Tại Canada, dân sống ven sông và vùng duyên hải thường có thú đào vớt nghêu sò. Tuy nhiên,ít có người ý thức rằng các loại thủy sản này đôi khi có thể là mối đe dọa cho sức khỏe.
Hằng năm, chuyện ngộ độc nghêu sò vẫn thấy thỉnh thoảng xảy ra, nhất là vào dịp hè, mùa mà mọi người đổ xô ra những bãi cát và bãi biển để vui chơi và nghỉ mát.
Có người nói rằng sò hến rất bổ cho sex, hổng biết có phải vậy không?
Cũng như bất cứ loài thủy sản nào khác, sò ốc cũng có thể bị nhiễm bởi các loại vi khuẩn như E. coli spp, Salmonella spp,Vibrio vulniculus,Vibrio parahaemolyticus và các loại virus như virus Norwalk (Norovirus) và virus bệnh viêm gan A.
Ăn phải các loại đồ biển nấu không thật chín chúng ta có thể bị rối loạn tiêu hóa.
Nước cống rãnh của các thành phố, nước phế thải xuất phát từ các khu kỹ nghệ, cũng như từ các vùng canh tác nông nghiệp đều rất bẩn và chứa vô số mầm bệnh, hóa chất độc và các kim loại nặng, v.v… Các chất nầy sẽ nhiễm và tích tụ vào nghêu sò.
Nói chung, tại Canada nghêu, sò, ốc và hến thường chứa một nồng độ hóa chất ô nhiễm dưới mức quy định của chánh phủ. Tuy vậy, tại tỉnh bang British Columbia, nghêu sò có thể chứa một nồng độ cadmium khá cao. Chất nầy thường thấy hiện diện trong môi sinh.
Nhiễm cadmium ở mức độ cao và trong thời gian lâu dài sẽ làm tổn hại đến thận.
Sau hết, sò hến cũng còn có thể bị nhiễm độc tố thiên nhiên (biotoxins) hiện diện tự nhiên trong một số rong biển vi sinh mà người ta gọi là những phiêu sinh vật (plankton).
Báo chí bên nhà có cho biết là một vài loại ốc có thể chứa độc tố một cách tự nhiên hoặc chúng cũng có thể là ký chủ trung gian của nhiều loại giun sán có thể lây nhiễm sang cho người.
Ngược với vi khuẩn,virus và ký sinh trùng, nhiệt độ cao hoặc sự nấu nướng không thể hủy diệt được độc tố thiên nhiên.
Phycotoxin, độc tố gây bại liệt (paralytic shellfish poisoning, PSP)
Độc tố Phycotoxin do phiêu sinh vật nhóm Dinoflagellate sinh ra. Sò bị nhiễm lúc chúng lọc nước biển để kiếm ăn, tuy vậy chúng lại không bị hề hấn gì cả. Triệu chứng ngộ độc xuất hiện 30 phút sau khi ăn. Đó là cảm giác tê môi, tê mặt, tê các ngón tay ngón chân như có kiến bò bên trong, chóng mặt, nhức đầu, nói năng không mạch lạc, mạch đập nhanh và thở khó. Trường hợp nặng có thể chết vì liệt hô hấp.
Domoic acid, độc tố làm mất trí nhớ (Amnesic shellfish poisoning, ASP)
Loại độc tố này do phiêu sinh vật nhóm Diatom gây nên. Sò bị nhiễm độc qua việc lọc nước biển để kiếm ăn. Triệu chứng bắt đầu xuất hiện ra trong vòng từ 30 phút đến 6 giờ đồng hồ sau khi ăn. Bệnh nhân bị nôn mửa và tiêu chảy. Nếu sức khỏe đã bị suy yếu sẵn hoặc bị yếu thận từ trước, thì triệu chứng sẽ trầm trọng hơn.
Năm 1987, ngộ độc ASP đã xảy ra tại tỉnh bang PEI (Canada) và đã làm 4 người thiệt mạng, tất cả nạn nhân đều là những người cao tuổi.
Sò hến bán ngoài chợ có bảo đảm hay không?
Sò hến bán tại các chợ Bắc Mỹ và Âu Châu nếu đã được tồn trữ kỹ lưỡng thì không có gì nguy hiểm gì hết, vì chúng đuợc đánh bắt tại những vùng nước an toàn.
Tuy vậy, những ai kém sức khỏe thì không nên đụng tới các món nầy...
Ngày 6 mai 1999, Quebec đã ban bố quy định mới về vấn đề nhãn hiệu. Nếu chẳng may, sò hến mua ngoài chợ gây ngộ độc thì nhờ những ký hiệu mã vạch bar code trên bao bì, sẽ giúp cơ quan trách nhiệm truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm để có thể ban bố những biện pháp thích nghi nhằm bảo vệ sức khỏe công cộng.
Chem chép nuôi, tươi giá ngày 8/8/2013 tại siêu thị IGA, Montréal 908gr/ giá 3.99$
Sò hến đã tới mùa.
Cẩn thận khi mua sò hến.
Nên mua tại các siêu thị hay tại những cửa hàng đáng tin cậy chuyên bán thủy sản mà thôi, tránh mua từ những người bán dạo.
Sò hến phải được tồn trữ ở nhiệt độ 4 độ C hoặc thấp hơn.
Nên mua những hàng còn tươi.
Muốn biết sò còn sống hay đã chết thì cứ gõ nhè nhẹ lên con sò, nếu hai nắp vỏ từ từ khép lại thì đó là sò còn sống, ngược lại nếu hai nắp vỏ vẫn còn hé mở tức là sò đã chết rồi. Sò tươi không được có mùi hôi thúi và khi nấu chín, sò phải mở hai nắp vỏ ra, nếu hai nắp vẫn còn đóng chặt thì có nghĩa là sò đã chết trước khi nấu.
Tại Canada và Hoa Kỳ không nên quá tin vào lời truyền tụng trong dân gian
Tại Canada và Hoa Kỳ dân chúng thường hay nói rằng chúng ta chỉ nên ăn sò hến vào những tháng có chữ R mà thôi, thí dụ như January, February, March, April, September, October, November và December. Ngoài các tháng nầy ra thì không nên ăn sò hến.
Thực tế cho thấy, các tháng không nên ăn như May, June, July, August đều là những tháng nóng và trùng vào mùa sinh sản của sò hến. Vào mùa nầy, sò rất nhỏ con, thịt trở nên mềm nhũng trắng đục như sữa không mấy hấp dẫn cho lắm. Có phải bởi những lý lẽ nầy, mà người ta khuyên chúng ta đừng nên ăn sò hến vào mùa hè chăng?
Trong thực tế, chuyện ngộ độc sò hến vẫn có thể xảy ra vào bất luận tháng nào trong năm.
Làm sao biết được sò hến đã bị nhiễm độc?
Bằng mắt thường không thể nào biết được sò có bị nhiễm độc hay không. Độc tố không phải chỉ hiện diện ở trong một hai con.
Có thể nói rằng tất cả sò trong bịt đều có chứa độc tố vì lẽ dễ hiểu là chúng đều được vớt từ một vùng ô nhiễm.
Chỉ có phương pháp xét nghiệm của phòng thí nghiệm mới có thể cho chúng ta biết được sự hiện diện của độc tố mà thôi.
Cơ quan Kiểm tra Thực Phẩm Canada (CFIA) thường xuyên theo dõi và cho thử nghiệm tình trạng ô nhiễm độc tố của cả trăm vùng duyên hải phiá Đông cũng như phía Tây Canada. Nếu độc tố được phát hiện ở mức độ cao trên mức quy định, thì lập tức Cơ quan Pêches et Océans Canada sẽ được thông báo và cho ban hành ra những biện pháp thích nghi nhằm ngăn cấm việc đánh bắt tất cả các loại nghêu sò trong vùng ô nhiễm nói trên trong một thời gian nhất định cho đến khi tình trạng nhiễm độc được cải thiện.
Không đào vớt sò hến trong phạm vi 200 mét từ cầu tàu hay bến cảng. Không được đào bới tìm sò hến tại những nơi có bảng cấm. Nếu có sự nghi ngờ thì hãy gọi:
Sò hến đã tới mùa.
*Vùng British Columbia:
- Pêches et Océans Canada Tel: 1- 604 666-2828 hoặc
http://www.dfo-mpo.gc.ca/contact-eng.htm
*Vùng Quebec:
- Cơ quan Kiểm tra thực phẩm Canada (CFIA) Tel: 1-418 648 5888.
- Bộ Canh nông ngư nghiệp và thực phẩm Quebec (MAPAQ) Tel: 1-800 463 5888.
Du lịch Việt Nam coi chừng bị viêm màng não vì ăn ốc
Tác nhân gây bệnh là giun tròn Angiostrongylus cantonensis thường xảy ra tại vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Bệnh thỉnh thoảng được báo cáo tại các quốc gia vùng biển Caraibe mặc dù giun A. cantonensis được tìm thấy trong chuột vùng Cuba, Puerto Rico và Dominican Republic. (theo CDC).
Giun trưởng thành (adult) sống trong phổi chuột và ấu trùng(larvae) được thấy sống ký sinh trong một số ốc dưới nước hay trên cạn.
Ăn thịt ốc nấu không đủ chín, sẽ bị nhiễm giun Angiostrongylus cantonensis.
Vào đường tiêu hóa, ấu trùng xuyên qua thành ruột, theo đường máu để lên định vị tại vùng não và gây ra bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan (eosinophilic meningitis) rất nguy hiểm.
Ngoài vấn đề nhiễm giun, một vài loại ốc bên Việt Nam cũng có thể chứa độc tố nguy hiểm.
Sò hến có bổ cho sex không?
Cũng như hầu hết các loài thủy sản, sò hến chứa nhiều vitamines (B12), khoáng chất và acid béo omega-3.
Sò hến có nhiều protein, nhưng chứa ít chất béo bão hòa vì vậy nên ít calories. Sò hến được xem như một loại thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp cho cơ thể các khoáng chất thiết yếu như chất sắt (Fe), chất kẽm (Zn), selenium, chất đồng (Cu)...Chất kẽm rất cần thiết cho việc sản xuất tinh trùng cũng như rất tốt cho hoạt động sinh dục.
Vài năm trước đây, tháng 6/2007 báo chí có đưa tin một nhà chuyên nuôi sò bên Úc châu quảng cáo là ông ta có sản xuất ra được sò Viagra.
Không biết ông ta nuôi dưỡng sò bằng cách nào thì không thấy nói đến?
Nhà bào chế Viagra là công ty Pfizer đã không mấy bằng lòng nên đã kiện nhà kỹ nghệ nuôi sò và cấm họ sử dụng tên thuốc Viagra trong kinh doanh sò hến. Nói tóm lại đây chỉ là một lối quảng cáo thương mại táo bạo mà thôi. (chú thích thêm: Viagra thứ thiệt đắt giá lắm, mua tại các pharmacy Canada 15$/viên)
Thủy sản là những món ăn rất khoái khẩu, rất bổ dưỡng, mà có người còn nói nó còn có tính trợ dương thuộc loại ông xơi bà khen đáo để!.
Có đúng như vậy hay không thì người gõ chịu thua. Cuối tuần nầy, các bạn thử tự mình làm bậy vài ký sò huyết thí nghiệm xem thế nào.
Theo đa số dân nhậu thì họ đều nghĩ là ăn sò thì có tác dụng làm nóng máy cho cái vụ kia lắm.
Có lẽ là hình dáng con sò trên dĩa gợi lại trong trí bạn nhậu hình ảnh của con chem chép hay cái đồ mà bạn hằng quen thuộc chăng?
Khoa học gọi đó là tự kỹ ám thị giúp bạn “hot” với điều kiện là súng đạn còn tạm xài được kìa.
Hèn chi không những các ông mà cả các bà đều rất ưa chuộng cái món thủy sản nầy, âu cũng là chuyện dễ hiểu mà thôi.
Thành phần các chất dinh dưỡng trong 100gr sò (tương đương với 8 con sò): 68kcalories.
Protein 9gr - Lipide 0.8-2gr - Glucide 5gr - Nước 83gr - Potassium 200mg - Calcium 86mg - Magnesium 37mg - Kẽm(Zn) 6,5mg - Sắt (Fe) 5.8mg - Đồng (Cu) 1.2mg - Manganese 1mg - vitamin A 0.075mg - vitamin B1: 0.18mg - vitamin B2: 0.20mg - vitamin C: 8mg - Selenium: 0.06mg - Iode 0.06mg - vitamine E: 0.85mg.
Sò hến đã tới mùa.
Kết luận
Tại Canada, có rất nhiều nơi chúng ta có thể đi đào vớt sò ốc một cách an tâm.
Ngộ độc sò hến rất hiếm thấy xảy ra tại xứ này.
Sò là món rất được nhiều người ưa thích, dù vậy trong thực tế chúng ta cũng chỉ thỉnh thoảng mới ăn mà thôi.
Bên nhà thì có hơi khác…Bất kỳ con gì, sống ở đâu, sông, biển, ao, hồ, mương, rạch ô nhiễm cũng đều có thể được dùng làm món ăn hết. Mà ngon thiệt. Ở bất cứ nơi đâu cũng đều có quán nhậu để bà con có thể lai rai ba sợi với bạn bè. Chỉ cần đọc thực đơn là đủ chảy nước miếng rồi.
Nhưng, nếu nấu nướng không cẩn thận, thậm chí đôi khi người ta còn ăn sống một vài loại thủy sản nào đó nữa, nên lỡ có mắc bệnh cũng dễ hiểu mà thôi.
Nghêu, sò, ốc, hến là những loại thủy sản rất phổ biến trong ẩm thực Việt Nam.
Cơm hến là một món tiêu biểu của miền Trung. Quảng Nam là vùng rất nổi tiếng về nghề cào hến dưới sông.
Nghề nầy tuy rất cực nhọc và lạnh lẽo vì phải trầm mình dưới nước, nhưng cũng nuôi sống được nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Mấy năm gần đây, chem chép xanh (green mussels) đông lạnh nhập từ Tân Tây Lan và Trung Quốc được thấy bán tại các chợ Á Đông, Canada.
Giá cả không mấy đắt nhưng phẩm chất không thể sánh bằng các sản phẩm tươi được.
Còn cái vụ sò hến bổ cho sex, thì còn phải tùy thuộc vào tuổi tác của các cụ cũng như ăn loại sò nào mới được./.
Đọc thêm
- Oyster myths and truths
http://www.salishseafoods.com/index.html?pages/nutrition.html~mainFrame
- Viện sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn.
Angiostrongylus cantonensis ký sinh và gây bệnh trong hệ thần kinh trung ương
http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&;cat=1134&ID=1832
- Đào Việt Hà-Tại VN có bao nhiêu loài ốc độc?
http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Co-bao-nhieu-loai-oc-doc/40173736/188/
- CDC-Enzootic Angiostrongylus cantonensis in Rats and Snails after an Outbreak of Human Eosinophilic Meningitis, Jamaica
http://wwwnc.cdc.gov/eid/article/8/3/01-0316_article.htm
- Farmer Feeds Viagra to Oysters to Create the Ultimate Aphrodisiac
http://www.infoniac.com/offbeat-news/super-aphrodisiac.html
Video: đào sò tại Prince Edward Island, Canada
http://www.youtube.com/watch?v=4mJitYqPJeA (Preview)
Montreal, 2013