main billboard

Điều Gandhi dạy là ở một nước nghèo, người ta phải tằn tiện, không nên phí phạm bất cứ gì và không nên cư xử như các nước giầu khác…”


Câu chuyện về cậu sinh viên nhà giàu người Ấn sẽ khiến nhiều thanh niên Việt Nam xấu hổ

    Những mẩu chì bỏ đi: Câu chuyện về cậu sinh viên nhà giàu người Ấn sẽ khiến nhiều thanh niên Việt Nam xấu hổ
  
  Bài viết của TS. John Vũ (người Mỹ gốc Việt), nguyên là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing, hiện công tác tại trường Đại học Carnegie Mellon (Mỹ).


    Mới đây, Tiến sĩ John Vũ đã có một bài đăng trên trang cá nhân về câu chuyện những mẩu bút chì ngắn của một sinh viên Ấn Độ. Câu chuyện là bài học đầy nhân văn & bác ái về giá trị của những thứ tưởng chừng như rất nhỏ bé, nhưng lại có ý nghĩa lớn đối với nhiều người nghèo trong xã hội.


    Chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bài viết này của TS John Vũ.


Vài năm trước khi dạy ở Ấn Độ, tôi thấy Prasad Mehta, một sinh viên năm thứ tư thường viết bằng bút chì. Ngày nay sinh viên đại học không dùng bút chì, phần lớn dùng laptop và nếu phải viết, họ dùng bút bi.

Tôi ngạc nhiên hơn khi không thể dùng được bút chì thêm nữa, anh để nó vào trong túi nhỏ nơi có nhiều bút chì, tất cả đều ngắn và dường như chúng đã được dùng rồi. Bút chì là rẻ và thường được dùng cho tới khi ngắn vài phân rồi vứt đi. Tôi tưởng Prasad là sinh viên nghèo không thể mua được bút bi nên hôm sau tôi cho anh ta một gói sáu bút bi và nói: “Em có thể dùng các bút này nên không phải dùng bút chì nữa.” Prasad cám ơn tôi về những bút bi rồi giải thích tại sao anh ta thích dùng bút chì.

    Khi Prasad bắt đầu kể, tôi thấy cả lớp đều im lặng lắng nghe. Anh nói: “Em thích dùng bút chì vì nó nhắc em về một sự việc quan trọng làm thay đổi đời em.” Qua một vài chi tiết lúc đó, tôi mới biết Prasad xuất thân từ một gia đình rất giầu. Cha anh ta sở hữu công ty thương mại rất lớn và anh có mọi thứ vật chất xa hoa như máy nghe nhạc, ti vi màn hình phẳng, laptop, iPhone, iPad, xe máy, xe hơi và thường mặc những bộ quần áo thời trang rất đắt tiền của những nhà thiết kế quần áo. Anh thường đi dự tiệc tùng cuối tuần với bạn bè toàn con nhà giàu có cho tới một hôm…

    Anh nói: “Bà ấy là người quét rác trong trường tiểu học. Hai vợ chồng bỏ quê lên tỉnh kiếm ăn nhưng người chồng chết sớm. Bà ấy không có họ hàng thân thích để nương tựa trong thành phố lớn như Mumbai nên gặp rất nhiều khó khăn với đời sống nơi đây. Trong 40 năm qua, bà ấy đã quét lớp học tại trường tiểu học, lương đạm bạc của bà ấy chỉ đủ cho bà ấy ăn ngày hai bữa mà thôi. Bà ấy được phép sống trong một chiếc lều nhỏ đằng sau trường. Tuy bà cũng muốn giúp đỡ người khác nhưng như một người rất nghèo, bà ấy chẳng có gì để cho.”

    Prasad tiếp tục: “Là sinh viên, chúng em thường tình nguyện làm công tác xã hội. Vài năm trước, chúng em được phái tới trường tiểu học để hướng dẫn học sinh giúp cho trường. Em được phân công đọc chuyện cho trẻ con. Em lấy một cuốn sách từ thư viện, câu chuyện là về Gandhi.

    Khi trẻ em tụ tập quanh em ở thính phòng của trường, em bắt đầu đọc: “Gandhi thường viết nhiều thư. Một hôm, Kalelkar, một tác giả Ấn Độ nổi tiếng, thấy ông đang viết bằng chiếc bút chì ngắn và lập tức tặng đưa cho Gandhi chiếc bút chì dài hơn từ túi ông ta. Gandhi lễ phép nói rằng ông ấy không cần nó. Ngày hôm sau, Kalelkar thấy Gandhi lục túi tìm bút chì cũ nên ông ta lại đưa ra chiếc bút chì dài hơn: ‘Dẫu sao bút chì của ông ngắn quá rồi, viết rất khó khăn’ Gandhi dịu dàng đáp, ‘Nhưng một đứa trẻ đã cho tôi bút chì đó.’ Và ông ấy cứ tìm chiếc bút chì đó. Điều Gandhi dạy là ở một nước nghèo, người ta phải tằn tiện, không nên phí phạm bất cứ gì và không nên cư xử như các nước giầu khác…”

    Prasad mỉm cười: “Câu chuyện này được viết ra cho học sinh tiểu học. Nó không quan trọng với em vào lúc đó nhưng điều em không chú ý là người đàn bà quét rác cũng nghe em đọc. Câu chuyện mà em đọc có tác động lên bà ấy.

    Bà ấy nghĩ “Mình quét trường mọi ngày và thấy trẻ con vứt đi nhiều cây bút chì ngắn. Sao mình không thu nhặt các bút chì đó và đem cho trẻ con nghèo, những đứa không có được bút chì để chúng có thể học viết hay vẽ.”

    Thầy cần biết rằng ngay cả ngày nay, vẫn có rất nhiều người nghèo khổ sống chui rúc trong những đống rác, trong những khu nhà ổ chuột, và con cái của những người đó không được đi học, chúng phải giúp cha mẹ kiếm sống bằng cách lượm lặt các phế thải có thể bán được trong các đống rác. Người đàn bà quét rác bắt đầu thu thập bút chì, tẩy, cái gọt bút chì và bất kì cái gì học sinh vứt đi trong lớp. Khi đầy túi, bà ấy đem tới các khu nhà ổ chuột cho trẻ em nghèo nơi đây. Đó là việc làm hàng tuần của bà ấy và bà ấy vẫn tiếp tục làm cho đến nay.”

    “Đầu năm nay, chúng em quay lại trường tiểu học đó. Khi thấy em, bà ấy cám ơn em vì đã giúp cho bà ấy một ý tưởng mà trong nhiều năm bà vẫn có ý định giúp gười khác nhưng không có phương tiện. Em ngạc nhiên khi nghe câu chuyện đó và để cảm ơn, bà ấy khẩn khoản mời em tới nhà ăn cơm. Em không thể đến vào hôm đó nhưng hứa tới hôm sau chỉ để làm hài lòng bà già. Bà ấy nấu cho em một bữa ăn thanh đạm đơn giản nhưng ngon tuyệt.”

    Prasad tiếp tục: Em là một một sinh viên đại học con nhà giầu thường tiêu hàng trăm đô la chỉ cho một bữa tiệc cuối tuần. Nhưng ngồi trong chiếc lều rách tả tơi cùng một bà già quét trường với số lượng chưa đến trăm đô la một năm. Em lắng nghe câu chuyện của bà ấy với nước mắt lưng tròng. Bây giờ em mới nhận minh triết của câu chuyện Gandhi trong sách giáo khoa tiểu học. Em nhận ra lòng từ bi với người khác của người quét trường nghèo khổ này.

 butchi   Khi em ra về, bà ấy đưa cho em một túi nhựa nhỏ gần rách. Em mở ra và thấy toàn những bút chì ngắn với những cái tẩy đã mòn và cái gọt bút chì. Bà ấy nói: “Tôi muốn đi tới khu nhà ổ chuột ở cuối thành phố và trao cho trẻ con nghèo. Gần đây, tôi bị viêm khớp nên không thể đi bộ tới miền tây nam thành phố (nơi có khu nhà ổ chuột) nên phiền anh giúp tôi làm điều đó vì anh có xe máy.”

    Prasad kết luận: “Khó mà kìm được cơn xúc động của em trong sự hiện diện của cái gì đó hào phóng vô giá như thế. Nếu thầy có thể biết rằng là con nhà giàu, từ nhỏ đến lớn, em có đủ mọi thứ em muốn. Em chưa bao giờ biết đến việc đói nghèo. Ngay như hiện nay, ở Ấn Độ có hai thế giới rất rõ rệt dựa trên sự phân chia giai cấp của người giầu và người nghèo. Em may mắn sinh ra trong giai cấp quyền quý giàu sang nhưng kinh nghiệm này đã dạy cho em bài học giá trị về cuộc sống.

    Không thành vấn đề giầu hay nghèo, lòng cảm thông và từ bi với người khác là quan trọng. Không phải cứ giầu mới cho được người khác. Chừng nào còn biết quan tâm tới người khác, chừng nào trái tim còn biết rung cảm với sự khổ đau của người khác nó là trái tim thuần khiết. Tất nhiên, em hoàn thành lời hứa với bà ấy bằng việc phân phối món quà của bà cho trẻ em nghèo ở khu nhà ổ chuột.

   Từ đó, em không bao giờ vứt đi bất kì gì, kể cả những chiếc bút chì đã dùng rồi. Em giữ chúng trong túi để cho em cũng có thể đem chúng cho trẻ em nghèo nữa. Hành động khiêm tốn đầy vị tha của bà ấy đã làm thay đổi cuộc đời em. Bà ấy đã làm thay đổi cách suy nghĩ của em về cuộc sống và hành vi của em cũng thay đổi hoàn toàn. Cha mẹ em đã vui mừng khi thấy em chăm chỉ học hơn trong trường và đã thôi đi dự tiệc tùng ăn nhậu cuối tuần.”

   Việc bố thí khiêm tốn của bà lão quét trường nghèo tả tơi có sức mạnh nào đó không thể mô tả được. Tôi cảm thấy có một bầu không khí lạ lùng nào đó trong lớp học và mọi người trong lớp có lẽ cũng cảm thấy như vậy.

   Tôi để ý rằng sau câu chuyện của Prasad, nhiều sinh viên dường như cẩn thận hơn về thói quen của họ trong lớp. Trong suốt hai tuần dạy học học tại đây, tôi không thấy các sinh viên vứt rác, quẳng đồ bừa bãi hay hút thuốc trong hàng hiên trường.

   Tôi mong những sinh viên cũng học được bài học quý giá này và sẽ đóng góp nhiều cho đất nước của họ để xoá đói, giảm nghèo.

   John Vũ

   * Về tác giả: TS. John Vũ (người Mỹ gốc Việt) hiện công tác tại trường Đại học Carnegie Mellon (Mỹ). Ông nguyên là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing (đã nghỉ hưu năm 2010). Trước đó, ông John Vũ từng làm việc tại Teradyne Semiconductor; Hewlett Packard, Litton Industries, Motorola và GTE.

    TS. John Vũ được ngành công nghiệp phần mềm thế giới thừa nhận với việc đóng góp thiết lập các trung tâm chất lượng phần mềm ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới.