main billboard

Ai đúng? Ai sai? Tùy theo quyết định của tòa án trong thời gian tới.


tranhchap nhacua 1
Bà Mỹ Nguyễn tại tòa soạn báo Người Việt. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Người đàn bà 85 tuổi, gương mặt buồn u uẩn, đến tòa soạn Người Việt từ rất sớm và quyết định ngồi chờ cho đến khi nào có thể gặp được phóng viên để trút hết nỗi lòng của một người mẹ đang bị vợ chồng người con trai út tìm mọi cách đuổi ra khỏi căn nhà của mình (do một người con khác mua cho).

Ở một nơi khác, trong ngôi nhà khá bề bộn, vợ chồng người con út đã ngoài 55, nét mặt cũng in hằn sự mỏi mệt, cho rằng “tụi tôi chống đỡ vì sự sống còn của chính mình, bởi ai có thể nghĩ được rằng chính mẹ ruột lại đi toa rập với những người con khác hòng chiếm đoạt căn nhà được mua bằng tiền dành dụm mấy chục năm của vợ chồng tôi.”

Ai đúng? Ai sai? Căn nhà thực sự thuộc về ai?

Một căn nhà, người cho tiền, người đứng tên

Người mẹ, tên Mỹ Nguyễn, cho biết bà vượt biên sang Mỹ từ năm 1982, sau đó hai vợ chồng bà ở housing (nhà trợ cấp của chính phủ). Cuối năm 2006 chồng bà mất.

“Trước khi mất hai tháng ông nhà tôi có mua cho người con út, tên Thịnh Nguyễn, một căn mobile home ở Garden Grove,” bà kể.

Năm 2008, bà Mỹ dọn về ở mobile home chung với vợ chồng con út.

Theo lời bà, “khoảng năm 2011, người con trai thứ ba, tên Cường Nguyễn, cho tôi $160,000 để mua nhà ở hưởng tuổi già.”

“Tôi đưa từ từ số tiền này cho con út, mỗi lần $10,000 để nó bỏ vào ngân hàng của người con trai thứ hai, tên Andy Nguyễn vì Andy sẽ là người đứng tên nhà,” bà Mỹ cho biết.

Bà mẹ cho rằng “vì là mẹ con nên mỗi khi đưa tiền không có giấy tờ gì cả.”

Cuối năm 2013 căn nhà ở Anaheim được mua xong, người đứng tên chủ quyền nhà là Andy Nguyễn, hiện ở vùng Santa Cruz, miền Bắc California.

Ông ‘Cho Tiền’ (Cường), hiện sống ở Garden Grove, xác nhận với phóng viên Người Việt điều mẹ ông nói là đúng.

Giữa ông ‘Cho Tiền’ và người mẹ không hề có giấy tờ cho tặng hay vay mượn gì liên quan đến số tiền $160,000. Tương tự như vậy, ông ‘Cho Tiền’ nói rằng “vì là mẹ con, nên giữa mẹ và cậu em tôi cũng không có giấy tờ gì xác nhận chuyện đưa tiền hết.”

Ông ‘Đứng Tên’ (Andy) thì từ chối nói chuyện với nhà báo.

Trong khi đó, người con út lại quả quyết căn nhà được mua bằng tiền dành dụm sau mấy chúc năm đi làm của ông, có giấy tờ chứng minh rõ ràng.

Tiếp chúng tôi tại căn nhà mà mọi thứ sắp đặt đều có vẻ tạm bợ, bừa bãi, có phần u ám, người con út bắt đầu câu chuyện một cách vắn tắt: “Năm 2007 khi bố mất, tôi là con út trong gia đình, đang sống ở Los, phải chạy về đây lo mai táng cho ông.”

Sau đó, thấy mẹ “ở trong căn apartment tối tăm, cô đơn,” ông út “bỏ Los về Garden Grove mua một căn mobile home rồi đón mẹ về ở cùng.

“Căn mobile home này tôi mua bằng tiền của tôi sau khi bố tôi mất,” ông út nói.

Ông cho biết, ông vượt biên sang Mỹ từ năm 1979 (trước bà mẹ), bắt đầu vừa học vừa làm cho đến năm 2009 thì mất việc. Trong thời gian đi làm, ông dành dụm được một số tiền lớn.

Năm 2011 khi thị trường nhà bắt đầu xuống giá, ông út nghĩ tới chuyện mua nhà. Dù vậy, đến cuối năm 2013 ông mới mua được căn nhà như đã nêu trên.

“Khi mua nhà, tôi cũng chưa có việc làm. Ông Cường thì không nhận lời giúp đứng tên nhà. Ông Andy thì sau một tuần suy nghĩ mới đồng ý đứng tên nhà dùm tôi,” ông út nhắc lại.

Ông út nói ông mua căn nhà với giá $550,000, bỏ tiền cọc là $160,000, đưa thêm tiền mặt cho ông ‘Đứng Tên’ $32,000 để bỏ vào tài khoản vì “lúc sắp mua được nhà lại khám phá ra ông này đang bị ‘bad credit’.” Ngoài ra, ông út còn bỏ ra khoảng $60,000 để sửa chữa lại căn nhà này.

“Tất cả tôi đều có giấy tờ chứng minh,” ông út khẳng định.

tranhchap nhacua 2
Căn nhà như bãi rác hay lòng người cũng tan nát? (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Một căn nhà, ba ‘hộ khẩu’

Ngoài bà mẹ và vợ chồng ông út, còn có ông Hảo Nguyễn, người anh cả cũng về ở chung trong căn nhà trên.

“Con cả của tôi, tên Hảo Nguyễn, bị tù gần 30 năm vì tội giết vợ, không có nhà cửa nên tôi kêu về ở chung,” người mẹ giải thích.

Ông út cho biết thêm trong thời gian ông cả ở tù, ông út chính là người “hằng năm viết thư lên tòa để xin giảm án cho ổng, hàng tháng gửi tiền vào cho ổng mua đồ ăn uống, quần áo, giày dép, trong khi những người anh kia không đếm xỉa gì đến.”

Ông út kể, “Năm 2011, khi ông cả mãn hạn tù, tôi là người đi đón ổng, cho ổng quần áo, computer, cho ổng ở cùng mobil home, chở ổng đi trình diện, làm tất cả mọi thứ mà tôi có thể làm được với trách nhiệm của một đứa em và một người con.”

Tuy nhiên, theo ông út, sau 30 năm ở tù ra, người anh cả “chắc bị choáng váng khi thấy người nào giờ cũng có xe, có việc làm, có chỗ ở, nên ổng bị áp lực, la lối, kiếm chuyện và ba tháng sau thì đòi đánh lộn với tôi.”

Nghĩ rằng ông cả là người “rất nóng tính,” nên khi chuyện xảy ra, ông út gọi cảnh sát. “Cảnh sát nói ông cả đang trong thời gian thử thách thì không nên để xảy ra những chuyện này và đề nghị ổng nên dọn ra ngoài.”

Ông út nói tiếp, “Khi đó mẹ tôi cảm thấy bất bình, bỏ đi theo ở với ông cả. Nhưng được bốn tháng thì bà về ở lại với tôi. Tôi nói hoan nghênh mẹ tôi về nhưng không thể cáng đáng thêm ông cả được. Mẹ không nói gì hết. Nhưng có lẽ bà không thích điều đó nên đã ôm mối hận trong lòng.”

Và ông út cho rằng đầu dây mối nhợ cho những gì đang xảy ra là có nguồn gốc từ chuyện này.

Cũng theo lời ông út, “ba tháng sau khi dọn vào nhà mới, mẹ tôi năn nỉ ‘mày thương thằng Hảo thì cho nó về ở. Tao hứa với mày nó không làm những chuyện như vậy nữa đâu, chứ giờ nó ở lang thang ở ngoài thấy tội quá.’ Tôi lại mủi lòng cho ổng vào ở.”

Ông út nói bà mẹ và ông anh, mỗi người mỗi tháng đưa ông $500. Về phần mình, mỗi tháng ông út cũng phải ký check trả nợ ngân hàng tiền mượn mua nhà.

Trong khi đó thì ông ‘Cho Tiền’ khẳng định những người này đều “giống người thuê nhà” nên hàng tháng phải gửi cho ông ‘Đứng Tên’ $500/người để ông này trả tiền ngân hàng.

Và như đã nói, ông ‘Đứng Tên’ từ chối tiếp chuyện với nhà báo.

tranhchap nhacua 3
Bên ngoài căn nhà đang bị tranh chấp, ông Thịnh Nguyễn (trái) đang nói chuyện với phóng viên Người Việt (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Sang tên nhà để trục xuất con út vì ‘ăn cắp tiền, đối xử tệ với mẹ’

“Chiến tranh” hay “bi kịch” gia đình bắt đầu bùng nổ từ khi xảy ra chuyện ông ‘Đứng Tên’ sang tên chủ quyền nhà cho ông ‘Cho Tiền.’

Bà mẹ kể tiếp, “Tháng 9, 2016, ông ‘Đứng Tên’ (Andy) sang tên chủ quyền nhà lại cho ông ‘Cho Tiền’ (Cường). Đồng thời, ông ‘Cho Tiền’ cũng trả hết số tiền căn nhà còn nợ cho ngân hàng.”

Bà nói, “Khi biết căn nhà được sang tên lại cho Cường, người con út nói rằng căn nhà đó là của hắn, tiền mua nhà là của hắn, và hắn đâm đơn thưa mẹ và ba người anh nhằm đuổi mọi người ra để chiếm căn nhà.”

Theo lời người mẹ, con út vin vào “phốt” con cả từng giết vợ để “kiếm chuyện đủ thứ” rồi uy hiếp và cuối cùng xin tòa ra lệnh trục xuất và cách ly con cả ra khỏi nhà 100 yards trong thời gian năm năm.

Ông cả, Hảo Nguyễn, qua điện thoại, cũng xác nhận những gì người mẹ nói là đúng.

Ông cả kể thêm, “Mấy chục năm ở tù, giờ ở bên cạnh mẹ để mẹ vui được ngày nào hay ngày đó, nên khi cậu em ‘Cho Tiền’ đưa tiền mẹ mua nhà thì tôi về ở chung. Nhưng mà ông út cũng lại kiếm hết chuyện này chuyện kia, nó kêu cảnh sát tới nói là tôi muốn giết vợ con nó, vợ con nó thấy tôi là sợ, mà trong khi tôi đâu có làm gì đâu, tôi chỉ ở trong phòng của tôi thôi.”

“Ra ngoài này đi làm, hoàn cảnh của người từng tù tội như mình khổ lắm. Mấy chục năm mình đã học bài học đau thương quá rồi, ra tù về nhà lại gặp anh em như vậy. Mình biết hoàn cảnh thân phận mình nên cứ ngó xuống mà sống, hy vọng ngày mai, vì trong tù mình đã ở gần 30 năm mà vẫn còn hy vọng thì ra ngoài này tại sao mình lại không có hy vọng. Tôi thương mẹ tôi nên mẹ tôi nói gì tôi nghe cái đó, tôi cứ bỏ qua bỏ qua, nhưng nó cứ kiếm hết chuyện này đến chuyện khác,” ông cả nói bằng giọng buồn rầu.

Theo lời ông cả, “nó xin tòa buộc tôi phải cách ly năm năm không được về nhà, muốn gặp mẹ tôi thì phải ra đứng đầu đường chờ. Tôi bị trục xuất ra khỏi nhà từ hôm 29 Tết vừa rồi.”

Bà mẹ phân tích, “Con út đã dụng mưu từ trước để chiếm đoạt căn nhà, nên mỗi lần tôi đưa tiền hắn bỏ tiền vào ngân hàng hắn giữ lại hết biên nhận. Hắn đuổi anh cả xong, hai ngày sau hắn quăng đồ đạc tôi ra đường, đuổi tôi ra khỏi nhà, nhưng tòa không đồng ý để hắn đuổi tôi đi.”

Trong khi đó, ông ‘Cho Tiền’ lại nói nguyên nhân xuất phát sự tranh giành ngôi nhà là vì người mẹ cho rằng ông út ăn cắp tiền và đòi đuổi ông út ra khỏi nhà.

“Mẹ tôi có một số tiền mặt cất giữ ở nhà theo kiểu gia đình Việt Nam. Khi bà đi Canada chơi, bà đưa cho ông cả giữ dùm. Không ngờ ông út lục lọi lấy đi số tiền đó. Mặc dù vợ chồng nó nhất định nói không có lấy nhưng mẹ tôi giận nói ở trong nhà mà nuôi ong tay áo như vậy thì đừng ở. Khi đó, ông út mới giở mòi nói nhà này là nhà của nó chứ không phải của ai hết, rồi chửi mắng mẹ tôi,” ông ‘Cho Tiền’ kể.

“Nếu nhà này của ông út thì nó đã đứng tên rồi chứ trên đời này làm gì có chuyện bỏ một trăm mấy chục ngàn ra đâu có dễ, không giống như tôi không có tính toán, vì tôi chỉ cho bà cụ mượn tiền mua nhà để ở thôi, chứ tôi cũng có nhà rồi,” ông ‘Cho Tiền’ giải thích.

Chính vì ông út “đối xử tàn tệ với mẹ” nên ông ‘Cho Tiền’ mới nghĩ đến chuyện trục xuất gia đình ông út đi.

Cũng theo lời ông ‘Cho Tiền’ thì ông ‘Đứng Tên’ ở xa, lấy lý do bận rộn làm ăn không chịu xuống làm giấy tờ đuổi ông út nên phải sang tên nhà lại cho ông ‘Cho Tiền’ để ông này làm việc đó.

Sở dĩ ông ‘Cho Tiền’ không đứng tên căn nhà này từ đầu là vì “thu nhập không đủ đứng cùng lúc hai căn nhà.” Thế cho nên, để đủ tư cách pháp nhân đứng tên căn nhà ở Anaheim, ông ‘Cho Tiền’ phải mang căn nhà ông đang ở tại Garden Grove đi cầm, mượn thêm ‘second loan’ $260,000 để trả ‘pay off’ cho căn nhà Anaheim.”

“Khi biết tôi đứng tên căn nhà thì ông út nhảy vô nói nhà của nó. Nó nộp đơn thưa kiện, đòi đuổi mẹ đuổi anh ra. Trên đời này tôi chưa thấy đứa con nào tàn nhẫn như vậy,” ông ‘Cho Tiền’ nhận xét. Ông cũng cho biết ông phải tốn tiền luật sư khá nhiều để giải quyết những chuyện thưa kiện liên quan đến vấn đề này.

Bà mẹ kể một cách buồn bã, “Vợ chồng ông út chửi tôi, đối xử với tôi khủng khiếp lắm. Hắn nói ‘tôi sẽ đuổi bà ra, sẽ làm cho hai người con của bà đi tù, tôi sẽ làm cho thằng Hảo bị trục xuất về Việt Nam.’

“Tôi sống như ở tù. Còn gì đau đớn hơn khi nghe con chửi mẹ bằng những lời tục tĩu. Nhưng lý do tôi phải ở lại trong căn nhà đó là để làm nhân chứng. Tôi phải ở lại để chứng kiến, để nói ra sự thật. Mẹ thì hy sinh cho con. Xưa giờ chỉ có con giết mẹ, con bỏ mẹ, chứ mẹ sao bỏ con được,” người mẹ nói.

tranhchap nhacua 4
Một góc căn nhà đang tranh chấp: phòng khách bị ‘chiếm dụng’ để đặt nệm giường, và ngăn cách bên ngoài bởi những mảng thùng carton. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Con út đi kiện để đòi công bằng

Về phần mình, ông út cho rằng cuộc sống cứ diễn ra bình thường như vậy cho đến khi ông phát giác ra chuyện căn nhà được âm thầm sang tên cho ông ‘Cho Tiền’ vào Tháng Tám, 2016.

“Có lý do gì mà nhà tôi mua, nhờ ông Andy đứng tên dùm, mà giờ âm thầm sang tên cho ông Cường lại không nói cho tôi một tiếng nào?” Ông út nêu vấn đề.

Suy nghĩ về nguyên nhân của toàn bộ sự việc này, ông út cho rằng, “Có lẽ mẹ tôi đã âm thầm ôm mối hận từ khi tôi gọi cảnh sát để đuổi ông anh cả đi lúc còn ở mobile home, vì bà thương ông ấy nhất nhà. Đầu dây mối nhợ tôi nghĩ là mẹ tôi bày ra cái kế như vậy để cướp căn nhà của tôi để cho ông cả.”

“Khi phát hiện ra âm mưu này, tôi thấy không xong rồi, tôi nói họ đừng làm như vậy. Nếu muốn thì trả hết tiền nhà lại cho tôi để gia đình tôi dọn ra, chứ sao lại toa rập cướp nhà của vợ chồng tôi? Nếu tôi nhớ không lầm thì đầu Tháng Chín tôi đi tìm luật sư nói chuyện, rồi về suy nghĩ. Đến ngày 13 Tháng Chín tôi quyết định nộp đơn kiện đòi lại công bằng cho mình,” ông út cho biết.

Ông út nói từ Tháng Chín đến giờ, mẹ ông đã hai lần nộp đơn ra tòa Santa Ana thưa ông về tội “giam cầm, đánh đập không cho bà ăn uống, không cho bà đi lại.”

“Chưa hết, nhiều lần bà gọi cảnh sát tới nói vợ chồng tôi đánh bà, xô bà, muốn giết bà. Nhưng rất may là nhà tôi có camera an ninh nên cảnh sát biết tôi bị vu oan,” ông kể.

“Mẹ tôi còn lên báo cảnh sát rằng tôi gia nhập ISIS, tôi dạy mấy đứa con tôi đặt bom. Rồi nói tôi muốn ngủ với em gái của bà, người năm nay cũng đã 83 tuổi rồi. Ôi trời ơi!” ông út kêu lên một cách thảng thốt khi nhắc lại. “Cảnh sát nói với tôi rằng họ nghĩ là mẹ tôi bị tâm thần và khuyên tôi nên đi nói với bác sĩ.”

Ông thở dài ngao ngán, “Nói chung là không thể tưởng tượng được. Tôi sống ở Mỹ này 35 năm hơn rồi. Tôi đọc báo hay tin tức và nghĩ những chuyện này chỉ xảy ra cho người ta thôi, nhưng bây giờ thì nó xảy ra cho tôi, cho gia đình tôi.”

Ông út phủ nhận chuyện “ăn cắp tiền” mà ông ‘Cho Tiền’ kể ở trên.

“Tôi nghĩ chắc đồng tiền có giá trị của nó, nhưng mà giá trị cũng đến mức độ nào thôi, chứ để đồng tiền đến mức toa rập độc ác như thế này thì… Đến giờ này lòng thương của người con đối với người mẹ trong tôi đã cạn rồi, không còn nữa,” ông trầm giọng.

Trả lời câu hỏi “Trong cơn bực bội giận dữ có khi nào ông dùng những lời nặng nề đối với mẹ ông không?”, ông út nói, “Tôi không nhớ chắc mình đã nói gì, nhưng tôi nghĩ mình là con người bằng xương bằng thịt mà khi có người độc ác với mình quá thì làm sao tôi có thể tránh được chuyện đó, tôi không phải thánh cũng không phải sắt đá.”

Vợ ông út, bà Trần Thị Mến, chia sẻ, “Sau chuyện này tôi thấy rằng khi lập gia đình rồi thì mình chỉ ở với gia đình mình thôi, không ở chung với bất cứ ai khác hết, đây là bài học quá lớn đối với tôi.”

“Bao nhiêu năm trời, bao nhiêu tấm lòng của chồng tôi bỏ ra giúp gia đình, thương mẹ thương anh, vậy mà chính người mẹ đẻ lại nhẫn tâm vu khống muốn đuổi chúng tôi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Làm sao tụi tôi sống đây khi bao nhiêu tiền của tụi tôi đổ hết vô cái nhà này? Tụi tôi chống đỡ là vì sự sống còn của chính mình. Tôi không thể tưởng tượng được, thấy cuộc đời bế tắc khi bị người thân trong gia đình đối xử như vậy. Nhà tôi tan nát hết. May mắn là tụi tôi có đức tin, bám vào Chúa để mà sống,” bà vợ nói.

Hiện tại, ông út chờ ngày tòa phân xử, “có thể phải mất một năm.”

“Mọi sự quyết định cuối cùng là do tòa và tôi chấp nhận theo phán quyết ấy. Không cần biết thắng hay thua, sau vụ này tôi sẽ bán căn nhà, không muốn ở đây để nhớ lại những biến cố này nữa, nó đau quá,” ông út nói.

Khi bài báo này đến tay độc giả, thì nhà nhà đang chuẩn bị đón ngày Lễ Mẹ. Những lời ngợi ca lòng mẹ thương con và tình con thương mẹ vang lên khắp nơi. Nhưng có lẽ điều đó trở nên thiếu vắng trong ngôi nhà này.

Ai đúng? Ai sai? Tùy theo quyết định của tòa án trong thời gian tới.

Tuy nhiên, sẽ không ai là kẻ thắng trong ‘trận chiến’ này. Bởi, họ phải đánh đổi quá nhiều, ngay cả điều người ta gọi là thiêng liêng nhất: Tình mẫu tử.