Trung bình mỗi ngày ta tiêu hao một đại đội chủ lực (khoảng 135 người) và 60 ngày đêm tấn công thành cổ ta mất gần một vạn người
Bố tôi có mối quan hệ cũ với tướng Giáp nên ngay cả khi ông đã mất, hai mẹ con tôi vẫn nhiều lần được theo những người bạn của bố đến thăm tướng Giáp tại nhà ông (số 25 Hoàng Diệu) cũng như dự các cuộc họp truyền thống của trường Lục Quân vào ngày 15 tháng 4 hàng năm.
Khi tôi chuyển sang làm phóng viên báo đảng, cũng là phóng viên nữ duy nhất của tòa soạn báo Cựu Chiến Binh, tôi có điều kiện tiếp xúc với tướng Giáp nhiều hơn (sinh nhật, lễ, tết, dịp thượng thọ,...) Một trong những lần đó là ngày sinh nhật lần thứ 84 của ông. Giữa các đoàn khách nườm nượp ra vào, đa phần là lính tráng, ông vui vẻ bắt tay từng người, nhận của học trò Nguyễn Thụy Ứng (dịch giả 4 tập "Sông Ðông êm đềm"), một bức tranh khổ rộng, chỉ có duy nhất chữ thọ với 1,000 kiểu viết khác nhau. Cuối cùng, dường như không nén nổi xúc động trước sự quan tâm đặc biệt của mọi người, ông cất giọng trầm, đục kể lại:
- Tôi đã tưởng sẽ đem những bí mật của mình xuống mồ nhưng không ngờ trời cho tôi thọ đến vậy. Vì thế, trong lần sinh nhật thứ 84 này, tôi xin tiết lộ bốn bí mật trong cuộc đời của tôi để anh em biết.
Lập tức cả căn phòng lặng phắc, nghe rõ cả tiếng gió lao xao trên các tàu lá dừa ngoài vườn.
Ðiều thứ nhất - ông kể: Năm 1972, còn gọi là chiến dịch đỏ lửa tại thành cổ Quảng Trị. Khi đó, tôi vẫn lấy phương châm tiến công như mọi khi: 'Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy yếu tố bất ngờ để tạo thế chủ động, khiến địch trở tay không kịp'. Cứ dùng chiến tranh du kích tiêu diệt hàng ngày, hàng giờ, hết đêm này sang đêm khác để địch suy tổn lực lượng rồi đánh cấp tập một trận giải phóng dứt điểm thành cổ như mọi trận khác vẫn diễn ra từ trước đến nay. Không ngờ quan điểm của tôi bị Ba Duẩn (Lê Duẩn) bác bỏ không thương tiếc. Giữa hội nghị, anh Ba đập tay xuống bàn, quát: 'Thế là giảm sút ý chí chiến đấu. Phải cho địch biết thế nào là quả đấm chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Vì vậy tôi yêu cầu, cứ đánh vỗ mặt thành cổ Quảng Trị cho tôi. Sống chết, đúng sai tôi chịu trách nhiệm'.
Kết quả trong suốt 60 ngày đêm của chiến dịch thành cổ, cứ 5 giờ 30 phút chiều, khi trời bắt đầu chập choạng tối, một đại đội ta ở bên này bờ sông Thạch Hãn, lặng lẽ bơi sang để đánh vỗ mặt thành, 8 giờ 30 phút bơi trở về chỉ còn được mươi, mười lăm người. Lần nhiều nhất là 35 đồng chí (cả lành lặn, cả bị thương). Lần ít chỉ còn 5, 7 đồng chí thương tích đầy người, thậm chí có lần cả một khúc sông, không một bóng người, chỉ có tiếng gió hú ghê rợn như những âm hồn vọng vang khắp đáy sông. Như vậy, trung bình mỗi ngày ta tiêu hao một đại đội chủ lực (khoảng 135 người) và 60 ngày đêm tấn công thành cổ ta mất gần một vạn người, biến thành cổ Quảng Trị thành nấm mồ chôn thanh niên, sinh viên, trí thức Việt Nam.
Ðiều thứ hai - ông vươn cao cái cổ gầy, giọng nói nửa như kiêu hãnh, nửa như nuối tiếc, khuôn mặt đẫm vẻ u hoài, bí ẩn: Lẽ ra ta không có được chiến thắng lẫy lừng là giải phóng miền Nam, chỉ vì sau hội nghị Paris, anh Ba Duẩn ra chỉ thị ngừng tất cả các cuộc tấn công lại, chỉ tập trung củng cố lực lượng, tăng gia sản xuất, nuôi quân cho tốt rồi sau vài năm phát triển vượt bậc sẽ đánh một trận dứt điểm, không để địch có cơ ngóc đầu phản công như hồi tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 nữa.
Khi kế hoạch đưa ra, rất nhiều anh em, tướng tá cũng như lãnh đạo đơn vị không hài lòng nhưng là lệnh của cấp trên nên buộc phải chấp hành. Không ngờ, phía dưới, cũng như vùng sâu, vùng xa, lực lượng dân quân, du kích, bộ đội địa phương đang phát triển mạnh nên không chịu ngừng kế hoạch luyện tập, tấn công lại. Phần vì không nhận được lệnh trên nên cứ âm thầm chuẩn bị. Thế là như đứa bé đang tuổi ăn, tuổi lớn, không có cách gì ngừng sự phát triển lại được nên đành để vậy. Nhờ đó có chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975.
Ngừng lời, đưa mắt nhìn những người một thời đầy tin cẩn, ông cất giọng khàn, đục, nghiêm trang:
- Ðiều thứ ba, khi biết sớm muộn gì ta cũng tấn công vào Dinh Ðộc Lập, chấm dứt cuộc kháng chiến chống Mỹ dằng dặc 21 năm, tôi đưa ra đề nghị: Ta đánh để thống nhất hai miền. Riêng các phái đoàn ngoại giao của Mỹ cũng như đại sứ quán Mỹ đóng tại Việt Nam, ta nên tôn trọng vì họ là những người chứng kiến cuộc chiến tranh này và họ sẽ ghi nhận thành tích của chúng ta, không nên đối xử thô bạo với họ như kẻ thù. Không ngờ Ba Duẩn trợn mắt quát: 'Không được, phải đánh chết những con chó, kể cả khi nó đã rơi xuống nước. Tất cả bọn Mỹ, dù là cán bộ ngoại giao hay Lầu Năm Góc đều là kẻ thù của nhân dân Việt Nam. Vì thế, phải chiến đấu quét sạch chúng đi, không để một tên xâm lược nào trên mảnh đất chúng ta'.
Quá khứ đè nặng trên đôi chân của một người đã 84 tuổi, đang nói, ông ngồi phịch xuống ghế, cạnh bà Hà (vợ ông) gương mặt bần thần, tướng Giáp kể tiếp: Cũng vì quen với tiền lệ ở các quốc gia khác, quân đội cứ đánh, còn cán bộ ngoại giao đóng vai trò quan sát, không hề bị chi phối bởi cục diện giữa hai trận tuyến, kẻ thắng, người thua, nên đại sứ quán Mỹ, các phóng viên mặt trận, vẫn ung dung tự tại trước cuộc tấn công ngày một ồ ạt của ta... Không ngờ, khi lệnh Ba Duẩn ban ra, tất cả đang từ thế chủ động thành bị động, phải lập tức thu xếp đồ đoàn ra về trước khi Sài Gòn giải phóng. Chính vì thế cảnh vô cùng hỗn loạn trong các ngày 28, 29, 30 tháng 4 năm 1975 xảy ra. Hàng chục máy bay lên thẳng bị hàng trăm người đeo bám, để lại một dấu ấn nhục nhã trong lịch sử nước Mỹ. Ngay sau đó ta phải trả một giá đắt cho chính sách cực đoan của mình. Hiếu thắng một giây, kiêu ngạo một giờ mà đổi bằng cái giá của 20 năm cấm vận. Cả nước vật lộn trong mưu sinh, khốn khó của thời hậu chiến.
Giọng ông cao lên một nấc, nhìn thẳng trở lại, ông đưa bàn tay khô héo, chi chít các vết đồi mồi, lên cổ, lên ngực, cố giữ một cơn ho:
- Thứ 4, ngay từ cuối năm 1979, khi biết PolPot gây ra hoạ diệt chủng ở Cam pu Chia, tôi đã phát biểu trong cuộc họp: 'Trong hai thằng Lào và Campuchia, chỉ có thằng Lào là anh em với mình thôi. Còn thằng Campuchia sẽ phản lại mình, không nên đưa quân sang giúp nó, khi chưa có sự lên tiếng của quốc tế' - nhưng Ba Duẩn nhận định: Việt, Lào, Campuchia là ba nước láng giềng, như ba chân kiềng kê trên mảnh đất Ðông Dương nên phải giúp nó, sau đó sẽ có kế hoạch thôn tính nó sau... Kết quả, sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, dân tộc ta đã mất cả triệu người con ưu tú, nay thanh niên trai tráng, rường cột quốc gia lại bị điều động bắt lính vô tội vạ để sang chiến đấu tại chiến trường K. Bởi cùng học thầy Trung Quốc nên lối đánh của chúng rất khó chơi, cũng thiên về quấy rối du kích, đánh không theo bài bản nào, chỉ nghi binh, đánh cấp tập rồi rút lui, đồng thời rải mìn vô tội vạ, khiến cho lực lượng ta thương vong nhiều không kể xiết. Tôi nhớ lần tới một trạm phẫu trung đoàn. Trung bình một ngày, anh em bác sĩ ta phải cưa chân 40 chiến sĩ do bị mìn cài, mìn đặt... Trong điều kiện thuốc men thiếu thốn, thuốc giảm đau cũng như gây mê đều hạn chế, anh em kêu khóc như ri. Chỉ sau một tuần là số chân bị cưa xếp cao như núi, hơn hẳn đầu người một tầm tay với. Mùi thịt cháy, mùi máu tanh, mùi thối rữa toả ra khắp vùng, đi cách xa trạm cả 7, 8 km mà mùi hôi thối vẫn xông lên nồng nặc..."
Ngay sau đó, bà Ðặng Thị Hà - con gái ông Ðặng Thai Mai (một nhà nghiên cứu văn học có tên tuổi của Việt Nam) đứng dậy, kéo ông ra khỏi khu vực đặt bàn tiếp khách và yêu cầu chúng tôi về để ông nghỉ vì mỗi ngày ông phải tiếp mấy chục đoàn. Bà Hà với tư cách một người vợ phải kéo ông ra kịp thời trước cả rừng câu hỏi của khách, cũng vì thế giọng bà, không còn là giọng một vị chủ nhà mà thành "tư lệnh" đuổi khéo tất cả những ai còn muốn ở lại làm phiền ông...
Cuối năm 1995, tôi chuyển sang báo khác, làm một "cựu chén binh" thay vì "cựu chán binh" với mấy ông già lẩm cẩm, công thần, độc đoán, nên không còn được gặp Tướng Giáp thường xuyên như trước.
Sống đến tuổi 84, ông không ngờ trời cho tuổi thọ cao như thế, nên quyết định thốt ra bốn bí mật của đời mình. Ðến nay - khi trở thành một "hoá thạch sống" - vắt ngang từ đầu thế kỷ 20 (ông sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911) đến đầu thế kỷ 21 (2009) ở độ tuổi 98, ông còn tiết lộ thêm những bí mật nào khác? Tôi không được biết. Chỉ có điều, mỗi lần nghĩ về tướng Giáp, tôi lại thấy lòng mình xao động lạ lùng. Một chút thương (hại), một chút cảm phục, một chút trách móc, một chút trào lộng (*).
Ở Việt Nam, ai cũng biết ông là một vị đại tướng trong thời chiến và một bại tướng trong thời bình, bị Ba Duẩn, Lê Ðức Thọ tam tứ phen làm cho thất điên bát đảo. Ngay cả ông Hồ cũng không chịu nổi uy tín và sự nổi tiếng của ông sau chiến dịch Ðiện Biên Phủ (khi đó, dưới ngọn cờ cách mạng bay lồng lộng là hình ảnh tướng Giáp) nên thay vì đề cử người kế cận mình là tướng Giáp, đã đề cử Lê Duẩn, hy vọng con ngựa Lê Duẩn sẽ chịu để ông cầm cương, thuần dưỡng... Không ngờ, năm 1963, chính ông lại là người bị hai học trò "xuất sắc" là Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ vô hiệu hoá.
Còn Tướng Giáp, trước sự lấn lướt của Duẩn, Thọ thì tự cài số lùi, mỗi ngày một lùi dần, lùi dần, lùi đến tận cửa nhà hộ sinh của chị em mới thôi. Cho nên khẩu ngữ quen thuộc của mỗi người dân, người lính Hà Nội khi nhắc đến tướng Giáp là: "Từ cây đa Tân Trào (căn cứ địa cách mạng, nơi 34 cán bộ vũ trang tuyên truyền giải phóng quân đầu tiên của Việt Nam) tới cây đa Nhà Bò (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi hàng chục chị em ngất nghểu vác bụng đến trạm hộ sinh sinh nở mỗi ngày).
Kể từ ngày Tướng Giáp vinh dự trở thành trưởng ban sinh đẻ có kế hoạch, khắp Hà Nội đồn thổi câu ca nghịch ngợm của nhà thơ Nguyễn Duy:
Bác Hồ nằm ở trong lăng,
Nhiều hôm bác bỗng nghiến răng, giật mình
Rằng giờ chúng nó linh tinh
Tuổi tên của mình (**) chúng ném xuống ao
Ao nào thì có ra ao
Cái tròn cái méo, cái nào cũng sâu
Hỏi rằng Tướng Giáp đi đâu
Dạ thưa Tướng Giáp... lo khâu: đặt vòng
Và những câu truyền khẩu của Bút Tre thời đại:
Ngày xưa đại tướng cầm quân
Ngày nay đại tướng cầm quần chị em
Ngày xưa đại tướng công đồn
Ngày nay đại tướng công... l. chị em
Ngày 25 tháng 8 năm 2008, khi tròn 97 tuổi, tướng Giáp ốm nặng, rất nhiều phái đoàn đến thăm ông, song lúc này ông bị vừa ho, sốt, vừa đau phổi, khó thở. Ông không ở nhà trên đường Hoàng Diệu mà nằm dưỡng bệnh ở nhà nghỉ bên Hồ Tây. Sau đó được đưa vào Quân Y Viện 108, Khoa A1, dành riêng cho Bộ Chính Trị và các nhân vật lãnh đạo đặc biệt. Hiện ông vẫn phải thở oxy. Với tuổi 97, ngược hẳn với tuổi Hồ Chí Minh khi về với các bậc tiền bối Mác Lê (79), người ta cho rằng ông sẽ khó lòng vượt qua... song một lần nữa trước cái ác, cái xấu ông vẫn tiếp tục "cài số lùi" và vẫn cách xa tử thần cả một tầm với.
Hiện tại, Hà Nội đang trong đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên là 8 độ C, nhiều nơi dưới 3 độ C. Không biết "hoá thạch sống" như ông còn tồn tại được bao lâu trong thời tiết khắc nghiệt này? Khi "hoá thạch sống" mất đi sẽ đồng nghĩa với việc Việt Nam mất một kho bí mật về tầng lớp lãnh đạo cũ mà ông không kịp tiết lộ hoặc vì bạc nhược ông không muốn, hay không dám tiết lộ.
Hà Nội, Mùng 1 Tết Kỷ Sửu
Khai bút đầu Xuân
Chú thích:
(*) Ðáng trách trong thời chiến, ông thí quân quá nhiều và vô trách nhiệm đối với vấn đề tù nhân bị bắt, liệt sĩ mất tích. Trong thời bình ông không dám can thiệp, bảo vệ những sĩ quan thuộc quyền bị đàn áp, bắt bớ hay bỏ tù (từ Thượng Tướng Chu Văn Tấn, Trung Tướng Ðặng Kim Giang, Tướng Lê Liêm...) hay những thuộc cấp bị vu cáo trong vụ án Xét Lại Chống Ðảng. Ðặc biệt là những vụ bắt bớ đầy đọa những viên chức và quân nhân miền Nam trong các "trại cải tạo",' hay thảm cảnh thuyền nhân của Việt Nam mà thế giới phải lên tiếng.
(**) Kể từ 1969, tại miền Bắc Việt Nam có phong trào làm "Ao cá bác Hồ", tất cả các thôn xã đều phải đào ao thả cá và cắm một tấm biển đề rõ 4 chữ "Ao cá bác Hồ" ở giữa lòng ao để báo công, lấy thành tích.
(***) Tác giả ghi lại trung thực lời của Tướng Giáp nên chúng tôi giữ nguyên những từ thuộc loại nhạy cảm như "giải phóng", "quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng", "Tổng tiến công"...
Trần Khải Thanh Thủy