Gs. Nghiêm Thẩm đã không chịu khuất phục trước cường quyền, sẵn sàng chấp nhận tất cả, ngay cả cái chết để bảo vệ danh dự một trí thức
Sau ngày 30-4-1975, nhiều giáo sư các Đại học miền Nam bị loại ra khỏi Đại học. Một số giáo sư tìm cách vượt biên, một số bất hợp tác thẳng thừng, một số chấp nhận hợp tác, hợp tác miễn cưỡng hay hợp tác tự nguyện. Có một sự thật phũ phàng là, hợp tác tự nguyện hay hợp tác miễn cưỡng, các vị giáo sư ấy đều bị kì thị và không được tin dùng. Thêm một sự thật khác nữa, đó là các vị ấy thường xuyên nhận được lệnh phải viết lách hoặc thực hiện những công trình “khoa học” nhằm phục vụ nhu cầu chính trị. Trong cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức vừa mới được phổ biến, có đoạn trích lời phát biểu của Huỳnh Kim Báu, Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận sự thật ấy: “Những năm ấy, các trí thức Sài Gòn vẫn nhận được điện thoại từ Văn phòng Thành ủy hỏi xem: ‘Có công trình khoa học chào mừng 3-2 hay 19-5 không?’. Những Giáo sư như Phạm Biểu Tâm, Lê Văn Thới thì mắng ngay: ‘Không có thứ khoa học nào gọi là khoa học chào mừng cả’. Nhưng một số người khác thì có, người thì làm ra chất tẩy rửa ‘pentonic’, người chứng minh ‘ăn mấy ký khoai mì bổ bằng một ký thịt bò’, người thì ‘ăn bo bo nhiều dinh dưỡng hơn cả gạo’. Nhưng ngay cả những ‘nỗ lực’ đó cũng không giúp kiến tạo được lòng tin”. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc. Cuốn I, Phần I: Miền Nam, Chương VI: Vượt Biên. Bodoilambao.wordpress.com).
Trong số những giáo sư Đại học ở lại và hợp tác miễn cưỡng, đã nổi bật lên một vị giáo sư anh hùng, dám đem mạng sống của mình để bảo vệ danh dự của một nhà giáo, một nhà khoa học chân chính. Vị giáo sư đó chính là Giáo sư Nghiêm Thẩm, Giám đốc Viện Bảo tàng Sài Gòn, giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn và cũng là giáo sư của hầu hết các Đại học công tư ở miền Nam hồi đó.
Thân thế
Gs. Nghiêm Thẩm sinh năm 1920, tại huyện Đông Anh, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc Hà Nội); là con thứ 5 của cụ Nghiêm Hoàn Luyến, người làng Hòa Xá, phủ Ứng Hòa, Hà Nội.
Dòng tộc Gs. Nghiêm Thẩm, lớp trước, có nhiều người xuất thân khoa bảng, quan lại. Thế hệ sau, ở miền Bắc, có người là thứ trưởng, đại sứ, doanh gia; ở miền Nam, người anh thứ ba của Gs. Nghiêm Thẩm là Gs. Nghiêm Đằng, nguyên Phó Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh và anh thứ 4 là Nghiêm Mỹ, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Malaysia, Jordan và New Zealand. (Xin xem Bài Phát Biểu của Ông Nghiêm Kiến Nam trong buổi lễ kỉ niệm ngày húy 90 năm của Cụ Bảng Mai Lâm Nghiêm Châu Tuệ tổ chức ngày 18.9.2011. Nghiemchungtam.wordpress.com)
Sau khi tốt nghiệp Trung học ở Hà Nội, ông được gửi sang Pháp, học trường École du Louvre, Paris, ngành bảo tàng (de Muséologie).
Năm 1956, ông về nước. Từ đó, ông lần lượt đảm trách nhiều công tác văn hóa giáo dục:
- Phục vụ tại Viện Khảo cổ Sài Gòn, đặc trách khai quật di tích lịch sử Óc Eo (Ba Thê, An Giang); hướng dẫn các đoàn đi nhiều nơi ở miền Nam để khai quật những di chỉ khảo cổ.
- 1961, được bầu làm thành viên Hội đồng điều hành khóa 10 Hội Tiền sử Viễn Đông (Far Eastern Prehistory Association - FEPA). Cũng trong năm này, ông được mời làm giáo sư ngành nhân chủng học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.
- Năm 1964, ông được mời làm Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn và giáo sư tại Đại học Vạn Hạnh vừa mới thành lập; đồng thời, được mời làm cố vấn xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm.
- Năm 1966, được mời giảng dậy tại trường Đại học Chiến Tranh Chánh Trị Đà lạt.
- Năm 1968, Quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn.
- Năm 1969, Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhân văn của Hội đồng Quốc gia Khảo cứu khoa học Việt Nam Cộng hòa.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, Gs. Nghiêm Thẩm ở lại và tiếp tục được coi là nhân viên giảng huấn như trước. (Chúng tôi chưa biết Gs. Nghiêm Thẩm “được phép” dậy môn gì).
Cuối tháng 11 năm 1979, Gs. Nghiêm Thẩm bị giết chết một cách tàn ác tại nhà riêng số 29/27 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tên cũ: đường Công Lý), phường 8, quận 3,Tp. HCM.
Những công trình khảo cứu
Gs. Nghiêm Thẩm để lại nhiều công trình nghiên cứu nhân chủng và khảo cổ quý báu cho đời sau (theo Wikipedia).
1. "Tôn giáo của người Chăm ở Việt Nam", Quê-hương bộ 2 tập I, tháng 4/1962, tr. 108-123. (tài liệu tham-khảo đã được Pierre Bernard Lafont nhắc lại trong "Contributions à l'ètude des structures sociales des Chams du Viêt-nam", Bulletins de l'Ecole francaise d'Extreme-Orient, No 1/volume 52,p157 - p171, 1964).
2. "Sơ lược về các kho tàng chứa bảo vật của các vua Chăm", "Việt-nam khảo-cổ tập san', số 1, 1960, Saigon Tham khảo bổ-túc cùng tác-giả Văn-hóa Nguyệt-san, số 56, trang 1359-1366, 1960 và Văn-hóa Nguyệt -san, số 57, trang 1567-1575, 1960 "Đi thăm kho tàng các vua Chăm".
3. "Esquisse d'une étude sur les interdits chez les Vietnamiens" (tiếng Pháp), Ministère de la culture et de l'éducation la République du Vietnam, 1965, 240 trang. Tủ sách Viện Khảo Cổ ( trích đoạn: "le nom d'une personne fait partie integrante de son individu. On doit ménager ces noms individuels comme si l'on a affaire avec la substance precieuse et sacrée qu'est l'âme.(tr.74)" [tham khảo bổ túc "Interdits concernant les noms imperiaux sous le règne des Nguyễn" Tạ quang Phát, tập san khảo cổ 4, Saigon, 1966, pp 52–84].
4. "Tương quan giữa Sử địa và Nhân chủng học", Tập san Sử địa cuốn 1, th.1,2,3, 1966.
5. "Công trình sư Trần Văn Học", Tạp chí Văn hóa, số 61, 1962.
6. "Tìm hiểu đồng bào Thượng" Tạp chí Quê-hương, số 31, giêng/1962, tr 130-150 Bản dịch tiếng Anh của Voth Donald E. "Seeking to understand the highlanders: the two tribal kingdoms of the vietnamese Court in the past, king of Fire (Po Tau Pui) and King of Water(Po Tau Ea)". South-East Asia. An international quarterly, vol 1, pp335–363, 1971.Tham-khảo bổ-túc tư-liệu của ông Adhemar Leclere "Compte-rendus des seances de l'Academie des Inscriptions et Belles Lettres 3903, vol 47, issue 4, pp 369-378. Bị vong lục của Công-sứ Pháp tại Cao-miên, Adhemar Leclere, phúc-trình Hiến-chương về việc sáng-lập một Đại thọ lâm Phật giáo "veah" (Vihara), ở Sâmbok (tỉnh Kratie), mà quốc vương Cao-miên Sauriyopor, gọi là "ngọ môn"(threa nokor) trong đó có nhắc đến các "Vua Lửa" (Hỏa xá) & "Vua nước" (Thủy xá) mà hai vương quốc Cao-miên và Ai-lao phải triều cống cứ ba năm một lần (kèm theo danh sách dài các loại cống-vật), ngoài ra cón cam kết sẽ bảo-lãnh chu toàn việc hậu sự cho các tiểu vương Hỏa xá và Thủy xá nếu một trong hai vị này băng hà. Vihara (đại tòng lảm) Sâmbok, khoảng 10 kms bắc Kratíe (Kracheh), hay, Wat Phnom Sâmbok, dựa theo hiến chương này được sáng lập vào năm 1601. Bản phúc-trình của Công sứ Leclere được in bởi nhà Alphonse Picard & fils, libraires des archives nationales et de la Sociéte de l'École des Chartes, 82 rue Bonaparte, Paris 6.
7. "Kĩ thuật Bảo tàng học và giáo dục căn-bản", 96 trang, UNESCO, Saigon, 1959 (dịch).
8. "Persistence culturelle du substrat indonesien chez les Vietnamiens" (Sự tồn tại của bản chất Indonesien trong nền văn hóa Việt Nam) ngày 11 tháng 9 năm 1961.
9. Tờ trình về việc đi xem công tác xây cất hai ngôi đền tại Kalong và tại Sopmadronhay, để chứa bảo vật của các vua Chăm, và ghé thăm các Tháp Po Dam, tháp Phố Hài (Pajai), còn gọi Tháp Po Sah Inư trên Đồi Bà Nài và đền thờ vua Po Nrop (đồng tác giả với Lưu Quý Tân).
10. Phúc trình việc đi tiếp nhận những tảng đá chạm tại trường tiểu học Tam Hiệp, quận Bến Tranh, tỉnh Định Tường.(chú giải: v/v những tảng đá chạm, yêu cầu bạn đọc nên tham khảo bổ túc ở Louis Malleret, "II. Pierres gravées et Cachets de divers pays du Sud-Est de l'Asie, trường Viễn Đông Bác Cổ, B.E.F.E.O, vol 51, issue 51-1, pp 99–116, 1963).
11. R.Y. Lefebvre D'Argencé, Les céramiques à base chocolatée au musée Lous Finot de l'Ecole francaise d'Extrême-Orient à Hanoi.
Đời tư
Có 3 vị phụ nữ đã chính thức đi qua cuộc đời Gs. Nghiêm Thẩm: Hồi còn học bên Pháp, ông sống chung với bà Gerda Meta Nielsen, một nghệ sĩ phong cầm người Đan Mạch. Ông bà có với nhau 1 con gái tên là Đan Tuyết Thẩm Nghiêm, sanh năm 1956, tên đầy đủ là Ester Bondo Đan Tuyết Thẩm Nghiêm.
Đi du học về, ông thành hôn với Bà Ds. Đỗ Thị Thuần Bích. Bà là giáo sư dậy tại trường đại học Dược khoa Sài Gòn. Gs.Thuần Bích sinh 2 con trai, Nghiêm Thẩm Đan Nghị và Nghiêm Thẩm Đan Đại. Năm 1977, Bà Thuần Bích đưa 2 con đi vượt biên và định cư tại Hoa Kì. Bà đã qua đời tại Sacramento, CA., vào năm 2010.
Sau khi Bà Ds. Thuần Bích đi vượt biên được một thời gian, Gs. Nghiêm Thẩm sống chung với Bà Ngô Thị Dung. Bà Ngô Thị Dung giảng dậy tiếng Nhật tại Đại học Tổng hợp Thành phố HCM (Đh. Văn khoa cũ) sau ngày 30.4.1975.
Phong cách
Gs. Nghiêm Thẩm là một trí thức thứ thiệt, có cuộc sống giản dị, thanh bạch. Phong thái ông an nhiên, tự tại; nét mặt thường tươi vui, hiền lành. Ông cười bằng miệng và cả bằng mắt. Chiếc tẩu hút thuốc “pipe” coi như là vật tùy thân của ông. Gs. Đỗ Khánh Hoan, Trưởng Ban Anh văn Đại học Văn khoa Sài Gòn trước 30.4.1975, đồng nghiệp lâu năm của Gs. Nghiêm Thẩm, nhận xét về Gs. Nghiêm thẩm như sau: “Theo chỗ tôi biết Gs. Thẩm hiền lành, không gây thù chuốc oán với ai, không ganh đua kèn cựa với ai, coi mọi thứ như 'nơ pa.'” (Email của Gs. Đỗ Khánh Hoan ngày 02.02.2013).
Mức lương một giáo sư Đại học ở miền Nam thời ấy đâu đến nỗi nào, song suốt bao năm, ông rong ruổi khắp mọi con đường Sài Gòn chỉ với một cái xe đạp, đàng sau ràng chiếc cặp samsonite đựng tài liệu giảng dậy. Bọn đạo chích đã từng chiếu cố chiếc samsonnite này của ông nhiều lần! Những thứ đó làm nên dáng dấp và phong cách độc đáo rất dễ mến của Gs. Nghiêm Thẩm.
Có lẽ của cải vật chất qúy giá nhất của ông là căn nhà do chính phủ Đệ nhất Cộng hòa cấp cho. Gia đình ông đã sống tại đây trên 20 năm và cũng chính tại nơi đây, ông đã bị thảm sát.
Cuộc sống Gs. Nghiêm Thẩm tuy thanh bạch về của cải vật chất, song trong căn nhà ông, chất chứa cả một kho tàng văn hóa vô giá. Thật vậy, chỉ cần phát mại một pho tượng đồng đen hay một chiếc búa khảo cổ không thôi, ông đã có thể kiếm được một món tiền khá lớn, đấy là chưa kể đến tủ sách hiếm qúy của ông. Còn nhớ, khi được Gs. Nghiêm Thẩm nhận đỡ đầu tiểu luận, ông đã đưa tôi lên lầu thăm kệ sách của ông kê chung quanh phòng ngủ. Ông hãnh diện bảo tủ sách của ông có những cuốn hiện ở cả miền Nam không đâu có. Liên tục trong nhiều năm, giáo sư đã chi tiêu một khoản tiền khá lớn để thuê người đóng bìa cứng cho những cuốn sách hiếm qúy mà ông sưu tầm được. Đương nhiên những cuốn sách này là vô giá trong thị trường văn hóa, chữ nghĩa.
Cái chết anh hùng của một nhà giáo, một nhà khoa học chân chính
Gs. Đỗ Khánh Hoan cho biết: Gs. Nghiêm Thẩm chỉ miệt mài nghiên cứu và giảng dậy, không bao giờ dính dáng chuyện chính trị (qua cuộc tiếp xúc điện thoại với Gs. Đỗ Khánh Hoan ngày 08 và 09, 01. 2013) .
Ai cũng nghĩ, sau 30.4.1975, một người luôn luôn xa tránh chính trị như Gs. Nghiêm Thẩm, sẽ được sống an thân dưới chế độ mới. Đáng tiếc, điều đó đã sai. Bởi vì, dưới chế độ Cộng Sản, tất cả đều phải phục vụ chính trị, đều phải phục vụ tuyên truyền. Chống chế độ, đương nhiên sẽ bị chế độ bóp nát. Không chống chế độ, nhưng không chịu làm tay sai cho chế độ, cũng bị chế độ nghiền nát.
Đó là trường hợp Gs. Nghiêm Thẩm.
Hồi tưởng, khoảng gần cuối tháng 4 năm 1975, vì có việc phải vào gặp Ông Chấn tại Văn phòng Đại học Văn khoa Sài Gòn; khi đi ra ngang cửa Câu lạc bộ Văn khoa, tôi gặp Gs. Nghiêm Thẩm. Ông vẫn xách chiếc samsonite như mọi khi, nhưng khuôn mặt ra chiều rất đăm chiêu. Tôi chào ông và hỏi ông tình hình rồi sẽ ra sao. Giáo sư bảo: “Hết rồi. Sài Gòn sẽ như Nam Vang” (Nam Vang thất thủ ngày 17. 4. 1975). Ông còn nói như tiên tri: “Đại sứ Mĩ Martin (Graham Martin) sẽ cuốn cờ, leo lên máy bay trực thăng mà đào thoát y như Đại sứ Mĩ Dean (John Gunther Dean) ở Nam Vang”. Tôi hỏi tiếp: “Thầy có đi không”. Ông buồn buồn bảo: “Tôi không đi. Tôi già rồi, đi làm gì”. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Gs. Nghiêm Thẩm.
Năm 1988, đi tù cải tạo về, nghe tin Gs. Nghiêm Thẩm đã bị sát hại, tôi rủ anh Nguyễn Văn V. tới thăm Gs. Toan Ánh và cũng để hỏi về cái chết của Gs. Nghiêm Thẩm. (Anh NVV. là giáo sư Trung học, cũng đi tù cải tạo về vì tội chống đối nhà trường XHCN).
Theo lời Gs. Toan Ánh kể cho hai chúng tôi thì Gs. Nghiêm Thẩm vẫn thường hay lên nhà ông chơi. Rồi, một sáng, Gs. Nghiêm Thẩm từ nhà Gs. Toan Ánh đạp xe về nhà, khi bước lên lưng chừng cầu thang, Gs. Nghiêm Thẩm đã bị một tên hung thủ dùng cái búa khảo cổ của ông đập vào đầu ông tới chết. Một điều đáng ngạc nhiên là, không biết căn cứ vào đâu, Gs. Toan Ánh nghi ngờ nguyên do vụ án mạng là vì tình.
Khi sang tới Hoa Kì, tình cờ tôi được đọc cuốn “Rồng Xanh Ngục Đỏ” (Hội Hữu xuất bản tại Hoa Kì năm 1986) của Lm. Vũ Đình Trác, trong đó có nói về cái chết của Gs. Nghiêm Thẩm.
Lm. Vũ Đình Trác và Gs. Nghiêm Thẩm quen nhau và trở thành đôi bạn thân từ năm 1978 khi hai vị, như hầu hết các giáo sư Đại học còn ở lại, đã gia nhập vào các nhóm nghiên cứu văn hóa thành lập sau 30.4.1975. Vì say mê khảo cổ, cho nên khi nghe Lm. Vũ Đình Trác nói ông có Cuốn Bách Việt Tiên Hiền Chí, trích ra từ Đại Bộ Dã Sử Trung Hoa Lĩnh Nam Di Thư, ngay lập tức, Gs. Nghiêm Thẩm tìm tới làm quen với Lm. Vũ Đình Trác. Rồi từ chỗ trao đổi sách cổ và tài liệu cổ, hai vị trở thành đôi bạn tri kỉ, tâm giao.
Lần đầu tới thăm Gs. Nghiêm Thẩm, Lm. Vũ Đình Trác ngạc nhiên được biết thêm Gs. Nghiêm Thẩm đang sống chung với bà Ngô Thị Dung. Sau 30.4.1975, bà Ngô Thị Dung dậy Nhật ngữ tại Đại học (Văn khoa cũ). Lm. Vũ Đình Trác quen biết Bà Ngô Thị Dung hồi cả hai còn học bên Nhật. Gs. Nghiêm Thẩm nói ông và bà Ngô Thị Dung đã làm hôn thú để làm đơn xin đi đoàn tụ với ba má bà đang sống ở Canada.
Trong thời đại “đồ đểu cáng” sau 30.4.1975, dưới những con mắt tham lam và tàn ác của những ông kẹ văn hóa, việc sở hữu những đồ cổ và sách cổ qúy giá cũng trở thành một mối lo hại thân cho các khổ chủ .
Cho nên Gs. Nghiêm Thẩm phải dặn dò Lm. Vũ Đình Trác: “Linh mục phải giữ bí mật những tài liệu cổ này, kẻo tụi nó đánh hơi được thì phiền to; chiếc búa khảo cổ của tôi, tụi nó cũng đã biết rồi, mà cứ nay đứa này, mai đứa khác đến hỏi thăm và đòi xem” (Sđd. Trang 253).
Còn Bà Ngô Thị Dung thì thổ lộ: “Anh Thẩm là một nhà khoa học thuần túy, nên anh thiếu sự đưa đẩy uyển chuyển, khi giao tiếp với công an cán bộ”. Bà cũng nói thật “ Anh Thẩm qúy cha lắm, mới tiết lộ những bí mật của anh như thế” (Sđd. Trang 253).
Thêm vào đó, sau khi chiếm trọn miền Nam, với khí thế thắng lợi ngút trời, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ bộc lộ tham vọng muốn làm bá chủ toàn vùng Đông Nam Á. Trên thực tế, vào thời điểm đó, CSVN đã chiếm đóng Lào, rồi Kampuchea, và đang chuẩn bị “giải phóng” Thái Lan. Để thực hiện âm mưu, họ tích cực chuẩn bị mọi mặt. Trong kế hoạch chuẩn bị, họ toan tính lợi dụng chất xám của trí thức để đánh mặt trận tâm lí, khơi dậy ý chí quật cường và lòng kiêu hãnh dân tộc. Đây là điểm khởi đầu cho tai họa sắp đổ ập xuống cuộc đời của một trí thức thứ thiệt như Gs. Nghiêm Thẩm.
Đúng như vậy. Gs. Nghiêm Thẩm đã tâm sự với Lm. Vũ Đình Trác chuyện Tổng Bí thư đảng CSVN Lê Duẩn, với sự tháp tùng của Nguyễn Tuân, đã vào Nam và cho mời Gs. Nghiêm Thẩm tới khách sạn Majestic mà đãi đằng, khen ngợi, rồi “đưa đơn đặt hàng” cho ông.
Cuối bữa tiệc thịnh soạn, Lê Duẩn nói với Gs. Nghiêm Thẩm: “Anh Nghiêm Thẩm, chắc anh biết: cả thế giới đang coi Việt Nam mình như “đỉnh cao trí tuệ loài người” mà anh cũng được vinh dự ấy. Việt Nam chúng ta phải làm chủ miền Đông-Nam-Á này. Mọi yếu tố làm chủ hầu như đã đầy đủ, chỉ còn thiếu một điều…
Từ trước tới nay, mấy thằng chép sử “nhãi ranh’ vẫn cho rằng: nguồn gốc các sắc tộc miền Đông-Nam Á-Châu này là Mã Lai hay Indonesien. Đại Nga-xô mới tìm được ít dấu vết chứng tỏ rằng Việt Nam chúng mình mới là thủy tổ. Chúng ta đang làm lại lịch sử Đông-Nam Á-Châu. Khoa nhân chủng học và khảo cổ của ta lúc này đang phát đạt vô biên, nên anh phải nắm lấy cơ hội này, với uy tín sẵn có của anh, anh phải viết một bài lớn, thẩm định lại: Dân Việt Nam là thủy tổ các dân tộc Đông-Nam Á-Châu. Như thế mới đúng ý nghĩa của “Đỉnh cao trí tuệ loài người” và mới xứng đáng tài năng hiếm có của anh”.
Tôi im lặng một phút…trả lời hắn: “Uy tín của tôi lúc này là nói đúng và nói thật. Theo các tài liệu khoa học hiển nhiên, nhất là khoa khảo cổ học và nhân chủng học quá rõ ràng, tôi không thể viết thế khác được. Viết như đồng chí nói là phản khoa học”.
Hắn mỉm cười, bảo tôi: “Anh nói thế tức là còn đang ở trong vòng gò bó của sách vở, của óc đế quốc, của hủ lậu, chứ không theo sử quan một tí nào cả”.
Tôi cảm thấy tức đầy ruột…nên tôi hơi bạo lời: “Nếu tôi viết như thế, thì các nhà khảo cổ và nhân chủng học trên thế giới sẽ cho tôi và cả chế độ tôi phục vụ là con chó chết. Tôi không bao giờ làm chuyện sa đọa ấy”.
Lê Duẩn vẫn không lộ vẻ tức giận. Hắn hỏi tôi vắn tắt: “Anh nhất định không làm chuyện đó?”.
Tôi bỗng tìm được một danh từ xưng hô, trả lời hắn: “Tôi không thể đáp ứng yêu cầu của đàn anh trong việc này”.
Lê Duẩn ném cho tôi một cái nhìn có vẻ dữ tợn với câu nói cộc lốc: “Anh nhất định thế…Mong anh đổi ý”.
Tôi cũng nhìn thẳng vào mặt hắn, trả lời cương quyết: “Tôi không bao giờ đổi ý”.
Hắn đi ra, không nói thêm nửa lời.
Tôi coi đó như một biến cố đổ vỡ trong đời tôi, dưới chế độ khốn nạn này. Nhưng tôi thà tan vỡ cả tấm thân với cả chế độ này, còn hơn đổ vỡ cho đất nước tôi, cho chí hướng và danh dự học thức của tôi” (Sđd. Trang 254, 255,256).
Sau lần gặp Lê Duẩn, Gs. Nghỉêm Thẩm sống thấp thỏm, lo âu, chờ đợi một điều gì đó không hay xẩy ra cho ông. Nhưng rất bất ngờ, giáo sư lại được mời đi họp một lần nữa. Người mời lần này là Bộ trưởng Thông tin Văn hóa CSVN Nguyễn Văn Hiếu. Tháp tùng Bộ trưởng Thông tin Văn hóa còn có Gs. Phạm Huy Thông, Viện trưởng Viện Khảo cổ Hà Nội và mấy viên bộ trưởng khác. Nơi hội họp là khách sạn Hữu Nghị. Thời gian họp kéo dài ba bốn ngày. Đưa rước bằng xe Mercedes. Ăn uống sang trọng. Mục đích được cho biết là chuẩn bị tham dự Đại hội khảo cổ sắp diễn ra ở Moscow. Họ yêu cầu Gs. Nghiêm Thẩm đóng góp tài liệu và kiến thức; họ nói úp mở có thể sẽ mời giáo sư tham gia phái đoàn.
Đáp lại, Gs. Nghiêm Thẩm dứt khoát không chấp nhận đưa ra quan điểm nào khác, ngoài sự tôn trọng tính khách quan của những tài liệu khảo cổ và giáo sư cũng ngỏ ý xin được miễn tháp tùng phái đoàn đi Moscow, viện cớ “tôi có nhiều ý kiến đối nghịch, sẽ bất lợi cho Đại hội” (Sđd. Trang 256).
Trước thái độ cương quyết của Gs. Nghiêm Thẩm, viên bộ trưởng nói: “Cái đó tùy anh” và “Anh chưa đủ thành thực”.
Gs. Nghiêm Thẩm nói với Lm. Vũ Đình Trác: “Tôi nghe câu đó như một bản án kết tội; từ đó, tôi bắt đầu chán sống. Bà NTD (Ngô Thị Dung) bảo tôi: thái độ như vậy không hay. Coi chừng tụi nó cho mình là phản chế độ, là bất hợp tác. Anh nên mềm dẻo với tụi nó thì hơn” (Sđd. Trang 257).
Chuyện Gs. Nghiêm Thẩm bị bọn Cộng sản làm phiền cũng được Gs. Đỗ Khánh Hoan xác nhận qua email ông gửi cho tôi ngày 02.02.2013 như sau: “…Nhiều lần gặp nhau anh (tức Gs. Nghiêm Thẩm) chỉ nói: Bọn nó muốn 'toucher' moa nhưng moa không thích, dính vào tụi nó bẩn người và khó chịu lắm. Họa chứ không phải phúc đâu, Hoan! Moa chỉ mong nó bảo nhau đến nhận chìa khóa cơ sở là moa bai bai!”.
Vào thời điểm đầu Tháng 11.1979, Gs. Nghiêm Thẩm rất bi quan, chán nản; thậm chí có lần ông còn thổ lộ với Lm. Vũ Đình Trác là ông muốn vào đạo Chúa, mong nấp bóng từ bi của Ngài và được Ngài an ủi, phù trì.
Nỗi chết chóc càng ngày càng ám ảnh tâm trạng Gs. Nghiêm Thẩm.
Tuy rất thông cảm tâm trạng u uẩn của bạn, nhưng Lm. Vũ Đình Trác không biết làm gì để giúp bạn. Rồi vì phải đi Cần Thơ giảng dậy lớp Đông y, linh mục buồn bã chia tay Gs. Nghiêm Thẩm, ông nói với giáo sư: “Số phận chúng mình dưới chế độ Cộng sản chỉ có thế”.
Sau mấy tuần đi dậy ở miền Tây, Lm. Vũ Đình Trác trở lại Sài Gòn và tới thăm Gs. Lê Tôn Nghiêm (cựu linh mục, giáo sư Triết học). Gs. Lê Tôn Nghiêm cho linh mục biết Gs. Nghiêm Thẩm đã bị sát hại cách đó 2 tuần, tức là vào cuối Tháng 11.1979.
Theo sự tường thuật của Lm. Vũ Đình Trác thì vụ sát hại Gs. Nghiêm Thẩm xẩy ra vào lúc 11 sáng. Thủ phạm là 2 tên lạ mặt. Chúng tông cửa vào nhà và móc súng ra, uy hiếp Gs. Nghiêm Thẩm phải giao ra chiếc búa khảo cổ của ông. Khi lấy được chiếc búa khảo cổ, một tên dùng chính chiếc búa khảo cổ đập 3 búa lên đầu giáo sư, rồi chúng tẩu thoát cùng với chiếc búa cướp được. Gs. Nghiêm Thẩm nằm chết trên vũng máu. Lúc xẩy ra án mạng, bà Ngô Thị Dung không có ở nhà chỉ có cô cháu lén nhìn trộm thấy mọi diễn biến.
Cô cháu vội đi tìm bà Ngô Thị Dung. Công an tới lập biên bản và niêm phong tủ sách của giáo sư.
Bà Ngô Thị Dung lo việc mai táng cho Gs. Nghiêm Thẩm. Có một ít đồng nghiệp tiễn đưa giáo sư ra nghĩa trang.
Sau lễ an táng, một số giáo sư thân hữu đã ngồi lại với nhau để hồi tưởng về Gs. Nghiêm Thẩm. Qua trao đổi tâm tình, các vị biết được Gs. Nghiêm Thẩm đã thổ lộ tâm sự bi quan, yếm thế với 6 thân hữu khoảng 10 ngày trước khi ông bị thảm sát.
Gs. Lê Tôn Nghiêm và Gs. NTN (chưa đoán ra là vị nào) mời thân hữu nâng li, đang khi đó Gs. TNT ngâm lên bài thơ chiêu hồn thống thiết:
Nghiêm Thẩm! Nghiêm Thẩm!
Anh là đỉnh cao của hoa gấm Giang sơn,
Anh ra đi mang nặng những oán hờn.
Có khôn thiêng, xin hãy về chứng giám
Vạn lòng thành, vạn niềm tin tưởng niệm
Của anh em trí thức dưới trời Nam.
Nguyện làm gió quét sạch lũ sài lang,
Nguyện làm mưa cho quê hương mát mẻ,
Nguyện làm nắng cho rực màu đất mẹ,
Nguyện làm trăng gieo rắc ánh thanh bình.
Vài nhận xét:
1. Về thời điểm: Wikipedia và vietgle.vn đều chỉ nói vắn tắt Gs. Nghiêm Thẩm bị cướp giết chết tại tư gia vào năm 1982.
Thiển nghĩ, thời điểm 1982 không chính xác. Xin nêu 2 bằng chứng:
Một là, Gs. Đỗ Khánh Hoan cho chúng tôi biết ông đã nghe tin Gs. Nghiêm Thẩm bị sát hại trước khi ông vượt biên vào Tháng 12.1979. Vậy vụ thảm sát Gs. Nghiêm Thẩm không thể nào xẩy ra sau ngày Gs. Đỗ Khánh Hoan vượt biên được (qua cuộc điện thoại của tôi với Gs. Đỗ Khánh Hoan vào ngày 08 và 09. 01. 2013).
Hai là, trong hồi kí “Rồng Xanh Ngục Đỏ” (Sđd), Lm. Vũ Đình Trác nói ông chia tay Gs. Nghiêm Thẩm vào đầu Tháng 11.1979 để đi Cần Thơ giảng dậy lớp Đông y. Khi ông trở về Sài Gòn thì Gs. Lê Tôn Nghiêm cho biết Gs. Nghiêm Thẩm đã bị sát hại cách đó 2 tuần, tức là vào cuối Tháng 11.1979. Năm sau, Lm. Vũ Đình Trác vượt biên vào Tháng 5.1980.
Với 2 bằng chứng khả tín này, có thể khẳng định Gs. Nghiêm Thẩm bị sát hại vào Tháng 11 năm 1979 chứ không phải là năm 1982.
2. Về thủ phạm và cách gây án: Gs. Toan Ánh và Lm. Vũ Đình Trác đều nói Gs. Nghiêm Thẩm bị hung thủ đập vào đầu đến chết bằng cái búa khảo cổ qúy giá của ông. Nhưng Gs. Toan Ánh lại nghi sát thủ là một tay gian phu, cho nên chắc hung thủ chỉ có một tên mới hợp lí. Đang khi đó, theo Lm. Vũ Đình Trác thì hung thủ là 2 tên lạ mặt.
Mặc dù chúng tôi biết rõ Gs. Toan Ánh vốn là bạn thâm giao của Gs. Nghiêm Thẩm, nhưng không hiểu ông căn cứ vào đâu để nêu lên nghi vấn một tên gian phu đã gây nên cái chết của Gs. Nghiêm Thẩm. Đàng khác, nghi vấn này xét thấy càng vô lí hơn, vì bất cứ tên gian phu nào cũng như bất cứ người nào muốm cắm sừng lên đầu người phối ngẫu của mình, tối thiếu, đều phải tính toán cẩn thận giờ giấc sinh hoạt của nạn nhân và phải chọn thời điểm và nơi hành sự cho an toàn, kín đáo.
Nếu vụ án Gs. Nghiêm Thẩm là do một tên gian phu thì quả là y quá ngang nhiên và quá táo bạo, cho nên mới dám vi phạm những điều cấm kị sơ đẳng của một kẻ gian. Thiển nghĩ, cái nghi vấn của Gs. Toan Ánh sẽ mãi mãi chỉ là một nghi vấn có tính cách “tiêu cực”, trừ khi những người trong cuộc còn tại thế chịu lên tiếng.
Cũng không loại bỏ cái nghi vấn của Gs. Toan Ánh là do bị ảnh hưởng bởi thủ đoạn đánh lạc dư luận của những kẻ phạm án. Biết đâu chúng đã thi hành âm mưu bắn một mũi tên mà giết được 2 con chim: tức là chúng giết Gs. Nghiêm Thẩm rồi cho Công an lập ra một biên bản gian trá, trong đó dàn dựng thủ phạm sát nhân là một tên gian phu. Làm thế, chúng vừa làm mất danh dự vừa bịt miệng vị phụ nữ, là người không có mặt ở nhà lúc xẩy ra án mạng.
Chắc nhiều người còn nhớ CSVN đã bắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đêm 05.10.2010 với tang vật tội “mua dâm” là “hai bao cao su (condoms)” khều ra được từ sọt rác phòng khách sạn của ông. Thế rồi CSVN lại phù phép tội mua dâm thành ra tội “tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN”!
3. Về nguyên do tại sao Gs. Nghiêm Thẩm bị thảm sát
Có nhiều bằng chứng cho một nghi vấn khác “hợp lí” hơn: Chính bọn lãnh đạo chóp bu CSVN ra lệnh giết Gs. Nghiêm Thẩm vì ông là một trí thức bất hợp tác, không chịu khuất phục làm công cụ tuyên truyền cho chúng.
Đọc cuốn hồi kí “Rồng Xanh Ngục Đỏ” dài 379 trang của Lm. Vũ Đình Trác, chúng tôi thấy có vài chỗ tác giả đã lầm lẫn hoặc là cả tin. Chẳng hạn như ở trang 209, tác giả kể chuyện Gs. Lý Chánh Trung đã vượt biên tới Thái Lan năm 1981 và vì bị đồng bào vạch mặt chỉ tên là Cộng sản, cho nên không thể xin định cư tại Hoa Kì mà phải xin đi Pháp. Có lẽ tác giả muốn kể chuyện vượt biên của Gs. Châu Tâm Luân. Sự thật thì Gs. Lý Chánh Trung không hề vượt biên; ông vẫn ở Việt Nam.
Hay là ở các trang 262- 275, Lm. Vũ Đình Trác thuật lại một cách tin tưởng những chuyện phép lạ do tên Hồ Ngọc Ánh (Hồ Ngọc Anh) “đạo diễn” cho Đức Mẹ Maria “thi hành” ở Trung tâm Fatima, Bình Triệu, vào năm 1975. Theo tôi, tay Hồ Ngọc Anh này là một tên đại bịp. Không biết bằng cách nào, sau này, hắn ta lại có mặt tại Hoa Kì và đã tới lãnh địa Dòng Đồng Công tại Carthage, Missouri, toan dở trò bịp bợm một lần nữa vào Tháng 12 năm 1993, nhưng đã bị Dòng Đồng Công lột mặt nạ (Xin xem bài Sự Thật Về Ông Hồ Ngọc Anh dài 7 trang trên Nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ, Số 194, Tháng 02,1994). Thực ra, không phải chỉ một mình Lm. Vũ Đình Trác tin vào vụ “phép lạ Hồ Ngọc Anh” mà còn có vài giáo sĩ vị vọng khác nữa cũng tin như vậy!
Mặc dù có vài điều đáng tiếc ấy, song không thể phủ nhận toàn bộ giá trị cuốn hồi kí Rồng Xanh Ngục Đỏ được. Đọc cuốn hồi kí này, chúng ta sẽ có cái nhìn sống động tổng quát về tình hình suy sụp của xã hội miền Nam sau ngày 30.4.1975, nhất là tình cảnh bi đát của giới trí thức và giáo sư Đại học. Đúng là cái cảnh “sĩ khí rụt rè gà phải cáo”!.
Riêng phần tường thuật diễn tiến các tình tiết dẫn đưa tới cái chết của Gs. Nghiêm Thẩm, chúng tôi thấy có lớp lang và hữu lí.
Thứ nhất: Tính khảng khái và sự bất hợp tác của Gs. Nghiêm Thẩm
Bất cứ ai quan tâm tới lịch sử cận đại Việt Nam cũng đều biết tỏ tường rằng, trong quá trình đấu tranh cướp chính quyền ở cả hai miền đất nước, bọn lãnh đạo chóp bu CSVN đã thủ tiêu nhiều nhà đối lập danh tiếng, nhiều đồng chí dầy công nghiệp của họ, cho nên việc họ tiêu diệt một trí thức bất hợp tác như Gs. Nghiêm Thẩm chỉ là chuyện nhỏ, chuyện thường tình!
Đối với bọn Cộng Sản, không theo chúng cũng bị chúng coi là kẻ thù cần phải tiêu diệt. Thế mà Gs. Nghiêm Thẩm đã dám không tuân theo lệnh của Lê Duẩn là kẻ có quyền lực vô biên vào thời đó. Hậu quả tất nhiên là Gs. Nghiêm Thẩm phải chết.
Thứ hai: Để thi hành lệnh hành quyết của các lãnh tụ CS, bọn tay sai sát nhân có trăm phương nghìn kế để giết người: Bắt đi “cải tạo” nơi rừng thiêng nước độc không có ngày về, mật báo cho đối phương để mượn tay đối phương tiêu diệt đối thủ, dùng thuốc độc, cho xe cán chết, dàn dựng một vụ chết vì lạc đạn hoặc là một vụ cướp của giết người…
Xem xét thấy vụ sát hại Gs. Nghiêm Thẩm, bắt buộc người quan sát phải nghi ngờ ngay đây là một vụ thanh toán kẻ bất hợp tác về chính trị, được dàn dựng như là một vụ giết người cướp của.
Nghi vấn này căn cứ trên lập luận như sau: Kẻ trộm cướp thường chỉ nhắm vào những con mồi có tiền của; đang khi Gs. Nghiêm Thẩm không phải là người có tiền của. Bọn hung thủ sát hại Gs. Nghiêm Thẩm và chỉ lấy được chiếc một búa khảo cổ. Thử hỏi làm sao những tên trộm cướp bình thường lại biết Gs. Nghiêm Thẩm sở hữu chiếc búa khảo cổ và nếu chỉ để lấy chiếc búa ấy, có đáng để chúng phải giết một mạng người không? Suy ra, chỉ có những kẻ chủ mưu, những kẻ ra lệnh giết người thuộc giới cầm quyền chính trị văn hóa cao cấp mới biết Gs. Nghiêm Thẩm có đồ cổ và sách vở hiếm qúy. Cướp của trong trường hợp này là thứ yếu, tiêu diệt đối tượng bất hợp tác chính trị mới là chủ đích. Thêm vào đó, ngay sau khi Gs. Nghiêm Thẩm bị sát hại, Công an tới lập biên bản và “tức khắc niêm phong tủ sách” của ông (Sđd. Trang 258). Bọn cướp của giết người bình thường không biết giá trị của sách vở.
Thứ ba: Gs. Đỗ Khánh Hoan cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường Cộng sản rất thích màu mè. Theo lệ, mỗi khi một giáo sư hay nhân viên Trường Đại học nào có cha mẹ vợ con qua đời, nhà trường đều cử đại diện đi phúng điếu. Riêng trường hợp Gs. Nghiêm Thẩm bị sát hại, nhà trường phản ứng rất khác lạ. Gs. Đỗ Khánh Hoan chỉ được nghe tin về cái chết của Gs. Nghiêm Thẩm chứ không được nhà trường thông báo chính thức và nhà trường cũng không cử phái đoàn đi thăm viếng hoặc phúng điếu. Gs. Nghiêm Thẩm là giáo sư kì cựu của nhà trường. Bà Ngô Thị Dung sống chung có hôn thú với Gs. Nghiêm Thẩm, cũng là giảng viên Nhật ngữ của nhà trường. Vậy tại sao nhà trường lại đối xử phân biệt tệ hại và vô tình đến như vậy? Câu trả lời chỉ có thể vì đây là vụ án chính trị mà thôi.
Từ câu trả lời trên, người ta có thể hiểu được tại sao vài tài liệu trên mạng lại “ngụy tạo” nguyên do và thời điểm về cái chết của Gs. Nghiêm Thẩm. Họ nói Gs. Nghiêm Thẩm bị cướp giết tại tư gia năm 1982. Phải chăng họ muốn tung hỏa mù, muốn đánh lạc hướng dư luận?
Thứ tư: Hoạt cảnh sát hại Gs. Nghiêm Thẩm diễn ra trước con mắt nhìn lén của cô cháu gái, lúc đó có mặt ở nhà.
Thứ năm: Cứ sự thường, nếu đây là vụ án hình sự thuần túy thì, ít nhiều gì, công an, báo chí và tòa án cũng đã làm việc. Nhưng đây là vụ án mạng có tính chính trị mà thủ phạm là bọn Cộng sản, rồi chính bọn họ lập biên bản và điều tra thì chẳng khác chi một kẻ vừa đá banh vừa thổi còi, cho nên vụ án giết Gs. Nghiêm Thẩm ngay giữa thành phố lớn nhất của một nước đã bị cho chìm xuồng, và dư luận không mấy ai hay, không mấy ai biết.
Vụ Gs.Nghiêm Thẩm bị sát hại chưa bao giờ được điều tra nghiêm chỉnh và khách quan, cũng như chưa bao giờ được một tòa án xứng đáng xét xử công khai với đầy đủ thủ tục tố tụng, cho nên theo luật, không ai có thẩm quyền đưa ra lời buộc tội có giá trị pháp lí ở đây và vụ việc vẫn còn là một nghi án. Thế nhưng, trên đời này có nhiều vụ việc, mặc dù chưa được công nhận là có giá trị pháp lí (de jure), nhưng đã có giá trị trên thực tế rồi (de facto).
Trong thời cận đại và thời hiện đại, cha chú chúng tôi và chính chúng tôi là những chứng nhân sống, là nạn nhân thật sự của các thủ đoạn cướp chính quyền và các đòn phép kềm kẹp tàn độc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên chúng tôi không lạ gì những thủ đoạn thâm hiểm, những tội ác tày trời của bọn Cộng sản VN. Vụ sát hại Gs. Nghiêm Thẩm chưa có bản án pháp lí, nhưng trong tâm trí chúng tôi, với những bằng chứng và những suy luận trên đây, thiết tưởng đã đủ lí do để chúng tôi đi từ nghi vấn đến kết luận rằng Gs. Nghiêm Thẩm đã bị bọn chóp bu Cộng sản VN ra lệnh sát hại một cách tàn ác, vì ông đã cương quyết bất hợp tác, không chịu bẻ cong ngòi bút làm công cụ tuyên truyền cho chúng.
Oan khuất thay! Đau đớn thay!
Vinh danh Gs. Nghiêm Thẩm
Mặc dù chưa được thụ án nghiêm chỉnh và dư luận không mấy ai hay, không mấy ai biết vụ Gs. Nghiêm Thẩm bị sát hại, nhưng chúng tôi là môn sinh của Gs. Nghiêm Thẩm, chúng tôi biết và chúng tôi muốn danh tính và cái chết tức tưởi của vị giáo sư anh hùng được đời sau biết tới. Hiện nay, bọn CSVN làm ra rất nhiều luật lệ, nhưng chúng xài có một thứ luật. Đó là luật rừng. Cho nên không mong gì chúng giở lại hồ sơ vụ án Gs. Nghiêm Thẩm. Nếu có ai khiếu kiện thì kết quả cũng chỉ là “con kiến mà kiện củ khoai” mà thôi. Song chúng tôi tin rằng CSVN không có thể thống trị đất nước này mãi được. Sẽ có một ngày đất nước thoát khỏi gông cùm Cộng sản. Chắc chắn lúc đó, công lí sẽ được trả lại cho Gs. Nghiêm Thẩm một cách sòng phẳng.
Trong hoàn cản hiện nay, môn sinh chúng tôi có thể làm ngay một việc là vinh danh Gs. Nghiêm Thẩm như một trí thức anh hùng, một nhà giáo, một nhà khoa học chân chính.
Bất kể bọn Cộng sản đã dàn dựng vụ sát hại Gs. Nghiêm Thẩm như thế nào, và rồi giải thích ra sao, Gs. Nghiêm Thẩm vẫn đã là anh hùng rồi. Gs. Nghiêm Thẩm là anh hùng ngay từ khi ông dứt khoát không tuân lệnh của Tổng Bí thư đảng CSVN Lê Duẩn, của viên Bộ trưởng Thông tin Văn hóa CSVN để phải bẻ cong ngòi bút mà viết bài phục vụ chính trị. Gs. Nghiêm Thẩm đã không chịu khuất phục trước cường quyền, sẵn sàng chấp nhận tất cả, ngay cả cái chết để bảo vệ danh dự một trí thức, bảo vệ sự thực khách quan của khoa học.
Gs. Nghiêm Thẫm xứng đáng là một Chu Văn An, là một Nguyễn Bỉnh Khiêm thời đại ngày nay.
Cuối cùng, chúng tôi xin mượn những câu thơ bất khuất của kẻ sĩ Phùng Quán để kính viếng hương hồn Gs. Nghiêm Thẩm.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
(Lời Mẹ Dặn)
*Bạch Diện Thư Sinh
02.02.2013.
(Mong được qúy độc giả chỉ cho biết những phát hiện khác có liên quan tới cái chết của Gs. Nghiêm Thẩm, để sự thật càng sáng tỏ hơn. Xin liên lạc về:
Phần phụ thêm:
1. Gs. Toan Ánh (1916-2009)
Gs. Toan Ánh (ảnh của Nguyễn Thụy Long)
Tên thật là Nguyễn Văn Toán. Sinh tại Thị Cầu, Bắc Ninh.
Ông từng là công chức cao cấp Bộ Thông Tin, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn hóa Giáo dục VNCH và là giảng sư Đại học Vạn Hạnh và Đại học Huế.
Ông là nhà biên khảo tiếng tăm, là tác giả của trên 120 cuốn sách, hầu hết là những cuốn khảo luận về phong tục tập quán giá trị, như: Nếp Cũ (11 cuốn), Việt Nam Chí Lược (5 cuốn), Tín Ngưỡng Việt Nam, Hội Hè Đình Đám, Cầm Ca, v.v….
Gs. Toan Ánh là một học giả luôn luôn nâng đỡ, khuyến khích hậu sinh học tập. Năm 1971, dù không phải là học trò của ông, chúng tôi cũng đã mấy lần được hầu chuyện giáo sư. Tôi được Gs. Nghiêm Thẩm nhận đỡ đầu cho tiểu luận của tôi, một phần là nhờ lời giới thiệu của Gs. Toan Ánh.
Tư gia của Gs. Toan Ánh nằm trong cư xá dân sự đường Công Lý, chênh chếch phía trước cổng Tổng Tham Mưu QLVNCH. Còn nhớ hồi ấy, chung quanh phòng khách là những kệ sách xếp đầy sách vở. Lần trở lại thăm Gs. Toan Ánh năm 1988, tôi nhận thấy người và cảnh đã đổi khác nhiều. Căn phòng chỉ còn là phòng khách, không còn những kệ đầy ắp sách vở. Hồi đó, giáo sư còn tráng kiện, hoạt bát làm sao. Nay thì tuổi đời chồng chất và nhất là hoàn cảnh đổi dời của thời thế đã làm cho dáng vẻ giáo sư ra chiều ưu tư, xa vắng. Nụ cười vẫn còn đó, nhưng chừng như ít tươi hơn xưa! Giáo sư bảo ông đã hưu dưỡng và người ta đang thương lượng để xuất bản những bộ sách cũ cũng như mới của ông. Ông than phiền rằng bên hải ngoại đã in sách của ông mà không hỏi ông. Khi ông viết thư yêu cầu họ trả cho ông chút tiền nhuận bút để dưỡng già, họ trả lời: “Sách của ông chúng tôi in ra cho, ông còn muốn gì nữa?!” Gs. Toan Ánh chua chát nói: “Đấy, mấy anh coi, họ nói thế có nghe được không. Trước 30.4.1975, sách của tôi xuất bản bao nhiêu
bộ, toàn là sách bán được, sách có độc giả, không bao giờ thuộc loại sách bán “xon” ngoài hè phố. Sách của tôi khá nhiều. Tên tuổi Toan Ánh đâu có xa lạ gì với độc giả toàn miền Nam. Tôi đâu có cần nhờ tới họ mới được thiên hạ biết đến”.
Hiện ở trong nước, Nhà xuất bản Trẻ đã kí hợp đồng 10 năm (2004-2015) để được độc quyền xuất bản Toan Ánh Toàn Tập, gồm 124 tác phẩm đã từng xuất bản và chưa xuất bản của Gs. Toan Ánh. Có một điểm cần lưu ý là tất cả những sách vở đã xuất bản thời Quốc gia nay được in lại ở trong nước đều bị đục bỏ, sửa chữa những chỗ đụng chạm tới Cộng sản VN hoặc là sẽ có những ghi chú cuối trang theo quan điểm của người Cộng sản.
2. Lm. Vũ Đình Trác (1927-2003)
Lm. Vũ Đình Trác
Ông sinh tại Trung Lao, Nam Định.
1954: Linh mục
1960: Cử nhân Văn chương Việt Hán, Đại học Văn khoa Sài Gòn.
1963 – 68: Bề trên Tu viện Mai Khôi, Chí Hòa; Hiệu trưởng Trung học Minh Viễn, Chợ Lớn.
1968 – 71: Du học Đài Loan, đậu Thạc sĩ Triết tại Đại học Fujen (Phụ Nhân), Đài Bắc.
1971 – 74: Học Đại học Sophia, Tokyo, Nhật Bản, đậu Tiến sĩ Triết.
1974: Về nước, dậy học.
Ông là tác giả khoảng 20 cuốn sách, như: Triết Lý Chấp Sinh Nguyễn Công Trứ, Triết Lý Nhân Bản Nguyễn Du, Một Trăm Cây Thuốc Vạn Linh, Việt Nam Trong Qũy Đạo Thế Giới, Rồng Xanh Ngục Đỏ, Công Giáo Việt Nam Trong Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc…
Cuối Tháng 8. 1975: bị đuổi cùng 60 tu sĩ ra khỏi cơ sở tu hội Thánh Gioan Bình triệu do lệnh của UB Quân quản Xã Bình Trước, Quận Thủ Đức, vì chúng muốn cướp cơ sở của Tu hội. Về nhà ở với mẹ tại Chí Hòa. Làm việc mục vụ chui cho các nữ tu Mai Khôi Chí Hòa; đồng thời dậy các nữ tu chế thuốc Nam và chữa bệnh chui, nhưng rất mát tay. Để khỏi phiền phức, ông viết đơn xin nghỉ dậy Đại học. Có lúc được mời mở lớp dậy châm cứu và thuốc dân tộc tại Trung tâm Tĩnh tâm Betania, Chí Hòa. Ông còn đi mở lớp ở Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt, Dốc Mơ. Sau đó, xin mở Phòng Đông y tại Bệnh viện Saint Paul (nay là Bv. Điện Biên Phủ) cho đến sau Tết 1980.
Tháng 5. 1980: Vượt biên sang Hoa Kì.
2003: Qua đời tại Nam California.