại. Bộ sách đó, anh nghĩ nên đặt tên là gì?
– Cẩm nang của các đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng trong chiến tranh chống du kích tại vùng đồng lầy.
– Nhưng liệu Bộ Quốc Phòng có cho phép in hay không?
– Không cho in thì mình cũng cứ thuật, rồi đem giảng dạy, ai cấm được?

Đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa tôi và Cẩn. Sau khi miền Nam mất, tôi không được tin tức của Cẩn. Mãi năm 1976, tôi được tin: Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Tướng Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng thì Hồ Ngọc Cẩn vẫn tiếp tục chiến đấu. Các đơn vị Cộng Sản tiến vào tiếp thu Tiểu Khu Chương Thiện, thì gặp sức kháng cự, chết rất nhiều. Ông bị bắt, đưa về Cần Thơ rồi bị đem ra xử tử.

Khi tôi gặp Cẩn thì tôi chưa khởi công viết lịch sử tiểu thuyết. Thành ra cuộc đời Cẩn, cuộc đời các thiếu sinh quân quanh Cẩn, in vào tâm não tôi rất sâu, rất đẹp. Vì vậy sang năm 1968, khi bắt đầu viết, thì bao giờ tôi cũng khởi đầu bằng thời thơ ấu của những nhân vật chính. Trong bộ nào, cũng có những thiếu niên, khi ra trận thì tiến lên hoặc chết, chứ không lùi.

Có rất nhiều người đặt câu hỏi: Giữa tôi và Cẩn như hai thái cực. Cẩn chỉ học đến đệ ngũ, tôi được học ở nhà, ở trường đến trình độ cao nhất. Cẩn là người Nam, tôi là người Bắc. Cẩn theo đạo Chúa, tôi là cư sĩ Phật Giáo. Tôi thì sống trong sách vở, hay đi trên mây, Cẩn thì lăn lộn với thực tế. Tôi không biết uống rượu, Cẩn thì nổi danh tửu lượng tại Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Tôi thấy người đẹp là chân tay run lẩy bẩy, Cẩn thì dửng dưng. Thế mà khi gặp nhau, chúng tôi thân với nhau ngay. Thân đến độ giãi bày cho nhau tất cả những tâm sự thầm kín nhất, không một người thứ nhì biết được. Tại sao? Cho đến nay, tôi mới trả lời được rằng: Cẩn cũng như những người quanh Cẩn, là những hình bóng thật, rất quen thuộc mà trước kia tôi chỉ thấy trong lịch sử, nay được gặp trong thực tế.

Hai mươi mốt năm qua, đúng mười hai giờ trưa, ngày 30 tháng 4, dù ở bất cứ nơi nào, tôi cũng mua bó hoa, đèn cầy, vào nhà thờ đốt nến, đặt hoa dưới tượng Đức Mẹ, và cầu xin cho linh hồn Cẩn được an lành trong vòng tay Người.

Trích trong Vài nét về một anh hùng: Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn của Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sĩ viết tại Paris ngày 30/4/1996

Hồ Ngọc Cẩn sanh ngày 24 tháng 3 năm 1938 tại Rạch Giá. Tánh tình hiền hậu, giản dị, trầm tĩnh, ít nói. Ông xuất thân là Thiếu sinh quân (Đệ Nhất Quân Khu Gia Định). Năm 1962, ông tốt nghiệp khóa Sĩ quan Đặc biệt với cấp bậc Chuẩn úy. Sau khi ra trường, Hồ Ngọc Cẩn theo học khóa huấn luyện Biệt Động Quân, rồi thuyên chuyển về phục vụ khu 42 Chiến thuật với chức vụ Trung đội trưởng. Lãnh thổ nầy gồm có các tỉnh Cần Thơ (Phong Dinh), Chương Thiện (Vị Thanh), Ba Xuyên (Sóc Trăng), Bạc Liêu và Cà Mau (An Xuyên).

Nhờ tài chỉ huy thiên bẩm và chiến đấu gan dạ nên ông được thăng cấp đặc cách nhiều lần tại mặt trận lên đến trung úy và được bổ nhiệm làm tiểu đoàn phó tiểu đoàn 42. Tới năm 1966, Đại úy Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 1/33 SĐ 21 Bộ Binh, nổi tiếng là một trong “Ngũ Hổ U Minh Thượng”.

Cuối năm 1966, ông từ biệt tiểu đoàn 42 biệt động quân đi làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 trung đoàn 33 thuộc sư đoàn 21 bộ binh. Suốt năm 1967, ông với tiểu đoàn 1 tung hoành trên khắp lãnh thổ năm tỉnh vùng sông Hậu. Sau trận tổng công kích Mậu Thân, ông được thăng thiếu tá.

Năm 1970, ông được thăng trung tá và rời tiểu đoàn 1 trung đoàn 33 đi làm trung đoàn trưởng trung đoàn 15 thuộc sư đoàn 9 bộ binh.

Tính đến năm 1970 Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn là chiến sĩ được tưởng thưởng nhiều huy chương nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với 78 chiếc của gồm 1 Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, 25 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, 45 Anh Dũng Bội Tinh với các loại Ngôi Sao, 3 Chiến Thương Bội Tinh và 4 Huy Chương Hoa Kỳ.

Năm 1972, ông được lệnh mang trung đoàn 15 từ miền Tây lên giải phóng An Lộc.

Cuối năm 1973, lúc mới 35 tuổi, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn trở về chiến trường sình lầy với chức vụ tỉnh trưởng, kiêm tiểu khu trưởng tỉnh Chương Thiện. Đó là chức vụ trọng yếu và hết sức khó khăn, khó có ai đảm đương nổi vì tỉnh Chương Thiện, một tỉnh có địa hình phức tạp nhất vùng đồng lầy Miền Tây, với cái gai nhọn nhức nhối mật khu U Minh Thượng trong lãnh thổ, từ đó quân Bắc Việt và Việt Cộng phóng ra những cuộc đánh phá lớn, uy hiếp các quận xã hẻo lánh.

Đại Tá Cẩn là vị tỉnh trưởng trẻ tuổi nhất của Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời gian làm tỉnh trưởng Chương Thiện, ông chẳng những là một nhà quân sự xuất chúng, mà còn là một nhà cai trị và bình định tài ba.

Những đóng góp và hy sinh của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn lớn lao và nhiều không sao có thể kể được hết, suốt một đời tận tụy với nước non, danh tiếng lừng lẫy và nắm giữ những chức vụ khó khăn, mà vẫn khiêm nhường hết mực, giữ cuộc sống trong sáng và thanh liêm.

Vào thời khắc tang thương 30/4/1975 của đất nước, khi Dương Văn Minh ra lệnh buông súng, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn cùng các sĩ quan trong Ban Chỉ Huy Tiểu Khu và các chiến sĩ Tiểu Khu Chương Thiện đã đánh một trận tuyệt vọng nhưng lừng lẫy nhất trong chiến sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đánh tới viên đạn và giọt máu cuối cùng. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 11 giờ trưa ngày 1/5/1975, quân ta không còn gì để bắn nữa, Đại Tá Cẩn lệnh cho thuộc cấp buông súng. Khi giặc Cộng chỉa súng vào hầm chỉ huy Tiểu Khu Chương Thiện, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, vị Trung Úy tùy viên và các sĩ quan tham mưu, hạ sĩ quan và binh sĩ tùng sự đều có mặt. Một chỉ huy Việt Cộng tên Năm Thanh hùng hổ chỉa khẩu K54 vào đầu Đại Tá Cẩn dữ dằn gằn giọng: “Anh Cẩn, tội anh đáng chết vì những gì anh đã gây ra cho chúng tôi”. Đại Tá Cẩn cười nhạt không trả lời.

Các sĩ quan tham mưu được cho về nhà, nhưng Đại Tá Cẩn thì địch áp giải sang giam trong Ty Cảnh Sát Chương Thiện. Vài ngày sau, các sĩ quan Tiểu Khu Chương Thiện cũng bị gọi vào giam chung với Đại Tá Cẩn. Để làm nhục và hành hạ tinh thần người dũng tướng, giặc cho phá hủy nhà cầu trong Ty Cảnh Sát và thay vào bằng một cái thùng nhựa. Mỗi buổi sáng, ngày nào chúng cũng bắt Đại Tá Cẩn cùng một người nữa khiêng thùng phân đi đổ. Người bị làm nhục thứ hai là vị Phó Tỉnh Trưởng. Dù cho các sĩ quan của ta có đề nghị hãy để cho mọi người làm công tác công bằng, nhưng giặc Cộng vẫn nhất quyết đày đọa Đại Tá Cẩn. Ông chỉ mỉm cười, ung dung làm công việc của mình.

Ngày 14/8/1975, người dân thủ phủ Cần Thơ chứng kiến giây phút lìa đời cao cả của người anh hùng Hồ Ngọc Cẩn. Ông bị giặc Cộng xử tử.

Bà Đại Tá Cẩn lo sợ bị cộng quân trả thù nên bà đã đem cậu con trai duy nhất của ông bà là Hồ Ngọc Nguyên, lúc ấy được 5 tuổi, về Cần Thơ ẩn náu và thay đổi lý lịch nhiều lần. Đầu năm 1979 bà Cẩn cùng con trai liều chết vượt biển, đến được đảo Bidong thuộc Mã Lai. Mười tháng sau hai mẹ con bà Đại Tá Cẩn được phái đoàn phỏng vấn Mỹ cho định cư tại Hoa Kỳ theo dạng ưu tiên có chồng và cha bị cộng sản bắn chết tại Việt Nam.

Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sĩ