“Cũng giống như ăn chay, nhưng ăn ‘thực dưỡng’ mới chính xác vì phương pháp này tốt hơn cách ăn chay thông thường. Những nguyên liệu được dùng phải là nguyên liệu tự nhiên, pha trộn theo cách bổ nhất cho sức khỏe.”
WESTMINSTER (NV) -Ðã là người Việt thì phải có ít nhất một tấm bánh chưng trong nhà cho ngày Tết. Những thành viên Hội Dưỡng Sinh Việt Nam-USA có thói quen ăn chay, ăn “thực dưỡng,” cũng vì thế, đến Thiền Viện Hoa Lâm, học sư cô Trí Minh cách làm bánh chưng theo phương pháp dưỡng sinh.
Bánh chưng chay, “thực dưỡng,” làm bằng nếp lức và đậu nành, có kích cỡ nhỏ hơn thông thường. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Giải thích cụm từ “thực dưỡng,” ông Tuệ Quảng, sáng lập viên của Hoa Lâm-Hội Dưỡng Sinh Việt Nam- USA, nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Cũng giống như ăn chay, nhưng ăn ‘thực dưỡng’ mới chính xác vì phương pháp này tốt hơn cách ăn chay thông thường. Những nguyên liệu được dùng phải là nguyên liệu tự nhiên, pha trộn theo cách bổ nhất cho sức khỏe.”
“Bánh chưng gói là để cho người trong hội thôi, một ít để dành biếu, nhưng không bán,” các thành viên của hội cho biết. Không như một số chùa và nhà thờ lớn trong vùng Little Saigon tổ chức những buổi gói hàng ngàn bánh chưng với mục đích bán gây quỹ, Thiền Viện Hoa Lâm và hội dưỡng sinh tại đây chỉ thuần túy cùng nhau gặp mặt và gói bánh trong không khí gia đình, vừa vui Tết Quý Tỵ, vừa có bánh chưng “thực dưỡng” theo đúng phương thức nấu ăn của hội.
Với lượng nguyên liệu chuẩn bị từ Chủ Nhật, các thành viên Hoa Lâm-Hội Dưỡng Sinh, cùng nhau chia thành 200 phần đều nhau để gói. Nếp bánh chưng là gạo nếp được trộn với gạo nếp lức, ngâm đến lúc vừa nảy mầm thì mới được mang ra rửa bảy nước, chuẩn bị gói. Theo sư cô Trí Minh, “đây là lúc gạo đạt mức dinh dưỡng cao nhất.” Việc ngâm nếp mất tổng cộng 22 tiếng đồng hồ.
Không chỉ có đặc biệt ở lớp nếp bên ngoài, phần nhân đậu xanh được trộn với đậu nành, tỉ lệ 50:50, nấu nhừ với muối biển. Bánh chay không thịt, cũng như các món ăn khác do sư cô hướng dẫn. Bánh chưng có kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với bánh bán ngoài chợ, vừa đủ cho khoảng hai, ba người ăn. Bánh tét thì lớn hơn một chút, nhưng cũng rất nhỏ so với cỡ bánh thông thường.
Bà Kiều Võ, 83 tuổi, cư dân Westminster, tuy theo đạo Công Giáo nhưng thường xuyên tham dự các buổi dạy nấu ăn và tập dưỡng sinh với các Phật tử Thiền Viện Hoa Lâm. Bà nói về lý do có mặt tại buổi học gói bánh chưng: “Hồi đó tôi bị đụng xe, đau hoài chữa không hết, đến đây tập thể dục và ăn thực dưỡng, thì thấy sức khỏe tăng trưởng hẳn. Từ đó theo hội cho tới giờ, hơn hai năm nay.” Bà Kiều cho biết vẫn đi nhà thờ mỗi ngày, bên cạnh việc tham gia hội dưỡng sinh.
Tất cả những người có mặt tại buổi học gói bánh chưng đều nhấn mạnh sự quan trọng của việc ăn uống thực dưỡng, bên cạnh việc tập thể dục dưỡng sinh và sinh hoạt tinh thần dưỡng sinh.
Sư cô Trí Minh (thứ ba từ trái) hướng dẫn Hoa Lâm-Hội Dưỡng Sinh gói bánh chưng chay, “thực dưỡng.” (Hình: Thiên An/Người Việt)
Ông Tuệ Quảng cho biết: “Ba yếu tố này như cái kiềng ba chân, giữ cho con người ta ở trạng thái cân bằng. Sinh hoạt tinh thần tùy theo tôn giáo mỗi cá nhân, nhưng niềm tin là rất quan trọng. Tiếp đó là mặt thể chất, hội dưỡng sinh có tập dưỡng sinh, thiền động và thiền tĩnh. Cuối cùng là ăn uống theo phương pháp thực dưỡng.”
Trở lại với ẩm thực ngày Tết, sư cô Trí Minh khuyên những thành viên hội dưỡng sinh dùng bánh chưng chay, thực dưỡng. Bên cạnh bánh chưng và bánh tét loại này, sư cô cho biết: “Dưa món, củ kiệu, các loại hạt như hạt hướng dương hay hạt hạnh nhân cũng rất tốt để thay thế cho các món ăn Tết thông thường.”
“Việc ăn uống dưỡng sinh cần kiên trì theo đuổi,” sư cô nhấn mạnh. Có lẽ vì thế, Hoa Lâm-Hội Dưỡng Sinh dạy nấu ăn dưỡng sinh định kỳ vào Thứ Bảy đầu tháng và giữa tháng, với nhiều món khác nhau để hội viên thay đổi bữa ăn hàng ngày.
Cô Thu Cúc, một cao niên đều đặn đạp xe đến sinh hoạt với hội, “quảng cáo”: “Công thức làm món dồi trường chay ngon lắm, ngoài chợ không so sánh được đâu.” Cô cười, gương mặt trông rất trẻ so với tuổi của cô.
Bánh chưng chay, thực dưỡng của Hoa Lâm-Hội Dưỡng Sinh sau khi gói xong sẽ được luộc vào tối Thứ Hai và Thứ Ba. Không biết bánh chay có ngon bằng bánh chưng thông thường hay không, chỉ biết sự trẻ trung của các hội viên tại buổi gói bánh khiến nhiều người cũng tin tưởng phương pháp ăn uống dưỡng sinh của sư cô Trí Minh.