main billboard

Điểm mặt những loài cây "chờ cả đời người" mới ra hoa

Cọ Talipot, cây Melocanna Baccifera, tre Việt Nam... là những loài cây phải đến cả chục năm, thậm chí tới cả trăm năm mới nở hoa một lần.
Không phải loài cây nào cũng may mắn được Mẹ Thiên nhiên cho nở hoa hàng năm, bên cạnh đó cũng có những loài cây có khoảng thời gian cho hoa chậm đến kỳ lạ. Một số loài phải tốn đến vài năm, 30 năm nhưng cũng có loài phải cả thế kỷ mới nở hoa một lần.

1. Cọ Talipot: 30 - 80 năm/lần
hoano1


Cọ Talipot được coi là cây quốc gia tại Sri Lanka. Đây cũng là một loài cọ khổng lồ, có chiều cao lên tới 25m, đường kính thân cây là 1- 1,5m. Cọ Talipot cũng là loài đạt kỉ lục về cụm hoa lớn nhất, dài từ 6 - 8 m với hàng triệu bông hoa.
Loài cọ này chỉ nở hoa một lần trong khoảng 30 - 80 năm tuổi. Sau khi hoa nở, vòng đời của cây cũng khép lại do tất cả dinh dưỡng dự trữ đều dành cho quá trình tạo quả. Khi một cơn mưa đổ xuống, hàng trăm ngàn quả với kích cỡ bằng trái bóng golf lìa khỏi cây, đây cũng là lúc cọ Talipot kết thúc cuộc đời mình.

2. Cây Melocanna Baccifera: 44 - 48năm/lần
hoano2


Melocanna baccifera là cây thuộc họ tre, trúc, chiếm phần lớn số lượng các loài cây cùng họ tại Ấn Độ. Cây chỉ cho hoa mỗi 44 - 48 năm/lần, thậm chí là lâu hơn.
Nhưng những người dân bản địa thì mong sự kiện này diễn ra lâu hơn nữa, thậm chí nếu... không xảy ra nữa cũng tốt. Nguyên do là bởi quá trình phát tán hạt giống của cây thu hút rất nhiều loài động vật gặm nhấm và một trong số đó là chuột đen.
Việc số lượng chuột đen tăng đột biến mỗi khi cây ra hoa có thể khiến dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, chúng còn gây ra nạn đói, vì trong lúc thu nhặt hạt cây, chúng tiện thể… đục khoét nốt kho lương thực của người dân.

3. Tre Việt Nam: 60 - 100 năm/lần
hoano3


Người dân Việt Nam có lẽ đã quá quen thuộc với hình ảnh lũy tre hùng vĩ cao vút ở làng quê. Nhưng không phải ai cũng có cơ may được chiêm ngưỡng hình ảnh hoa tre - loài hoa mà theo kinh nghiệm truyền lại, có chu kỳ nở hoa từ 60 - 100 năm.
Tre thuộc nhóm thực vật sống nhiều năm nhưng chỉ nở hoa duy nhất một lần. Sau khi tre nở hoa một lần duy nhất rồi ra quả, cây sẽ bị lụi tàn và sau đó chết ngay.

4. Cọ Madagascar: 100 năm/lần

hoano4

Loài cọ Tahina có kích cỡ khổng lồ tại Madagascar với chiều cao khoảng 20m. Chúng cũng là loài cọ lớn nhất tại đây nhưng điều khiến cọ Tahina trở nên đặc biệt, đó là chúng chỉ ra hoa, kết quả một lần trong đời và điều này chỉ xảy ra sau… 100 năm.
Tahina là loài cọ khổng lồ, với chiều cao thân lên tới 20m, đường kính thân trung bình 0,5m và đường kính lá khoảng 5m. Trên thực tế, chúng là loại cọ lớn nhất từng được tìm thấy tại Madagascar.
Nhưng điểm đặc biệt ở cọ Tahina không chỉ có vậy, loài cọ này có vòng đời vô cùng kỳ lạ. Các chùm hoa chỉ xuất hiện sau khi thân đạt tới chiều cao tối đa và sắp xếp theo kiểu cột đèn. Chúng thường nở hoa sau 30-50 năm, một số cây nở hoa sau 100 năm.
Những bông hoa giống như lời chào vĩnh biệt của chúng đối với cuộc đời.
Hoa của cọ Tahina nở thành chùm, ngay sau khi nở, chim chóc cùng các loài côn trùng sẽ đến lấy mật, góp phần đẩy nhanh quá trình thụ phấn. Hoa sau khi được thụ phấn có thể phát triển thành quả.
Cọ Tahina dồn toàn bộ chất dinh dưỡng dự trữ cho quá trình nở hoa. Vì thế mà sau khi hoa biến thành quả, chúng sẽ gục ngã vì cạn kiệt dưỡng chất rồi chết. Bởi vậy mà cọ Tahina còn có tên gọi khác là "cọ tự sát". Hiện nay tại Madagascar, số lượng cá thể ngoài tự nhiên của Tahina chưa đến 100 nên loài cọ này được liệt vào danh sách cực kỳ nguy cấp.

5. "Nữ hoàng của Andes": 80 - 150 năm/lần

hoano6

Loài cây được mệnh danh “nữ hoàng của dãy Andes” này chỉ được tìm thấy ở Peru và Bolivia. “Nữ hoàng” là cây thuộc họ Dứa, có tên gọi là Puya raimondii, cao khoảng 3-4m. Nhưng khi ra hoa, chiều cao của “nữ hoàng” lên đến 12m, cho ra cụm hoa cả ngàn bông chứa đến 10 triệu hạt giống. Sau khi phát tán hết hạt giống, "nữ hoàng"… sẽ từ biệt cuộc đời.
Về điểm này, cây Puya khá giống với cọ Madagascar. Với việc phải sống trên độ cao 3.000 - 4.800m cùng điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt, cây Puya raimondii cần khoảng thời gian rất lâu, từ 80-150 năm để dự trữ đủ dưỡng chất phục vụ cho lần sinh sản đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời.
Có điều, sinh sản lâu là thế nhưng các cây con của “nữ hoàng” có nguy cơ chết yểu do bị ăn hoặc bị giẫm đạp bởi gia súc. Và cũng bởi chăn thả gia súc và một số nguyên nhân khác từ con người, môi trường sống của cây Puya đang thu hẹp dần. Hiện số lượng cây Puya ở Peru còn khoảng 800.000 cây và ở Bolivia là 35.000 cây.