... ví dụ như vừa rồi có ông đến đặt tui chiếc xe RollRoy để đốt cho đứa con gái chết vì đua xe. Như vậy xuống đó, nếu dùng được, nó tiếp tục lái xe RollRoy chạy bạt mạng lại gây ra tai nạn. Chẳng đâu vào đâu!”
HUẾ (NV) -Với người Việt Nam, áo giấy, vàng mã là thứ rất quen thuộc, có thể nói rằng từ người lớn cho tới trẻ con, không ai là không biết thứ này.
Làm vàng mã cho mùa Tháng Chạp. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Nếu như người lớn chau mày, lấy làm nghiêm trọng vì việc đốt vàng mã cuối năm thì với con trẻ, ánh lửa bập bùng, mùi khói ngai ngái và tàn tro bay lơ lửng luôn tạo cho chúng một khoái cảm đặc biệt.
Còn đối với người làm vàng mã, câu chuyện về đời sống cũng như tâm lý của họ thì miễn bàn, có thể nói đây là câu chuyện khá thú vị.
Kinh tế đi xuống, khói tro bay lên
Thuận, chàng thanh niên hai mươi tám tuổi, có thâm niên sáu năm kinh doanh vàng mã ở Hương Trà, Huế, cho biết rằng, “Nghề này thì bất thường, nhưng trong cái bất thường của nó vẫn có cái bình thường để mình tồn tại!”
“Ví dụ như kinh tế năm nào tệ thì vàng mã lại được đốt nhiều hoặc năm nào nạn tham nhũng cao, vàng mã cũng được đốt nhiều. Nói chung là vàng mã hay đi ngược sóng với nền kinh tế. Đặc biệt là giá vàng mã lại song song với giá đô la Mỹ.”
“Nghĩa là năm nào đồng tiền Việt Nam bị rẻ rúng bởi tình hình kinh tế chung thì vàng mã lên giá, trong khi đó, đồng đô la Mỹ đương nhiên tăng giá. Chính vì thế, đôi khi tôi nói đùa với anh em là nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế bản vị vàng mã.”
“Như năm vừa rồi, gia đình tôi ăn Tết rất khỏe, đến 27 Tháng Chạp là đã cúng tất niên vì chẳng còn xíu vàng mã nào đọng lại, người ta mua đốt sạch. Như vậy xem như một năm thắng lợi của mình nhưng lại rất buồn vì tình hình chung sẽ không được tốt.”
“Tôi làm vàng mã sáu năm, nhận ra được cái biểu kế kinh tế Việt Nam căn cứ trên vàng mã nhiều hơn là tiền thật. Đương nhiên đây là cách nghĩ cho vui nhưng trên thực tế nó phản ánh rất nhiều thứ. Có lẽ đây cũng là tâm tính của người Việt bây giờ, rất ích kỉ và rất mê tín.”
Phụ kiện cháo hoa, hạt nổ, bánh in đi kèm với vàng mã khi cúng. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
“Một ông con trai đi thăm mộ mẹ, cũng cố gắng ghé quán mua vàng mã để đốt xin mẹ phù hộ cho trúng số độc đắc hoặt cho thấy số để đánh lô đề, rồi có nhiều người sắm cả chiếc xe hơi to tướng bằng vàng mã để đốt cúng cho cha mẹ, ông bà để thể hiện đẳng cấp dưới âm ti. Năm nay tôi định thiết kế cây xăng để bán những nghĩ lại làm như vậy chẳng khác nào rởm với người khuất mặt. Nghĩ vậy thôi không làm nữa!”
“Nói chung con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì sắm bộ quần áo, đôi giày, đôi dép, ít tiền giấy đốt cúng ông bà là đủ rồi, tôi nghĩ vậy, đằng này lại nghĩ đủ trò. Mà điều này rất vô văn hóa, ví dụ như vừa rồi có ông đến đặt tui chiếc xe RollRoy để đốt cho đứa con gái chết vì đua xe. Như vậy xuống đó, nếu dùng được, nó tiếp tục lái xe RollRoy chạy bạt mạng lại gây ra tai nạn. Chẳng đâu vào đâu!”
“Đốt vàng mã là một nét văn hóa thể hiện lòng hiếu thảo, kính ngưỡng ông bà, điều này tốt thôi nhưng phải có chừng mực và giới hạn chứ cứ làm loe thì mệt lắm. Mà nền kinh tế Việt Nam càng nhiều tham nhũng thì người ta càng thi nhau đốt vàng mã. Kinh tế càng bệ rạc, khói vàng mã càng bay cao. Thế mới kì!”
Mùa Tết, thức trắng đêm vì vàng mã
Nhang và nón giấy. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Một người làm vàng mã khác tên Nguyệt, ở Phú Lộc, Huế, chia sẻ, “Mùa Tết là mùa người ta xài vàng mã gấp nhiều lần trong năm, có năm lên đến gấp hai mươi lần.”
“Vì vậy mà mình phải làm ngày làm đêm, thường thì làm những mẫu như giấy đinh, giấy tiền, vàng thỏi, nón lá, guốc mộc, khăn đóng, áo dài, áo vest, áo quần bộ... Nhưng mùa Tết người ta đặt hàng xe hơi, xe gắn máy. Có chiếc xe lên vài chục triệu đồng là bình thường, mình tốn công dữ lắm, nhưng có lãi cao nên cũng ráng mà làm.”
“Thường thì một chiếc xe họ đặt mình như vậy, kiếm cũng được từ mười đến ba chục triệu đồng, làm vất vả lắm bởi nó phải giống hệt chiếc xe thật từ kích cỡ cho đến màu sắc, mẫu mã. Mấy người nhà giàu, quan chức thường đốt loại này. Họ đặt tiền thì mình làm, làm xong phải bí mật chở đến nơi họ đốt.”
“Chính vì vậy, làm một chiếc xe loại này thu nhập tương đương với một tháng hốt bạc của mình là Tháng Chạp. Không những vậy, khi chở đến nơi mà mấy ông ấy thấy ưa thì sẽ thưởng thêm vài triệu đồng là chuyện bình thường.”
“Mà làm thì làm vậy thôi chứ đôi khi nghĩ cũng buồn vì ngay cả dưới âm ti cũng có phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, như vậy thì e rằng sống trong đất nước này chẳng còn hy vọng gì. Một xã hội phân biệt và khoảng cách giàu nghèo quá rõ. Một tài sản cả đời của người nghèo không bằng một chiếc xe vàng mã của người giàu đốt thành tro thành khói. Nhưng mà xã hội mà, nó vốn vậy!...”
Các bộ vàng mã gồm áo vest, quần bò, áo kaki, nón...(Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
“Nhưng mà thôi, mình chỉ biết làm, cày kiếm tiền thôi, không thèm quan tâm đến mấy chuyện đó nữa. Đôi khi nghĩ thấy buồn vậy nhưng có buồn cũng chẳng làm được gì vì xã hội này vốn vậy. Nói chung, mỗi mùa Tết là mùa kiếm cơm của nghề này, tụi tôi thức luôn đêm để làm cho kịp. Những ngày cuối năm, khi tất niên xong, tụi tôi hay rủ nhau đi thăm mộ.”
“Vì có những ngôi mộ của các anh lính Việt Nam Cộng Hòa không có người thân, cũng không được nhang khói, thậm chí mộ xiêu nấm lạc. Chúng tôi, những người làm áo giấy, vàng mã cứ đến 30 Tết lại rủ nhau ra bờ biển để thắp nhang, khấn vái cầu các anh siêu thoát và mong các anh phù hộ chúng tôi chân cứng đá mềm...”
“Tết đối với chúng tôi ý nghĩa lắm, vì ngoài chuyện kiếm cơm, chúng tôi nghĩ đến những khách hàng đích thực của mình, đó là người cõi âm, họ cần áo quần, giày dép hay tiền bạc để xài, nếu thật sự có điều này, thì phải nói đến những vong hồn bị bỏ bê, bị cô lập. Chúng tôi cúng kính họ bằng cả tấm lòng thành kính và tri ân của mình. Chính vì thế mà cuối năm với chúng tôi có chút gì đó ấm áp và thiêng liêng lắm!”
Mùa Tháng Chạp đang cận kề, những người làm áo giấy, vàng mã lại bắt đầu một mùa bận rộn. Nhưng không biết họ có bội thu nữa hay không vì tình hình kinh tế năm nay không được khả quan. Nhưng vẫn hy vọng cho họ vì nạn tham nhũng Việt Nam vẫn trong tình trạng “ổn định.” Như vậy, người làm vàng mã, tiền âm phủ vẫn có đời sống ổn định! Một cái Tết đang đến gần, và họ lại ra biển đốt vàng mã vào 30 Tháng Chạp.