main billboard

Theo những tư liệu của ông Hà Văn Mười (75 tuổi), người từng có thời gian nghiên cứu về văn hóa dân tộc ở xóm Mỏ sưu tập được thì cây thị này ít nhất đã có tuổi đời khoảng trên 1.000 năm


Đó là cây thị ngàn năm tuổi ở tỉnh Hòa Bình. Dân chúng tin rằng cây này linh thiêng.

caythi


Chúng ta không thể biết chính xác ra sao về sự linh thiêng, nhưng truyền thống văn hóa Việt là kính trọng tuổi già. Không đơn giản vì tuổi già là giàu kinh nghiệm (thực tế, nhiều người càng già lại càng ngây thơ hơn), nhưng tuổi già -- bất kể là người già, cây cổ thụ già, đình xưa hay chùa cổ -- là một gợi nhớ rằng đời này rất mực mong manh, ai rồi cũng bên mép bờ biến vào hư vô cả.

Thêm nữa, tuổi già là những mảng dân gian cổ còn sót lại... cũng như cây thị này.

Thông tấn Infonet kể về cây thị nghìn năm tuổi này, trích như sau:

“Theo lời kể của một bậc cao niên trong xóm Mỏ, Mai Châu, Hòa Bình, cây thị có từ thời nạn giặc cờ vàng, rất nhiều người bị tàn sát chất quanh gốc cây. Từ đó, có nhiều giai thoại về "cây xác chết" này.

Nhiều giai thoại

Không ai biết chính xác niên đại của cây thị ở xóm Mỏ, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình có từ bao giờ, chỉ biết cây đã có lịch sử hàng nghìn năm tuổi gắn với bao giai thoại ly kỳ, rùng rợn khiến những người dân nơi đây coi “đại lão thị” như một cây tín ngưỡng để tôn thờ.

Do lúc chúng tôi tìm đến cây thị nghìn năm đúng vào dịp trung thu nên khi còn cách đến vài trăm mét đã ngửi thấy mùi thơm phảng phất trong gió từ những quả thị chín vàng mọng nước sai trĩu chịt trên cây.

Thông thường cây thị thường thân nhỏ và mọc cao lên chót vót rồi xòe tán rộng, còn cây thị ở đây hoàn toàn trái ngược với gốc cây to vài nối tay nhau ôm mới hết, bộ rễ to như thân cây nhỏ uốn lượn trải kín mặt đất cộng thêm những tán cây xum xuê phủ kín một khoảng không gian khiến người ta lầm tưởng là một cây cổ thụ.

Theo những tư liệu của ông Hà Văn Mười (75 tuổi), người từng có thời gian nghiên cứu về văn hóa dân tộc ở xóm Mỏ sưu tập được thì cây thị này ít nhất đã có tuổi đời khoảng trên 1.000 năm. Theo ông Mười, cây thị trước đây còn được gọi với cái tên rùng rợn là “cây xác chết”. Sở dĩ có chuyện như vậy vì xưa kia ở xóm Mỏ xuất hiện nạn “giặc cờ vàng”, chúng rất tàn ác, khi đến xóm Mỏ chúng ra tay tàn sát dã man. Mỗi người bị giết chúng chặt đầu rồi đem bêu lên cành cây thị để làm trò chơi và khiến dân làng run sợ phải phục tùng chúng.

Một số người dũng cảm ở xóm Mỏ đã liên kết cùng nhiều bản làng dân tộc xung quanh đứng lên để khởi nghĩa, nhưng vì lực lượng không đủ mạnh nên vô số người đã phải bỏ mạng. "Tôi vẫn nhớ cha ông kể rằng, lần giặc cờ vàng bắt được gần nghìn người dám đứng lên chống lại đã cho quân lính giết bằng sạch rồi đem vứt chất đống dưới gốc cây thị, đầu bị chặt dùng dây buộc lên cành cây rồi thả lơ lửng. Máu chảy nhuộm đỏ cả một vùng”, ông Mười nhớ lại. Cũng từ đây, cái tên “cây xác chết” bắt đầu được người dân gọi để ám chỉ cây thị.

Sau khi đánh đuổi được lũ giặc tàn bạo, những gia đình có người thân bị chúng chém đầu đều tìm về đây để tìm xác. Tuy nhiên, khi đứng trước hàng nghìn chiếc đầu lâu đó, không ai dám nhận đâu là người nhà mình cả. Phong tục của người dân tộc là phải nhận đúng xác người nhà mình mới được gọi hồn nhập vào bàn thờ chính. Bởi vậy, ở xóm Mỏ vẫn còn lưu giữ phong tục khi gọi hồn ai đó phải bắt đầu gọi từ cây thị nghìn năm tuổi này...

...từ sau cái ngày giặc cờ vàng phơi xác nghìn người dưới gốc cây và bêu đầu họ, mỗi tối người dân trong vùng đều nghe tiếng than khóc thê lương văng vẳng vang ra từ gốc thị. Nhất là mỗi độ trung thu, mùa thị chín tiếng khóc lại càng ghê rợn. Đã có một thời gian, ở cái xóm Mỏ này, người dân buổi tối tuyệt đối không dám lảng vảng quanh gốc thị vì “sợ ma”. Phải đến khi người ta thuê thầy cúng, lập đàn tế 7 ngày, 7 đêm dưới gốc thị rồi dựng ban thờ cúng tiếng khóc ấy mới dứt hẳn...

...ông Mười cho biết rằng người dân xóm Mỏ và những xóm lân cận khi có người bị ốm hay bệnh tật vẫn thường hay đến gốc cây thắp hương và xin lá cây về để đun sôi uống hoặc cho vào nước tắm...

Hiện tại Phòng Văn hoá huyện Mai Châu đang tiến hành xin kinh phí để tôn tạo và xây dựng một cái miếu bên cây thị để đời đời con cháu người dân tộc Thái tôn thờ và bảo vệ cây linh thiêng này của bản.”

Nào ai biết lịch sử ra sao. Nhưng với những gắn bó với dân lành như thế, cây thị quả nhiên là một phần hồn lịch sử rồi vậy.