main billboard

Đốt than nướng cá cho vàng,
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.

mh-ve-ruou-beer1

 

 

 

 

 

 


 Trong kho tàng ca dao, người viết bước đầu đã trích ra được 42 bài có đề cập đến rượu. Nội dung của những bài ca dao này hoặc nhìn nhận về đặc tính của rượu, hoặc gắn rượu với lễ, với cuộc sống lạc thú, hoặc rượu được ví với sắc đẹp của người phụ nữ, và cuối cùng, là sự cảnh cáo về những tác hại của lạm dụng rượu.
TRIỀU NGUYÊN Trong những dịp cúng lễ, lễ lạt, hiếu hỉ, và đặc biệt là vào dịp Tết, rượu thường được nhắc đến, và có khi trở thành quan trọng hàng đầu: "Vô tửu bất thành lễ".

mh-ve-ruou-beer2

 

 

 

 

 

 


Rượu lại thường được cho là thứ không thể thiếu với giới tao nhân mặc khách. "Cầm kì thi tửu", "bầu rượu túi thơ", Lưu Linh viết "Tửu đức tụng" (tán tụng công đức của làng rượu), Lí Bạch không chỉ là “thi tiên" mà còn được gọi là “tửu tiên", Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Cao Ba Quát... đều sành rượu và có thơ ca ngợi rượu, là vài minh chứng.

 Trong kho tàng ca dao, người viết bước đầu đã trích ra được 42 bài có đề cập đến rượu. Nội dung của những bài ca dao này hoặc nhìn nhận về đặc tính của rượu, hoặc
gắn rượu với lễ, với cuộc sống lạc thú, hoặc rượu được ví với sắc đẹp của người phụ nữ, và cuối cùng, là sự cảnh cáo về những tác hại của rượu.
Dưới đây là những trình bày về các nội dung vừa nói

1. Đặc tính của rượu
Rượu sở dĩ ngon là nhờ tửu tinh (alcool), được gọi là men:
Rượu ngon bởi vì men nồng
Người khôn bởi vị giống dòng mới khôn.
Chất men của rượu được so sánh với các gen của dòng giống, là một cách nhìn nhận đi thẳng vào bản chất sự vật.
Chất men ấy, nếu được cất giữ kĩ, thì bền vững với thời gian:
Rượu ngon chắt để bàn thờ
Ba bốn năm không lạt (nhạt), sao giờ lạt đi?
và không phụ thuộc vào vật chứa:
Rượu ngon bất luận be sành,
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.

2. Rượu gắn với lễ
Nghi lễ mà ca dao thường nêu hơn cả là cưới hỏi. Rượu (cùng với cau trầu) là lễ vật bắt buộc khi cưới hỏi. Thử đọc lời đối đáp sau của một đôi trai gái:
- Anh có thương em thì lo một buồng cau cho tốt, một hũ rượu cho đầy,
Đặt lên bàn thượng, hạ xuống bàn xây,
Chàng đứng đó, thiếp đứng đây,
Lẽ mô thầy với mẹ lại không kết nghĩa sum vầy cho con?
- Tay anh ôm hũ rượu, buồng cau,
Đi ngả đường sau, thầy mẹ chê khó, đi ngả cửa ngõ, chú bác chê nghèo,
Nhắm chừng duyên nợ cheo leo,
Sóng to, thuyền nặng không biết chống chèo có đặng (được) không.

Cô gái tưởng tượng nêu một viễn cảnh êm thấm, thuận chiều, trong lúc chàng trai tỏ ra thực tế hơn trước trở lực, do cái nghèo tạo ra.
Giả như cô gái thơ ngây và có tình cảm trong sáng kia thuyết phục được bố mẹ mình chấp thuận cuộc hôn nhân do cô chủ động, thì việc tiếp theo sẽ là:
Rượu lưu li chân quỳ tay rót,
Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.

Đôi vợ chồng mới, hoặc trai gái đã đính hôn, cũng dùng miệng trầu, chén rượu khi trao lời hẹn ước thủy chung:
Ăn một miếng trầu, năm ba lời dặn,
Uống một chén rượu, năm bảy lời giao,
Anh chớ nghe ai sóng bổ ba đào,
Em đây quyết giữ niềm tiết hạnh, anh chớ lãng xao em buồn.
Và dưới đây là chén rượu mời bạn tương tri:
Rượu kim lan ve vàng chước tửu,
Em mở miệng chào bạn hữu tương tri
Bá Nha vắng mặt Tử Kỳ
Ôm đờn luống chịu sầu bi một mình.

3. Rượu gắn với lạc thú
 Trước hết, rượu (ở đây, hiểu theo "người uống rượu") thể hiện cuộc sống sung túc, an nhàn, biết làm chủ đời người:
Lật đật thì đất cũng đè,
Những người thong thả, rượu chè quanh năm
 hay:
Rượu cúc sánh với trà lan,
Khi xem hoa nở, khi than Thúy Kiều.
 và:
Rượu nằm trong nhạo chờ nem
Anh nằm phòng vắng chờ em lâu về.

Chính vì sự thể hiện ấy mà giới phụ nữ (vốn ít người biết uống rượu) đã ít nhiều đồng tình chuyện “nam vô tửu như kì vô phong" (đàn ông không uống rượu như cờ không có gió). Cho nên có người đã:
Đốt than nướng cá cho vàng,
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.
có người còn "rộng lòng" hơn:
Khuyên anh cờ bạc thời chừa,
Rượu chè, trai gái say sưa mặc lòng.

 Kế đến, giới mày râu thì xem mình độc quyền về rượu, và không chút ngần ngại khi nói ra điều này:
Còn trời, còn nước còn non.
Còn có bạn rượu, anh còn say sưa.
 hay:
Con tằm bối rối vì tơ;
Anh say sưa vì rượu, em ngẩn ngơ vì tình.
 Thậm chí, có anh còn móc tiền vợ để uống:
Rượu chè, cờ bạc lu bù,
Hết tiền đã có mẹ cu bán hàng.

 Sau cùng, lạc thú với rượu không riêng bậc văn nhân tài tử mà cả hạng “tửu nang phạn đại" (đãy rượu túi cơm) và những người cùng uống, gọi là bạn rượu để thêm vui, theo luật "trà tam, tửu tứ" (uống trà, uống rượu thì thường ba, bốn người cùng uống mới thú). Có lúc không phải “tửu tứ" mà "tửu đảng", “tửu đồ" (những tên bợm nhậu):
Có chồng say như trong chay ngoài bội,
Ngó vô nhà như hội Tần Vương!

4. Rượu và người đẹp đều gây say
 Hán Việt có từ “tửu sắc" nói lên mối quan hệ tuy hai mà một giữa rượu và gái, đứng đầu trong thú ăn chơi (của người đàn ông), tiếng Việt thuần túy không có một từ như vậy. Trong ca dao, lối nói phổ biến là so sánh điểm gây say giống nhau giữa rượu và người phụ nữ:
Rượu ngon chưa uống đã say,
Lựu, lan chưa bẻ đã bay mùi nồng.
 và:
Đèo bồng mang tiếng thị phi
Bầu không có rượu lấy gì mà say?
 hoặc:
Rượu ngon cái cặn cũng ngon,
Thương em chẳng luận chồng con mấy đời.
 hoặc nữa:
Rượu từ trong hũ rót ra,
Để lâu cũng nhạt nữa là duyên em.

 Cả chuyện “say ngầm", “say ngấm" của rượu cũng được vận dụng để ví với nét hạnh của nữ giới (trong việc chinh phục đàn ông):
Rượu say vì bởi men nồng,
Vợ mà biết ở, ắt chồng phải theo.
 hay:
Rượu sen càng nhắp càng say,
Càng yêu vì nết, càng say vì tình
Đầy vơi chúc một chén quỳnh
Vì duyên nên uống, vì tình nên say...

5. Đề phòng những tác hại của rượu
 Không thể có chuyện uống quá tửu lượng cho phép (đối với mỗi người) mà vẫn không say, dù đó là rượu nhạt:
Rượu nhạt uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.
 hay rượu dở:
Rượu không ngon uống lắm cũng say,
Áo rách có chỉ vá may lại lành.

 Mỗi khi đã bị say thì không đủ sáng suốt để nhận rõ cái lộn xộn ở bàn tiệc:
Rượu không say, sao chén ngã xe lăn,
Không thương người đó, sao năng tới nhà?
ở lập luận:
Rượu nào rượu lại say người,
Bớ người say rượu, chớ cười rượu say.

Điều thường gặp là “rượu vào, lời ra", nói nhiều, nói dài nhưng không ý thức hết điều đã nói, gây chuyện “đa ngon đa quá" (nhiều lời thì càng nhiều lầm lỗi), lắm lúc tạo nên hậu quả nghiêm trọng. Chí ít, cũng phiền nhiễu đến người xung quanh:
ở đời chẳng biết sợ ai,
 Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày.
 Và không mấy ai tin lời người say, cho dù có nói hay như thế này:
Say thời, say ngãi say tình,
Say chi chén rượu mà mình nói say!

 Ngoài cái hại của việc say đã nói, người đắm đuối vì rượu mà bỏ bê làm ăn, sẽ dễ lâm vào cảnh nghèo khổ:
Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa,
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.

 Những trình bày trên cho thấy, ca dao đã đề cập khá đầy đủ về rượu. Khi gắn với nghi lễ, rượu tượng trưng cho việc chuẩn thuận, thề nguyền; khi gắn với lạc thú, rượu như một vị chủ không thể thiếu; khi xét đến người đẹp, chỉ có rượu mới tương xứng để đối sánh. Nhưng tác hại của rượu cũng không nhỏ nếu người uống không biết dừng lại ở mức cần dừng.

 Sắp xếp theo nội dung bàn về rượu của ca dao, ở một chừng mực nào đó, chúng ta cũng nhận ra phong tục, quan niệm của người Việt về một thức uống có lịch sử lâu đời và mang tính cách toàn cầu này.