main billboard

“...Miếng cơm trắng, mồ hôi tín thí, ... Mảnh y vàng, nước mắt đàn na!”



Trước đây ít lâu trên trang Phụ Nữ Người Việt, trong mục tâm tình, một phụ nữ đã than phiền về một ngôi nhà hàng xóm của bà, một ngày kia, bỗng dưng biến thành một ngôi Chùa. Việc này không có gì lạ, nếu không có câu chuyện tiếp theo, là xe cộ bắt đầu đậu dầy đặc, lấn chiếm vào khu vực của nhà bà và làm mất sự yên tĩnh của một khu phố lặng lẽ ngày trước.

chua phachoa
(Hình minh họa)

Nói đến Chùa là nói đến thanh tịnh, bình yên.

Ngày xưa còn nhỏ, khi có dịp đi thăm viếng những cảnh chùa chiền trong những vùng quê hay bên những ngọn đồi, ven sông yên tĩnh, tôi vẫn mơ ước, phải chi lớn lên, mình có được một ngôi nhà ở cạnh Chùa để được hưởng cái không khí thánh thiện, trầm mặc, tránh xa những xô bồ, bon chen của cuộc đời thường.

Nhưng ngày nay Chùa cần phải ở ngay phố thị, gần chợ chừng nào hay chừng đấy, trước hết cho đủ số tín đồ lui tới nuôi sống Chùa, còn như xây Chùa ở chốn cùng cốc lam sơn, lấy đâu ra tương chao, dầu đèn chi dụng mỗi ngày.

Hãy về vùng quận Cam, Nam Cali mà người đời thường nôm na gọi là khu Bolsa để xem sự phát triển của chùa chiền. Có những ngôi nhà nhỏ, nằm khiêm nhường trong một con đường nhỏ, một ngày kia, lái xe ngang qua, dù không nhằm ngày lễ lược, tôi bỗng nhận ra, trước cửa nhà treo hai ngọn đại kỳ, một của Việt, một của Mỹ. Một tháng sau, xe cần trục chở về đây một tượng Phật Quán Thế Âm hay Phật A Di Đà lớn, toạ lạc chính giữa sân, ngay cổng đi vào, và sau đó nhiều lá cờ ngũ sắc Phật Giáo được treo lên, đó là ngày ra đời một ngôi Chùa Phật Giáo trên đất Mỹ.

Có Chùa, tất là có người muốn kiếm phước. Vào Chùa việc đầu tiên của tín đồ là đi tìm “thùng phước sương,” ở Mỹ có ghi rõ “Donation” cho ngay cả Mỹ cũng biết. Mười năm trở lại đây, Chùa chiền phát triển rất nhanh, nhiều Chùa mới được dựng lên, nhiều Chùa nhỏ hay cũ được phá bỏ để xây lại Chùa mới hơn, đẹp hơn. Phật sự dành cho người chết, nghi lễ an táng, cầu siêu, cho người sống: cầu an, cầu phước. Mỗi Chùa, một Thầy. Không hề có tăng đoàn, không hề có nơi cho người dốc lòng tu học. Hầu hết sinh hoạt của nhà chùa là lễ lược, phát tang, cầu siêu, cầu an, bùa chú, xin xăm. Điều gì làm cho người khác mà thu tiền vào được, thế gian đặt tên là “dịch vụ!”

Chùa treo cờ VNCH, tức là cờ quốc gia, hễ ai chê Thầy, biểu tình chống lại chuyện bê bối, đạo đức của nhà Chùa, tức là “Việt Cộng,” hay tệ lắm cũng “tay sai Việt Cộng” đang tìm cách đánh phá, triệt hạ...quốc gia.

Hoà Thượng Thích Tuyên Hoá, một nhà sư gốc Trung Hoa đã đến San Francisco, Hoa Kỳ năm 1962, thành lập Tu Viện Kim Sơn và sau đó là Vạn Phật thánh Thành, ông chủ trương thành lập tăng đoàn tại Tây phương, với hơn hai trăm giới tử với nhiều quốc tịch đã xuất gia, thọ giới dưới sự chỉ dạy của Sư. Trong cuốn Thị Luận, (*) ông đã lên án, việc người xuất gia “sống một mình một chùa:”

“Người xuất gia sống một mình một chùa, xưng vương xưng bá, làm vua một cõi. Người tại gia do thiếu Trạch Pháp Nhãn nên đi theo hộ Pháp cho họ, hộ tới hộ lui, và hộ luôn xuống địa ngục!

Vào thời kỳ Chánh Pháp, tất cả đại chúng đều sống chung trong một đại tùng lâm của chùa, và cùng nhau dụng công tu Đạo. Song, vào thời kỳ Mạt Pháp, người ta lại không thích nề nếp sinh hoạt của đại tùng lâm nữa. Mỗi người đều ở một chùa riêng - ông theo cách của ông, tôi theo cách của tôi - khiến cho người tại gia trở nên hoang mang, bối rối. Họ thấy ông Sư nầy tướng mạo trông đẹp đẽ bèn hộ pháp cho ông ta, xây chùa riêng cho ông ta trụ trì. Rồi sau đó lại thấy một vị Sư khác cũng không tệ lắm, họ lại xây cho vị đó một ngôi chùa nữa. Hộ tới hộ lui, rốt cuộc là làm cho những người xuất gia sanh lòng tham danh hám lợi đến nỗi phải hoàn tục!”

Từ bộ nâu sồng, y trang của quý Vi tăng ni, ngày nay, như ở Việt Nam, càng ngày càng kiểu cách, lộng lẫy. Người xuất gia, phế bỏ việc đời, nhưng đi đâu cũng lọng choé, vòng hoa và có người làm hàng rào danh dự, ngất ngưỡng, dành phần cao để an vị.

Ngày nay Chùa mất hết vẻ thanh tịnh, mà trở thành nơi xôn xao. Nhiều người cho rằng những chuyện tổ chức ca nhạc, gây quỹ, xổ số, bán đấu giá... để gây quỹ không nên có ở trong sân nhà Chùa. Ồn ào, vọng động hơn nữa còn có đốt pháo, múa lân, đại nhạc hội với bích chương mang hình mỹ nữ... Chùa cần vận động đông đảo thiện nam, tín nữ đến Chùa để mong Chùa càng ngày càng phát triển, và có người nghĩ Chùa càng nhiều, Phật Phật Tử đông là dấu hiệu Phật Giáo phát triển.

Buổi đầu sư tổ Thiền Tông Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) đặt chân đến Trung Quốc, có buổi gặp gỡ với Vua Lương Vũ Đế. Là một người phụng sự đạo Phật, Lương Vũ Đế đã cho xây nhiều chùa chiền, bảo tháp. Vũ Đế hỏi Đức Bồ Đề Đạt Ma:

-“Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”

Đạt Ma đáp:

- “Không có công đức gì!”

Vua lại hỏi:

- “Vậy công đức chân thật là gì?”

Sư đáp:

- “Trí phải được Thanh Tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không hoàn toàn, như vậy mới là công đức.”

Tâm trí người tu hành nếu xôn xao, vọng động theo sắt thép, gạch gỗ, tính toán cộng trừ nhân chia, lo sắp xếp lễ lạt thì trí làm sao thanh tịnh. Thầy cũng để lòng kẻ thương, người ghét, người cúng dường lui tới, kẻ ba trăm tấn thóc, người vỏn vẹn có một bơ gạo; người nghìn lít dầu, kẻ một ngọn đèn nhỏ, làm sao để lòng trống không, không thiên vị công đức. Vì vậy, làm công đức cũng bon chen.

Xây Chùa, đúc tượng là công đức, thì giữa tỷ phú, đại gia và “bà già cúng đèn” khốn khổ, ai hơn ai?