Phan Chu Trinh là vĩ nhân có tư tưởng tiến bộ và đề ra đường lối thích hợp nhất cho sự tồn vong của dân tộc ta về lâu dài.
Trong các chí sĩ vạch ra con đường cứu nguy dân tộc vào cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, phải kể Phan Chu Trinh là vĩ nhân có tư tưởng tiến bộ và đề ra đường lối thích hợp nhất cho sự tồn vong của dân tộc ta về lâu dài.
Điều hậu thế cảm phục ông, không những vì ông hy sinh danh lợi bản thân vì đại nghĩa cho tới lúc lâm chung, mà còn vì viễn kiến của ông mà ngày nay người Việt mới ý thức rõ ràng cần tự cường, tự chủ như thế nào trước sự bành trướng của phương Bắc luôn luôn đe dọa nền độc lập của nòi Hồng Lạc.
Các nhà nghiên cứu phong trào Đông du và Duy tân trong lịch sử cận đại ở VN thường nhận định là do phong trào duy tân ở Á đông bùng nổ, và do ảnh hưởng của tư tưởng cải cách từ tác phẩm được gọi là “tân thư” từ Nhật bản và của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đời Vãn Thanh du nhập vào nước ta..
Nhìn chung không sai, vì triều đình Huế đi tới suy tàn gần như đồng thời với triều Quang Tự và đế chế Mãn Thanh tiến dần tới mạt vận trong khi Nhật bản hùng cường dưới thời Minh trị.
Tuy nhiên, khuyến cáo của Khang- Lương chỉ đề ra một số thay đổi cần thiết mà chế độ Mãn Thanh hủ bại phải theo, nhắm khuyến khích Quang Tự “biến pháp” để đối phó với nguy cơ bị liệt cường áp bức và xâu xé, chứ không đưa ra sách lược cứu dân chúng ra khỏi vòng đói khổ và đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc Âu Mỹ và Nhật bản.
Riêng ở VN biện pháp thay đổi ôn hòa, tạm bợ của Khang-Lương càng không phải liều thuốc có thể chữa được căn bệnh trầm kha của một quốc gia bị trị, từ triều đình tới xã hội đang chìm đắm trong hủ tục và nghèo đói. Tìm biện pháp nào đây để cứu nguy tổ quốc?
Hẳn nhà Nho họ Phan thức thời đã tiếp xúc với tư tưởng của Montesquieu và J. J. Rousseau qua tân thư, và cũng đã đọc Thiên diễn luận xuất bản 1898 của Nghiêm Phục (1854-1921), một trí thức TQ đã có cơ hội sang Anh để tìm hiểu văn hóa Âu Mỹ và lược dịch tác phẩm của triết gia chủ trương tiến hóa luận của Darwin là Thomas Henry Huxley (1825-1895). Sau này Phan Chu Trinh đi Pháp vào 1905, đã thấy sự thực hùng mạnh ở những quốc gia tân tiến. Từ đó, ông tìm ra phương thuốc cứu nguy dân tộc và trở thành một nhà ái quốc tiền phong chống chế độ quân chủ, chống Khổng giáo lạc hậu và cảnh tỉnh quốc dân trước nguy cơ từ phương Bắc tới nếu cứ tiếp tục ôm lấy giáo lý Khổng Mạnh đã lỗi thời nhưng luôn luôn bị Bắc đình lợi dụng làm sức mạnh xâm lược mềm..
Phan Chu Trinh, mạnh dạn chỉ trích chế độ chuyên chế trong khi triều đình phong kiến còn có khả năng, dựa vào thực dân, nhân vụ Kháng thuế ở Quảng Nam chém Trần Quý Cáp năm 1908 và trước phong trào yêu nước bừng sôi khắp ba miền, đã đày những chí sĩ như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Tiểu La và Dương Bá Trạc…ra Côn đảo.
Trong thư Thất điều kể tội Khải định sang Pháp du hý vào năm 1922, Phan Chu Trinh đã hạch tội nhà vua bằng những lời, vào thời đại ông, chưa nhà Nho khoa bảng nào dám dùng vì có thể bị khép vào tử tội “phản nghịch.”
“Còn nước Nam ta, từ xưa đến nay, vẫn là một nước chuyên chế, trăm việc chínhtrị vào một tay vua; công việc Triều đình cấm không do dân nói đến (luật ta cấmkhông cho học trò và dân gửi thư cho vua nói chính trị). Đã 70, 80 năm nay,trên vua thời hèn, dưới tôi thời nịnh; pháp luật thời nghiêm nhặt, dân mất cảtự do (từ thời Gia Long đem luật Thanh về trị dân Việt Nam, là một sự lầm, vì luật đó là luật người Mãn Châu lập ra để trị Trung Quốc, trong luật ấy lắm phép không công bình; xem như khi luật ấy bắt đầu thi hành trong nước ta, ông NguyễnVăn Thành là một người khai quốc công thần, chỉ vì cớ con ông ta đặt một bài thơ chơi, vậy mà các quan nịnh thần, đem thêu dệt ra, giết cả nhà ông ấy! Thế thời bộ luật ấy độc dữ biết chừng nào!).
Từ đó nước ta, dân với vua cách nhau xa quá; các quan ở giữa muốn làm chi thời làm, dân không chỗ kêu ca. Từ triều Minh Mạng về sau, giặc giã nổi lên luôn; đến đời Tự Đức, Tây qua là mất nước, ông bà nhà Nguyễn, trong 200 năm mở mang gần nửa nước Nam, công đức lớn biết là bao nhiêu mà con cháu làm vua chỉ chưa đầy 50 năm, đã bị họa mất nước, là bởi cớ đó, thảm thay! Việc học hành thời hủ bại, nên học trò dốt nát, chỉ biết thi đậu làm quan để ăn cướp của dân, chẳng biết nước nhà là gì.
Vậy cho nên đến nay nước nhà một ngày một sa sút, càng ngày càng tàn mạt,chẳng còn đứng vào bực nào cả; nếu không bị nước Pháp lấy, thời cũng không biết nước ta trôi nổi vào tay ai!
Cứ sự đã qua đó mà buộc tội, chẳng vua thời ai? Dẫu có anh thầy kiện miệnglưỡi giỏi thế nào, cũng không cãi cọ gì được.
Vậy nước ta từ nay về sau, còn nên tôn quân quyền nữa không? Không, chẳng những là vua không nên tôn, mà ngôi vua cũng nên cất đi kia. Vậy mà vua đến nay cũng còn, thương ôi! Cái trí khôn dân ta lu lấp, thua kém cả người thiên hạ, đã đành nên thương hại, mà cái lòng trung hậu nhịn nhục của nó cũng nên chuộngvậy!
Vậy thời đáng lẽ vua phải hết lòng lo lắng làm việc gì lợi ích cho thỏa lòng chúng nó một tí mới phải. Nay Bệ hạ thời không: lúc chưa làm vua, chẳng nghe có một điều gì là hay, mà sự xấu xa thời đã chán chường trước mắt thiên hạ, chỉ lo chạy ngược, chạy xuôi để lên làm vua cho được; đến lúc làm vua được rồi, chỉ làm việc cho nhân dân oán thán mà thôi. Vậy mà nay còn dựa hơi quyền nọ quyền kia, bắt buộc dân còn phải tôn mình nữa kia!
Chiếu theo luật xưa nay, dân Âu Á chúng nó bắt tội các vua của chúng, mà xử Bệ hạ, thời một cái giết, hay một cái đuổi, hai cái đó Bệ hạ không thể tránh được.”
Mở rộng nghiên cứu về Phan Chu Trinh, hậu thế còn thấy ở ông nhiều thể hiện phản ảnh tinh thần dân tộc son sắt mà ngày nay chúng ta phải cố gắng noi theo.
Trong một thiên nghị luận về mối bang giao giữa ta với cường quốc phương Bắc, Phan Tây Hồ đã viết:
“Tổ tiên ta, không biết mấy ngàn, trăm năm nay đã tất bật lam lũ gian nan cùng quẫn để xây dựng, mở mang, lấy làm căn cứ cho có nơi trú ẩn. Cũng là muốn ta tự sinh, tự phát triển cho tới con tới cháu; rồi con cháu cũng làm như vậy; rồi từ nay về sau con cháu ta được ca ở đó, khóc ở đó, tụ tộc ở đó, sinh trưởng ở đó.”
Tiếp đó ông chỉ trích tham vọng xâm lược của Trung hoa:
“ Trung Quốc đã cậy mạnh hiếp yếu, tham lam không chán, vô cớ mà xâm chiếm đất nước người ta, vô cớ mà tàn sát sanh mạng người ta, vô cớ mà trói buộc nhân dân người ta, vô cớ mà bóc lột máu mỡ người ta. Than ôi! Con người không phải là gỗ đá, tình ấy làm sao chịu nổi.”
Và phân tích, đồng thời ca ngợi, tinh thần quật cường của nòi Việt trong mấy ngàn năm xây dựng nước và giữ gìn non nước:
“Tiên dân của tổ quốc ta lúc bấy giờ cũng quật cường vĩ đại, trăm lần bẻ không cong, chẳng như một động vật không xương, không máu, không não, khí, gân. Cho nên các thủ đoạn đối đãi cũng rất kịch liệt: Hoặc khi nó lành thì ta phục tùng, hoặc khi nó dữ thì ta phản đối; khi ta thua thì nó ra tay chém giết chẳng chịu buông tha, khi ta thắng thì máu xương sông núi lấy đó báo phục. Tuy nó từ cao xuống thấp như thế vạc ba chân, lấy lớn hiếp nhỏ như hình đá chọi trứng, khiến ta không thể thoát ngay sự giàm buộc, và nó chỉ lấy lớn mạnh trị ta quá dữ, kềm ta quá gắt, cách mạng nổi lên luôn, chết hại quá nhiều, mà cảm tình oán hận được nung nấu trong não quốc dân không phá được, càng truyền càng lớn, càng thịnh. Nhưng dân tộc ta cũng lấy đó mà khuyến khích đặc tính, nuôi dưỡng tinh thần, ngầm dựng thế lực, không chịu khuất phục, càng thêm gắng gổ, thề lấy mạng sống lấp nơi đồng ruộng, lấy máu đỏ bôi cả núi sông, để bày ra cái cảnh đau buồn sống động rất thảm rất mạnh cùng với dân tộc Trung Quốc ngàn trăm lần to lớn không thể sánh được, cùng nhau xung đột đua tranh trong cảnh thiên diễn ưu thắng liệt bại này. Nó chết ta sống; nó tiến ta lùi. Kể từ sau trước được trên ngàn năm, nó cũng không làm gì được ta vì sao?
Ôi! Xứ Giao Chỉ cỏn con, một vùng đất nhỏ không bằng huyện lớn, mà xem nó ngang hàng, muốn đuổi nó đi, đuổi mấy vạn của dân tộc hùm sói Trung Quốc, không đoái đến nó văn minh hay dã man, không kể mạnh yếu, liều chết mà giành, không chịu lùi một chút, cuối cùng có thể thắng được, giành giật sinh tồn cho đến ngày nay, ngang nhiên là một nước lớn ở phương nam! Than ôi! Trời thương chăng? Thần giúp cho chăng? Không thể bàn bạc được, không thể qui công cho ai. Thì lớn lời nói: Đó chỉ là đặc tính trầm nghị kiên nhẫn, độc lập bất khuất của dân tộc đời trước của Tổ quốc ta mà thôi.”
Không những tinh thần độc lập dân tộc là bài học quý báu mà chí sĩ để lại cho chúng ta, Phan Tây Hồ còn xướng xuất tinh thần dân chủ như con đường duy nhất chúng ta phải theo nếu muốn dân giàu nước mạnh. Ông từng hô hào:
“Dân tộc ta, ngàn năm trước đây đã có cái đặc tính vĩ đại kia, nếu như lấy học thuyết hoạt bát ngày nay của châu Âu phê bình khuyến khích làm cho lớn mạnh, mở mang tìm tòi làm cho rạng rỡ, thì tiền đồ của dân tộc ta tốt lắm thay!”
Chí sĩ cũng cả quyết “đem văn minh Tây phương về là mang Khổng học về.”
Quan niệm bài Nho thủ cựu và chống tệ đoan mà ông xướng xuất hồi đầu thế kỷ trước quả là mới mẻ, nhất là xuất phát từ một sĩ phu thành danh. Chủ trương này còn là lời khuyên chúng ta cảnh tỉnh trước mưu đồ của phương Bắc toan lợi dụng Khổng học làm phương tiện xâm lăng đất đai:
“Xét cho cái lịch sử quân chủ ở Á Đông này thì chúng ta biết rằng từ Tần Thủy Hoàng trở về sau, các nước nói theo đạo Nho đó kỳ thật trong nước không thi hành một chút đạo Nho nào, chỉ còn sót lại một hai điều ở gia đình mà thôi. Kỳ dư là những điều mấy ông vua chuyên chế dựa vào đạo Nho để đè nén dân.”
Tâm sự thống thiết, nghị lực vô biên, với tầm nhìn xa rộng và tiến bộ, với công lao toan “vá trời lấp biển,” đã tạo cho Phan Chu Trinh, cùng với Phan Bội Châu trở thành những là nhà ái quốc vĩ đại nhất trong lịch sử VN cận đại.
Ngày nay đọc lại bài Đập đá tại Côn lôn và một câu chí sĩ từng nói, hậu thế càng thêm ngưỡng mộ vị chí sĩ đã hy sinh trọn đời cho độc lập và canh tân đất Việt:
“Đã vì nước đem thân trôi nổi thế này thì không bao giờ sự phú quý làm mờ tối lòng ta được. Nếu một ngày kia dân VN sẽ hóa ra ù lì cả, ta đã cùng thế hết sức rồi, thì ta còn cách cắt đầu quẳng xuống đất không chịu để ai vày đạp ta, mà cũng không cho ai cướp tự do của ta.”
Hoàng Yên Lưu