main billboard

Chú linh khuyển Thiện Thính của ngài được vẽ với hai cái tai rất đặc biệt: một tai vểnh lên (để nghe được lời chư Phật) và một tai cụp xuống (để nghe thấu lời kêu than của chúng sinh trong địa ngục).


chotaivenh
Trao đổi thông tin với anh xã hàng ngày, Tiểu Huyền tôi thường học hỏi được nhiều chuyện hay ho. Một buổi sớm cuối tuần kia, anh xã của TH hí hửng khoe: "Này vợ! Người ta vừa mới thí nghiệm ở thư viện công cộng, thấy rằng trẻ em sẽ tập đọc tiến bộ rất mau khi có một con chó ngồi nghe chúng."
Cuộc thử nghiệm này là sáng kiến của cô Sandy Martin, thực hiện tại thư viện của thị xã Salt Lake vào cuối thế kỷ 20. Con chó được đeo vào cổ cái bảng "Reading Education Assistance Dog" – vì đó là cuộc thử nghiệm để chữa bệnh đọc chữ khó khăn của một số trẻ. Thư viện Salt Lake cũng đang khuyến khích các trường trong vùng thí nghiệm phương pháp này.

Ngoài chuyện chó biết vểnh tai lắng nghe, hoàn toàn im lặng, không lên tiếng phê bình, sửa chữa hay chê bai như con người, chó còn biết ngước đôi mắt đầy ngưỡng mộ lên nhìn đứa trẻ. Vì vậy, khi các em tập đọc sai đúng đều không bị la rầy, con chó làm cho trẻ luôn “feel good.” Hơn thế nữa, chó còn biết nghếch cái mõm lên, để hết tâm ý vào em nhỏ, đăm đăm ngước nhìn em với ánh mắt long lanh thán phục, khiến cho trẻ thấy mình quan trọng, có hứng khởi đọc tiếp... Trong khi đó, trong đầu chó, chắc nó chỉ nghĩ tới phần thưởng sẽ có, sau khi em bé đọc xong bài.

Ngoài sự trung thành và khả năng làm hướng dẫn viên rất có hiệu quả cho người bị mù hay điếc, loài chó xưa nay nổi tiếng là hơn hẳn con người về thính giác. Mỗi khi sắp có thiên tai như lũ lụt, gió lốc, bão tuyết hay động đất... chó thường tru lên và tìm chỗ trốn trước khi con người nhận biết cơn nguy hiểm. Cơ sở Walt Disney một thời đã sản xuất ra hàng loạt phim về những con chó khôn ngoan đặc biệt, được khán giả rất ưa chuộng.

Con chó khi mới ra đời là con vật bị điếc đặc. Mãi mười ngày sau tai chó mới bắt đầu biết nghe, và thính giác của nó chỉ được phát triển hoàn toàn sau ba, bốn tuần lễ. Chó nghe thính hơn người: tai người chỉ nghe được các tiếng động có tần số giữa 20 tới 20,000; trong khi chó nghe tới 30,000. Nếu được huấn luyện, chó có thể nghe tới tần số 35,000 hay 70,000. Thính giác cuả loài chó chỉ kém loài cá heo (porpoise), là con vật nghe được những âm ba từ 150 tới 150 ngàn. Loài chó cũng có khi bị điếc, nhất là loài chó đốm Dalmatians và loài chó miền quê xứ Úc Đại Lợi.

CÁI TAI CỦA LINH KHUYỂN

Trong những bức tranh của Phật Giáo Trung Hoa về các vị thần tăng, có một con chó hay được vẽ nằm ngoan ngoãn cạnh chân cuả một thần tăng, được coi là hoá thân cuả Bồ tát Địa Tạng. Con chó có tên là linh khuyển Thiện Thính. Chuyện xưa kể chú chó Thiện Thính là con vật trung thành mà Tỳ kheo Địa Tạng mang từ xứ ngài qua Cửu Hoa Sơn (tỉnh An Huy-Trung Quốc).

Nguyên là thái tử  Kim Kiều Giác của xứ Triều Tiên (Đại Hàn ngày nay), bỏ ngôi báu xuất gia năm 22 tuổi rồi xuất ngoại tìm thầy học đạo, vị tỳ kheo có pháp danh Địa Tạng đó đã tu khổ hạnh và hành đạo cứu khổ tại vùng Cửu Hoa Sơn trong suốt 75 năm. Sau khi đắc đạo, tỳ kheo hóa độ được cho rất nhiều Phật tử và nhiều lần thi triển thần thông khiến dân chúng tin rằng ngài chính là hóa thân của Bồ Tát Địa Tạng trong kinh điển. Chú linh khuyển Thiện Thính của ngài được vẽ với hai cái tai rất đặc biệt: một tai vểnh lên (để nghe được lời chư Phật) và một tai cụp xuống (để nghe thấu lời kêu than của chúng sinh trong địa ngục).

Truyện cũng kể rằng khi muốn cất chùa, tỳ kheo Địa Tạng được ông nhà giàu địa phương (tên Văn Cách Lão) hỏi ngài cần bao nhiêu đất để cúng dường cho ngài xây chùa. Tỳ kheo Địa Tạng chỉ xin một mảnh đất bằng với cái áo Cà sa của ngài mà thôi. Nhưng khi ngài phất áo ra thì cái áo cà -sá trùm kín cả trái núi Cửu Hoa. Ông Văn Cách Lão vốn có tấm lòng rộng rãi, thấy thần thông của ngài thì rất phục nên cúng dường luôn tất cả quả núi, lại xin cho ông và con là Đạo Minh được làm đồ đệ ngài.  “Tỳ kheo Địa Tạng nhập Niết Bàn năm 99 tuổi, vào  ngày 30 tháng 7 (năm Đường khai nguyên thứ 26).  Sau ba năm tọa quan, mặt mũi ngài vẫn như người còn sống, tay chân còn mềm dẻo có thể chuyển động được.”

HẠNH LẮNG NGHE

Không cần phải là linh khuyển Thiện Thính,  con chó nào cũng có cái tai thính hơn loài người. Trong khi tai người chỉ nghe được những âm ba có tần số đo từ 20 tới 20 ngàn thì chó nghe được, như trên đã nói, từ 15 tới 50 ngàn, đó là chưa kể còn tăng lên nếu được huấn luyện.

Loài người có trí óc hoạt động rất bén nhạy nên khi nghe thấy một âm thanh nào đó, là tâm ta bắt đầu khởi lên rất nhiều ý nghĩ hay cảm xúc. Con người của ta ngoài căn cơ sẵn có, còn mang sẵn trong tâm thức chằng chịt không biết bao nhiêu là kinh nghiệm, kiến thức do môi trường sống tạo ra. Vậy nên bình thường, ta không thể Lắng Nghe một cách thuần túy, không phản ứng, không so sánh, phán xét để chê hay khen... Cuộc đời chúng ta nhiều phen rối ren, phức tạp chỉ vì chúng ta “nghe gà hóa cuốc” hoặc ”nghe hơi nồi chõ,” chưa thủng câu chuyện đã đi tường thuật, bàn ra tán vào rồi.

Khi nghe một diễn giả nói chuyện, các thính giả thường nghe và nhận vào tai những tình tiết nào thích hợp nhất với tâm trạng và kiến thức sẵn có cuả mình. Âm thanh và hình sắc lọt qua tai, qua mắt chúng ta, thường được lọc qua một tâm thức (Mạt na thức) có nhiều chất chấp ngã. Vì vậy, dù cùng nghe hay cùng nhìn một đối tượng, mỗi người chúng ta đều có một nhận thức riêng, có khi khác hẳn với nhận thức cuả người bên cạnh. Khi thuật lại cùng một câu chuyện, người ta có thể diễn tả thành hàng trăm “phó bản” đôi khi rất khác nhau, vì cái tai của mỗi người thường “lọc” bỏ những chi tiết nào không thích nghe, chỉ giữ lại những gì thuận với tai mình. Các vị vua chúa thời xưa cũng như những người nhiều quyền bính hay giàu sang ngày nay thường không bao giờ muốn nghe những lời “trung ngôn nghịch nhĩ” – những lời can gián hay phê bình thẳng thắn nhưng khó nghe. Đó là vì cái tai cuả họ đã quen được người chung quanh huấn luyện, nịnh nọt, tâng bốc. Đa số chỉ muốn nói những lời khen ngợi và dễ thương được ban ơn phước, được hưởng lợi. Cái tai có thể kéo theo rất nhiều tai hại, nếu như mình chỉ nghe thấy ý muốn cuả chính mình.

Theo đạo sư Krisnamurti (1895-1986), triết gia danh tiếng của thế kỷ 20, “Để thật sự Lắng Nghe, người ta phải buông xả hay bỏ được sang một bên những thiên kiến, công thức và các sinh hoạt thường ngày. Khi đặc biệt chú ý tới chuyện gì, ta có thể lắng nghe và dễ dàng hiểu được nó. Nhưng rủi thay hầu hết chúng ta lắng nghe qua bức bình phong đề kháng. Chúng ta che chắn với các các thiên kiến mang tính cách tôn giáo, tâm linh, tâm lý, khoa học hoặc với những âu lo, dục vọng, và sợ hãi hàng ngày. Với những thứ đó làm thành bức bình phong, chúng ta lắng nghe. Vì vậy, thật ra chúng ta chỉ lắng nghe tiếng động trong tâm mình, âm thanh của mình chứ không nghe được điều đang được phát biểu... Chúng ta chỉ diễn dịch hoặc lý giải những điều ta nghe theo quan điểm riêng của mình...” (Sách Krisnamurti tinh yếu, Nguyễn Ước dịch, Nguồn Sống xuất bản).

Cũng như Bụt Thích Ca, các vị thầy tâm linh cho là khi biết lắng nghe và nhìn sâu, chúng ta sẽ có hiểu biết về tự tánh mọi sự vật, và mọi vấn đề đều được giải quyết. Biết lắng nghe và quan sát tức là nhận biết được Cái Đang Là – Bây giờ và Ở Đây – tức là biết Sống tỉnh thức với Hiện Tại.

Khi tập được hạnh lắng nghe người khác, chúng ta thiết lập được sự thông cảm, và có khi chỉ cần lắng nghe thôi là đã giúp được họ vơi bớt sầu đau. Biết vậy nhưng nhiều người trong chúng ta không có được cái khả năng lắng nghe trời cho, kém xa loài chó. Vừa nghe được người kia nói nửa vời là chúng ta (nhất là TH tôi) thường vội vã góp ý kiến liền, không để ý tới nhu cầu cần tỏ bày của người kia. Đa số người ta khi lên tiếng đáp ứng, cũng thường chỉ vì muốn trình bày những kiến thức sẵn có của mình. Đôi khi họ chỉ nói ra những thiên kiến, những quan niệm sẵn có trong đầu, chẳng ăn nhập gì tới đề tài câu chuyện người kia vừa kể! Mà ngay cả khi đồng ý hay tranh cãi hay lý luận về câu chuyện người kia mới nói, thì những trao đổi đó cũng thường là vô bổ, không giúp gì cho sự cảm thông giữa đôi bên.

Người ta kể lể, than van hay nói chuyện với chúng ta, nhiều trường hợp chỉ vì họ có những khúc mắc, đau khổ. Quí vị đó muốn bày tỏ nỗi lòng theo cái nhìn chủ quan mà chính họ đang bị ràng buộc chắc như đinh đóng vào cột vào đó. Thực sự là họ chỉ cần có người lắng nghe cái tâm sự dài dòng cuả họ mà thôi. Họ không màng tới hay không thể nghe thêm ý kiến của ai khác. Nhiều khi, nếu tâm sự xong mà còn phải nhận thêm những ý kiến của người nghe, họ lại càng bị bối rối, đau khổ hơn nữa. Họ chỉ mong nói ra được cho bớt lo âu phiền não, chỉ cần được một đôi tai nào đó lắng nghe là đủ... rồi tự họ sẽ biết cách thu xếp sau khi lấy lại được bình tĩnh.
*
Dù khả năng nghe của chúng ta không “thính” bằng nhiều động vật khác, đặc biệt như những chú khuyển gần gụi với chúng ta, nhưng chính thái độ của sự nghe mới là quan trọng, vì có thể mang lại nhiều điều tích cực cho đồng loại lẫn bao loài khác, vì đó chính là sự chia sẻ, thông cảm, quan tâm... đúng như lời kinh “biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ.”

Con chó đã là “bầu bạn” với con người từ hàng chục ngàn năm qua, đã giúp cho con người nối dài cái “thính trường” vốn hạn chế của mình trong việc canh giữ và báo tin các biến cố từ xa cho người. Những tiếng động xa thẳm từ lòng đại dương hay sâu dưới lòng đất chuẩn bị cho một trận địa chấn hay phun nham thạch, những bước chân thú dữ đang vừa đi vừa đánh hơi tìm đến con người hay đám gia súc của họ, hoặc ngay những bước chân khẽ khàng cố ý của những kẻ thù của con người..., chó đều có khả năng phát giác ra rất sớm và báo động cho “người bạn người” của mình. Một thời gian rất dài, con chó đóng vai trò canh giữ rất hữu hiệu cho sự an toàn của con người, nhờ cái khả năng nghe tuyệt diệu của nó.

Nhưng từ bao giờ, các bậc hiền giả của loài người để ý đến một loại âm thanh đặc biệt mà đồng loại của họ phát ra, để biểu hiện một thuộc tính hầu như bất biến của sự sống: nỗi đau khổ? Tiếng gào kêu, tiếng than thở, tiếng nghẹn ngào, tiếng tức tưởi, tiếng khóc lóc... diễn tả đủ mọi trạng thái khổ đau của con người, từ thể chất cho đến tinh thần. Tại sao cuộc nhân sinh lại đầy dẫy những âm thanh ấy? Và các bậc hiền giả cũng phát giác ra rằng con người phải biết lắng nghe các âm thanh ấy. Nghe để biết rằng có sự đau khổ đang ở quanh ta và ngay ở trong ta. Nghe để chia sẻ, để thông cảm, nhằm làm vơi bớt nỗi đau. Nghe bình thường chưa đủ, phải biết lắng nghe. Lắng nghe là nghe với sự quan tâm. Cuộc sống sẽ dễ thương hơn nhiều khi người này biết quan tâm đến người kia. Mỗi người đều có lỗ tai để nghe và tấm lòng để quan tâm.

Giấc mơ của con người thời xa xưa là làm sao có thể nhìn thật xa, nghe thật xa, và người ta đã tưởng tượng ra những “thiên lý nhĩ, thiên lý nhãn,” nghe nhìn được từ ngàn dặm. Đó là mơ ước trong nháy mắt có thể biết được cái gì xảy ra ngoài thế giới rộng lớn mà với thân phận hạn chế của mình, con người không thể nào nắm bắt ngay được. Ngày nay thì khả năng nghe và nhìn để biết tức khắc việc gì xảy ra trong khắp cõi ta bà của mình, con người đã đạt được rồi. Nhưng một vấn đề cũ vẫn còn nguyên: có biết lắng nghe hay không. Có lẽ chúng ta phải để ý đến hình ảnh hai cái tai của chú linh khuyển Thiện Thính đã nói đến ở đoạn trên kia: một cái vểnh lên để nghe những điều tốt đẹp từ thượng giới, một cái cụp xuống để lắng nghe biết bao âm thanh đau khổ từ biết bao cảnh địa ngục đang hiện diện ngay trên cõi đời này. Âm thanh dù vào tai nào cũng cần được chúng ta đón nhận một cách cẩn trọng và đầy trìu mến.