Cho đến ngày nay, chiến tranh Việt Nam vẫn còn nhiều phức tạp, chứa đầy những nghịch lý và mâu thuẫn.
Cho đến ngày nay, chiến tranh Việt Nam vẫn còn nhiều phức tạp, chứa đầy những nghịch lý và mâu thuẫn. Mâu thuẫn gây chia rẻ, không những trong nội bộ dân tộc Việt Nam, giữa hai lực lượng đối kháng là lẽ đương nhiên. Nhưng trong nội bộ một phe, cũng có mâu thuẫn: giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, giữa Cộng sản Hà Nội và Mặt trận Giải Phóng Miền Nam, giữa Liên Xô và Trung Cộng...Vì thế, cuộc chiến kéo dài quá lâu có sự can dự của nhiều cường lực. Định hình danh xưng cuộc chiến VN là điều phức tạp. Trên các bài viết, bài nghiên cứu về chiến tranh VN, người ta thường thấy danh xưng như: Nội chiến, Chiến tranh ý thức hệ, Chiến tranh ủy nhiệm...Những người CS thì cho đó là Chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chiến tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược...Phe Quốc gia phản bác lại, cho đó là chiến tranh tự vệ, chiến tranh chống CS Miền Bắc xâm lược.
Các sử gia vì định kiến hoặc vì lập trường chính trị, thường đứng bên này hay phía bên kia, nên mỗi người có một danh xưng riêng về cuộc chiến VN. Dĩ nhiên, lịch sử do họ viết phù họp với định kiến và lập trường của họ, cũng phản ánh được phần nào những sự thật -dù chủ quan, trong từng giai đoạn lịch sử qua nhiều bối cảnh khác nhau. Vấn đề quan trọng là, mỗi hình thức chiến tranh như vậy sẽ phải giải quyết ra sao cho êm đẹp? Nhưng đó không phải là nhiệm vụ của người viết sử. Đây là trách nhiệm của các nhà làm chính trị.
Cho đến hôm nay, danh xưng cuộc chiến được dùng nhiều nhất là Chiến Tranh Việt Nam, nhưng các sử gia vẫn không đồng ý một cách chính xác cuộc chiến đã bắt đầu khi nào. Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 50 năm chiến tranh VN, tổng thống Obama cho rằng cuộc chiến bắt đầu năm 1962: “Lúc đó là tháng Giêng, tại Sàigòn, các phi công của chúng ta đã cài mũ bảo hiểm và leo lên những chiếc trực thăng, mang theo những người lính miền Nam Việt Nam. Đó là một cuộc tấn công đơn lẻ chống lại đồn lũy của đối phương chỉ cách xa vài dậm trong rừng nhưng đó là một trong những cuộc hành quân chính thức đầu tiên của Mỹ trong vùng đất xa xôi đó”. Sau đó, tổng thống phát động chương trình lễ tưởng niệm Chiến tranh VN kéo dài 13 năm tới (2012-2025) tương đương thời gian HK tham chiến ở VN (1962-1975). Thật ra, HK chấm dứt can dự ở VN sau khi Hiệp định Paris 27/1/1973 ra đời. Ngày 29/3/1973, Quân đội Mỹ làm lễ cuốn cờ dưới sự chủ tọa của Đại sứ Bunker và tướng Weyand, Tư lịnh Quân lực Mỹ cuối cùng ở VN. Buổi lễ diễn ra tại Bộ Tư Lịnh MAC-V ở Tân Sơn Nhứt. Đây là Bộ Chỉ Huy Yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam (Military Assistance Command-Vietnam) được thành lập ngày 8/2/1962. Tướng Paul D. Harking- Phó Tư lịnh Quân lực Mỹ ở Thái Bình Dương được cử giữ chức vụ Tư lịnh. Buổi chiều cùng ngày, những quân nhân Mỹ cuối cùng lên phi cơ rời VN trước sự chứng kiến của Ủy hội Quốc tế Kiểm soát và giám sát ngưng bắn.
Ngày 23/4/1975 TT Ford tuyên bố tại Viện Đại học Tulane “Vai trò của Mỹ tại VN kể như đã chấm dứt và nước Mỹ sẽ không trở lại một cuộc chiến mà riêng đối với Mỹ đã coi là xong rồi”. Nhưng ngay sau đó chiến tranh VN lại tiếp diễn ở biên giới Tây Nam với Khmer Đỏ. Pol Pot tố cáo CSVN vẫn còn hiện diện ở Miên, áp lực Khmer Đỏ gia nhập Liên Bang Đông Dương. Đầu tháng Chín 1978, Tổng bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi Mạc tư Khoa, ký Hiệp ước hợp tác hữu nghị với Brezhnev. Ba tháng sau, vào ngày Giáng sinh 1978, Hà Nội xua quân sang Miên lật đổ chế độ Pol Pot thân Trung Cộng. Đầu năm 1979, HK và TC chính thức thiết lập bang giao, ngay sau đó Đặng Tiểu Bình viếng thăm HK. Ông hô hào “TQ, Tây Âu và Nhật Bản và HK cần phải thống nhất trong một liên minh chống bá quyền”. Ông coi hiệp ước mà Lê Duẩn ký với Brezhnev ngày 3/11/1979 là một hiệp ước quân sự để Liên Xô bành trướng ảnh hưởng ở phương Đông. Ông tuyên bố “Bắc Kinh sẽ dạy cho Việt Nam một bài học”. Trên đường về nước, Đặng dừng chân ở Đông Kinh, ông nói với cựu thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka là sẽ “trừng phạt Việt Nam nặng nề”. Ngày 17/2/1979, bất kể phản ứng của LX, TC huy động gần 20 vạn quân mở cuộc tấn công qui mô vào VN trên tuyến biên giới dài hơn 1000 cây số.
Chiến tranh VN không những còn kéo dài 14 năm nữa sau biến cố 30/4/1975, mà trước đó đã diễn ra ở Miền Nam giữa những phần tử cựu kháng chiến Việt Minh và chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhiều người cho đó là nội chiến.
Chiến tranh VN có phải nội chiến hay không?
Lịch sử VN đã có hai trận nội chiến. Đó là thời Thập Nhị Sứ quân (944-968) và thời Nam Bắc phân tranh (1558-1802) Cuộc chiến giữa những cựu kháng chiến Việt Minh và chính quyền Ngô Đình Diệm có thể coi là nội chiến. Những người VM đã từng kháng chiến chống Pháp giành độc lập từ 1945. Pháp đã bại trận ở Điện Biên Phủ, và rút khỏi VN từ năm 1955. Nước nhà đã độc lập, những người kháng chiến VM không chấp nhận một chính quyền thân Mỹ sau khi chế độ thực dân Pháp đã cáo chung ở MN. Họ tố cáo Mỹ thực hiện chế độ thực dân mới ở MN, thông qua tay sai là Ngô Đình Diệm. Vì thế họ chống Chính quyền Ngô Đình Diệm, chủ trương MN trung lập để tiến tới thống nhất đất nước trong hòa binh.
Sau đó chính quyền CS Hà Nội thành lập Mặt trận Giải Phóng Miền Nam, biến Miền Bắc thành hậu phương lớn yểm trợ cuộc chiến “chống Mỹ Diệm ở MN”. Chiến tranh bùng nổ lớn, nhưng có thể vẫn coi đó là nội chiến. Nhưng từ 1964-1965, khi quân CSBV ào ạt xâm nhập MN và Quân đội Mỹ bắt đầu đổ quân vào MN, chiến tranh VN không còn là nội chiến nữa, mà cuộc chiến đã bị quốc tế hóa. Trong khi ở MN có trên nửa triệu quân Mỹ, thì tại Miền Bắc cũng có trên 320 ngàn quân Trung Cộng.
Cuộc chiến VN có phải là Chiến tranh ủy nhiệm?
Sau Thế chiến II, Pháp đưa quân trở lại các thuộc địa cũ trong đó có Nam Kỳ là thuộc địa. Trung và Bắc Kỳ là đất bảo hộ. Theo sự thảo thuận của Đồng Minh, Pháp sẽ thương thảo với người bản xứ để trao trả độc lập cho các thuộc địa, hầu duy trì ảnh hưởng của mình, nay là một trong 5 Hội viên Thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Pháp đã ký Hiệp ước sơ bộ ngày 6/3/1946 với ông Hồ Chí Minh, thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước Cộng hòa tự do trong Liên bang Đông Dương thuộc khối Liên Hiệp Pháp. Pháp cũng ký một hiệp ước tương tự với Nam Kỳ thuộc địa, từ Nam Kỳ tự trị trở thành Nam Kỳ Cộng hòa tự do. Sau đó, Pháp sẽ thương thảo tiếp với các bên VN để VN được thống nhất và độc lập hoàn toàn trong thời gian tối đa là 5 năm. Điều này đã được Anh Quốc thực hiện ở Ấn Độ và Miến Điện. Năm tỉnh Pondichery ở Ấn nguyên là thuộc địa của Pháp đã được giao hoàn lại Ấn Độ khi quốc gia này được độc lập hoàn toàn hồi năm 1948.
Một điều bất hạnh cho dân tộc, là ông Hồ Chí Minh đã phát động Toàn Quốc Kháng chiến ngày 19/12/1946, thay vì tiếp tục thương thảo với Pháp. Chíến tranh VN đã phát khởi từ thời điểm này, kéo dài đến cuối thập niên 1980, gây biết bao tang thương cho dân tộc. Những người CS gọi là chiến tranh giải phóng dân tộc, nhưng đó là chủ trương của Stalin hô hào các nước thuộc địa thực hiện các cuộc chiến tranh chống thực dân đế quốc để giành độc lập sau Thế chiến II. Vì thế nhiều người cho rằng cuộc chiến VN là chiến tranh ủy nhiệm: LX ủy nhiệm cho CSVN thực hiện đường lối của Quốc tế Cộng sản.
Thật ra, Stalin không cần phải ủy nhiệm, ông Hồ Chí Minh với tư cách một Ủy viên Quốc tế CS xuất sắc và nhiệt thành, đương nhiên ông phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhưng ông lại nhân danh một người VN yêu nước phát động chiến tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước. Nhiều người quốc gia yêu nước đã bị ông Hồ lừa dối, đã gia nhập đảng cộng sản, hô hào đồng bào thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những người trong cuộc còn bị ngộ nhận, huống chi người ngoại quốc. Giới truyền thông và giới phản chiến đề cao ông HCM là người yêu nước. Từ đó họ lên án sự can thiệp của HK vào VN là phi nghĩa, không có đạo đức vì chống lại khát vọng tự do, thống nhất đất nước của những người VN yêu nước. Hậu quả là HK vì bị dư luận quốc tế công kích, bị nhân dân lên án, nên Quốc hội chấm dứt ủng hộ MN tự do.
Còn phía VNCH, nhiều người nhận định HK ủng hộ VNCH là để bảo vệ “Tiền đồn Thế giới Tự do” ở Đông Nam Á. Khi nơi đây bị CS uy hiếp, HK phải trực tiếp cứu nguy, sau đó rút quân về nước, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh với mưu đồ “dùng người Việt giết người Việt” để HK duy trì ảnh hưởng ở đây. Từ đó, họ diễn dịch VNCH được HK ủy nhiệm để làm tiền đồn chống Cộng sản. Tiến sĩ Lê Công Truyền -nguyên là một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến QLVNCH đã phản bác lập luận trên. Ông trình bày: “Nhiều tác giả đã gọi VNCH là tiền đồn chống cộng. Là những người lính chiến, khi chiến đấu chống cộng sản xăm lăng, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng chúng tôi đang cố gắng bảo vệ cái “tiền đồn” đó. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng chúng tôi đang nổ lực bảo vệ sự sống còn của Miền Nam trước sự xâm lăng từ Miền Bắc. Miền Nam còn, dân Miền Nam còn Tự Do, Dân Chủ và Nhơn Quyền. Do đó, Thế giới Tự do, nhất là HK, thấy cần yểm trợ VNCH trong công cuộc tự vệ chống sự xâm lăng từ Miền Bắc. Yểm trợ VNCH là tự giúp mình chớ không phải ủy nhiệm cho VNCH. Bảo rằng VNCH nhận sự ủy nhiệm của Hoa-kỳ là xuyên tạc trắng trợn sự thật. Không có gì vô lý cho bằng bảo rằng Quân Dân Miền Nam chống trả sự xâm lăng của Miền Bắc là do sự ủy nhiệm của Hoa-kỳ. Nước chúng tôi, chúng tôi giữ; không ai có thể bảo rằng chúng tôi được ủy nhiệm để giữ nước chúng tôi”. (TQLC/Lê Công Truyền,Thực chất cuộc chiến Việt Nam 1955-1975
Chiến tranh VN có phải Chiến tranh Ý Thức Hệ hay không?
Ông Hồ Chí Minh luôn khẳng định “Đối với cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa Mác Lê không những là một cẩm nang thần kỳ mà còn là mặt trời soi sáng con đường thẳng tới thắng lợi cuối cùng, tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản”. Qua đó cho thấy ông HCM đã lấy ý thức hệ cộng sản và chủ nghĩa Mác Lê làm nền tảng cho cách mạng VN và tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Còn HK, đứng đầu Thế giới Tự do đến giúp VNCH bảo vệ tự do. Vì thế, gọi chiến tranh VN là chiến tranh ý thức hệ, giữa độc tài cộng sản và dân chủ tự do cũng là hữu lý. Nhưng đại đa số nhân dân Miền Bắc không phải là đảng viên CS, họ tham dự cuộc chiến chỉ vì nghĩa vụ công dân, vì bị chính quyền CS cưỡng bách phải chiến đấu bảo vệ đất nước mà thôi, chớ không nghĩ đến một lý tưởng cao siêu nào cả. Còn quân dân MN chiến đấu là để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất của con người: quyền tư hữu và tự do. Nếu MN bị CS thống trị, họ sẽ mất tất cả. Cuộc chiến của họ chỉ vì mục tiêu đó, chớ không vì một lý tưởng, một chủ thuyết nào cả.
Cái chủ thuyết ngoại lai mà ông HCM du nhập vào VN, hoàn toàn không phù hợp với truyền thống dân tộc. Đấu tranh giai cấp, tạo hận thù dân tộc, xúi giục con tố cha, vợ tố chổng làm gia đạo bất an đều không phải là bản chất của người VN. Nó đã phá nát cương thường đạo lý ngàn đời của dân tộc. Cộng sản chủ trương chống thực dân đế quốc tư bản, để dựng lên một chế độ độc tài chưa từng có trong lịch sử, đất nước không còn độc lập mà trở thành một phiên thuộc của ngoại bang. Vì thế chủ thuyết Mác Lê đã bị chôn vùi ngay tại nơi sản sinh ra nó từ hơn hai thập niên trước. Chủ thuyết đó chỉ dựa trên sự lừa dối và khủng bố đàn áp nhằm áp đặt một chế độ phi nhân lên con người.
Năm 1949, VN đã được độc lập và thống nhất thông qua Hiệp ước Élysée được long trọng ký kết giữa Cựu hoàng Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol này 8/3/1949. Tám mươi năm trước thực dân Pháp đã chiếm VN từ triều đình nhà Nguyễn (vua Tự Đức), ngày nay Pháp ký kết với vị vua cuối cùng của triều Nguyễn (Bảo Đại), công nhận VN độc lập và thống nhất. Trong tình thế đó, ông HCM vẫn tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp. Điều tệ hại nhất là ông lại đi cầu viện TC. Mao Trạch Đông là đồng chí thân thiết của HCM, đều là ủy viên QTCS. Ông Hồ tất nhiên đã đọc lịch sử TQ do Mao biên soạn. Trong đó Mao cho rằng An Nam và các nước chung quanh TQ đều là thuộc quốc của Tàu, đã bị thực dân đế quốc tư bản cưởng đoạt hồi thế kỷ trước, nên TQ cương quyết sẽ thu hồi những vùng đất đã mất này.
Việc ông HCM cầu viện TQ, mặc nhiên CSVN muốn VN trở lại thống thuộc TQ dưới một hình thức nào đó. Do đó, Mao yểm trợ tích cực CSVN chống Pháp, đưa Chí nguyện quân vào chiến trường Điện Biên Phủ. Mao kỳ vọng sau khi đánh bại Pháp, ông ta sẽ dùng VN làm bàn đạp tiến xuống ĐNÁ. Tham vọng của Mao quá lộ liễu, không những ông ta giúp HCM và còn giúp lãnh tụ CS Bắc Hàn Kim Nhựt Thành vượt vĩ tuyến 38 thôn tính Nam Hàn. Hàn Quốc tức Triều Tiên (Cao Ly) đã được LX và HK thoả thuận chia đôi ảnh hưởng sau khi Thế chiến II chấm dứt. Do đó HK đã lãnh đạo Liên Quân LHQ tham chiến ở Triều Tiên. Cuộc chiến Triều Tiên và VN có nguy cơ bùng nổ lớn, đưa đến chiến tranh thế giới. Các cường quốc đã gặp nhau tại Hội nghị Genève 1954, thỏa thuận chấm dứt các cuộc xung đột và quyết định đưa Triều Tiên trở lại tình trạng chia cắt cũ (vĩ tuyến 38) và VN bị chia đôi ở vĩ tuyến 17.
Đất nước tạm thời bị chia đôi, hai miền có hai thể chế riêng biệt, tương tự nước Đức và Triều Tiên. Khi thời cơ thuận lợi, hai bên sẽ hiệp thương và tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước trong hòa bình như HĐ Genève 1954 đã qui định. Nhưng ông HCM lại phát động cuộc chiến giải phóng MN, chống Đế quốc Mỹ xâm lưọc. Ông tố cáo HK thực hiện chế độ thực dân mới, hầu nô dịch lâu dài nhân dân MN, biến nơi đây thành trại tập trung khổng lồ để kèm kẹp nhân dân MN. Với chiêu bài đó, ông HCM hô hào thanh niên lao vào cuộc “thánh chiến quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, dù phải “chiến đấu 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa”, dù phải “hy sinh một chục triệu, hai chục triệu người”, dù có “đốt cả dãy Trường Sơn”.
Sau ngày 30/4/1975, người dân miền Bắc đã vỡ mộng, nữ cán bộ văn công Dương Thu Hương vừa đặt chân vào Sàigòn đã bật khóc. Thực trạng MN hoàn toàn khác xa những gì mà giới lãnh đạo CS đã tuyên truyền. Cả một thế hệ thanh niên ưu tú đã lao vào cuộc chiến vì bị lừa dối. Cộng sản Miền Bắc giải phóng Miền Nam hay MN đã giải phóng MB giúp đồng bào thức tỉnh? Đảng nói rằng MN “phồn vinh giả tạo”, nhưng họ chẳng thấy đâu là giả tạo, mà chỉ thấy sự sung túc. Họ mới ngộ ra MN không phải là trại tập trung khổng lồ, mà MB mới chính là trại tập trung khổng lồ để bạo quyền CS cưỡng bách đưa thanh niên vào Nam thực hiện mục tiêu của họ.
Nhạc sĩ Tô Hải, cựu đảng viên CS tự nhận mình là một chuyên gia “nói láo có tổ chức, có chỉ đạo” suốt gần 30 năm (1946-1975) đã thú nhận: “mình quá rành 1001 kiểu nói dối mà chính bản thân mình và bạn bè mình đã lấy nói dối lem lẻm, nói dối cứ như làm nhiệm vụ hàng ngày, ngay cả khi biết mình đang nói dối với đồng bào nhưng vẫn phải cứ nói dối, vì nói thật thì thì mất miếng cơm, mất chiếc ghế và có khi mất cái mạng như chơi...Và Cuộc “Nói Dối Vĩ Đại” nhất là cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam khỏi tay Đế quốc Mỹ Xâm Lược”! Sự thật đã bị đánh tráo quá trắng trợn! Hàng triệu con người đã mất xác đến nay đa số vẫn chưa thể tìm ra, hàng vạn thương phế binh của cả hai miền, hàng triệu gia đình mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha chỉ vì...”ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc” (lời Lê Duẩn) Cuộc nhuộm đỏ miền Nam đã được công khai tuyên bố khi người ta đổi tên nước là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và đàng hoàng đổi tên Đảng Lao Động là Đảng Đảng Cộng Sản Việt Nam! Đó là Lần nói thật đầu tiên nhưng ngắn ngủi vì phải...tiếp tục nói dối, nói dối nữa, nói dối mãi vì...không có cách nào khác để tồn tại”.
Chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược? hay Chiến tranh xâm lược của CS Miền Bắc?
Kết luận:
Qua trình bày trên, cho thấy không có danh xưng nào khả dĩ nói lên được trọn vẹn thực chất cuộc chiến VN. Tất cả đều đúng là thực chất của cuộc chiến. Vì thế, danh xưng Chiến tranh Việt Nam là tương đối thích hợp nhất do tính bao quát của nó. Nhưng muốn hiểu rõ, phải đặt nó vào bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh. Cả hai diễn tiến song hành và tác động lẫn nhau, kéo dài gần nửa thế kỷ. Khi ông HCM phát động Toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946 cũng là thời điểm chiến tranh lạnh bắt đầu. Lúc đó, Stalin cổ vũ chiến tranh giải phóng, kêu gọi các “đồng chí Quốc tế cộng sản” đã được huấn luyện ở Mạc tư Khoa hoặc Hoa Lục dấy lên các phong trào chiến tranh du kích và bằng tất cả phương thức nào có sẳn để chống thực dân đế quốc. Tháng 3/1946, khi cùng tổng thống Harry Truman viếng thăm Đại học Fulton ở Missouri (HK) cựu thủ tướng Anh Winston Churchill đã tuyên bố: “Điều nước Nga muốn, chính là sự bành trướng quyền hành và học thuyết của họ một cách vô tận”. Năm 1989 quân CSVN rút khỏi Miên, cuộc chiến ở đây chấm dứt khi HĐ Paris 1991 về Cam Bốt ra đời cũng là thời điểm kết thúc chiến tranh lạnh.
Đề cập đến Chiến Tranh Việt Nam phải liên hệ nó chặt chẽ với Chiến Tranh Lạnh, các thế hệ đương thời và mai sau mới có thể lĩnh hội đầy đủ ý nghĩa cuộc chiến này -một biến cố lớn của hậu bán thế kỷ 20. Trong đó, giai đoạn HK tham chiến 1962-1975 là dấu ấn quan trọng nhất. Giới lãnh đạo HK đã giải quyết cuộc chiến ra sao? giúp họ kết thúc Chiến tranh VN và sau đó chấm dứt Chiến tranh Lạnh, trở thành siêu cường quốc duy nhất trên thế giới.