Nhiệm vụ của cuộc hành quân Lam Sơn 719 chiếm cứ hậu cấn 604 và 611 (của BV) 90 ngày để phá hủy các kho hàng...
Về cuộc hành quân này phía VNCH các tác giả Nguyễn Đức Phương (1) Hoàng Lạc, Hà Mai Việt (2) đã đề cập tới cách đây trên 10 năm và gần đây, năm 2013 tác giả Nguyễn Kỳ Phong đã viết riêng một cuốn biên khảo tỉ mỉ về toàn bộ diễn tiến quân sự của chiến dịch (3). Đây là một cuộc hành quân qui mô lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương, được gọi là hành quân Lam Sơn 719.
Trong phạm vi bài này trước hết tôi xin đề cập cơ bản của chiến dịch, kế hoạch của Ban tham mưu và Tòa Bạch Ốc qua lời kể của Henry Kissinger, cố vấn Tổng thống Nixon (4). Phần sau nói về chi tiết diễn tiến chiến dịch qua nhận định của Phillip B. Davidson (5), cựu Trung tướng tình báo, phụ tá Tướng Westmoreland và Abrams. Kissinger là người phối hợp thực hiện chiến dịch qua báo cáo và thảo luận với các giới chức quân sự trong khi Davidson chỉ là nhà nghiên cứu cuộc hành quân này.
Trước hết xin nói sơ về hoàn cảnh lịch sử trong mấy năm đầu của Hành Pháp Nixon. Năm 1969 Nixon vào tòa Bạch Ốc giữa khi phong trào chống chiến tranh Đông Dương lên cao, gió đã đổi chiều, người dân đòi phải rút quân về nước tìm hòa bình. Phong trào phản chiến của sinh viên kết hợp với truyền thông không để cho chính phủ yên, họ yêu sách, biểu tình thậm chí bạo động, lại nữa đảng Dân chủ vừa thôi lãnh đạo cuộc chiến trở mặt quay ra chống chiến tranh.
Từ gần cuối 1969 Nixon cho rút quân đơn phương để xoa dịu sự chống đối trong nước. Hòa bình bế tắc, BV ngoan cố đòi Mỹ rút không điều kiện, loại bỏ chính phủ Thiệu, lập chính phủ liên hiệp, ngoài ra không có gì đề đàm phán. Người Mỹ biết rõ Hà Nội không muốn ký Hiệp định mà chỉ muốnsử dụng vũ lực chiếm miền nam. Họ tiếp tục ngày đêm vận chuyển vũ khí đạn dược, nhân lực vào nam qua đường mòn Hồ chí Minh. Trước tình thế ngày một khó khăn, một mặt Nixon cho rút từ từ, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh
Henry Kissinger: Laos Operation: Xây dựng một chiến lược
Cuối 1970 nội bộ chính phủ Nixon chán nản, bị người dân chỉ trích là không chịu nhượng bộ, tỏ thiện chí với Hà Nội, một nhượng bộ đơn phương của Mỹ là rút nhanh hơn mùa thu 1970 khi ngày 20-4-70 Nixon tuyên bố sẽ rút 150,000 trong 12 tháng. Tướng Abrams khuyên Nixon hoãn lại việc rút tới 1971 để phòng khi địch đánh lớn. Lập Pháp cắt giàm ngân sách quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Laird lệnh cho các Tướng ở VN báo cáo lịch trình rút 90,000 người năm 1970 và 60,000 tháng 5-1971. Sang năm 1971, Nixon tuyên bố rút hết để lấy lòng dân và oanh tạc BV trở lại, trong khi Hà Nội chờ phản chiến chống đối ngăn chận áp lực quân sự của Hành pháp. VNCH tùy thuộc yểm trợ của không quân Mỹ để có thể đẩy lui BV.
Muốn thành công phải làm suy yếu địch càng nhiều càng tốt, chiến dịch đánh sang Miên tháng 5-1970 đã làm chậm lại việc tái lập các kho tiếp liệu ít nhất là hơn một năm, nó sẽ làm VNCH vững mạnh hơn, người Mỹ cố làm cho miền Nam tự bảo vệ được.
Tháng 11-1970 Nixon-Kissinger lên kế hoạch để thực hiện trong năm 1971, 1972 gồm những mục tiêu chính: 1-Rút quân; 2-tăng cường quân đội VNCH, 3-làm suy yếu địch. Hoàn tất các nỗ lực kể trên cho phép Mỹ rút quân mà không làm sụp đổ đồng minh (6). Quân số của miền Nam được gia tăng từ gần 900 ngàn năm 1969 lên một triệu năm 1971 (7). Để làm suy yếu CSBV, Mỹ và VNCH lên kế hoạch đánh vào các căn cứ hậu cầu của địch tại Miên, Lào bên kia biên giới. Vì theo kế hoạch này mà Mỹ và đồng minh mở chiến dịch sang Lào năm 1971
Chiến dịch Hạ Lào
Cuối năm 1971, Hà Nội bỏ hết một năm để xây dựng các kho tiếp liệu hậu cần cho miền nam VN, Mỹ ước lượng địch sẽ tấn công năm 1972 để gây ảnh hưởng bầu cử TT Mỹ cùng năm. Mỹ nghiên cứu về khả năng tự vệ của VNCH và nhận định, nếu Mỹ rút, địch tăng cường tiếp liệu, quân đội miền Nam thiếu 8 tiểu đoàn (hơn 2 trung đoàn). Sự thiếu hụt sẽ gia tăng lên 35 tiểu đoàn (10 trung đoàn) nếu BV thắng ở Lào, Miên trước cuộc tấn công 1972. Họ kết hợp chính qui và du kích, nếu chỉ chống du kích, chính qui sẽ chiếm lãnh thổ, nếu chống chính qui, du kích sẽ chiềm miền quê.
Miền nam VNCH (Vùng 3, 4) dư quân nhờ chiến dịch đánh sang Miên, nhưng bắc VNCH (Vùng 1, 2) thiếu quân, các sư đoàn tại các vùng (sđ cơ hữu) đóng cố định trừ quân tổng trừ bị. Nếu VN hóa chiến tranh thành công, địch sẽ không chiếm được Lào Miên, việc lập các căn cứ tiếp liệu cho mùa khô của địch bị ngăn trở, vô hiệu hóa. Vấn đề của Mỹ là làm sao giải quyết sự thiếu 8 tiểu đoàn bằng cách tăng cường sức mạnh cho quân đội VNCH và làm suy yếu địch nhất là phá các căn cứ tiếp liệu.
Vì thế tới mùa khô VNCH (được giúp) sẽ tấn công ngăn cản địch vận chuyển tiếp liệu.. để bù dắp thiếu hụt 8 tiểu đoàn và buộc Hà Nội phải đàm phán nghiêm chỉnh. Quân đội Mỹ không thể tham gia tấn công vì phản chiến chống đối (Kissinger, White House Years, trang 990)
Kissinger đưa ra kế hoạch cho mùa khô, VNCH dùng quân trừ bị đánh càn quét căn cứ tiếp liệu tại biên giới Việt Miên, ông tiên đoán địch có thể tấn công Cao nguyên (Vùng 2) hay khu phi quân sự (Vùng 1) vào năm 1972. TT Nixon đồng ý, Kissinger gửi Tướng phụ tá Haig sang Sài Gòn nghiên cứu, ông này trở về nói Đại sứ Bunker, Tướng Abrams, ông Thiệu còn đề nghị táo bạo hơn: đánh cắt đường tiếp liệu địch tại Hạ Lào nơi gần khu phi quân sự.
Từ nhiều năm nay BV xây dựng đường tiếp liệu chuyển quân qua đường mòn Hồ chí Minh, thực ra con đường dài hơn 1,500 dặm (khoảng 2,000 km). Tại Tchepone nơi tập trung các tuyến đường từ đó cung cấp nhân lực vật lực cho miền nam VN. Khoảng từ 40 tới 50 ngàn người vận hành tiếp liệu cùng với lực lượng an ninh mỗi năm từ tháng 10 tới tháng 5 năm sau. Từ năm 1966 tới 1971, họ vận chuyển xâm nhập ít nhất là 630,000 người, 100,000 tấn lương thực, 400,000 tấn vũ khí, 50,000 tấn đạn dược tương đương 600 triệu viên đạn tới miền nam VN.
Từ khi Sihanouk bị đảo chính, cảng Sihanoukville bị đóng cửa, CSBV phải dựa vào đường mòn Hồ Chí Minh. Theo lối nhìn của Tướng Abrams, Haig, nếu đường mòn Hồ Chí Minh bị vô hiệu hóa chỉ trong một mùa khô thì cuộc tổng tấn công của họ vào miền nam VN và Miên sẽ bị phá hỏng.
Tướng Abrams đề nghị một kế hoạch táo bạo: Quân Mỹ sẽ đóng dọc theo khu phi quân sự, chiếm lại Khe Sanh, pháo binh Mỹ sẽ đưa tới biên giới Lào, Sư đoàn I VNCH sẽ theo đường số 9 vào Tchepone, Sư đoàn Dù chiếm phi trường Tchepone liên kết với đoàn xe tăng bằng đường bộ. Cuộc tấn công sẽ mất 4, 5 năm ngày, phá hủy các kho tiếp liệu tại Tchepone và ngăn chận đường tiếp tế. Kế hoạch nếu thành công sẽ khiến miền nam yên được hai năm. Về vấn đề Miên, Abrams đề nghị dùng một sư đoàn VNCH tại Vùng 3 đánh qua biên giới tới đồn điền cao su, phá hủy các căn cứ BV và VC.
Kế hoạch chỉ hay trên giấy tờ nhưng các sư đoàn VNCH chưa hề đánh CSBV qua biên giới, họ sẽ chiến đấu không có cố vấn Mỹ vì bị luật Cooper-Church cấm, như thế các đơn vị VN chưa hoàn hảo để đánh sang Lào (trang 992). Vả lại Bộ chỉ huy cao cấp VNCH chưa đủ kinh nghiệm đảm nhận hai chiến dịch lớn cùng một lúc. Sau cùng Tchepone có vị trí thuận lợi cho Hà Nội tăng viện từ Bắc và Nam VN (tại trên khu phi quân sự).
Bộ trưởng quốc phòng Laird ủng hộ kế hoạch tiến sang Lào, ông cho là cắt đường mòn Hồ Chí Minh sẽ mua thời gian một năm, địch sẽ mất một năm. Ông cho rằng cuộc tấn công lớn lần đầu tiên của VNCH không có quân bộ của Mỹ chứng tỏ chương trình VN hóa chiến tranh thành công.
Laird đi Sài Gòn ngày 5-1-1971, khi ông về, TT Nixon triệu tập phiên họp, Laird thuyết trình, hy vọng kế hoạch thành công sẽ đẩy mạnh rút quân về nước. Mỹ cũng cũng phác họa kế hoạch tấn công CSBV bên đồn điền Chup tại Căm Bốt như các cuộc hành quân năm trước (1970) nhưng không có quân Mỹ tham dự nên không có ai phản đối.
Sau khi nghỉ 15 phút rồi họp tiếp, Laird nói trước hết lực lượng Mỹ đóng tại đường số 9 trong địa phận VN, chiếm lại Khe Sanh làm căn cứ khoảng 29 tháng 1. Giai đoạn II quân VNCH theo đường số 9 vào Lào khoảng 8 tháng 2. Laird và TMTLQ Moorer rất tin tưởng, Helmo cho rằng kế hoạch này đã được nghiên cứu trước đây nhưng bị bác vì rất khó, hồi đó Westmoreland cho là phải cần hai quân đoàn Mỹ. Nixon đồng ý, Kissinger họp WSAG (8) ngày 19-1 thi hành chi tiết kế hoạch.
Nixon nhận định trừ khi ngăn được con đường tiếp liệu Hồ Chí Minh thì miền nam VN mới không bị đe dọa, ông liền chấp thuận kế hoạch. Theo Kissinger khuyết điểm của chính phủ là mất quá nhiều thời giờ để đi tới đồng thuận của các cố vấn và không bỏ nhiều thì giờ để xét những khuyết điểm của kế hoạch. Những người trong nội các sợ dân trong nước chống đối sự tham gia của Mỹ, lần này TT hạn chế sự tham gia quân Mỹ tại Lào. Sự hạn chế tham gia Mỹ đưa tới khó khăn chiến trường.
Nói về căn bản lựa chọn của một nhà lãnh đạo là dùng sức mạnh hay không dùng? Nếu xử dụng sẽ thành công, e ngại sẽ thất bại, nếu hạn chế tức tạo thuận lợi cho địch. Một khi quyết định dùng sức mạnh, Tổng thống phải theo đuổi quyết định và chuyển tinh thần đó đến người khác. Đường lối của chính phủ Nixon tiến hành tốt khi vấn đề quân sự được giải quyết mạnh tại Cao Miên, nó cũng ảnh hưởng tới ngoại giao thí dụ như mở cửa với Trung Cộng, đàm phán với CSVN và Nga (ý kiến Kissinger).
Năm 1971, sự đồng ý trong phiên họp từ 23-12 tới 18-1 tan biến đi khi Roger (Bộ trưởng ngoại giao) trình bầy nói các chuyên viên của ông chống đối. Thứ trưởng Alex Johnson làm kéo dài thời gian, ông đòi phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Lào Souvana Phouma. Kissinger cho rằng lý luận của ông thật kỳ lạ khi CSBV đã chiếm Lào từ mấy thập niên rồi, chúng vi phạm Hiệp định Geneve từ lâu rồi. Mỹ oanh tạc đường mòn Hồ chí Minh đã có sự đồng ý ngầm của Souvana, ông này đồng ý mà không dám ra mặt vì sợ CSBV trả thù, ông không lên tiếng phản đối chiến dịch tức là đồng thuận rồi.
Ngày 25-1, trước phiên họp hai ngày Kissinger duyệt kế hoạch và hỏi Đô đốc Moorer (TMTLQ) nếu cắt đường mòn Hồ Chí Minh, CSBV sẽ đánh bằng được và họ sẽ tăng viện từ miền Bắc và cả miền Nam, ta sẽ khiến cho VNCH bị thiệt hại. Các sư đoàn VNCH sẽ chiên đấu ra sao nếu không có cố vấn Mỹ và yểm trợ không lực trong lúc sôi động, ông ta bi quan về kế họach. Kissinger gửi văn thư lên muốn họp với Tông thống và Moorer ngày 26-1. Đô đốc TMTLQ nói nếu CSBV tấn công, không lực Mỹ sẽ gây thiệt hại nặng cho chúng, chiến dịch sẽ bảo đảm thành công của VN hóa chiên tranh, nó sẽ giúp Mỹ rút nhanh hơn, Miên đứng vững hơn.
Moorer trình bầy cho Nixon nghe kế hoạch chiếm Tchepone, Roger nói nó rất rủi ro nguy hiểm (risky), chúng ta đưa quân VNCH vào chiến dịch khi ta có 500 ngàn quân mà không đánh, nếu VNCH thua ta sẽ mất những kết quả đã có ở những năm trước. Kissinger nghĩ là Roger nói đúng, Nixon không tin vì vụ Cam Bốt trước đây cũng đã có phản đối, ông tin Abrams, Moorer, ông ra lệnh tấn công đồn điền Chap ở Vùng 3 và tiến hành giai đoạn I của chiến dịch (tức quân Mỹ canh giữ đường 9 trong địa phận VN).
Ngày 21-1 sáu mươi bốn dân biểu Mỹ đề nghị ra luật cắt ngân khoản dành cho sự yểm trợ Không quân, Hải quân Mỹ dành cho chiến trường Miên. Ngày 27-1 Thượng nghị sĩ Mc Govern và Hatfield cùng 19 TNS khác cũng đề nghị dự luật chấm dứt chiến tranhVN, rút hết quân cuối tháng 12-1971(thay vì 30-6). Ngày 3 tháng 2, báo New york Times, Los Angeles Times lo ngại về kế hoạch này, các báo khác chỉ trích kế hoạch ngăn chận đường mòn Hồ Chí Minh sẽ thất bại.
Ngày 1-2 Kissinger thuyết trình với Phó TT Agnew, Connally (Bộ trưởng ngân khố).. về kế hoạch này. Chính phủ bị chia rẽ vì các ý kiến, ngày 3-2 TT Nixon quyết định thi hành kế hoạch, Kissinger duyệt lại với (WSAG) Nhóm Đặc nhiệm Hoa thịnh Đốn, 6 giờ chiều ông tuyên bố những điểm chính của Quyết định.
Ngày 8-2 quân đội VNCH vượt biên giới tiến vào Lào thực hiện giai đoạn II của kế hoạch. Ngày 9-2 dân biểu O’Neil và 37 đồng viện đưa dự luật cấm Mỹ trực tiếp tham chiến hoặc trợ giúp cuộc hành quân sang Lào. Kissinger nói lúc nào cũng có sẵn đầy những quyết định Lập pháp nhằm ngăn chận mọi cố gắng soay sở (của chính phủ, trang 1002)
Chiến dịch quân sự, hành quân 719 Lam Sơn
Quân đội VNCH thường thế thủ khi CSBV tấn công hoặc chỉ hành quân bình định và họ chưa hề mở chiến dịch lớn nhất là tại bên kia biên giới, đây là lần đầu tiên lực lượng VNCH tấn công địch ở địa thế khác, nhất là địch lại ở gần các căn cứ tiếp liệu của họ. Kissinger cảnh báo nêu VNCH chỉ phòng thủ sẽ thua và bị tống xuất khỏi Lào. Năm 1971 Bộ chỉ huy Mỹ tại Sài Gòn đã lên kế hoạch tránh thảm bại nhưng lại cho rút 60,000 quân trong khi đang tiến hành chiến dịch. Khó có thể làm hai nhiệm vụ một lúc, vừa rút quân vừa tấn công. Bộ chỉ huy Mỹ không kiểm chứng lại xem không quân VN có thể thay Mỹ được không.
Các sư đoàn VNCH không có trợ giúp của không quân Mỹ như kế hoạch đã dự trù, họ tiến được khoảng 8, 10 dặm thì ngưng lại đóng quân. Ngày 16-12 Tướng Abrams trả lời câu hỏi của Kissinger về sự tiến quân của VNCH, ông lạc quan tin tưởng kế hoạch sẽ hoàn tất tốt đẹp. Nhưng những báo cáo lạc quan không ăn khớp với tình trạng bế tắc trên bộ. Tới 18-3 khi chiến dịch đã chấm dứt thì người Mỹ khám phá ra là ngày 12-2, ông Thiệu đã lệnh cho các Tư lệnh của ông là tiến cẩn thận và ngưng khi bị thiệt hại lên tới 3,000 người. CSBV biết tin này do tình báo nên chúng cố giết cho nhiều quân lính VNCH, nếu biết vậy Mỹ đã không chấp nhận kế hoạch. Khi Kissinger hỏi Bunker, Abrams, họ nói VNCH không quyết tâm theo đuổi chiến dịch tới cùng.
Kissinger nói các Tướng ngày nay của Mỹ muốn xử dụng hỏa lức mạnh đánh tan đối phương hơn là theo chiến thuật, quan điểm này phản ảnh xã hội nghiêng về kỹ thuật không cần quân sự. Nhưng đối với cuộc chiến tranh hao mòn không thể thắng địch, chúng lẩn trốn nên Westmoreland đã không đánh sụp được địch vì chúng lựa thời điểm, lựa chiến trường.
Trận Mậu thân 1968, BV thua về quân sự nhưng thắng tâm lý, Mỹ phải rút vả lại Westmoreland hành động dưới sự hạn chế của chính trị (chiền tranh giới hạn).
Westmoreland nói với Kissinger cần phải có 4 sư đoàn Mỹ để giữ và chiếm Tchepone, mà thực ra quân số VNCH chỉ có chưa tới 2 sư đoàn (17,000 người) có nghĩa là thiếu. Ông ta khuyên oanh tạc bằng không lực rồi chạy (hit and run) xuất phất từ Khe sanh khiến cho hệ thống tiếp liệu của CS rối loạn mà ta it bị rủi ro nguy hiểm, Kissinger cho là hợp lý, Westmoreland đã chỉ trích kế hoạch (hành quân) khi nó còn đang được duyệt xét. Gần cuối tháng 2, BV huy động 40,000 quân tới đánh, họ kéo quân tới từ miền Bắc chứ không phải từ miền Nam, họ đông hơn ta ước lượng.
Kissinger sơ lược diễn tiến:
1-TT Nixon đã thuyết trình cho biết VNCH sẽ tấn công chiếm Tchephone trong 4, 5 ngày.
2-Ngày 15-2 ông được báo cáo về thời tiết, tiếp liệu, đường số 9, địch chống cự mạnh khiến VNCH phải mất 9, 10 ngày mới chiếm được mục tiêu
3-Tchepone không quan trọng, đường qua Tchepone bị cắt ở phía Đông Nam
Kissinger quan tâm và lo ngại về lực lượng VNCH không đủ quân số để hoàn thành kế hoạch khi BV có thể đưa nhiều quân vào, tình trạng phụ thuộc vào thời tiết, địa thế, chiến thuật địch…ngày 8-3 Tướng Abrams cho biết VNCH đã chiếm Tchepone, họ đã hy sinh nhiều nhân mạng để chiếm Tchepone rồi lại bỏ. Mục đích của chiến dịch là cắt đường tiếp liệu mùa khô, phá hủy các căn cứ, kho tiếp liệu của địch. Ngày 9-3, Đại sứ Bunker, Tướng Abrams gặp ông Thiệu, ông này nói sẽ thay thế các đơn vị Tổng trừ bị bằng những đơn vị mới, sau khi tìm phá các cơ sở quân sự tại Tchepone sẽ rút về Đông nam đường 914 tới căn cứ 611 của BV phá hệ thống tiếp liệu địch. Tuy nhiên Kissinger cho biết Mỹ nghi ngờ, đơn vị mới nào? ở đâu ra? Trong vòng 10 ngày, Mỹ thúc dục TT Thiệu cho sư đoàn 3 thay thế nhưng ông từ chối nói sư đoàn nay không đủ sức nhận trách nhiệm.
Sự thực VNCH quyết định rút khỏi Lào, mà chỉ lấy cớ thay thế bằng những đơn vị mới thực ra vì đã thiệt hại 3,000 người (quota), chiến dịch đã xong. Nhận định này của Kissinger cho thấy phía Mỹ trách VNCH, ông ta gửi Tướng Haig sang quan sát, bộ trường quốc phòng Laird nhận trách nhiệm.
Ngày 19-3 Haig tới Sài Gòn báo cáo về Mỹ cho biết các Tướng Tư lệnh VNCH không muốn tiếp tục chiến dịch “Quân đoàn I cho biết không thể tăng viện hay ở lại, và VN chỉ rút được khi Mỹ tập trung hỏa lực yểm trợ giúp”
Ít ngày sau đạo quân đã rút hết, nói chung biểu hiện chấp nhận được, trừ một số người lính hốt hoảng bám vào càng máy bay di tản do môt số TV Mỹ loại tồi chiếu lại, Kissinger cho là chiến dịch đã làm sai kế hoạch.
Cuộc tấn công đồn điền Chup ở Miên do Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy thành công. Trận tấn công mùa khô năm 1971 là những trận cuối cùng có quân Mỹ tham dự nhưng ít thôi. Cuộc tấn công Tchepone không ngăn được Cộng Sản xây dựng căn cứ tiếp liệu để tránh cuộc tấn công địch năm 1972. Mặt trận chính khi địch vượt khu phi quân sự và nó ít bị ảnh hưởng bởi trận tấn công Lào, Miên. Những mặt trận xa hơn ở miền nam như Vùng 4 trong trận Mùa hè đỏ lửa này nói chung nhẹ hơn (Vùng 1) vì căn cứ và hệ thống tiếp liệu địch bị phá hoại trong chiến dịch mùa khô tại Lào Miên. Chiến dịch đã làm suy yếu cuộc tấn công của BV năm 1972, nếu không có cuộc hành quân Miên, Lào thì tình hình gay go hơn. Theo Kissinger chiến dịch mùa khô 1970-71 đã cứu được miền nam năm 1972.
Ông ta cho là cuộc hành quân yếu kém ngoài mong đợi, các nhà kế hoạch gia phía Mỹ đã không chịu đánh giá tỉ mỉ cuộc hành quân phía VNCH mà chỉ nghiên cứu phía Mỹ. Kế họach gặp trở ngại vì luật pháp cấm quân Mỹ tham chiến và yểm trợ oanh tạc, các phi vụ giảm vì ngân sách bị cắt xén.
Kissinger nhận xét VNCH có nhiều khuyết diểm (trang 1010) về vấn đề Lào, kế hoạch trừu tượng, họ chỉ áp dụng đúng như Bộ tham mưu Mỹ huấn luyện và hướng dẫn họ mà không chịu thích hợp với hoàn cảnh địa phương. Mục đích của chúng ta không phải là chiếm Tchephone mà là ngăn chận hế thống tiếp liệu địch suốt mùa khô để khỏi bị tấn công năm 1972, ông Thiệu chỉ muốn đánh cho nhanh. VNCH có khuyết điểm trong cơ cấu tổ chức quân sự, họ ít quân trừ bị, họ sợ bị thiệt hại nhân mạng nhưng quân đội miền Nam đã chiến đấu tốt hơn trước.
Cuộc tấn công mùa khô năm 1971 (hành quân Lào) không ngăn được cuộc tấn công của Hà Nội năm 1972 mà ta hy vọng tuy nó nhẹ hơn.
Phillip B. Davidson: 23 The Raid Too Far, Lam Son 719, 1971
Davidson đi vào chi tiết hơn Kissinger khi nói về chiến dịch này nhưng ông không giữ vai trò nào trong chiến dịch, mà chỉ mà chỉ là nhà nghiên cứu.
Mỹ và VNCH mở chiến dịch này nhằm cắt đường tiếp liệu trên đường mòn Hồ Chí Minh và phá hủy các căn cứ tiếp liệu CSBV tại Hạ Lào để giúp cho Mỹ dễ dàng rút quân nhờ VN hóa chiến tranh. Chủ trương này do thành công trong chiến dịch đánh qua Miên năm 1970, Lon Nol đóng cửa cảng Sihanoukville, các căn cứ BV, VC tại Miên bị tấn công nặng khiến cơ sở hậu cần của chúng tại miền trung và nam VN bị hủy hoại. Nay họ chỉ trông vào tiếp liệu trên đường mòn Hồ Chí Minh (HCM) từ Bắc cho Cộng quân tại miền nam.
Mỹ-VNCH đã nghĩ tới kế hoạch cắt đường mòn HCM nhưng có nhiều khó khăn như phía Mỹ bị người dân chống đối, VNCH yếu không đủ khả năng. Sau chiến thắng tại Căm Bốt năm 1970, Mỹ cho là VNCH có thể đánh cắt đường mòn HCM nhờ yểm trợ không quân và pháo binh Mỹ. Lực lượng tham chiến sẽ chỉ có VN vì Mỹ bị tu chính án Cooper-Church cấm quân Mỹ sang Miên, Lào.
BV đoán trước Mỹ-VNCH sẽ tấn công các kho tiếp liệu hậu cần tại Lào, Khu phi quân sự và đã chuẩn bị từ tháng 1-1971. Davidson chỉ trích miền nam VN: Sự thai nghén kế hoạch nay vẫn còn mơ hồ, mặc dù 3 sư đoàn VN tham gia chiến dịch nhưng VN trơ trẽn phủ nhận trách nhiệm, họ nói chiến dịch Miên, Lào đều do MACV khởi xướng, thực ra trong khi Cao Văn Viên, TT Thiệu đã rất nhiệt thành đồng ý chiến dịch.
Tác giả cho biết Kissinger chấp nhận kế hoạch của Abrams sau ông ta chỉ trích Abrams vì đã làm ông tin tưởng thắng lợi. Davidson chỉ trích Kissinger là người dân sự muốn quyết định chiến dịch, nếu thắng ông được ca ngợi, thua đổ cho Abrams, đúng ra Kissinger phải chịu trách nhiệm. Davidson nói Kissinger chấp nhận kế hoạch của Abrams nhưng chính ông là Tư lệnh chiến trường gồm cà TL Thái bình dương, Tham mưu trưởng liên quân và Bộ trưởng quốc phòng.
TMTLQ đô đốc Moorer không có kinh nghiệm về bộ chiến và phải ủng hộ kế hoạch, chỉ có Westmoreland (TMT) là người biết nhiều về sự nguy hiểm của kế hoạch. Năm 1987 ông nói với tác giả đã không được tham khảo ý kiến nhưng Moorer, Laird (BTQP) phản bác cho là ông đã được hỏi ý kiến. Người quyết định là TT Nixon, ngày 23-12-1970 ông chấp nhận trên nguyên tắc, Abrams thay mặt Tổng thống nói với Cao Văn Viên đầu tháng 1-71, ngày 18-1 TT Nixon chấp nhận chi tiết kế hoạch, trong hồi ký ông chỉ kể lại có một trang, theo Davidson đó là kế hoạch táo bạo.
Tấn công sang Miên 1970, Lào 1971, yểm trợ trận 1972, oanh tạc năm 1972 để rút giống như Hitler phản công tại Ardennes năm 1944. Tóm lại Abrams đề nghị kế hoạch này với Kissinger và được Cố vấn an ninh chấp nhận rồi đưa qua TMTLQ, Bộ trưởng QP… Họ đồng ý và giao cho TT Nixon, thực ra Abrams phải chịu trách nhiệm. Mục đích phá các kho hậu cần 604, 611 bên Lào, kết hợp với cuộc hành quân sang Căm Bốt ít nhất cũng trì hoãn được cuộc tấn công của BV một năm. Kissinger tưởng các cuộc tấn công Miên, Lào 1970, 71 sẽ khiến Hà nội nghiêm chỉnh đàm phán.
Abrams đề nghị 4 kế hoạch táo bạo
1- từ cuối tháng 1-70 Mỹ chiếm đóng từ Khê Sanh tới biên giới Lào
2-VNCH đánh theo đường số 9 vào Tchepone.
3-Phá căn cứ 604 của địch.
4-VNCH rút từ đông nam căn cứ 604 tới căn cứ 611 phá hủy nó sau đó trở về VN.
Chiến dịch dự trù 90 ngày kể từ 8-2-1971, Mỹ sẽ yểm trợ trực thăng, oanh tạc, pháo binh… vì tu chính án Cooper-Church cấm không cho Mỹ được vào Lào, Miên. Các cố vấn Mỹ, chuyên viên về pháo binh, không quân không được theo quân VN vào Lào khiến cho sự phối hợp Mỹ-VN khó khăn và giảm hiệu quả yểm trợ cùa không quân.
Ngoài ra thời tiết xấu ảnh hưởng tới hoạt động không quân.
Theo Davidson BV có khoảng 20 tiểu đoàn phòng không từ 170-200 khẩu ( 23 ly-100 ly), lực lượng địch khoảng 22,000 (7,000 chiến đấu, 10,000 lính hậu cần binh trạm và 5,000 Lào Cộng). Các nhà kế hoạch Mỹ-Việt lo âu trong hai tuần 8 trung đoàn chủ lực CSBV có pháo binh, phòng không có thể sẽ tới, quân đội VNCH sẽ phải đối đầu với bốn sư đoàn BV và còn nữa. Mỹ -Việt hy vọng chiến thắng, có thể địch đưa thêm 2 sư đoàn. BV biết trước chi tiết cuộc hành quân Lam Sơn 719 do báo chí Mỹ và cả do gián điệp từ phía VNCH nên cuộc tấn công mất yếu tố bất ngờ.
Ngày 6, 7 tháng 2 thời tiết xấu khiến máy bay Mỹ không oanh kích được các dàn phòng không BV. Ngày 8-2 quân đội VNCH tiến vào đường số 9, hôm sau (9-2) thời tiết xấu , ngày 11-2 VNCH dậm chân tại chỗ, chiến dịch ngừng khiến Abrams xin Cao Văn Viên cho tiến lên.
Phòng không địch gia tăng mạnh, ngày 18-2 sư đoàn 308, 304 xuất hiện cùng với xe tăng, sau này người Mỹ biết là ngày 12-2 ông Thiệu nói với Tướng tư lệnh Hoàng Xuân Lãm nếu tổn thất lên tới 3,000 thì phải bỏ chiến dịch rút về. Ngày 19-2 Thiệu họp với Lãm cho biết tình hình nguy khốn, nhất là Tchepone và mặt Bắc. Khi quân đội VNCH (BĐQ) bị các đơn vị Sđ 308 cùng với chiến xa pháo binh tấn công, từ cuối tháng hai BV có 10 trung đoàn (3 sư đoàn) cùng với xe tăng, pháo binh tấn công mạnh. Phòng không địch dầy đặc gây nguy hiểm cho trực thăng.
Dòng xe công voa trên đường số 9 bị đánh phá liên tục , ngày 28-2 ông Thiệu cho TQLC thay quân Nhẩy dù, Davidson cho rằng đây là một điều tai hại. Từ ngày 3 tới 6 tháng 3, B-52 và các oanh tạc cơ ném bom tấn công. Ngày 7-3 các đơn vị VNCH vào Tchepone, ngày 8 rút về phía nam, từ đây là một giai đoạn khó khăn khi VN rút dưới hỏa lực địch.
Ngày 9-3 Tướng Lãm bay về Sài Gòn trình ông Thiệu kế hoạch rút quân: sư đoàn 1 rút trước, sau tới Dù, sau cùng TQLC. Tướng Abrams phản đối rút quân và bảo đưa sư đoàn 2 ở Quảng ngãi tăng cường sang Lào, ông Thiệu đề nghị cho một sư đoàn Mỹ đi theo khiến Abrams chịu thua. Cuộc rút lui bi thảm, địch bắn rớt trực thăng và tấn công căn cứ hỏa lực, phục kích đoàn quân rút lui, hai bên thiệt hại nặng khi B-52 và các phi cơ chiến thuật oanh tạc tối đa để bảo vệ cuộc rút lui, ngày 25-3 VNCH về tới biên giới.
Davidson tóm tắt tình hình như sau: ngày 8-2 VNCH với 17,000 quân mở cuộc tấn công, họ đối đầu với các trung đoàn BV và 8 binh trạm, tổng cộng 22,000 người. Khi cuộc lui binh chấm dứt (khoảng 23-3) lúc ấy lực lượng địch địch tăng 12 trung đoàn (4 sư đoàn) được tăng cường xe tăng pháo binh, phòng không với lực lượng chính qui ít nhất cũng 40,000 người đuổi đánh khoảng bẩy, tám ngàn lính VNCH rút chạy.
Hai bên đều nói thắng lợi, miền nam VN đã tới Tchepone và BV đã đuổi được VNCH. Thống kê thiệt hại cũng mơ hồ, theo báo cáo của Quân đoàn 24 (US) cho biết BV có 19, 360 bị giết, tổn thất kể cả thương binh là 26,000, có thể họ mất 20,000, một nửa lực lượng tham chiến phần lớn do B-52 và phi cơ chiến thuật oanh tạc. Báo cáo của Mỹ cho biết Mỹ-VNCH tổn thất 9,065 người trong đó Mỹ là 1,402, chết 215, phía VN tổn thất 7,638, chết 1,764.
Báo Newsweek ngày 5 tháng 4-71 nói VNCH thiệt hại 9,775 người trong đó có 3,800 chết.
Về trang bị hai bên thiệt hại nhiều VNCH mất 211 xe vận tải, 87 xe tác chiến, 54 xe tăng, 96 khẩu pháo vá các máy móc như xe ủi. Thiệt hại CSBV lớn hơn: 2,000 xe cộ (được xác nhận kiểm tra 422) 106 xe tăng (kiểm tra xác nhận 88 cái), 13 khẩu pháo, 170,340 tấn đạn (kiểm tra xác nhận 20,000), 1,250 tấn gạo. Mỹ mất 108 trực thăng, 618 hư hại, Mỹ-Việt bắn nửa triệu quả đạn pháo.
Đó là những thống kê tốt nhất mà ta có được nhưng không có về kết quả chiến dịch, nó ngăn chận đường mòn HCM được vài tuần, địch phải thiệt hại người, trang bị mà đáng lý xử dụng cho cuộc tấn công 1971, 72. Kissinger cho biết cuộc tấn công Miên 1970 Lào 1971 đã giúp Mỹ-VNCH thắng cuộc tấn công 1972. Tác giả nói thực ra Tướng Giáp đã chuẩn bị tấn công cho năm 1972, dù Mỹ-VN có được kết quả nhưng trả giá đắt.
Nhiệm vụ của cuộc hành quân Lam Sơn 719 chiếm cứ hậu cấn 604 và 611 (của BV) 90 ngày để phá hủy các kho hàng, mà VNCH chỉ ở lại có 45 ngày bất động hay rút, căn cứ 604 bị chiếm nhưng không bị phá hủy hết, căn cứ 611 không bị phá hủy. Chỉ một tuần sau khi VNCH rút đi, BV lại vận chuyển bình thường. Báo chí nói cuộc hành quân thất bại. Nixon nói nó thất bại về tâm lý, các gia đình nạn nhân xúc động, phía VN coi như thua.
Tác giả nói phía VNCH có nhiều khuyết điểm cho thấy những hy vọng VN hóa thất bại, lãnh đạo chính trị (VN) thiếu khả năng. Trung tướng Hoàng Xuấn Lãm không chỉ huy nổi 2 ông Tư lệnh Dù, TQLC cũng là Trung tướng. Hành động của TT Thiệu cho thấy lãnh đạo bất lực không can thiệp vào để giúp Tướng Lãm, Thiệu phụ thuộc vào Sđ Dù vì họ gác dinh cho ông.
Ông Thiệu sai ở chỗ ở chỗ sao lãng trách nhiệm, mới đầu hăng hái đồng ý kế hoạch sau trốn tránh trách nhiệm khi tình hình khó khăn cam go hơn. Ông đã can dự và làm hỏng kế hoạch. Quyết định của ông hôm 12-2 (mất 3,000 quân thì phải rút) khiến kế hoạch ngưng lại và làm hỏng cuộc hành quân 719 đưa quân đội VNCH lâm vào tình trạng nguy hiểm.
Sau này ông đưa 2 tiểu đoàn của Sư đoàn I vào thay sư đoàn Dù không có kết quả. Để bảo vệ sư đoàn Dù (gác dinh cho ông) TT Thiệu đưa TQLC thay Dù không thực tế, sau lại đưa Sư đoàn I vào. Sau ông từ chối đầu tháng 3 đưa Sư đoàn 2 vào là là đúng vì sư đoàn này không bằng các sư đoàn trên, nó sẽ làm tăng tổn thất. Thiệu là một nhà lãnh đạo chính trị gốc quân đội không có kinh nghiệm điều động những đơn vị lớn, chiến tranh qui ước khó và phức tạp như Lam sơn 719. Bộ Tham mưu và các Tư lệnh của ông cũng thiếu khả năng như ông trừ Tư lệnh Sư đoàn I.
Ngoài khuyết điểm về lãnh đạo cuộc hành quân Lam sơn 719 cho thấy khuyết điểm không thể chữa được của VNCH đó là chiến thuật giữ đất (home-guard) của các sư đoàn bộ binh (cơ hữu). Các sư đoàn bộ binh (trừ Sư đoàn 1) không đủ tiêu chuẩn để thành đơn vị lưu động. Toàn bộ chỉ có Sư đoàn Dù và TQLC.
Chiến dịch này cho thấy các đơn vị (lớn) VNCH không phải là lính nhà nghề (lack of professionalism). Họ phải dựa vào cố vấn Mỹ nhất là về điều động oanh tạc của máy bay chiến thuật và pháo binh hoặc kêu trực thăng vận, chỉ có một số đơn vị tốt, nói chung dở. Họ không được huấn luyện về phối hợp bộ binh và thiết giáp, xe tăng, bộ binh chiến đấu riêng rẽ bị thiệt hại, báo cáo dưới sai, một ông Tướng VNCH là sử gia nói nó tồi tệ vì các Tư lệnh quân đoàn, sư đoàn ít khi thị sát trận tuyến. Cuộc chiến diễn ra thiếu tin tức, tình báo, kiểm soát. Bảo mật truyền tin dở, bản tin trao đổi không xài mật mã sơ đẳng. Qua Lam Sơn 719 cho thấy VNCH thiếu huấn luyện, kỷ luật.
Quân đội VNCH học cái dở của Mỹ, họ hay dựa vào trực thăng mà có khi đi bộ còn nhanh và an toàn hơn. Khi gặp quân địch họ hay kêu phi pháo, đại bác thay vì tấn công địch. Tướng Abrams nói: “tôi không biết lính VNCH có học cái hay của Mỹ không nhưng tôi biết chắc họ học cái dở của Mỹ.” Chiến dịch cho thấy VNCH phụ thuộc Mỹ, không có yểm trợ Mỹ thì không có hành quận Lam sơn 719.
Tác giả cho biết phía Mỹ cũng có nhiều sai lầm: kế hoạch soạn thảo vội vã, quân đội VNCH không được huấn luyện đặc biệt cho chiến dịch. Thảo kế hoạch và thi hành của Mỹ-VNCH thiếu thống nhất, không ai chịu trách nhiệm chiến dịch vì nhu cầu chính trị của Thiệu và kế hoạch bị dập nát vì lệnh tai hại của ông ta. Kế hoạch không để ý tới thời tiết địa hình và khinh địch, họ tự tin vào ưu thế quân đội và cơ giới. Đất xấu không thuận tiện cho bãi đáp trực thăng, thời tiết trở ngại cho không quân mà chiến dịch phụ thuộc.
Tướng Giáp đã đưa vào khoảng 20 tiểu đoàn phòng không, tình báo đánh giá thấp thiết giáp, pháo binh địch, chiến dịch không có quân trừ bị. Mục đích chiến dịch là chiếm rồi cắt đường mòn Hồ Chí Minh ba tháng trước mùa mưa khiến CS không tiếp liệu được cho miền nam. Nếu con đường này bị cắt sẽ là mối nguy cho BV và họ phải đánh bằng được.
Ngày 7-4, ít lâu sau khi VNCH rút khỏi Lào, TT Nixon nói trên truyền hình cuộc hành quân Lam Sơn 719 và VN hóa chiến tranh thành công, Davidson cho là sai, VN hóa không thành công. Tháng 6-1971, MACV sửa sai, họ huấn luyện quân đội VN về vế bộ binh và không quân phối hợp cũng như bộ binh và xe tăng phối hợp.
Tác giả nói:
“Phải công nhận trong chiến dịch Lam sơn 719 này BV được trang bị xe tăng T-54 loại trung bình hỏa lực mạnh hơn xe M-41 lại nhẹ của VNCH, cơ quan MACV đã cấp cho VNCH một tiểu đoàn thiết giáp M-48 (Mỹ) lớn hơn và cấp cho pháo binh VNCH một tiểu đoàn đại bác 175 ly tự hành (tự di chuyển được) để đối đầu với đại bác 130 ly của BV do Nga chế nhưng sự nâng cấp này không đủ cho chiến trường. Đúng ra toàn bộ xe tăng VNCH phải được cấp M-48, và một số tiểu đoàn pháo binh phải là loại 175 ly có hỏa lực tàn phá. Sự kiện liên hệ về xe M-48 và súng 175 ly cho thấy sự yếu kém của VN hóa chiến tranh. Qua chính sách này, việc nâng cấp không quân VNCH cần để đối đầu với sự hiện đại hóa khí giới cũng như chiến thuật của BV (trang 660).”
Ngoài ra tác giả dẫn lời Tướng Hinh (TL Sđ 3) sau này nhận xét về Lam Sơn 719 nói Sư đoàn 1 Không quân VNCH không yểm trợ gì nhiều cho Quân đoàn 1. Thực ra không quân VNCH không có vai trò gì quan trọng trong Lam Sơn 719.
Nhận định
Tác giả George Donelson Moss nói Lảo được trung lập hóa từ 1962 (Hiệp định Geneve) nhưng hai bên đều vi phạm, kế hoạch Lam Sơn 719 do ông Thiệu và Tướng Cao Văn Viên chịu trách nhiệm phá hủy các căn cứ tiếp liệu, ngăn trở CSBV vận chuyển tiếp liệu trên đường HCM xong rút về trước mùa mưa. Không quân Mỹ yểm trợ, VNCH tự chiến đấu.
Theo ông trái với cuộc hành quân sang Miên năm trước (1970) Cộng quân bỏ chạy, tại Tchepone họ sẵn sàng đánh trả. Khi quân đội VNCH tiến qua đường 9 họ đã biết trước nên không có yếu tố bất ngờ. Tác giả cũng đổ lỗi ông Thiệu rút sư đoàn Dù về để gác dinh. Khoảng 40 ngàn quân BV có xe tăng đại bác truy đuổi 8 ngàn quân VNCH rút chạy khiến cho VN hóa chiến tranh mất ý nghĩa. Không quân Mỹ yểm trợ oanh tạc, bắn phá pháo binh, thiết giáp địch giúp VNCH rút. Mỹ thiệt hại 108 trực thăng, 618 cái hư hại, 89 phi công mất tích, tử thương, 178 bị thương. George Moss cho là Lam Sơn 719 và VN hóa chiến tranh thất bại, miền nam đoán trước và tại Sài Gòn báo chí chống VN hóa cho là người Mỹ hy sinh quân đội VNCH (9)
Kissinger và hai tác giả Moss, Davidson đều nhìn nhận cuộc hành quân Lam sơn 719 thất bại, họ đổ lỗi cho VNCH. Kissinger là người được TT Nixon giao trách nhiệm nghiên cứu lập kế hoạch, ông không phải là nhà quân sự, chỉ trích của ông có phần nhẹ. Ông ta nói ông Thiệu chỉ muốn đánh cho nhanh. VNCH có khuyết điểm trong cơ cấu tổ chức, ít quân trừ bị, họ sợ bị thiệt hại nhân mạng …Hai tác giả còn lại chỉ trích sự sai lầm của ông Thiệu nhưng Tướng Davidson chê bai nặng nề hơn. Ông này nói Thiệu trốn trách nhiệm, mới đầu hân hoan đồng ý chiến dịch sau cho rút làm hỏng bét hết. Ông cũng đánh giá thấp tài lãnh đạo, chỉ huy của TT Thiệu và các Tướng tư lệnh VNCH.
Kissinger, Moss và nhất là Davidson chỉ trích cơ cấu tổ chức quân sự VNCH, thiếu quân lưu động, trừ bị, nặng về chủ trương giữ đất. Những điểm yếu kém của VNCH về lãnh đạo, chỉ huy của cấp Tướng lãnh… có thể đúng nhưng không phải là lý do chính cho sự thất bại. VNCH thiếu quân trừ bị hoặc chỉ lo giữ đất là do Mỹ, quân đội miền Nam phải phụ thuộc vào Mỹ cũng là do Mỹ, họ tổ chức và trang bị, viện trợ cho nam VN.
Sở dĩ cuộc hành quân thất bại vì người Mỹ không viện trợ giúp đỡ VNCH nhiều như khối CS đã giúp đồng minh CSBV của họ. Đúng 30 năm sau khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt, hai tác giả Trần Tiến Hoạt và Lê Quang Lạng thuộc Viện Lịch Sử Quân Sự CSVN có bài tham luận rất đầy đủ về về nguồn chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa dành cho miền Bắc trong cuộc chiến (10) . Theo đó ngoài viện trợ to lớn của Nga, Trung Cộng, các nước XHCN Đông Âu cũng đóng góp rất nhiều cho CSVN trong khi miền nam VN chỉ trông vào Hoa Kỳ. Các nước đồng minh Anh, Pháp, Tây Âu.. đều không giúp gì, họ phá Mỹ, bênh vực CSVN mà vẫn núp dưới cây dù nguyên tử Mỹ. Sở dĩ các nước CS giúp BV nhiều hơn vì họ không phải đưa ra Quốc hội, muốn viện trợ bao nhiêu tùy ý trong khi Hành pháp Mỹ phải vận động Lập pháp, thăm dò dân… nên viện trợ tới tay miền Nam thường bị cắt giảm, có khi nhỏ giọt.
Về điểm này chính Davidson đã công nhận CSBV được cấp xe tăng, đại bác tối tân như trên, họ luôn mạnh hơn VNCH, Mỹ nâng cấp quân đội miền nam VN cho bằng BV nhưng quá trễ và quá ít (“too little, too late”) nguyên văn.
“Vì thế quân đội BV luôn đi trước quân đội VNCH một bước. Việt Nam hóa chiến tranh là chuyện chạy đua (vũ trang) quá ít, quá trễ” (11)
VNCH tổng cộng có một triệu quân năm 1971 như Kissinger nói trên nhưng thực ra chủ lực quân chỉ có 11 sư đoàn bộ binh và hai sư đoàn tổng trừ bị (Dù, TQLC) và 15 liên đoàn Biệt động quân trong khi CSBV có 15 sư đoàn chính qui (4 quân đoàn và đoàn 232) (12) và 26 trung đoàn độc lập (13)
CSBV được trang bị mạnh hơn, quân số họ đông hơn VNCH. Tổng cộng miền nam VN có 44 tỉnh, tính trung bình một trung đoàn bảo vệ một tỉnh nên thiếu quân di động trong khi CSBV không phải giữ đất. Cuộc hành quân sang Miên năm 1970 thành công vì có quân đội Mỹ cùng tham gia, tại đây Cộng quân xa hậu cần miền Bắc, họ không có xe tăng, pháo binh, không được tăng viện nên bỏ chạy. Ngược lại tại Tchephone Lào rất gần hậu cần miền Bắc, Cộng quân được tiếp viện nhanh, được trang bị pháo binh, phòng không, thiết giáp nên rất mạnh. VNCH không được Mỹ yểm trợ nhiều (bị Quốc hội chống đối) nên không thể đương đầu với lực lượng địch đông đảo trang bị mạnh hơn. VNCH giữ đất còn chưa xong, không thể một mình làm nhiệm vụ tấn công, chiến dịch Hạ Lào của Mỹ coi như thất sách, không thể đổ lỗi cho VNCH.
Về tổn thất hai bên ông Nguyễn Đức Phương dựa theo tác giả R.H Cole trong Southern Defeat on the Ho Chi Minh Trail. The Vietnam War, Salamander Books Ltd, pp190-197, 198. cho biết (14)
Mỹ 176 chết, 1,942 bị thương, 42 mất tích, thiệt hại quân dụng: 108 trực thăng và 7 phi cơ bị phá hủy.
VNCH: 1,483 người chết, 5,420 bị thương, 691 mất tích. Thiệt hại quân dụng: 75 chiến xa và thiết vận xa, 405 xe vận tải bị phá hủy; mất 198 vũ khí cộng đồng và 3,000 vũ khí cá nhân.
CS: 13,535 chết, 69 tù binh. Thiệt hại quân dụng: 76 đại bác, 106 chiến xa, 405 xe vận tải bị tịch thu hoặc phá hủy; 1,934 vũ khí cộng đồng và 5,066 vũ khí cá nhân bị tịch thu”.
Theo tác giả Nguyễn Kỳ Phong, mấy tuần sau Lam Sơn 719 kết thúc Bộ Tư lệnh MACV và Bộ TTM VNCH tuyên bố:
Phía VNCH 1,529 người chết, 5,423 bị thương (21% so với quân tham chiến), mất 111 xe M-41, M-113, 90 dại bác, 70 quân xa.
Mỹ 174 chết, 1,027 bị thương, 42 mất tích.
CSVN 16,224 chết, 81 bị bắt, 4 đầu hàng, mất 308 đại bác phòng không, 48 đại bác, 223 súng cối, 207 súng hỏa tiễn 122 ly, 106 chiến xa, 291 xe vận tải (15)
Chiến dịch có lợi cho 2 nhà lãnh đạo Mỹ, nếu thành công sẽ thuận lợi cho chương trình rút quân của Nixon và cho cuộc hòa đàm của Kissinger tại Paris . Mục tiêu chính của chiến dịch là làm suy yếu địch giúp cho miền nam VN không sụp đổ khi Mỹ rút.
Trọng Đạt
Ghi chú:
(1) Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
(2) Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1991.
(3) Hành Quân Lam Sơn 719, Đường Về Tchepone, Tự Lực 2013
(4) Trong White House Years, Vietnam 1970-71, Forcing Hanoi’s Hand, Laos Operation, từ trang 987 tới 1010
(5) Trong Vietnam At War, The History 1946-1975, Chương 23 The Raid Too Far, Lam Son 719, 1971 từ trang 637 tới 670.
(6) White House Years trang 986
(7) Vietnam war Allied troop Level s 1960-73
(8) Nhóm đặc nhiệm Washington
(9) George Donelson Moss: Vietnam , An American Ordeal trang 344 -347
(10) Bản tin của BBC.com ngày 10-5-2006 một buổi hội thảo qui mô tổng kết cuộc chiến tranh Việt Nam tại Sài Gòn ngày 14 và 15 tháng 4 năm 2006, tập hợp nhiều tham luận của các sử gia và tướng lãnh trong quân đội Bắc Việt và trong cuốn Năm Đường Mòn Hồ Chí Minh của Đặng Phong, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121 cũng nói đầy đủ về viện trợ CS quốc tế cho BV. Tổng cộng 2 triệu 362 ngàn tấn hàng hậu cần và vũ khí
(11) Vietnam At War, The History 1946-1975 trang 660: nguyên văn: “Therefore the NVA were always at least one step ahead of the RVNAF. Vietnamization was a running story of “too little, too late”
(12) Nguyễn Đức Phương : Chiến tranh Việt Nam Toàn tập trang 901.
(13) Wikipedia tiếng Việt: Chiến dịch Xuân- Hè 1972
(14) Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 519.
(15) Hành Quân Lam Sơn 719, Đường Về Tcheponetrang 185, 186