Giá dầu càng tuột dốc thế giới càng hoảng loạn.
Mỏ dầu Abqaiq của Ả Rập Xê Út. Fayez Nureldine / AFP
Dầu hỏa mất giá 40 % từ đầu năm 2020. Nguyên nhân chính do virus corona gây nên.
Tiêu thụ của Trung Quốc và Âu, Mỹ giảm mạnh và thêm vào đó là cuộc chiến dầu hỏa Riyad và Matxcơva vừa khai mào, khai tử liên minh Nga - Ả Rập Xê Út được ký kết từ năm 2016.
Đâu là động cơ khiến hai trong số ba nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đọ sức với nhau, mỗi bên tính toán những gì ?
Nga và Ả Rập Xê Út dường như cùng theo đuổi một mục tiêu : chận đường các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.
Liệu đây có là một nước cờ nguy hiểm cho cả đôi bên ?
Thế giới không thể biết trước dịch Covid- 19 sẽ kéo dài bao nhiêu lâu. Kinh tế của Trung Quốc và thế giới đóng băng.
Ngành hàng không quốc tế gần như bị tê liệt. Chỉ số chứng khoán từ Âu sang Á và cả trên thị trường tài chính Hoa Kỳ giảm mạnh.
Kịch bản "một cuộc khủng hoảng tài chính" ngày càng cận kề. Trong bức tranh đen tối đó, bất ngờ nổ ra cuộc chiến dầu hỏa giữa Ả Rập Xê Út và Nga.
Hôm 08/03/2020, Riyad đơn phương quyết định tăng mức sản xuất và xuất khẩu, giảm giá dầu cho một số khách hàng trong lúc trên thị trường quốc tế, cung đã cao hơn so với mức cầu. Vàng đen mất giá.
Quyết định này lại càng khó hiểu, bởi hai ngày trước đó, khối các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa và các đối tác, gọi tắt là nhóm OPEC+ đã họp tại Vienna.
Mục tiêu cuộc họp nhằm tìm đồng thuận khóa bớt van dầu, qua đó giữ giá vàng đen.
Ả Rập Xê Út là thành viên quan trọng nhất của OPEC trong lúc Nga là nguồn sản xuất lớn thứ nhì thế giới, chỉ thua có Hoa Kỳ.
Hai quốc gia này cộng lại cung cấp 40 % dầu cho thế giới
Cuộc họp tại Vienna thất bại do Nga bác bỏ đề xuất của Ả Rập Xê Út giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ nay cho đến cuối 2020.
Phái đoàn Ả Rập Xê Út từ Vienna trở về, lập tức Riyad phản công và quyết định mở thêm van dầu cho thế giới.
Giá dầu càng tuột dốc thế giới càng hoảng loạn.
Trong phiên giao dịch hôm Thứ Hai, 09/03/2020 "mức lãi tích lũy trên thị trường tài chính từ đầu 2020 tan thành mây khói".
Từ hoảng loạn về dầu hỏa đến chứng khoán
Trả lời trên đài RFI giáo sư kinh tế Jean Pierre Favennec đại học Paris Dauphine và Viện Dầu Hỏa –Institut du Pétrole của Pháp phân tích về phản ứng khó hiểu của thị trường, bởi vì nhẽ ra khi dầu hỏa mất giá, đó phải là một tin vui.
Nhưng lần này, giới đầu tư quốc tế lại rơi vào hoảng loạn.
"Đúng là vì Nga - Ả Rập Xê Út không đạt được đồng thuận, giá dầu đã giảm mạnh, nhưng đồng thời đó là dấu hiệu cho thấy thế giới đang hoang mang.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc đã rơi xuống rất thấp và mọi người chờ đợi là mức cầu tại châu Âu cũng sẽ bị đóng băng.
Điều đó khiến thị trường tài chính lại càng hoảng loạn. Trong bối cảnh mà dầu hỏa đang mất giá, Riyad tấn thêm một đòn mạnh, khiến mọi người lại càng nghĩ rằng các hoạt động kinh tế của thế giới sẽ tiếp tục giảm thêm nữa trong những tuần lễ hay những tháng sắp tới".
Ả Rập Xê Út phá giá dầu khiến mọi người hiểu như đó là một tín hiệu mới cho thấy kinh tế thế giới bên bờ vực thẳm.
Vẫn trên đài RFI, Matthieu Auzaneau giám đốc Shift Project, một nhóm nghiên cứu về mức độ lệ thuộc của kinh tế toàn cầu vào năng lượng hóa thạch, thận trọng nêu ra giả thuyết : Nga hay Ả Rập Xê Út đã khơi mào chiến tranh dầu hỏa và với mục đích gì ? và cũng có thể Ả Rập Xê Út khai chiến để mặc cả với Nga :
"Trên thực tế, liên minh Nga- Ả Rập Xê Út đã được hình thành.
Riyad là thành viên quan trọng nhất trong khối OPEC – tức là các nước xuất khẩu dầu hỏa.
Còn Matxcơva là nguồn sản xuất lớn thứ nhì thế giới, đứng sau Mỹ nhưng trước Ả Rập Xê Út.
Hơn nữa Nga lại có một trọng lượng về địa chính trị rất lớn.
Đôi bên đồng ý với nhau hạn chế mức sản xuất để giữa giá dầu tương đối cao.
Thỏa thuận đó đã bị khai tử sau cuộc họp ở Vienna trong hai ngày 05 và 06/03/2020.
Phía Nga từ chối theo chân Ả Rập Xê Út, để tiếp tục giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ nay cho đến cuối năm 2020.
Mọi người ồn áo nói rằng Nga gạt bỏ đề xuất của Ả Rập Xê Út, nhưng chúng ta không biết chắc được về diễn tiến cuộc họp nói trên.
Có hai giả thuyết : Một là Nga bác bỏ đề xuất của Riyad tránh để tạo lợi thế cho các nhà sản xuất của Hoa Kỳ. Bởi vì từ trước tới nay, mỗi lần Nga và Ả Rập Xê Út giảm mức xuất khẩu, thì dầu đá phiến của Mỹ lấp vào chỗ trống.
Nhưng đồng thời có giả thuyết thứ hai, là chính hoàng thái tử Mohammed Ben Salman đã châm ngòi cuộc chiến dầu hỏa.
Ả Rập Xê Út vừa thông báo tăng mức sản xuất để giữ thị phần, vừa giảm giá từ 7 đến 8 đô la một thùng dầu cho một số khách hàng ".
Dầu đá phiến Mỹ trong tầm ngắm của Nga và Ả Rập Xê Út
Trước hết, nhiều nhà quan sát cho rằng bộ trưởng Năng Lượng Nga, Alexandre Novak "gây sự" trước chẳng qua là vì các nhà sản xuất Nga, đứng đầu là Rosneft, đã thuyết phục tổng thống Vladimir Putin là đã đến lúc nước Nga phải "cân bằng hóa lại thị trường dầu hỏa thế giới".
Một cách gián tiếp Igor Setchine nhắc nhở chủ nhân điện Kremlin rằng, hạ mức sản xuất là giúp cho các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ chiếm mất thì phần của Nga.
Ả Rập Xê Út cần giữ giá dầu ở mức từ 82 đến 90 đô la một thùng thì mới có lãi, ngược lại phía Nga, về mặt chính thức, chỉ cần giá một thùng dầu dao động trên dưới 50 đô la là đủ.
Điện Kremlin biết rằng với giá dầu 30 đô la một thùng, sẽ có "không ít các nguồn cung cấp Mỹ bị vỡ nợ". Trong khi đó cả Nga lẫn Ả Rập Xê Út cùng tạm thời có khả năng cầm cự với giá này.
Chuyên gia Pháp, Matthieu Auzanneau trung tâm nghiên cứu Shift Project cho rằng thực ra Nga và Ả Rập Xê Út theo đuổi cùng một mục đích, nhưng phá giá dầu là một trò chơi nguy hiểm :
"Ả Rập Xê Út và Nga cùng có một khoản dự trữ ngoại tệ khá tốt, tương đương với hàng trăm triệu đô la. Cả hai quốc gia này có khả năng cầm cự lâu dài trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến dầu hỏa.
Cả hai theo đuổi cùng một mục đích : cản đường các nhà sản xuất Mỹ. Nhưng đôi bên cùng đang đùa với lửa. Bởi vì dầu hỏa là con gà đẻ trứng vàng, cho phép bảo đảm ổn định trong xã hội.
Chỉ cần nhìn vào trường hợp của Venezuela chúng ta cũng thấy được điều đó. Tôi rất lo ngại về tình hình tại Trung Đông. Khu vực này đã như một thùng thuốc súng.
Nga vì có những tính toán địa chiến lược trong khu vực này nên can thiệp quân sự tại tại Syria. Ả Rập Xê Út cũng có những ẩn ý - đặc biệt là đối với Iran, kẻ thù không đội trời chung của Riyad.
Có điều về mặt kinh tế và quân sự, cả Nga lẫn Ả Rập Xê Út cùng đang bị dồn vào chân tường. Giờ đây, căng thẳng lại gia tăng thêm một bậc. Bài toán trở nên phức tạp hơn nhiều cho cả đôi bên".
Giám đốc Shift Project, Matthieu Auzanneau thẩm định, chỉ cần giá dầu ở mức 50 đô la một thùng trong dài hạn là cũng đủ để "giết chết" không ít nhà sản xuất cò con của Mỹ.
Ông cho rằng, nghịch lý ở đây là nga và Ar Rập Xê Út, hai quốc có những quyền lợi địa chính trị khác hẳn nhau lại có thể cộng tác với nhau về mặt kinh tế khi cần chận đường công nghệ dầu hỏa của Mỹ. Chưa chắc gì là Matxcơva và Riyad sẽ thành công.
Hoàng thái tử Ben Salman, phù thủy non tay ?
Không thuyết phục được Nga khóa bớt van dầu, Ả Rập Xê Út, mà người chủ chốt là hoàng thái tử Mohammed Ben Salman phản công. Riyad thông báo nâng mức sản xuất lên thêm 25 % tức là sản xuất đến hơn 12 triệu thùng dầu một ngày.
Riyad dùng "một viên đạn bắn hai con chim" : vừa gặm nhấm thêm thị phần của Nga vừa bóp ngạt không dưới 100 nhà sản xuất Mỹ theo thẩm định của công ty tư vấn Rystad Energy.
Kinh tế Nga phụ thuộc đến 30 % vào dầu lửa và khí đốt, đây cũng là nguồn đem về 50 % ngân sách quốc gia.
Việc Riyad mở van, đẩy giá dầu tuột dốc khiến đồng rúp của Nga mất giá 7 % ngay trong phiên giao dịch 09/03/2020.
Tuy nhiên, không chỉ có Nga bị tác động. Chiến lược của Riyad trên bàn cờ năng lượng vừa qua tác động mạnh đến từ Iran tới tận các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa ở tận châu Mỹ La Tinh hay châu Phi.
Nhưng trong cuộc đọ sức về dầu hỏa, Ả Rập Xê Út cũng phải trả giá đắt, như ghi nhận của văn phong tư vấn Compétence Finance, trụ sở tại Paris : dầu hỏa bảo đảm đến ba phần tư thu nhập tại vương quốc này; gần như 100 % nguồn ngoại tệ có được là nhờ nền công nghiệp dầu khí.
Năm 2014 Riyad từng thất bại khi muốn sử dụng lá bài năng lượng để hạ cả Nga, đồng minh của Iran lẫn dằn mặt Mỹ.
Từ hôm 08/03/2020, chơi trò phá giá dầu hỏa khiến mỗi tuần Ả Rập Xê Út thất thu đến 1,75 tỷ đô la theo thẩm đỉnh của Compétence Finance.
Tất cả những yếu tố đó lại càng phá hỏng chiến lược Tầm Nhìn 2030 của hoàng thái tử Ben Salman, nhằm giảm bớt mức độ lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Cả về chính trị lẫn kinh tế, thái tử Ben Salman đang nóng lòng muốn ghi được những bàn thắng quan trọng để nắm lấy ngai vàng vào lúc quốc vương Salman đã 84 tuổi và sức khỏe đang suy yếu.
Đó là chưa kể trong trường hợp virus corona không dung thứ cho thần dân của vương quốc dầu hỏa này.