Ngày đầu Xuân, chúng tôi gửi đến mọi người câu chuyện tình yêu vĩ đại giữa giữa hai con người không cùng dòng máu, không cùng màu da, để thấy trên cuộc đời này, vẫn còn đó những tấm lòng cao thượng.
* Cô bé mồ côi gốc Việt được ghép gan từ cha nuôi người Canada
KINGSTON, CANADA - Câu chuyện tưởng chừng như chỉ có trong cổ tích, nhưng đã hiện hữu trong cuộc đời của hai cô bé sinh đôi mồ côi gốc Việt. Chúng ta thường hay nghe câu nói “tái sinh lần nữa” nhưng với Bình và Phước, hai bé đã được “tái sinh lần thứ ba” sau khi Phước được cấy ghép lá gan từ chính người cha nuôi người Canada của mình.
Vợ chồng ông bà Michael Wagner chọn ngay hai đứa trẻ sinh đôi 18 tháng, nặng vỏn vẹn 9 pound cùng với một thể trạng không khỏe mạnh. (Hình: facebook ông Wagner)
Tình máu mủ khác màu da
Như một định mệnh, khi vợ chồng ông bà Thiếu tá Tiếp vận (Logistic officer Major) Michael Wagner từ thành phố Kingston thuộc đất nước Canada xa xôi đến một cô nhi viện ở Việt Nam để xin con nuôi, dù ông bà đã có bảy người con. Họ chọn ngay hai đứa trẻ sinh đôi 18 tháng, nặng vỏn vẹn 9 pound cùng với một thể trạng không khỏe mạnh.
Đại gia đình ông bà Michael Wagner. (Hình: Facebook ông bà Wagner)
Đó là một ngày của tháng Mười Một năm 2012. Bình và Phước, hai cô bé được đặt tên của tỉnh Bình Phước, nơi được cho rằng có lẽ chính là quê của người mẹ đã sinh ra mình, theo cha mẹ nuôi về Canada. Cuộc đời của hai bé bắt đầu bước sang một trang khác.
Trong đoạn phim ngắn được lưu giữ lại trên trang facebook, bà Johanne không cầm nổi nước mắt khi đối diện với hai đứa trẻ “èo uột,” đầu to hơn bình thường. Và cả hai đều phải đang chống chọi lại hội chứng Alagille, một căn bệnh di truyền ảnh hưởng đến gan, tim, thận và các hệ thống khác của cơ thể.
Bà Johanne, mẹ (nuôi) của hai em mô tả hai cô con gái bé nhỏ của mình “chẳng khác nào bộ xương khô” trong ngày vợ chồng bà đón hai cô bé về Canada.
Ông Wagner trong lần đầu tiên gặp bé Phước. (Hình: Facebook ông bà Wagner)
Khi về đến Canada, các bác sĩ một lần nữa khẳng định: “Bình và Phước mắc phải hội chứng Alagille, một dạng rối loạn di truyền rất hiếm gặp. Hội chứng này sẽ tấn công vào các cơ quan quan trọng của cơ thể, đặc biệt là bộ phận gan.”
Cuối tháng Mười Hai, tình trạng của hai em tồi tệ hơn. Niềm hy vọng duy nhất cho Bình và Phước là: thay gan.
Và số phận hai cô bé sinh đôi gốc Việt được đưa vào danh sách chờ ghép gan từ tháng Chín năm 2014. Lúc đó, cha mẹ của hai em quyết định tạo facebook “Live Transplants for our Vietnamese Twin Girls” để mong tìm được người có lá gan thích hợp.
“Bình và Phước bị ngứa rất nhiều. Bọn trẻ phải gãi ngay cả trong lúc ngủ, gãi nhiều đến mức chỗ ngứa trở thành vết thương,” bà Johanne viết trên facebook. Ông bà cập nhật trên đó hình ảnh cho thấy chân tay hai bé bị lở loét do gãi ngứa.
Trên cơ thể “như bộ xương” của Bình và Phước xuất hiện các dấu hiệu phát sinh do tổn thương gan từ hội chứng Alagille như da và lòng trắng của mắt bị vàng, ngứa; hội chứng nổi những u vàng “xanthoma”, một dạng tổn thương da được hình thành bằng sự tích tụ lipid trong đại thực bào tại lớp trung bì và có thể ở lớp hạ bì. Trong y khoa, triệu chứng này còn được giải thích là sự loạn chức năng tế bào khu trú ở một cơ quan nào đó. Trường hợp của Bình và Phước là do loạn chức năng gan.
Các khối u vàng này nổi khắp cơ thể của Bình và Phước. Điều này làm cho cuộc sống của hai em ngày càng khó khăn. Ông bà Wargen phát hiện rất nhanh điều này nhưng không có cách nào thoa dịu cơn ngứa của hai em.
Các khối u vàng này nổi khắp cơ thể của Bình và Phước. (Hình: facebook ông Wagner)
Năm nay Bình và Phước đã ba tuổi nhưng nhìn hai em không khác gì những đứa trẻ hai tuổi. Những triệu chứng của Alagille tiếp tục tấn công và hủy hoại gan của hai em, gây ra những hoạt động bất thường trong ống dẫn từ gan đến túi mật và ruột non. Bộ phận gan của hai em không còn làm đúng chức năng của nó, không thể lọc bỏ các chất thải từ máu.
Sự chờ đợi của ông bà Wagner, cũng như mạng sống của Bình và Phước đứng trước một thực tế rất mong manh. Bà Johanne lo lắng khi biết rằng nếu không ghép gan, sức khỏe của hai đứa trẻ sẽ không thể có cơ hội hồi phục.
“Chứng bệnh gan gây ra những cơn ngứa khủng khiếp. Có những buổi sáng bọn trẻ thức dậy, máu từ những vết thương do gãi ngứa ướt cả tấm nệm. Những vết thương 'hở miệng'. Mỗi buổi sáng, Michael dùng dụng cụ y tế trong quân đội của anh ấy để chùi rửa cho bọn trẻ. Nếu không, nhiễm trùng sẽ xảy ra,” bà Johanne nói.
Thức ăn được đưa vào hệ tiêu hóa của Bình và Phước qua một ống dẫn. Giấc ngủ của hai em gắn liền với một máy tính dùng để cung cấp các dưỡng chất cần thiết để cơ thể tồn tại.
'Sự lựa chọn không thể'
Người có thể hiến gan cho Bình và Phước phải là một người khỏe mạnh có độ tuổi từ 18 đến 60, có thể trạng cơ thể tốt và nhóm máu tương thích A hoặc O. Sau khi thực hiện phẫu thuật ghép gan, người hiến gan dự đoán cần có một năm để trở lại cuộc sống bình thường. Trong lịch sử phẫu thuật ghép gan của University Health Network, đã có hơn 600 trường hợp và không có người hiến tặng nào tử vong.
Thế nhưng, câu chuyện của tìm người ghép gan của ông bà Wagner gần như tuyệt vọng sau một thời gian tìm kiếm người thích hợp. Cho đến một ngày đầu tháng Giêng năm 2015, các bác sĩ đề nghị ông Wagner làm một số kiểm tra để tìm cơ hội cho Bình và Phước.
Một tuần sau đó, cũng trên trang facebook, bà Johanne vui mừng cho biết sau khi thực hiện một loạt các thử nghiệm, các bác sĩ cho biết: ông Wagner, cha nuôi của hai cô bé là người hoàn toàn thích hợp.
Mặc dù đây là một niềm vui to lớn cho gia đình ông bà, nhưng lúc này, câu hỏi đặt ra: giữa Bình và Phước, ai sẽ là người nhận lá gan từ người cha của họ?
Không cần nói, cũng có thể hiểu ông Wagner phải đứng trước một sự lựa chọn mà ông không bao giờ trông đợi.
Các chuyên gia của SickKids tiến hành thẩm định y khoa trên cơ thể hai chị em sinh đôi, kết luận ngay: Đó là Phước, người cần phải thay gan trong thời gian nhanh nhất.
Để tránh cho gia đình không mang cảm giác khó xử, bác sĩ Bitina Kamath, chuyên gia về gan của SickKids cho biết quyết định cuối cùng sẽ thuộc về đội ngũ bác sĩ.
Ngày 10 tháng Hai vừa qua, hai cha con ông Wagner và Phước cùng bước vào ca phẫu thuật. Một phần thân thể của ông Wagner đã được chuyển sang cho cô con gái nuôi bé bỏng của ông.
Một phần thân thể của ông Wagner đã được chuyển sang cho cô con gái nuôi bé bỏng của ông. Hình: (Facebook ông Wagner)
Các bác sĩ phẫu thuật của bệnh viện Toronto General đã lấy đi khoảng 10 đến 15% lá gan của ông Michael Wagner, ướp lạnh cẩn thận và mang đến bệnh viện SickKids để đặt vào cơ thể của Phước.
“Nhóm y bác sĩ cấy ghép của bệnh viện thật tuyệt vời. Và lực lượng vũ trang Canada đã rất tốt với chúng tôi. Mọi người trong quân đội đã như một gia đình, chăm sóc, ủng hộ và luôn bên cạnh chúng tôi,” bà Wagner nói.
Bà Wagner và Bình đến thăm Phước (nằm trên giường.) (Hình: Facebook ông bà Wagner)
Ông Wagner, một thiếu tá quân đội Canada, người từng phục vụ ở chiến trường Afghanistan, dự đoán sẽ ở nằm lại thêm một tuần lễ nữa để các bác sĩ theo dõi. Cũng như những người hiến gan khác, lá gan của ông đang trông giai đoạn tái tạo trở lại, nhưng ông vẫn cần ít nhất ba tháng để trở lại sinh hoạt thường ngày.
Trên trang facebook “Liver Transplants for our Vietnamese Twins Girls”, bà Véronique Bergeron, một người bạn của ông bà Wagner, người đang giúp gia đình đưa thông tin câu chuyện tình yêu vĩ đại đến cho mọi người cho biết: “Ông Michael hiện đang vẫn trong bệnh viện để theo dõi sức khỏe. Ông vẫn chưa khỏe lắm. Thế nhưng, hai ngày liên tiếp ông đã đến phòng của Phước để thăm cô gái nhỏ của mình. Phước chưa nói được nhiều, và vẫn đang phải truyền thức ăn bằng ống. Chúng tôi chưa có tin tức mới về việc hiến gan cho Bình.”
Mỗi ngày, trang facebook “Liver Transplants for our Vietnamese Twins Girls” lại có thêm nhiều người theo dõi và hỏi cách hiến gan cho Bình.
Tất cả đội ngũ bác sĩ của bệnh viện Toronto General đều lạc quan cho trường hợp của Bình. Bác sĩ Gary Levy, người giám sát chương trình hiến gan tại bệnh viện cho biết đã có một số tình nguyện viên trong danh sách hiến tặng gan. Người thích hợp nhất sẽ được xác định trong hai tuần tới cùng với ca phẫu thuật.
Ngày đầu Xuân, chúng tôi gửi đến mọi người câu chuyện tình yêu vĩ đại giữa giữa hai con người không cùng dòng máu, không cùng màu da, để thấy trên cuộc đời này, vẫn còn đó những tấm lòng cao thượng.
Ai nói rằng cổ tích không có thật trong cuộc đời bình thường?