Trung Quốc đã hoạt động trở lại
Hàng chục nghìn nhà máy thép, điện thoại, quần áo... tại Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.
Trung Quốc tưởng như đã trở lại hoạt động kinh tế nhưng doanh nghiệp méo mặt vì không biết bán hàng cho ai.
Ở Bắc Kinh, một sinh viên quyết định ngừng mua giày mới. Anh chàng nhân viên bán hàng hủy thẻ tập gym. Một chuyên viên tổ chức sự kiện không còn khả năng đi ăn nhà hàng vì lương bị cắt tới 80%.
Theo New York Times, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là cỗ máy tăng trưởng toàn cầu - đang đánh mất khách mua hàng hóa và dịch vụ. Do đó, hoàn toàn không dễ để nước này trở lại với tăng trưởng.
Sau quãng thời gian tê liệt vì dịch virus có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), các nhà máy ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại. Bầu không khí ô nhiễm, xám xịt cũng bắt đầu quay lại nhiều thành phố nước này.
Nhưng người tiêu dùng Trung Quốc đang sợ hãi. Nhiều người mất việc làm hoặc bị giảm lương. Những người khác run rẩy sau nhiều tuần ngồi một chỗ, không thể làm gì, giờ phải nghĩ đến chuyện tiết kiệm.
Một trung tâm thương mại vắng vẻ ở Bắc Kinh. Ảnh: AP.
Bức tranh tiêu dùng u ám
Chloe Cao - một phiên dịch viên, từng chi hơn 200 USD/tháng ăn nhà hàng, 70 US/tháng tiền cà phê và 170 US/tháng tiền sữa rửa mặt ngoại nhập - đã mất việc. Giờ cô tự nấu ăn ở nhà, tự pha cà phê và mua sữa rửa mặt Trung Quốc giá 28 USD.
"Tôi không còn khả năng chi tiêu. Khi tìm được việc làm, tôi sẽ tiết kiệm và không tiêu xài hoang phí như trước đây", cô Cao khẳng định.
Bức tranh tiêu dùng u ám tại Trung Quốc là lời cảnh báo với Mỹ, châu Âu và các nước đang rục rịch mở cửa trở lại sau quãng thời gian giãn cách xã hội chống dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp nối lại hoạt động, nhưng thách thức lớn nhất là thu hút người tiêu dùng đang sợ hãi.
Xét trên một số phương diện, nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi.
Đến cuối tháng 4, phần lớn các nhà máy đã mở cửa. Từ tháng 3, sản lượng công nghiệp tăng mạnh, các loại hàng hóa như thép và điện thoại ồ ạt xuất xưởng.
Nhưng các chỉ số kinh tế khác vẫn rất tệ hại. Doanh số bán lẻ sụt giảm 16% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy ánh sáng phát ra từ các khu công nghiệp mờ nhạt hơn nhiều so với một năm trước, cho thấy nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng.
Người tiêu dùng Trung Quốc tiết kiệm hơn, không dám tiêu xài hoang phí sau đại dịch. Ảnh: Shutterstock.
Các nhà máy Trung Quốc đang đối mặt với thử thách cực lớn. Khách hàng ở Mỹ và châu Âu không còn mua hàng hóa Trung Quốc nhiều như trước. Hàng loạt trung tâm mua sắm ở Mỹ hủy và hoãn các đơn hàng từ Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh thông báo tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị nước này tăng lên 5,9% trong tháng 3.
Tuy nhiên giới chuyên gia quốc tế cho rằng con số thực tế có thể cao gấp đôi. Zhongtai Securities ước tính thất nghiệp có thể lên tới 20% nếu tính cả lao động nhập cư từ nông thôn.
Doanh số đồ nội thất, quần áo, đồ gia dụng, trang sức... đều bay hơi 25-30% trong tháng 3. Ở các thành phố lớn, phần lớn trung tâm thương mại đã mở cửa trở lại, nhưng rất vắng vẻ.
Bán lẻ lao dốc
Ông Liang Tonghui, 40 tuổi, bán đào và táo ở một khu chợ tại Bắc Kinh. Tới cuối ngày, ông chấp nhận giảm giá táo tới 40% vì ế. "Chỉ 50% người lao động đã đi làm trở lại thì làm sao có nhiều người đi mua sắm cho được", ông than thở.
Trung Quốc cần thúc đẩy tiêu dùng bởi nền kinh tế nước này không còn thể dựa vào công thức thành công trước đây.
Chiến dịch xây dựng hạ tầng - tàu điện cao tốc, đường cao tốc và các dự án quy mô lớn khác - khiến nợ Trung Quốc tăng vọt.
Nhiều nhà kinh tế quốc tế đã kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ người tiêu dùng. Mỹ và châu Âu có chính sách hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình, nhưng Trung Quốc không áp dụng biện pháp này, một phần vì nợ công quá lớn.
Không có người mua, ngành bán lẻ Trung Quốc sẽ tiếp tục lao dốc.
Peng Fei mất việc khi dịch bùng nổ. Anh ngừng đến phòng gym, giảm ăn nhậu bên ngoài và hoãn kế hoạch dọn ra ở riêng. "Trước đây, tôi luôn tiêu sạch tiền kiếm được", anh nói.
Tương tự, Harry Guo - một nhân viên quán bar 22 tuổi ở Thượng Hải - thường tiêu nhiều tiền cho quần áo và du lịch. Giờ anh không còn làm như vậy. "Bạn chỉ cảm thấy an toàn và thoải mái khi trong ví có tiền", Gou nói.
Trong một cửa hàng thực phẩm ở Bắc Kinh. Ảnh: Gett Images.
Chen Ke - chuyên viên tổ chức sự kiện ở Thượng Hải - bị cắt lương tới 80%. Giờ anh kiếm thêm bằng nghề giao đồ ăn và chỉ ăn cơm ở nhà.
"Giờ kiếm chưa đến 1 USD với mỗi chuyến giao hàng, tôi mới hiểu kiếm tiền là khó đến mức nào", anh tâm sự.
Với nhiều người Trung Quốc, thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi mãi mãi sau dịch Covid-19. Cô Cao ở Bắc Kinh từng mua rất nhiều túi xách hàng hiệu. "Giờ chúng chẳng giúp được gì", cô cay đắng nói.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bị bệnh nặng hoặc lại mất việc làm?
Trong tương lai, tôi cần phải có một khoản tiền tiết kiệm đủ lớn trong tài khoản ngân hàng để cảm thấy an toàn".